Du lịch hy vọng hồi sinh câu chuyện Fukushima

25/10/2023

Tỉnh Fukushima của Nhật Bản đã trở thành điểm đến có một không hai cho du khách muốn tìm hiểu về thảm họa động đất - sóng thần xảy ra vào tháng 3/2011.

Trận động đất đã khiến hơn 18.000 người thiệt mạng và gây hư hại nhà máy điện hạt nhân, dẫn đến rò rỉ phóng xạ, buộc 150.000 người phải di dời. Sau 12 năm, vẫn còn 30.000 người chưa thể trở về nhà. Đã có một số địa điểm lưu trữ ghi lại sự phục hồi dần dần của Fukushima như: Bảo tàng tưởng niệm thảm họa hạt nhân và động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản, Bảo tàng Hồi sinh và Tưởng niệm Iwaki 3.11… Những địa điểm này cung cấp các nguồn tài nguyên, thông tin cho những du khách muốn tìm hiểu, từ bảng hướng dẫn đa ngôn ngữ với bản đồ, đồ thị và hình ảnh… cho đến khán phòng chiếu video clip về thảm họa.

Những hình ảnh, hiện vật gây xúc động người xem.

Những hình ảnh, hiện vật gây xúc động người xem.

Thời gian gần đây, có thêm những địa điểm nhỏ hơn nhắc về thảm kịch Fukushima đã được đánh giá cao ở địa phương. Ví dụ, tại một thị trấn “ma” sau khi sơ tán dân di dời, căn nhà kho bằng gỗ hai tầng nằm trên một bãi đất trống ở Minamisoma, cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima khoảng 15km, đã trở thành nơi trưng bày 50 tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ thảm họa. Nổi bật là tác phẩm chạm khắc gỗ của một nhà điêu khắc. Trên lối vào nhà kho có một tấm bảng mang dòng chữ “Bảo tàng tưởng niệm của chúng tôi”. Một rào chắn giống như những rào chắn dùng để phong tỏa các khu sơ tán được dựng trước một bức tường đầy tranh, hàng vỏ sò mỏng manh, màu sắc nhẹ nhàng kèm theo kệ trưng bày…

Người phụ trách bảo tàng - nhiếp ảnh gia Jun Nakasuji, nổi tiếng với những tác phẩm chụp TP Chernobyl của Ukraine bị tàn phá bởi thảm họa nhà máy hạt nhân năm 1986, cho biết, các nghệ sĩ đã tổ chức một số những cuộc triển lãm kể từ năm 2011. Nhưng từ lâu, ông đã muốn tạo ra một nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật liên quan đến thảm họa.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ông Nakasuji nói: “Các đài tưởng niệm công cộng do chính quyền tỉnh và TEPCO điều hành trình bày cốt truyện mà họ muốn mọi người nghe. Nhưng đằng sau những câu chuyện đó có rất nhiều người đã trở thành nạn nhân, hoặc phải chịu đựng những sự cố đó. Tôi nghĩ, chúng ta cũng cần nêu bật điều đó”.

Tòa nhà lò phản ứng số 3 và các bể chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Okuma, tỉnh Fukushima.

Tòa nhà lò phản ứng số 3 và các bể chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Okuma, tỉnh Fukushima.

Từ những bảo tàng địa phương nhỏ lẻ tự phát này, nhận thấy cơ hội tiềm tàng do du khách đến thăm lại địa điểm thảm họa, tỉnh Fukushima đã đưa ra sáng kiến Hope Tourism (tạm dịch Du lịch Hy vọng) nhằm giúp du khách tìm hiểu về thảm họa và các vấn đề kinh tế - xã hội rộng hơn, như suy giảm dân số, xã hội già hóa của Nhật Bản và các vấn đề năng lượng. Sáng kiến này đã thành công với kỷ lục 17.806 người đến thăm Fukushima trong 12 tháng (tính đến tháng 3/2023), gần gấp đôi số lượng khách của năm trước. Theo tờ Fukushima-Minpo, nhu cầu này đang ngày càng tăng ở các trường học, công ty và tổ chức công.

Hope Tourism được đánh giá là mang lại sự sáng tạo, đưa ra được một góc nhìn nhân văn, có chiều sâu hơn. Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của sáng kiến này có thể là tên của chương trình nghe tích cực hơn nhiều so với “du lịch đen tối”, thuật ngữ thường được dùng để mô tả chuyến du lịch đến những nơi gắn liền với chết chóc và bi kịch. Tài liệu quảng cáo du lịch của chương trình lưu ý: “Chúng tôi không sử dụng các thuật ngữ như “học tập về động đất hoặc phòng chống thiên tai” để mô tả những gì chúng tôi đã học được từ thực tế và từ thảm họa này, cũng như những thách thức mà nó đặt ra cho quá trình hồi sinh”.

- Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng Online
RELATED ARTICLES