Lễ đổi gác tại Đại Nội - Huế là một trong những nghi lễ Cung đình của triều đình nhà Nguyễn, được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng từ năm 2013 đến nay. Trước đây, thời gian biểu diễn Lễ đổi gác diễn ra từ 19h đến 20h hàng ngày; nhưng ba năm trở lại đây, nghi thức này được đổi sang buổi sáng, bắt đầu lúc 8h30 hàng ngày.
Hiện tại, nghi lễ đổi gác đang được biểu diễn miễn phí hàng ngày tại Ngọ Môn, cùng với các chương trình nghệ thuật Cung đình Huế khác để phục vụ du khách đến tham quan khu di sản.
Theo NSƯT Trần Đại Dũng - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, việc xây dựng Lễ đổi gác được phục dựng nhằm bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của di sản Huế, dựa trên những miêu tả về đời sống và công việc của những người lính Vệ Cẩm y dưới triều Nguyễn.
Dưới triều Nguyễn, trong Kinh thành luôn có hai lực lượng quân lính làm nhiệm vụ canh gác và tuần tra. Đến giờ, các tốp lính sẽ tiến hành nghi lễ đổi gác, thay phiên nhau hoàn thành nhiệm vụ trong ngày.
Theo cuốn Khâm đinh Đại nam Hội điển Sự lệ, việc canh gác và thay phiên này được quy định chặt chẽ: “Phàm lính túc vệ ở cung cấm và lính thủ vệ ở các cửa Tử cấm thành, Hoàng thành, đến phiên canh mà không canh gác (người đã hết phiên canh rồi) tự tiện thay thế cho mình cả người đi thay thế ấy, đều phải phạt 60 trượng. Đem người không phải là lính túc vệ, thủ vệ mạo danh mình tự tiện thay thế với nhau, cả người đi thay thế ấy, đều phải phạt 100 trượng. Nếu là quan viên, đều phải gia nặng lên một bậc [...]".
Trong Lễ đổi gác được phục dựng, biên chế gồm có dàn đại nhạc, tù và, cờ lệnh cùng với những người lính đầu đội nón, mình mặc áo dấu, chân quấn xà cạp, tay cầm giáo… Tất cả các tốp lính đều theo hiệu lệnh của vị quan võ để thực hiện nghi thức đổi gác, bắt đầu khi tiếng tù và đổi gác bắt đầu.
Xem thêm về nghi thức đổi gác triều Nguyễn qua đoạn phim ngắn dưới đây: