"Năm 2019, trước dịch bệnh, chúng tôi ghé Huế thăm Đại Nội lần đầu tiên, hào hứng lắm vì biết trong Đại Nội có biểu diễn Ca Huế. Nhưng sau đó, vì không đủ số lượng khách tham dự tối thiểu, chương trình Ca Huế không được diễn ra" - anh Khải Quân, một trong hai thành viên của kênh du lịch Wanderful Dreamers kể lại. "Nhưng điều khiến tôi bất ngờ nhiều hơn, là khi đi trong Đại Nội, tôi tình cờ nghe thấy một vị khách ngoại quốc đang hỏi hướng dẫn viên - tấm áp phích giới thiệu về Ca Huế kia nghĩa là gì? - và người hướng dẫn viên đó nói: Không cần để ý, vì chương trình đó xem... mất thời gian lắm".
Bẵng qua hơn hai năm dịch bệnh, nay, anh Khải Quân một lần nữa "được" bất ngờ về diện mạo du lịch Huế. Đó là khi thành phố thông báo chính thức đưa Ca Huế trở lại trong Đại Nội, và lần này, hoàn toàn miễn phí.
Huế mang di sản văn hóa trở lại trong Cung đình, và hoàn toàn miễn phí
Ngay thời điểm bạn đọc bài viết này, các chương trình văn hóa độc đáo đã diễn ra mỗi ngày tại Đại Nội - Huế. Được tổ chức bởi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để thu hút khách đến tham quan khu di sản, chuỗi chương trình bắt đầu từ lễ đổi gác vào sáng sớm, đến các màn biểu diễn Ca Huế hay Tuồng Cung đình vào buổi chiều. Điểm đặc biệt nhất, các hoạt động diễn ra đều đặn hằng ngày và không bán vé.
Thời gian này, Điện Thái Hòa - một điểm di tích được yêu thích nằm trong Đại Nội - lại đang trong quá trình trùng tu. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã nhanh chóng triển khai hình thức du lịch thực tế ảo bằng công nghệ 3D; thông qua màn hình LED kích thước lớn dựng ở mặt trước và sau của ngôi điện, du khách vẫn có thể dễ dàng "tham quan" hình ảnh.
Không chỉ trong Đại Nội, thành phố Huế cũng đã, đang và sẽ có thêm nhiều chương trình quy mô rộng khác nhằm kích cầu du lịch năm 2022: tuyên truyền cho người dân và du khách cùng mặc áo dài trong dịp 8/3; tổ chức thi chạy marathon "Vì một Huế xanh" hay lễ hội đua ghe truyền thống; triển khai hệ thống xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm thành phố; và sắp tới đây, Huế sẽ khai trương “Phố đêm khu vực Hoàng thành” từ ngày 22/4 (cũng là tuyến phố đi bộ đầu tiên không bán đồ uống có cồn).
Có thể thấy, Huế đang rất tích cực trong việc gìn giữ và lan toả giá trị di sản - văn hoá - nghệ thuật của đất Thần Kinh. Các sự kiện, chương trình trên diễn ra không chỉ để giới thiệu bản sắc thành phố tới cho du khách từ bên ngoài, mà còn để nâng cao nhận thức của chính người dân Huế về quê hương mình.
Kích cầu du lịch, và công sức của chính quyền lẫn người dân
Không chỉ dừng lại ở những sự kiện được quảng bá qua báo chí, truyền thông, nếu theo dõi nhiều hơn trên các mạng xã hội, bạn sẽ nhận ra rằng làn gió du lịch mới ở Huế được đóng góp bởi tất cả - từ lãnh đạo đến người dân.
Khi mối quan tâm của du khách dành cho Huế tăng cao hơn, nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện trên mạng, xoay quanh việc giá vé tham quan di tích Cố đô Huế là đắt hay rẻ. Một số người bày tỏ rằng: giá vé hiện tại là quá cao cho một điểm tham quan lịch sử, cũng như nên có chính sách ưu đãi cho người dân Huế khi đến tham quan những điểm này.
Không lảng tránh, và cũng không phản hồi bằng các văn bản quy chuẩn, ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành uỷ Huế, đã đưa ra ý kiến trên trang Facebook cá nhân của mình. Trong đó, ông viết:
[...] Đắt hay rẻ của một vé tham quan di tích không đơn giản như ta mua một món hàng thông thường. Nó tùy thuộc vào mức độ cảm nhận văn hóa, lịch sử; mục đích vào tham quan di tích và khả năng chi tiêu của mỗi người. Do đó, có thể đối với những người chú trọng đến nghiên cứu văn hóa, lịch sử, tìm kiếm cội nguồn cha ông, hoặc đơn giản mua vé vào di tích với suy nghĩ đóng góp chút ít chi phí bé nhỏ để trùng tu, sửa sang di tích tổ tiên để lại... thì mức phí này không đắt. Ngược lại, đối với những người chỉ vào tham quan cho biết, hoặc chỉ để chụp ảnh kỷ niệm, có thể giá phí đã quy định lại là cao nếu họ thấy chán, thấy không có hứng thú hoặc dịch vụ không chu đáo [...]
Về những ý kiến nên giảm giá vé tham quan cho người dân Huế, ông Phan Thiên Định cũng để lại bình luận: Nếu mình nghĩ di sản chỉ của Huế mà thôi, mình không bao giờ có đủ tiền để trùng tu di tích. Đây là di sản của Việt Nam và thế giới, mọi người đều có trách nhiệm chăm lo trùng tu, gìn giữ, phát huy. Nếu Huế đòi riêng ưu đãi cho mình thì người ngoài Huế - ai sẽ đóng tiền vào Quỹ Bảo tồn Di sản Huế?
Điều đáng nói, ông Phan Thiên Định không phải là người chịu trách nhiệm phát ngôn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, bài chia sẻ gần 1.000 chữ trên trang cá nhân của ông hoàn toàn mang tính chất... chia sẻ cá nhân. Nhưng qua đó, công chúng đều đã thấy được phần nào một thái độ thẳng thắn, văn minh và cầu thị của những người làm du lịch Huế.
Song song với sự tổ chức của lãnh đạo chính quyền, người dân thành phố Huế - từ trẻ đến già - cũng hưởng ứng tích cực. Họ không chỉ dọn dẹp đường phố vào Ngày Chủ nhật xanh hay dịp lễ tết; họ giữ sạch đường phố, con sông của mình ngày ngày. Nếu đến Huế trong thời gian này, thật khó để tìm thấy những nhúm rác trôi nổi trên sông Hương hay những mùi kì lạ từ các góc đường. Du khách bây giờ không chỉ quen với màu tím mộng mơ đặc trưng của xứ Huế nữa, họ sẽ quen với cả màu xanh, của cây lá và phố phường.
Có lẽ, chỉ ở Huế, người ta mới bắt gặp những câu chuyện ngộ nghĩnh và "chân chất" như: một người dân phát hiện người khác đem túi rác ra vứt trộm ở sông Hương, mới vội chụp lại bằng chứng và... báo cáo lên chính quyền, để chính quyền kịp thời phê bình, nhắc nhở.
Shi Jang, CEO của Oriental Sky Travel & Tour, một công ty du lịch trụ sở tại Huế, chia sẻ: "Thực ra, không hẳn là Du lịch Huế thay đổi từ đầu năm đến giờ, mà sự thay đổi đó đã diễn ra vài ba năm nay. Giai đoạn từ năm 2020 đến nay thì đặc biệt hơn vì chúng ta đã nhìn thấy được nhiều giá trị rõ rệt. Từ chính quyền thành phố đến Sở Du lịch tỉnh đều cởi mở, cầu thị hơn trước những ý kiến đóng góp và đề xuất-kiến nghị của các đơn vị làm du lịch, người làm du lịch và du khách. Khía cạnh truyền thông về Du lịch Huế cũng được chú trọng hơn, cả về nội dung lẫn hình thức".
"Khi mọi người cùng chung tay, tôi tin là Huế sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt, khiến người ta tìm về Huế nhiều hơn, rồi thương Huế, nhớ Huế hơn".
Du lịch, đi cùng văn hoá và lịch sử
Mới đây, ở Huế còn nổi lên câu chuyện di dời căn biệt thự 100 tuổi ở số 26 đường Lê Lợi. Biệt thự cổ đó nguyên là trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế, mang kiến trúc Pháp và được xây dựng đầu thế kỷ 20. Dù vậy, căn biệt thự không có tên trong danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu để bảo tồn trên địa bàn TP. Huế mà UBND tỉnh ban hành vào đầu năm 2018.
Theo kế hoạch, thành phố cần đập bỏ căn biệt thự để xây dựng khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp tại khu vực. Tuy nhiên, đến hiện tại, chính quyền đã quyết định giữ lại công trình kiến trúc cổ này, thậm chí còn tiến hành mời ông Nguyễn Văn Cư - người có biệt danh "thần đèn" với khả năng di dời những căn nhà "hóc búa" nhất, đến để thực hiện di dời căn biệt thự số 26 Lê Lợi sang vị trí khác. Thay vì phá bỏ như kế hoạch, chính quyền Huế đã lựa chọn chi trả thêm một khoản tiền không hề nhỏ để giữ lại nó.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, chia sẻ: "Mặc dù ngôi biệt thự này không có tên trong danh sách 27 biệt thự Pháp trên địa bàn thành phố được bảo tồn, chúng tôi vẫn quyết định giữ lại biệt thự ở vị trí đối diện, với mong muốn lưu giữ hồn vía cho đô thị Huế trong quá trình phát triển".
Huế mới "hồi sinh" ngành Du lịch được gần 3 tháng, những dự án mới còn đang trong giai đoạn ấp ủ, triển khai dần. Nhưng, nếu nhìn vào cách người dân "đối xử" với con đường và phố phường của họ, nhìn vào cách chính quyền "đối xử" với một căn biệt thự già, chúng ta có thể kỳ vọng vào tương lai khả quan của Du lịch Huế chăng?
Những làn gió du lịch, dù mới, nhưng không thổi vào đất Cố đô điều gì quá xa xỉ, lạ lẫm; mà lại như ngọn đuốc mồi giúp bảo tồn và lan tỏa chính giá trị di sản của thành phố này. Với quyết tâm phát triển Du lịch - đi cùng Văn hóa và Lịch sử - của Huế, ta thậm chí có thể kỳ vọng rằng sự phát triển ấy sẽ vươn cao, vươn xa và bền vững, như chính những bức tường thành, lăng tẩm kiên cố ngụ trên đất này.