Màu Huế trong những chiếc bánh in

14/03/2022

Ẩm thực luôn là một phần quan trọng trong văn hóa cố đô. Tại một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Hương, trải qua bao đổi thay lịch sử, người dân vẫn duy trì nghề làm bánh in, như cách giữ gìn một phần di sản của mảnh đất này. 

Nguồn gốc chiếc bánh in

Bánh in được cho rằng bắt nguồn từ làng Kim Long, dưới thời của các vua Nguyễn. Bánh chuyên dùng để tiến vua thưởng trà, nên còn được gọi là bánh tiến vua.

Làng Kim Long, hay còn gọi là Kim Luông, hình thành cách đây khoảng 400 năm. Năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan dời thủ phủ về Kim Long, biến nơi đây trở thành trung tâm hành chính, quân sự đất Đàng Trong một thời. Sau này dưới thời triều Nguyễn, đất Kim Long được ban cho các bậc thân vương, đại thần xây cất phủ đệ. Suốt mấy trăm năm, ngôi làng này chỉ dành cho giới quý tộc, quan lại.

Người làng Kim Long bây giờ kể lại rằng, trong ngày cận Tết Nguyên đán, một vị vua (Nguyễn) bỗng muốn có món nhắm cùng trà nhạt. Vua bèn truyền vài bô lão khéo tay ở Kim Long làm ra món ăn vừa ngon, vừa không đắt đỏ, để cho vua thưởng trà.

Sau một hồi bàn bạc, các bô lão nhận thấy nguồn đậu xanh ở đây luôn sẵn có, dồi dào nhất; chỉ cần kết hợp với chút đường cát là đủ thành miếng ngon; chi phí làm bánh lại rẻ. Và thế là chiếc bánh đậu xanh đầu tiên được làng Kim Long dâng lên vua sau đó, với hình chữ “Thọ” in trên mặt bánh, ngụ ý chúc vua trường thọ. Vua ăn thử thấy ưng bụng, truyền lệnh lưu giữ nghề này đến những đời sau.

Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải

Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải

những chiếc bánh nhỏ gọn mà cầu kì

Ở làng Kim Long ngày nay, có khoảng 20 cơ sở sản xuất bánh “tiến vua”. Bánh được người dân dùng để cúng ông bà tổ tiên, đãi khách vào những dịp lễ, tết. Bánh cũng được biến đổi, từ hình vuông nay đã có thêm nhiều hình dạng khác như tròn, chữ nhật, lục giác... Nguyên liệu làm bánh cũng đa dạng hơn, nhưng phổ biến và được ưa chuộng nhất vẫn là từ đậu xanh.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tuy là một chiếc bánh nhỏ nhắn, để chế biến bánh in, người làm phải tiến hành rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, ngay từ khâu chọn nguyên liệu đã cần phải kỹ lưỡng. Người thợ chọn bột trắng nhất, đường ngon nhất, đậu xanh nguyên vỏ, hạt tròn đều. Đậu được ngâm 5 tiếng và đãi sạch vỏ qua nhiều lần nước rồi nấu chín. Khi nấu, đậu được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo nguyên liệu chín tới.

Sau đó, đậu trộn cùng đường trắng, đun trên bếp nấu chín rồi để nguội đến khi khô lại, 24 tiếng sau mới đem đi giã. Sau khi giã xong, bột được chà để lấy những hạt mịn đều. Trước khi đem in thành bánh, bột được mang qua máy cán cho tơi, khi đó, bề mặt bánh sẽ láng mịn, đẹp mắt.

Ông Nguyễn Xuân Lạng (86 tuổi), đã làm bánh in - bánh sâm - bánh dứa hơn 70 năm (Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)

Ông Nguyễn Xuân Lạng (86 tuổi), đã làm bánh in - bánh sâm - bánh dứa hơn 70 năm (Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)

Bánh được in bằng khuôn hình dáng khác nhau. Phổ biến nhất là in hình chữ thọ. Trong lúc in, người thợ thoăn thoắt gạt đều tay để bánh vuông vức, không bị nghiêng. Lực in vừa phải, không quá mạnh làm vỡ bánh, nhưng cũng không quá yếu. Tiếp theo, bánh được sấy trong lò kín đủ 12 tiếng để có độ giòn thơm hòa quyện.

Khi bánh ra lò, mọi người tập trung để gói bánh. Bánh in được gói giấy bóng với 5 màu tượng trưng cho ngũ hành, thể hiện mong muốn một năm mới sung túc, đủ đầy. Bởi vậy nên bánh còn được gọi là bánh ngũ sắc.

Sau khi gói bánh, xây tháp là công đoạn cuối cùng. Bánh được xây theo mô hình tháp Phước Duyên, biểu tượng của chùa Thiên Mụ. Thông thường, tháp sẽ có 5 tầng, 12 tầng, số lượng tùy thuộc vào nhu cầu. Ở công đoạn này, người nghệ nhân phải xếp bánh cần tỉ mỉ, cẩn thận, nhẹ tay để bánh không vỡ.

Bánh in, cùng với những loại bánh đặc trưng ngày Tết khác của Huế, được bày biện tại Hue Ancient Houses (Ảnh: Thiên Minh)

Bánh in, cùng với những loại bánh đặc trưng ngày Tết khác của Huế, được bày biện tại Hue Ancient Houses (Ảnh: Thiên Minh)

Cứ vào những tháng cuối năm, các cơ sở sản chế biến bánh in xứ Huế lại được tất bật với những đơn hàng số lượng lớn, phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Theo thời gian, bánh in cũng trở thành một nét văn hóa truyền thống, gợi nhắc du khách về hình ảnh đặc trưng, chỉ có vào dịp Tết - Xuân xứ Huế.

Không chỉ được bày biện tại những điểm tín ngưỡng, giờ đây, du khách khi đến Huế trong những ngày xuân sẽ dễ dàng bắt gặp chiếc bánh in trong những khu nghỉ dưỡng, nhà vườn, hay những không gian văn hóa hiện đại.

PV tổng hợp
RELATED ARTICLES