Trái tim của kinh thành Thăng Long xưa, phố cổ Hà Nội, từ lâu đã được biết đến như một biểu tượng văn hóa truyền thống, nơi lưu giữ những giá trị tinh túy của người Tràng An thanh lịch. Tuy nhiên, theo guồng quay của thời gian và quá trình đô thị hóa, những ngôi nhà cổ kính, mang đậm dấu ấn kiến trúc Thăng Long - Kẻ Chợ xưa đang dần trở nên hiếm hoi.
Giữa lòng phố thị ồn ào, náo nhiệt, những ngôi nhà cổ còn sót lại như những chứng nhân lịch sử thầm lặng, kể lại câu chuyện về một Hà Nội xưa cũ, về những nếp nhà rêu phong, mái ngói thâm nâu, về những con ngõ nhỏ quanh co, hun hút. Mỗi ngôi nhà, mỗi con ngõ đều ẩn chứa trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc độc đáo, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, những người muốn tìm hiểu và khám phá vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của Hà Nội.
Nhà cổ Mã Mây với không gian lưu giữ nét đẹp Hà Nội xưa
Ngôi nhà cổ Mã Mây được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, là một trong 14 ngôi nhà cổ cuối cùng còn tồn tại ở thủ đô Hà Nội mà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc truyền thống của nhà cổ Hà Nội. Do đó ngôi nhà đã được được đưa vào diện bảo tồn nhằm giữ lại dấu ấn của một Hà Nội xưa. Suốt nhiều thế kỷ, ngôi nhà đã trải qua nhiều lần đổi chủ.

Đây là một trong những ngôi nhà cổ hiếm hoi còn giữ được nét kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa
Ngôi nhà cổ này là một minh chứng cho kiến trúc truyền thống tại một trung tâm đô thị cũ của Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 và dành để giao thương, buôn bán. Hà Nội được biết đến với những ngôi nhà ống, và căn nhà này cũng không ngoại lệ. Nhà ống là một dạng ống dài, hẹp và được chia thành các khu vực phục vụ mọi nhu cầu của gia đình, thương mại và nơi ở. Ngay khi bước vào bên trong, các bạn sẽ thấy những khoảng trống lớn.



Nhà cổ Mã Mây có cấu trúc chịu lực chính là gỗ, bao gồm hệ thống cột gỗ, dầm gỗ và kèo gỗ. Tường xung quanh ngôi nhà được xây bằng gạch theo phương pháp xây dựng truyền thống từ xa xưa, sử dụng vôi vữa chứ không sử dụng xi măng. Kết cấu mái nhà là hệ thống kèo gỗ theo truyền thống của nhà dân gian với mái dốc về hai phía và được lợp bằng ngói ta. Lớp ngói gồm có lớp ngói lót và lớp ngói mũi hài.

Tất cả cấu trúc, vật liệu xây dựng, kiến trúc và các đồ vật sinh hoạt đã được bảo tồn và giữ nguyên như ban đầu
Tất cả các chi tiết kiến trúc bên trong nhà cổ Mã Mây được xây dựng theo phương pháp đối xứng với cửa đi chính ở giữa và hai cửa bên cạnh mở rộng được sử dụng để buôn bán. Cửa sổ rộng hướng ra mặt phố được làm bằng gỗ ván và có thể tháo rời. Các cửa ra vào với cửa bán hàng là cửa bức bàn có then cài. Phía trên các cửa đi và cửa bán hàng là phần ô cửa thông thoáng được trang trí bằng các con tiện gỗ chạy dọc suốt mặt tiền. Do đó, khi phần cửa dưới được đóng lại, phần cửa trên chính là nơi để ánh sáng và gió tự nhiên vào toàn bộ ngôi nhà. Cửa ra vào của tầng hai có thiết kế theo kiểu cửa thượng song hạ bản và được trang trí bằng hình khắc gỗ tứ quý.



Sau hơn 100 năm tồn tại trên mảnh đất thủ đô, Nhà cổ hiện nay đã trở thành một địa điểm tham quan không thể bỏ qua khi tới Hà Nội. Đồng thời cũng là nơi kết hợp trưng bày các sản phẩm thủ công của các làng nghề như trà, dệt lụa hay gốm sứ… Đến với nhà cổ vào mùa đông, nơi đây còn được trang trí bởi những loài hoa đặc trưng của Hà Nội như cúc hoạ mi hay hoa đào khoe sắc. Nhà cổ 87 Mã Mây thực sự là một nơi lưu giữ dấu mốc vững vàng cho lịch sử phát triển kiến trúc của phố cổ Hà Nội.
Trung tâm văn hóa nghệ thuật Hà Nội - tọa độ giao thoa văn hóa Việt, Trung, Pháp
Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm tọa lạc ngay giữa lòng thủ đô hoa lệ với diện tích lên tới 1.800 m2, nơi đây trước kia chính là Hội quán của người Quảng Đông. Phố Hàng Buồm xưa thu hút rất nhiều người Hoa đến sinh sống và giao thương buôn bán. Ban đầu họ chủ yếu tập trung ở phố Việt Đông (nay là phố Hàng Ngang), sau đó dần dần lan sang các phố xung quanh như phố Hàng Bồ, phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông) rồi mới đến phố Hàng Buồm.

Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm - điểm hẹn của những người yêu nghệ thuật



"Con phố cũng như những dòng sông chảy trôi không ngừng, bao kiếp người qua, bao kiếp người tới. Trong vòng chảy của thời gian bất tận ấy, con phố nào cũng đầy ắp những kỷ niệm vui buồn. Phố Hàng Buồm là một trong những con phố tiêu biểu nhất cho một thành phố nằm bên sông. Phố xưa chuyên bán những mảnh buồm và cả những vật tư liên quan đến thuyền bè. Nay cánh buồm nâu chỉ còn là những ký ức, cũng như bao đổi thay, kẻ đến người đi. Số nhà 22 phố Hàng Buồm như một khúc xoáy, cuốn vào trong đó tất cả những thăng trầm của lịch sử con phố này. Ở đó có tất cả chuyện đời, chuyện phố, có chuyện của ngày xưa, của hôm nay, của mưa Âu gió Á, của dân Kẻ Chợ của những Hoa kiều và của người Hà Nội hôm nay”, trích lời giới thiệu Không gian triển lãm “Ký ức 22 Hàng Buồm”.

Ngôi nhà được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, vốn là tụ điểm văn hóa của những thương nhân và giới thượng lưu, tri thức


Có thể thấy, cũng giống như các hội quán nói chung, Hội quán Quảng Đông vẫn giữ nguyên lối kiến trúc điển hình phổ biến với bốn dãy nhà có kết cấu hợp thành chữ “Khẩu” kết hợp với sân thiên tỉnh (giếng trời) ở giữa các khoảng không gian để lưu thông không khí và ánh sáng.
Ngôi biệt thự 800m2 của đại gia nức tiếng Hà Nội xưa
Ở phố Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội), ai cũng biết căn biệt thự được thiết kế theo kiến trúc Pháp cổ rộng 800 m2 nằm sâu trong con ngõ 44. Được xây dựng vào năm 1926, căn biệt thự không chỉ nổi trội về kiến trúc độc đáo mà còn là nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm, kí ức đẹp một thời của một gia đình giàu có Hà Nội xưa.

Khoảng thời gian 100 năm tuy dài nhưng những kí ức còn đọng lại trong căn biệt thự cổ vẫn luôn được các thế hệ sau gìn giữ, duy trì
Chủ nhân đầu tiên của căn biệt thự là cụ Trương Trọng Vọng và Nguyễn Thị Sửu, thương gia giàu nức tiếng phố cổ Hà Nội đầu thế kỷ 20. Ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc Pháp cổ độc đáo. Nhà chạy theo hình chữ nhật, ở giữa là giếng trời, lấy ánh sáng cho tất cả các phòng. Dù được xây dựng gần 100 năm nhưng cách bố trí phòng ốc và đồ đạc trong nhà hết sức hiện đại, vẫn phù hợp với phong cách thời nay. Nội thất trong nhà như: bàn ghế, sập gụ, tủ, giường… vẫn từ thời các cụ để lại, được con cháu giữ gìn. Chủ nhân hiện tại không bao giờ gọi thợ đánh bóng lại đồ dùng trong nhà. Bởi con cháu không muốn làm mất đi những nét cổ kính xưa. Dù vậy, tất cả vẫn rất mới mẻ và hiện đại.

Công trình được thiết kế bởi một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp, với đội nhân công lên tới gần 100 người từ các tỉnh gần Hà Nội xây miệt mài trong gần một năm

Căn biệt thự có đầy đủ các phòng dành cho các thành viên trong gia đình, từ phòng ngủ cho người nhà, phòng dành cho khách, phòng cho người làm, phòng ăn, hệ thống nhà vệ sinh. Điểm nhấn trong căn biệt thự chính là 4 cột đá nguyên khối, chạm khắc tinh xảo các họa tiết "Đào - Cúc - Trúc - Mai" với ý nghĩa mang lại may mắn, thịnh vượng.
Dù xã hội hiện đại không ngừng biến đổi, phố cổ Hà Nội vẫn kiên cường gìn giữ những nét văn hóa, truyền thống quý báu qua những ngôi nhà cổ kính. Những ngôi nhà này không chỉ là những công trình kiến trúc đơn thuần, mà còn là những "biểu tượng" của các phố Hàng, là chứng nhân lịch sử, đại diện cho một thời kỳ đầy thăng trầm của dân tộc ta. Chúng là những viên ngọc quý, cần được trân trọng và bảo tồn để thế hệ mai sau có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của Hà Nội xưa.