Hà Giang, muôn nẻo đường hoa

02/12/2013

Cuối thu, khi những vệt nắng vàng ấm áp vẫn còn vương trên mọi ngả đường, khi những cánh đồng lúa chín vừa được gặt hái và thóc đã đầy bồ, chúng tôi theo tiếng gọi của… hoa đã lên đường đi Hà Giang.

Bài : Sơn Nguyễn. Ảnh: Sơn Nguyễn, Lâm Thanh

Ở phương trời xa xôi ấy, nơi những vỉa đá tai mèo đầy chông gai và đời sống còn nhiều cơ cực là cả mùa hoa đang nở rộ. Không rõ từ khi nào, mùa thu là mùa hẹn hò của những kẻ lang thang ưa phiêu bạt với mây gió và trời đất nơi này.

Tháng 11, những thân ngô vùi mình trong những hốc đá đã nhường chỗ cho một loài hoa rực rỡ khác, hoa tam giác mạch. Từ Sủng Là, những cánh đồng hoa tam giác mạch sắc tím hồng đưa tôi trôi từ giấc mơ hoa bồng bềnh này sang giấc mơ hoa bồng bềnh khác. Tự lúc nào, tôi yêu những tháng ngày cuối thu này ở Hà Giang đến độ, năm nào cũng xách balô lên đường, bồng bềnh trong những mùa hoa tuyệt đẹp đang khoe sắc trên những vỉa đá tai mèo.

Lần đầu tiên khi đi qua Sủng Là, tôi bị ấn tượng đặc biệt bởi khung cảnh thung lũng bất ngờ hiện ra sau khúc cua tay áo. Từ trên cao, đã có thể nhìn thấy những hàng sa mộc lực lưỡng, vươn mình lên trời cao và những thảm hoa rực rỡ. Thung lũng đắm mình trong hương thơm của hoa hồng. Những mái nhà tường trình nằm im lìm trong nắng, những hàng rào bằng đá thâm thấp, cây hồng trong vườn đã lúc lỉu quả và củi đã chất đầy nơi góc bếp, sẵn sàng cho một mùa đông giá lạnh sắp tới. Trên gác mái, màu của ngô lẫn trong đám màu đỗ tương được phơi khô. Cô gái dân tộc Mông ngồi dệt vải bên khung cửi, dù tiếng Kinh không nói được nhiều nhưng vẫn sẵn lòng mời bạn bát nước mát cho đỡ cơn khát ban trưa. Lũ trẻ đứa lớn trông đứa bé, đùa chơi nơi bậc thềm, đôi mắt đen lay láy nhìn theo những người khách xa lạ.

Người Mông ở Sủng Là trồng tam giác mạch và hoa cải trên đồi đất cao, trồng ngô và lúa ở vùng đất bằng nơi đáy thung lũng. Chen lẫn trong màu xanh non của ngô của lúa là màu tím hoa cà của hoa tam giác mạch và màu vàng của nắng, màu xanh đậm của hàng sa mộc sừng sững giữa trời. Những cây ngô mọc chen trên đá tai mèo đã được thu hoạch về nhà. Cây ngô là nguồn lương thực chính của những người dân trên mảnh đất này. Ngô dùng để làm rượu, ngô dùng để làm bánh, làm mèn mén. Lõi ngô và thân ngô được phơi khô, dùng để đun bếp. Vùng đất đá tai mèo không trồng được nhiều loại cây hoa màu. Những cây ngô được trồng trong những hốc đá tai mèo.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Người H’Mông hàng ngày phải gùi những gùi đất từ rất xa mang về nhét vào từng hốc đá, dùng đá chèn lại để giữ cho nước mưa không trôi mất đất, rồi bỏ hạt ngô giống vào. Những thân cây ngô xanh mọc lên vươn mình trong những lớp đá xám như cuộc sống vẫn trỗi dậy nơi mảnh đất cằn cỗi mỗi ngày. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao người Lô Lô, Mông hay Dao đều quàng trên mình những tấm khăn sặc sỡ, những chiếc váy đủ màu duyên dáng. Bóng áo xanh áo hồng của họ nổi bật trên những vực đá tai mèo xám. Bước chân thoăn thoắt trên khắp vùng rẻo cao. 

Đi qua mùa ngô, con đường vào Sủng Là bồng bềnh bởi những thảm hoa tam giác mạch. Những cánh hoa phơn phớt tím hồng làm nao lòng bao lữ khách ghé qua. Tam giác mạch mỏng manh được trồng sau mỗi mùa lúa tháng chín hàng năm. Trước kia hạt của hoa được dùng để làm bánh, nay phần nhiều dùng làm thức ăn nuôi gia súc. Lá tam giác mạch non được dùng như một loại rau xanh, khi luộc lên ăn ngọt và mát, chỉ có hoa là không dùng làm gì, nhưng lại làm náo nức bao kẻ qua đường. Tam giác mạch trở thành loài hoa của mùa thu, khi những vạt nắng xiên vẫn còn rải mật trên khắp thung lũng và trời đất chưa quá lạnh, chúng tôi lại về với Sủng Là, để ngồi lại bên những hàng rào đá và say mình trong khung cảnh thần tiên.

Tam giác mạch được trồng trên khắp mảnh đất Hà Giang, từ Sủng Là đến Lũng Cú rồi Đồng Văn. Xen lẫn với màu tím là màu trắng tinh khôi của những vạt xuyến chi nở suốt hai bên đường từ Yên Minh lên Đồng Văn, Mèo Vạc. Loài hoa dại lúc nào cũng có mặt trên mọi ngả đường, rung rinh trong sương sớm, kiên cường trong sương giá và rạng rỡ trong nắng. Hoa nở trắng trên những sườn núi, nở trên những hốc núi hiểm trở nhất. Xen lẫn với loài hoa dại ấy là một loài hoa tuyệt đẹp khác chỉ khoe sắc rạng rỡ vào những ngày cuối thu.

Bạn bè đồng hành đến với Hà Giang vì tiếng gọi của hoa tam giác mạch, loài hoa chỉ được trồng sau vụ lúa và nở rộ vào một tháng sau. Còn tôi, đến với Hà Giang vì loài hoa cúc dại, vì những vạt hoa đáng yêu, không nề hà nở hoa trên những phiến đá tai mèo. Hoa cúc dại nở rực rỡ trên mọi lối đi. Hoa chen cùng những thân ngô, vươn mình đón ánh nắng mặt trời. Hoa tô điểm cho con đường ngoằn ngoèo xuyên núi xuyên rừng, làm nao lòng kẻ qua đường.

Những vạt hoa như nụ cười của cô gái Mông trong ngày mùa rộn rã, uyển chuyển theo những cơn gió đầu đông. Hoa cúc dại uyển chuyển đấy mà cũng cứng cỏi đấy, màu sắc hoa cho dù đã tàn vẫn giữ nguyên sắc cam ửng đỏ, cành hoa dẫu được hái đem về cũng không bị dập nát, như chính những con người tần tảo một nắng hai sương của miền đất nhiều khó khăn này. Giữa cái nắng hanh hao cuối thu, cúc dại nở nụ cười rạng rỡ nhất, trước khi đông sang, gió lạnh kéo về.

Cuối thu, tôi mang theo nỗi nhớ về với Hà Giang. Ở đó, giữa những vạt đá tai mèo hiểm trở óng ánh trong ánh nắng, đâu đó trong vườn nhà, hoa cam đang nở cho một mùa quả mới. Ở đó, cùng với màu nắng rót vàng như mật là màu của những thân ngô đã khô cháy, màu của vụ ngô vừa gặt hái, màu của đỗ tương vàng óng.

Ở đó, bốn mùa là bốn bức tranh tuyệt đẹp khác nhau và mùa nào cũng khiến người đến không muốn dời chân ra về. Ở đó, đang trong mùa thu vàng rực rỡ nhất với những thảm hoa tam giác mạch tím sắc bồng bềnh và những triền hoa cúc dại rực rỡ trên những sườn núi chênh vênh.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES