Cùng với việc dừng các chốt kiểm soát, Chủ tịch Hà Nội giao công an thành phố chủ trì việc giám sát, kiểm soát y tế tại sân bay, nhà ga, bến xe và các tuyến giao thông của ngõ, đặc biệt đối với người và phương tiện trở về từ vùng dịch.
Công an thành phố sẽ chủ trì cập nhật thông tin quản lý việc cư trú, thông tin y tế và di biến động của người dân trên địa bàn. Đây cũng là đơn vị giám sát y tế với người về từ các khu vực, địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao...
Về việc tiêm vaccine Covid-19, TP. Hà Nội chỉ đạo ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, công nhân các khu công nghiệp, chế xuất, lực lượng giao hàng, vận chuyển, giáo viên, người làm việc tại các khu vực nguy cơ lây nhiễm cao như trung tâm thương mại, siêu thị… Đặc biệt, trong thời gian tới sẽ tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi khi có vaccine và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Giáo dục và Đào tạo được giao căn cứ hướng dẫn của các đơn vị liên quan, tham khảo ý kiến của đại diện ban phụ huynh học sinh để khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kịp thời các hoạt động tương ứng cấp độ dịch.
Trước đó, 22 chốt cửa ngõ Hà Nội lập từ 14/7 tại các tuyến đường: từ Hà Nam về Hà Nội tuyến quốc lộ 1A, 1B; từ Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang về Hà Nội theo tuyến Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; từ Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên về Hà Nội. Các chốt có nhiệm vụ kiểm soát phương tiện vận tải, ôtô cá nhân vào thành phố. Các cán bộ trực sẽ dừng xe, đo thân nhiệt, yêu cầu người trên xe khai báo y tế, kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch, đặc biệt với người trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng...
3 tháng sau ngày lập chốt, từ 14/10, các lực lượng tại các chốt đã dừng kiểm tra người và phương tiện, chỉ duy trì để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý các tình huống phát sinh.