Hành trình về xứ sở rồng sấm

25/02/2015

Hoàng hôn đang dần đến, tháp trung tâm Chorten rực rỡ trong ánh đèn vàng. Ngọn tháp như là biểu tượng hào quang của của Đức Phật đang soi rọi dẫn dắt những người Bhutan lên thiên đàng, nơi chỉ có những linh hồn thánh thiện.

Bài và ảnh: Nguyễn Chí Linh

Còn khoảng 50km nữa máy bay sẽ vào thung lũng Paro, viên phi công của hãng hàng không Bhutan Airlines thông báo: Hành khách hãy nhìn ra cửa sổ ở phía trái thân máy bay, nơi có những dãy núi cao được phủ đầy tuyết trắng, đó chính là dãy Hymalaya huyền thoại bao quanh và ôm trọn đất nước huyền bí Bhutan. Bầu trời trong veo, xanh thẳm không một chút mây và sương khói với tuyết trắng trên các đỉnh núi tạo thành không gian huyễn hoặc. Nhích dần theo thời gian bay cùng với lời giới thiệu của viên phi công, tôi có thể xác định được đâu là những đỉnh núi huyền thoại cùng với độ cao của chúng trong dãy núi Hymalaya: Masagang (cao 7.158m), Tsendagang (6.960m) và Terigang (7.060m)…

“Con rồng sấm sét”

Người ta nói rằng, đến Bhutan và về rất khó bởi đường bay khá khắc nghiệt. Những ngày ở Paro, tôi quan sát những chuyến bay đến và đi của 2 hãng hàng không Druk Air và Bhutan Airlines mà theo tôi, đây đúng là một trong những đường bay nguy hiểm của thế giới. Những dãy núi cao nối liền từ dãy Hymalaya chạy dài như ôm trọn lấy thung lũng Paro và Thimphu. Vẫn giữ độ cao trên 1.500m khi bay trên các dãy núi, nhưng máy bay đột ngột phải hạ thấp độ cao nhanh chóng sau khi đã vào thung lũng để tiếp cận đường băng. Lúc cất cánh cũng vậy, máy bay phải nhanh chóng đẩy độ cao một cách khẩn cấp để bay qua các dãy núi.

Trên các triền núi cao, những thảm lá tạo nên bức tranh đầy màu sắc ôm phủ thủ đô Thimphu. Dòng sông Wong Chhu trông giống như một con suối vẫn lượn lờ dòng nước trong xanh của mình qua lòng phố. Những người địa phương cho biết, nguồn nước này có được từ tuyết tan của dãy Hymalaya. Dòng sông cứ xuôi mình trong nắng ấm và thong dong chảy về Ấn Độ. Để có được lượng nước chảy quanh năm qua thành phố, chính phủ Bhutan đã xây dựng hồ chứa trên núi cao và mỗi ngày cho nước theo dòng chảy với lưu lượng nhất định. Do đã khá xa nguồn nước mẹ nên màu nước của dòng sông Wong Chhu chảy qua Thimphu đã mất dần màu xanh ngọc bích vốn có.

Tôi theo chân anh Phuntsho, hướng dẫn viên của tôi ở Bhutan, ghé thăm những bảo tàng lịch sử quốc gia, bảo tàng nhạc kịch dân tộc hay pháo đài… Chúng mang đậm kiến trúc Phật giáo tiểu thừa có nguồn gốc từ Tây Tạng với nhiều hoa văn, màu sắc tuyệt đẹp không lẫn vào đâu. Những cánh đồng lúa bậc thang như ôm lấy pháo đài Thimphu và hòa quyện trong sắc nâu, đỏ trắng của pháo đài. Ở Bhutan, pháo đài còn được gọi là Dzong. Không chỉ bảo vệ kinh thành, Dzong còn đóng vai trò là “thiền viện” để các nhà sư tu tập. Phuntsho cho biết, trong quá khứ, vương quốc Bhutan từng được gọi là “Con rồng có tiếng hét như sấm sét - Thunder Dragon” và Phật giáo từ Tây Tạng bắt đầu xâm nhập vào Bhutan vào cuối thế kỷ 7 đầu thế kỷ 8.

Cứ nhìn cách người Bhutan nhường nhịn nhau khi qua đường, giúp đỡ người lớn tuổi, nhường nhau lối đi trên những con phố nhỏ quanh cao trên các triền núi, hoặc không một tiếng kèn xe giao thông giữa phố hay chào hỏi khi gặp nhau với nụ cười thật tươi trên môi dù rằng đó là người xa lạ…, mới thấy Phật giáo đã thấm sâu như thế nào vào tâm hồn của người bản địa.

Người Bhutan trồng lúa mùa 6 tháng mới thu hoạch. Phổ biến nhất là giống lúa gạo trắng và gạo đỏ. Cũng không nhiều máy mọc hiện đại sử dụng trong mùa thu hoạch, nên ký ức tuổi thơ của tôi vẫn tràn về khi bắt gặp hình ảnh cắt và đập lúa trên khắp cánh đồng. Để cung cấp thêm nguồn vitamin tự nhiên cho cơ thể, khi nấu cơm, người Bhutan ít khi làm mất đi vỏ lụa mỏng bao quanh hạt gạo khiến cơm của người Bhutan rất thơm khi nấu lên.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tôi thử qua khá nhiều món ăn ở các nhà hàng khác nhau trong những ngày rong ruổi trên vương quốc Bhutan. Chúng gần như có một công thức chung: 90% thức ăn đều được chế biến từ thực vật, 10% thức ăn còn lại được chế biến từ các loại động vật như gà, bò và thịt heo. Lượng rượu bia phục vụ cho du khách cũng rất hạn chế, hầu hết đều sử dụng trà sữa sau mỗi bữa ăn. Ẩm thực của một quốc gia phản ánh khía cạnh nào đó văn hóa của người bản địa và ẩm thực của người Bhutan ảnh hưởng bởi tư tưởng Phật giáo.

Quan điểm về hạnh phúc của người Bhutan

Người ta gọi Bhutan là đất nước ngàn hoa cũng chẳng sai bởi tôi có thể bắt gặp ở góc phố hay những ngôi nhà luôn có vườn hoa đầy màu sắc kế bên. Người ta lại gọi Bhutan là một Thụy Sỹ của Nam Á cũng đúng bởi bao phủ các ngọn núi là những rừng thông 5 lá bạt ngàn. Cùng với không khí trong lành, Thimphu như một thành phố nằm trên rẻo cao nào đó của Thụy Sỹ.

Nhiều quốc gia thường lấy chỉ tiêu về thu nhập bình quân trên đầu người hay môi trường sống… để làm thước đo về chỉ số hạnh phúc nhưng người Bhutan lại có quan niệm rất riêng. Trải qua nhiều vương triều khác nhau, nhưng “tiếng hét sấm sét” của Rồng đã hòa tan vào trong những lời kinh, xâu chuỗi Bồ Đề xuất phát từ tấm lòng Phật giáo được giáo huấn từ nhỏ để bảo vệ lấy hạnh phúc của người dân Bhutan. Vương quốc Bhutan luôn được mọi người truyền tụng là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Theo các bô lão địa phương, với người Bhutan, hạnh phúc đâu chỉ là vứt đi những lo toan của đời sống thường nhật và nở những nụ cười thật tươi trên môi mà còn là những lễ hội tâm linh đầy sắc màu được tổ chức quanh năm, đặc biệt là lễ hội Tshechu vào mùa xuân.

Buổi chiều tôi ghé tháp tưởng niệm trung tâm Chorten được xây dựng bởi vua Jigme Dorji Wangchuck và hoàn thành vào năm 1974. Chorten được xây dựng để làm nơi cầu nguyện cho hòa bình và sự thịnh vượng. Những hình ảnh hoa văn trên các trần nhà bên trong và tượng đặt xung quanh đều thấm đẫm triết lý sống của người Bhutan, anh Phuntsho giải thích thêm cho tôi biết.

Mỗi khi chiều buông, khu tháp trung tâm Chorten bỗng nhiên nhộn nhịp thành một khu lễ hội Phật giáo của người Bhutan. Từng đoàn người lần lượt kéo đến và đi vòng quanh đỉnh tháp trung tâm. Quan điểm của người Bhutan, càng đi được nhiều vòng xung quanh đỉnh tháp, cuộc sống của họ càng trở nên trường thọ. Ở góc xa về phía trái, nhiều Phật tử Bhutan đang trong tư thế thiền định xung quanh những ống chuông đồng lớn, khuôn mặt của họ chẳng thể hiện một chút lo toan về cuộc sống xung quanh. Họ đang hướng đến một thế giới tâm linh đầy sắc màu, nơi chỉ có lễ nghi và những linh hồn thánh thiện trên chín tầng mây…

 

Phuntsho và những bô lão kể cho tôi nghe về quan điểm hạnh phúc mà với tiêu chí này, các vương triều Bhutan coi như kim chỉ nam để xây dựng quốc gia. Đầu thập niên những năm 1970, vị vua đời thứ 4 của vương quốc Bhutan là Jigme Dorji Wangchuck nhận thấy rằng: thông thường để đánh giá sức mạnh của một quốc gia, người ta thường dựa trên chỉ tiêu kinh tế, bao gồm các cấp độ: quốc tế, nội địa và tư nhân. Tuy nhiên, để mở cửa quốc gia phát triển kinh tế, nhiều khía cạnh sẽ bị thiệt hại nhiều hơn, ít nhất là về mặt văn hóa, xã hội và môi trường sinh thái. Nhiều lần suy nghĩ, ông đưa ra một chỉ số “hạnh phúc quốc gia” (Gross National Happiness – GNH) thay cho chỉ số kinh tế GDP áp dụng trên toàn vương quốc Bhutan. Đến đời vị vua thứ 5 là Jigme Kheser Namgyel Wangchuck, ông đã xây dựng tiêu chí riêng cho GNH bao gồm các yếu tố: hạnh phúc về mặt tinh thần, sức khỏe, giáo dục, thời gian con người gắn liền với môi trường trong một ngày, đa dạng văn hóa cùng với sự bảo tồn, sức mạnh của cộng đồng, một bộ máy nhà nước trong sạch, môi trường sinh thái và tiêu chuẩn cuộc sống.

 

Nhưng trên hết, mỗi người dân Bhutan đều hạnh phúc về mặt tinh thần. Điều hạnh phúc ấy luôn được nhận thấy bằng những khuôn mặt không có những lo toan của đời sống thường nhật và nở những nụ cười thật tươi trên đôi môi, là những lễ hội bảo tồn văn hóa tâm linh, huyền bí  và đầy sắc màu được tổ chức quanh năm. Lễ hội tâm linh Tshechu vào mùa xuân là lễ hội lớn nhất trong năm (thường tổ chức tháng 3 hàng năm), cùng đồng thời chào đón một mùa vụ mới. Trong tuần lễ hội rộn ràng sắc màu của lễ hội, nhà vua sẽ lấy ý kiến đóng góp của các thần dân về tiêu chí “hạnh phúc quốc gia” để xây dựng Bhutan trở thành vương quốc hạnh phúc nhất trên thế giới.

Trên đỉnh đồi cao nhìn xuống, tháp Chorten trông giống như Nhà Thờ Thánh Tâm nằm trên đồi Montmartre thuộc quận 18 của Paris. Thành phố Thimphu thanh bình không một tiếng động như chìm giữa không gian đầy màu sắc của ánh đèn đêm và hòa lẫn trong ánh nhấp nháy của những vì sao trên bầu trời. Hương thơm nhè nhẹ của đóa hồng gần đó đang lan tỏa trong xuân.

Thông tin thêm:

+ Chưa có công ty du lịch nào của Việt Nam tổ chức tour đến Bhutan. Du khách tự liên hệ với các công ty du lịch tại Bhutan để mua tour. Các trang web có thể tham khảo bao gồm Little Bhutan, Visitbhutan… Lưu ý, các Đại sứ quán Bhutan tại khu vực Đông Nam Á không cấp visa lẻ cho du khách mà bắt buột phải mua tour từ các công ty du lịch Bhutan để được xin giấy phép.

+ Theo quy định của chính phủ Bhutan, khi đến đây du khách phải trả 200 USD/ngày. Tuy nhiên, khi mua tour, du khách có thể được giảm chút ít (số lượng ngày tùy chọn). Đặc biệt hơn, tất cả giao dịch trên mạng với các công ty du lịch, tất cả số tiền mua tour đều được chuyển thẳng vào ngân hàng trung ương Bhutan. Sau đó các công ty du lịch phải trình giấy phép của Bộ Nội Vụ cấp visa mới được rút tiền. Điều này luôn khiến du khách an tâm khi mua tour trên mạng.

+ Điểm xuất phát để đến Bhutan bao gồm: Bangkok, Singapore, New Delhi và Kolkata (Ấn Độ).

+ Trước đây, nhà nước Bhutan chỉ cấp 1.000 visa/năm cho khách du lịch. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2012, chính sách hạn chế visa được dỡ bỏ và du khách có thể đến Bhutan bất cứ lúc nào. Mùa đẹp nhất để đến Bhutan là mùa xuân (từ tháng 3 – 4) và mùa thu (từ tháng 10 – 11).

+ Khi ghé thăm những ngôi chùa, du khách nên mặc quần dài hoặc quần lửng qua khỏi gối. Bên trong Dzong (pháo đài) cũng là nơi để các nhà sư tu tập, vì vậy du khách chỉ được phép tham quan ở một số nơi nhất định. Là quốc gia bảo vệ rất tốt môi trường sinh thái, du khách cần lưu ý trong vấn đề hút thuốc hay xả rác.

+ Đồng tiền của Bhutan là Ngultrum (BTN). 1 BTN tương đương 337 VND. Những món quà lưu niệm tại Bhutan gần như có giá cố định, rất ít khi giảm giá (mức cao nhất là 1 – 2%).

+ Thức ăn của người Bhutan rất dễ ăn, du khách không cần phải lo lắng nhiều về ẩm thực khi đến đây.

+ Trong một ngày đẹp trời, nếu đến Punakha, từ trên cao nhìn ngang qua, du khách sẽ thấy được dãy núi Hymalaya chạy dài và ôm lấy đất nước Bhutan.

RELATED ARTICLES