Tôi từng đắm chìm trong khung cảnh lãng mạn của bộ phim When in Rome, thích thú với Central Park ngay giữa New York. Hay ở Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan cũng có những địa điểm công cộng nổi tiếng thơ mộng mà không quá công nghiệp; thích hợp hẹn hò và tận hưởng như trong phim ảnh.
Nhưng ở ngay Sài Gòn nơi tôi sống, dường như địa điểm công cộng chỉ còn là chức năng để trung chuyển; vì điển hình mọi người sẽ chọn cafe, nhà hàng hoặc rạp phim là nơi hẹn hò.
Tâm lý con người có xu hướng "take for granted" - xem nhẹ những điều quá quen thuộc trong cuộc sống xung quanh. Tôi chợt nhận ra tôi đã mất kết nối với chính không gian, môi trường sống của mình.
Đại dịch Covid-19 đã khiến mọi người không thể dịch chuyển nhiều hơn, nhưng đó cũng là lúc tôi chọn đi du lịch ngay tại nơi mình sống, lần đầu tiên trong hơn 20 năm. Khám phá ra những điều lạ lẫm ngay tại những nơi gần gũi, và còn hiểu hơn về nó, ở một góc nhìn khác.
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
Tôi nhận ra tôi đã bỏ lỡ quá nhiều thứ ở nơi gần gũi khi đang vô thức khao khát vẻ đẹp của một nơi xa lạ. Tôi luôn hiện diện tại nơi này, nhưng tâm hồn tôi đã luôn lang thang đâu đó.
Cũng giống như chính mình, đôi khi cần phải khám phá và “học” lại bản thân, vì có những thứ chúng ta suy nghĩ và làm trong vô thức. Theo Giáo sư Tâm lý học Ellen Langer (ĐH Harvard), bất kỳ trải nghiệm nào cũng đều có những lớp lang (layers) để có thể khám phá. Hãy lặp lại trải nghiệm đó, hoặc những trải nghiệm ta cho là bình thường, ta sẽ nhận ra những điều thú vị.
Cho nên khi đọc lại một quyển sách ta có thể nhận ra những điều mới, đi dạo ở những địa điểm quen thuộc cũng vậy. Bởi vì đó là quá trình tìm kiếm thông tin mới (ở não bộ con người) - trong bất kỳ trải nghiệm lặp lại nào. Đó là bản chất của chánh niệm.
Bài viết được thực hiện trước lệnh giãn cách xã hội. Đôi khi đây là thời điểm để ta học cách bình tâm và điềm tĩnh hơn.
Có thể không được đi xa, nhưng chúng ta chọn đi sâu.
Có thể không kết nối với bên ngoài, nhưng chúng ta chọn kết nối bên trong.