TIỆN ÍCH TRONG NHỮNG MẢNG XANH NẢY NỞ GIỮA THÀNH PHỐ
Xuất phát điểm là kiến trúc sư, chị Trần Kim Ngân (CEO The Vibes) mơ ước xây dựng nên một công trình kiến trúc mà ở đó, công năng của công trình đáp ứng đủ những nhu cầu cơ bản tới nâng cao. Công trình The Vibes với diện tích rộng 1500 m2 được hình thành dựa trên ý tưởng này, nhận tới 7 giải thưởng kiến trúc từ các tổ chức kiến trúc uy tín: Achitizer A+ Awards 2022, Architecture Masterprize 2021, International Architecture Awards 2022, IDA Design Awards 2021, The Architecture Community 2021, World Architecture Community 2022, Ashui Awards 2021.
Chia sẻ về khởi nguồn kiến tạo nên không gian mang tình tổng hợp, nữ giám đốc cho biết, ở Sài Gòn không có nhiều không gian xanh tiện nghi giúp giảm căng thẳng của nhiều người suốt ngày phải làm việc giữa những khối bê tông. "Người ta không có quá nhiều sự lựa chọn cho một nơi nghỉ ngơi vào buổi trưa, nên thường nghỉ vội tại chốn văn phòng hay trong quán cà phê xung quanh. 'Hệ sinh thái' The Vibes ra đời, một không gian xanh, cung cấp nhiều dịch vụ: ẩm thực , tổ chức sự kiện - hội họp, không gian nghệ thuật... để đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi người", chị Kim Ngân chia sẻ.
Nói thêm về nguồn cảm hứng để tạo nên không gian The Vibes, chị Kim Ngân chia sẻ: "Thời điểm trong dịch phải dành nhiều thời gian tại nhà chứng kiến hoa cỏ phát triển rực rỡ, chúng tôi đặt câu hỏi liệu khi mọi thứ khi bình thường trở lại, liệu chúng ta sẽ tìm thấy không gian xanh đó ở đâu trong thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn. Chúng tôi giải quyết câu hỏi đó qua việc xây dựng The Vibes".
THE VIBES, CUỘC MỜI CHÀO CẢM XÚC ĐẾN TỪ NHỮNG SỰ TINH TẾ
The Vibes được hình thành từ những ý niệm về các cung bậc cảm xúc, vận hành trên sự chăm chút và tâm huyết của đội ngũ. "Chúng tôi muốn tạo ra nhiều cảm xúc cho khách hàng nhất ngay từ khi bước vào The Vibes". Kiến trúc - cảnh quan - nội thất của không gian The Vibes có sự liền mạch để tạo ra cảm xúc xuyên suốt cho khách hàng khi tới đây.
Đầu tiên phải kể đến lối tổ chức không gian chuyển tiếp (transitioning). Trước khi bước vào không gian chính, du khách sẽ đi qua "khoảng đệm" sảnh trước từ ngoài cổng, tiếp đó sải bước qua lối vào bên hông để đi vào sân vườn. "Ý tưởng này được kế thừa từ di sản mà ông bà xưa để lại, về việc tạo ra không gian đệm để người ta có sự 'chuẩn bị tâm lý' trước khi đi thẳng vào không gian chính với nhiều sự thay đổi về không khí, nhiệt độ, cảnh quan", chị Ngân tiết lộ.
Sự chuyển tiếp không chỉ đến từ cách quy hoạch, mà còn nằm ở sự tiếp nối của những mảng xanh mềm mại uốn mình từ khoảng không gian này sang khoảng không gian khác. Nếu ở mặt đất đan xen nhiều loại cây thân gỗ che mát, thì đến mặt tường lại trải dài các loại cây thân leo chịu nắng vươn cao, đến tầng thượng thì vô số các loại cây cảnh, cây ăn quả... Sự tính toán này không chỉ mở rộng không gian The Vibes một cách tự nhiên, mà thực sự mang đến không khí trong lành tươi mát cho khu tổ hợp nằm tại trung tâm quận 2. Đây cũng là điểm sáng cho công trình kiến trúc này, tạo cảm hứng cho khách hàng ra bên ngoài khám phá thiên nhiên.
Cuộc mời chào cảm xúc chẳng những đến từ không khí tươi mới của nhiều loại cây xanh, mà còn được nâng cao bằng những âm thanh trong veo của "đặc sản" The Vibes. Chiếc rèm "thương hiệu", vốn là đặc trưng riêng của không gian này, chất chứa nhiều hơn câu chuyện mang tính công năng.
Ban đầu, ý tưởng về chiếc rèm che nắng chỉ đơn giản là mong muốn giảm hấp thụ ánh nắng mặt trời để không gian trong nhà mát hơn. Quá trình tìm hiểu, thiết kế và xây dựng nên công trình đã khiến chiếc rèm không đơn thuần giảm thiểu sức nóng từ mặt trười. Những dải trúc gồm 84.000 đốt được nối lại với nhau với kẽ hờ từ 2-3 mm để tạo ra âm thanh thú vị. Thoạt nhìn, tưởng đó là các cây trúc thẳng dài, nhưng thiết kế này lại được "bẽ gãy" theo đốt để mang đến cuộc chơi âm thanh, vừa giải quyết bài toán về độ bền của vật liệu. Vô tình sự sáng tạo này cũng tương tự với hình thức và âm thanh của "the vibes" - vốn là nhạc cụ cổ đại sử dụng nguyên lý dao động để tạo ra âm thanh. Cái tên The Vibes được ra đời từ đó.
Những tưởng đến từ sự tác động lẫn nhau của những dải trúc, nhưng âm thanh có được lại do sự dao động qua lại giữa hai bi trong mỗi đốt trúc. Khi gió qua, dải trúc dao động, những viên bi trong đó va vào nhau, va vào thành trúc tạo nên âm thanh nghe như tiếng suối chảy. Đến đây vào một ngày đầy nắng, chứng kiến ánh nắng mặt trời vờn qua kẽ lá, băng qua những kẽ hở của tấm rèm trúc rồi chạm chân nơi sàn nhà, cùng lúc những xao động vang lên khi có gió luồn qua, không ngoa khi nói rằng The Vibes đã mang đến một bản giao hưởng cảm xúc về thị giác, thính giác rồi tới xúc giác.
Việc thiết kế - xây dựng công trình luôn hướng đến khả năng đa nhiệm của mỗi khu vực. Chẳng hạn, hồ nước trong khu vực sân vườn được kéo dài theo chiều dài của quán, ngoài tính thẩm mỹ thì còn giúp điều hòa khuôn viên, tạo tính ổn định nhiệt độ cho khu vực. Chiếc hồ này cũng có thể biến thành một sân khấu trên mặt nước, phù hợp cho các chương trình, sự kiện được tổ chức tại The Vibes.
Đi vào bên trong lại ấn tượng với sự đa dạng những lựa chọn về chỗ ngồi. Không cố gắng tối đa hóa số lượng ghế ngồi, mà hướng tới việc đặt để những chiếc ghế có kiểu dáng, độ thoải mái khác nhau để phù hợp với nhu cầu riêng cho khách. Gặp gỡ hàn huyên cùng bạn bè trên bộ sofa, muốn ngả lưng để thư giãn hay cần tập trung cho công việc trong không gian đủ riêng tư trong The Vibes Cafe đều có thể được đáp ứng.
Không gian kín đáo nhưng lại có sự thoáng đãng bởi lớp kính trong suốt có thể nhìn thấy sân vườn xanh mướt mát, ánh sáng tự nhiên bao quanh khối kiến trúc. Tuy nhiên, giải quyết trở ngại dội âm trong không gian này là bài toán khó. Kiến trúc sư sử dụng chất liệu gồm những bó tăm tre thiên nhiên trên trần nhà, vừa trang trí không gian, vừa giúp tiêu âm khi quán đông khách.
Bàn về quan điểm kiến trúc, chị Kim Ngân trích dẫn câu nói của Craig Ellwood: "Nghệ thuật kiến trúc không nằm ở những xu hướng nhất thời, chủ nghĩa hình tượng bay bổng, tài tử ngông cuồng hay là sự tinh tế ngụy tạo, mà nó là một cái ngưỡng nơi mà giá trị kết quả của việc xây cất nên công trình không đong đếm được". Trên tinh thần đó, triết lý thiết kế của chị luôn bắt nguồn từ công năng. Thiết kế là công cụ để chị Trần Kim Ngân tạo ra sự thoải mái khi bước vào không gian của The Vibes.
Bên cạnh những hiệu quả rõ ràng trong lối thiết kế The Vibes, điều làm nên sức hấp dẫn với không gian này chính là dịch vụ đa dạng. Nơi đây còn mang đến nhiều lựa chọn không gian cho các sự kiện hội họp, gặp gỡ cả bên trong lẫn bên ngoài với nhiều thiết bị cao cấp, hiện đại. Ngoài ra, The Vibes còn sở hữu không gian lớn cho các sự kiện, triển lãm nghệ thuật.
Không chỉ quán cà phê, khuôn viên The Vibes còn phục vụ F&B tại Dining Area. Đây cũng là nơi phục vụ thức ăn, đồ uống cho các bữa tiệc, sự kiện tại không gian The Vibes. Sử dụng nguyên liệu tươi, cùng cách chế biến tinh tế và bài trí đẹp mắt, những loại thức uống, món tráng miệng hay món ăn mà The Vibes mang đến có hương vị tươi mới, lạ miệng. Mỗi món ăn, đồ uống được ra đời sau thời gian thử nghiệm, cả những trải nghiệm ẩm thực đa dạng, nên mang đến cảm nhận rất đặc biệt cho thực khách.