Họa sĩ gen Z và thanh âm sắc màu trong tranh sơn mài

05/05/2025

Giữa những lớp màu lặng thầm được mài đi mài lại trên nền vóc, có một thế giới nội tâm tinh tế dần hiện ra - sâu sắc, bền bỉ và đầy bất ngờ như chính chất liệu sơn mài được lựa chọn gắn bó.

Họa sĩ gen Z kiên trì theo đuổi hội họa sơn mài

Dương Linh Đan là hoạ sĩ trẻ tuổi sinh năm 1999 hiện đang sống tại Hà Nội. Tốt nghiệp khoa hội họa, chuyên ngành sơn mài tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam với số điểm cao nhất khoá. Với mong muốn chia sẻ tác phẩm tranh theo cách tự nhiên và gần gũi nhất, không chỉ qua những không gian triển lãm truyền thống mà còn qua mạng xã hội, các dự án cộng đồng - nơi công chúng có thể cảm nhận, kết nối và tìm thấy hình ảnh bản thân trong đó.

Từ khi còn rất nhỏ, Linh Đan đã say mê vẽ và tô màu. Người mẹ chính là người thầy đầu tiên, kiên nhẫn dạy cô tập tô và phân biệt các gam màu từ lúc mới lên hai. Nhờ sự ủng hộ của gia đình, con đường nghệ thuật dần trở nên rõ ràng hơn khi cô quyết định theo học tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trong suốt quá trình học tập, Linh Đan bị cuốn hút đặc biệt bởi vẻ đẹp và kỹ thuật độc đáo của sơn mài - một chất liệu đòi hỏi người nghệ sĩ phải vừa kiên nhẫn, vừa chấp nhận sự ngẫu nhiên. Khi bức tranh được mài đi, các lớp màu lộ diện theo cách không thể dự đoán trước, tạo nên sức hấp dẫn lớn lao khiến cô chọn chuyên ngành sơn mài.

Chân dung hoạ sĩ Linh Đan

Chân dung hoạ sĩ Linh Đan

Sắc màu cá nhân trong thế giới hội họa

“Hoàn cảnh có thể khiến con đường đi khó khăn hơn, nhưng không ai thiệt thòi nếu biết nhìn nhận điểm khác biệt như một lợi thế. Xuất phát từ một vị trí không giống ai, hãy biến nó thành góc nhìn riêng biệt. Không cần phải tỏ ra mạnh mẽ mọi lúc, chỉ cần kiên trì và không bỏ rơi chính bản thân mình” - Linh Đan chia sẻ.

Về mặt thị giác, các tác phẩm của Linh Đan thường mang sắc độ màu mạnh, tạo cảm giác trực diện. Cô quan sát nhiều nghệ sĩ và dòng tranh khác nhau để mở rộng góc nhìn, nhưng không gắn mình với một trường phái cụ thể. Với Linh Đan, điều quan trọng nhất là giữ được tiếng nói cá nhân trong sáng tạo.

Khởi nguồn cho một tác phẩm với cô có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau, đôi khi là cảm xúc thoáng qua, khi lại là một ký ức mơ hồ, hoặc một hình ảnh để lại ấn tượng mạnh mẽ. Cô không gò bó bản thân vào khuôn mẫu, mà để sự tự nhiên dẫn dắt quá trình sáng tạo, tin rằng chính điều đó sẽ mang lại chiều sâu cảm xúc cho mỗi tác phẩm.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty
Mỗi chất liệu nghệ thuật mở ra cho Linh Đan một không gian cảm xúc khác nhau

Mỗi chất liệu nghệ thuật mở ra cho Linh Đan một không gian cảm xúc khác nhau

Một trong những tác phẩm sơn mài đáng nhớ nhất với cô được thực hiện vào những năm cuối đại học, lấy cảm hứng từ cây Mimosa - loài hoa dại thường bị bỏ quên. Mimosa, với cơ chế co rút khi bị chạm vào, mang hình ảnh mong manh nhưng lại có sức sống bền bỉ, được cô chọn để ẩn dụ cho hình tượng người phụ nữ.

Cô không tìm cách lý tưởng hóa vẻ đẹp phụ nữ theo khuôn mẫu, mà miêu tả sự đối lập đầy thú vị: vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ, vừa đằm thắm vừa có biên độ cảm xúc rộng lớn. Mimosa, ở một góc độ nào đó, cũng là hình ảnh phản chiếu cảm xúc nội tâm của chính cô. Đối với Linh Đan, khiếm thính không phải là trở ngại lớn, mà chỉ đơn giản là một cách cảm nhận thế giới khác biệt.

Bài liên quan
Empty
Linh Đan mài tranh

Linh Đan mài tranh

Ký ức thời sinh viên của cô gắn liền với những mùa Hè nóng nực trong lớp học sơn mài. Không khí oi ả, những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, cộng với khối lượng bài tập nghiên cứu, sáng tác dày đặc khiến mỗi ngày học đều trở thành một thử thách. Khi phủ vàng bạc lên tranh, việc bật quạt hoàn toàn bị cấm, khiến mồ hôi đầm đìa dưới cái nắng như thiêu đốt.

Những buổi treo bài chấm điểm là quãng thời gian tất bật từ sáng sớm, đôi khi chỉ kịp ăn vội gói xôi hay chiếc bánh mì đầu phố. Thỉnh thoảng, những chuyến đi thực tập tại nông thôn lại mang đến cho cô trải nghiệm thật khác, vất vả nhưng cũng rất chân thực và đầy ý nghĩa. Nhìn lại, đó là những năm tháng học trò nóng nực, bừa bộn nhưng tràn đầy tiếng cười. Không có bí quyết gì đặc biệt, cô chỉ đơn giản là tập trung toàn bộ tâm trí vào từng bài tập, từng giai đoạn sáng tác. Luôn cố gắng tiếp thu những chỉ dẫn của thầy cô và học hỏi từ bạn bè, cô duy trì một nhịp độ làm việc đều đặn, bền bỉ suốt những năm tháng học tập và cô đã đạt số điểm cao nhất khoá. Đối với cô, sự ổn định không đến từ may mắn, mà từ việc kiên trì từng ngày, từng việc nhỏ nhất.

Empty
Tác phẩm

Tác phẩm "Hoa cười" - 2023 được thực hiện bởi Linh Đan

Cuộc đối thoại chân thành giữa nghệ sĩ và người xem

Mỗi chất liệu nghệ thuật mở ra cho Linh Đan một không gian cảm xúc khác nhau. Với hội họa sơn mài và sơn dầu, mỗi loại có vẻ đẹp và thử thách riêng. Sơn mài đòi hỏi sự sáng tạo không chỉ trong cách dùng màu mà còn ở kỹ thuật mài tranh, nơi yếu tố ngẫu nhiên đóng vai trò quan trọng, tạo ra những bề mặt lấp lánh và chiều sâu màu sắc đặc biệt.

Sơn dầu mang đến cho Linh Đan sự tự do hơn về mặt kỹ thuật và biểu đạt. Ngược lại, khi làm minh họa, cô chú trọng nhiều đến yếu tố đồ họa, hình khối, và cách truyền tải thông điệp rõ ràng đến người xem. Với minh họa, việc kiểm soát hình ảnh, ý tưởng luôn chặt chẽ hơn, vì mỗi tác phẩm thường gắn với một đối tượng khán giả cụ thể và mục đích truyền thông rõ rệt.

Empty
Empty
Tác phẩm

Tác phẩm "Hình cầu" hoàn thiện vào năm 2022

Trong môi trường nghệ thuật, cô tìm thấy niềm vui, sự sáng tạo và cảm hứng như bất kỳ ai khác. Thay vì tập trung vào những gì thiếu hụt, cô luôn nỗ lực phát huy những gì mình có. Hình ảnh người phụ nữ từng là biểu tượng trung tâm trong nhiều tác phẩm của Linh Đan, để truyền tải cảm xúc và những suy tư cá nhân. Hiện tại, quá trình sáng tác của cô mang tính ngẫu nhiên hơn, không gò bó vào một chủ đề cố định.

Với Linh Đan việc lan tỏa nghệ thuật cũng chính là mở ra những cuộc đối thoại chân thành giữa nghệ sĩ và người xem. Dự định lớn nhất của Linh Đan là tổ chức một triển lãm cá nhân trước tuổi 30. Bên cạnh đó, cô cũng mong muốn thử nghiệm thêm nhiều chất liệu mới, mở rộng khả năng sáng tạo. Trong tương lai, cô hy vọng có cơ hội tham gia vào các dự án nghệ thuật công cộng, để tác phẩm của mình có thể đến gần hơn với xã hội.

Hoàng Anh
RELATED ARTICLES