Hooters Air - hãng hàng không “mát mẻ” đóng cửa sau ba năm

09/02/2022

Với xuất phát điểm ban đầu là chuỗi nhà hàng nổi tiếng ở Mỹ, Hooters Air thành lập một hãng máy bay vừa có giá vé rẻ, vừa có tiếp viên “mát mẻ” để thu hút hành khách. Tuy nhiên, hãng hàng không này không sống sót quá ba năm, do gặp nhiều phản ứng từ Hiệp hội hàng không thế giới, cùng với khoản lỗ lên tới 40 triệu USD.

Sự ra đời của Hooters Air

Ban đầu, Hooters được thành lập bởi 6 doanh nhân ở Clearwater, Florida (Mỹ) vào năm 1983. Một năm sau, một nhóm khác có trụ sở tại Atlanta do nhà đầu tư Robert H. Brooks lãnh đạo đã nhìn thấy tiềm năng của công ty và mua lại thương hiệu này ngay lập tức. Họ gọi đây là chuỗi "nhà hàng mát mẻ" đầu tiên tại Mỹ, và tuyên bố rằng sẽ tiên phong để những cô bồi bàn trẻ mặc quần đùi ngắn với áo ba lỗ thật bó sát.

Những nữ bồi bàn của chuỗi nhà hàng Hooters trong trang phục nóng bỏng.

Những nữ bồi bàn của chuỗi nhà hàng Hooters trong trang phục nóng bỏng.

Dưới sự dẫn dắt của ông chủ mới, Hooters tăng trưởng vượt bậc khi phát triển từ vài cửa hàng nhỏ tại Florida vào những năm 1980, trở thành một chuỗi hơn 430 nhà hàng khắp thế giới vào những năm 2000 (bao gồm cả Đài Loan, Venezuela và Thụy Sĩ).

Sang năm 2003, Brooks đã rủng rỉnh tiền mặt, và ông muốn mở rộng thương hiệu của mình. Brooks mua một hãng hàng không thuê bao nhỏ tên là Pace Airlines, rồi sơn lại những chiếc máy bay với logo màu cam đặc trưng của công ty. Và Hooters Air ra đời.

Hãng bay giá rẻ, tiếp viên “mát mẻ”

Cuối năm 2019, trên trang Forbes xuất hiện một bài viết với chủ đề: “Các hãng hàng không chiêu trò nhất thế giới”, và tất nhiên, trong đó có cái tên Hooters Air.

Với xuất phát điểm ban đầu là 6 máy bay Boeing hạng nhỏ có trụ sở chính tại Myrtle Beach (Carolina), Hooters Air cam kết giá vé cực thấp, chỉ từ 99 USD/vé bay một chiều đến hơn 15 địa điểm trên khắp nước Mỹ.

Điểm ấn tượng của hãng, ngoài việc chuyên kiếm lời nhờ quảng cáo trên máy bay, chính là dàn tiếp viên nóng bỏng. Hooters áp dụng mô hình “bồi bàn mát mẻ” lên hãng hàng không của mình, với phương châm để các hành khách khi bước lên máy bay giống như bước vào một nhà hàng, được các quý cô ăn mặc gợi cảm hướng dẫn ghế ngồi và phục vụ đồ ăn.

Những “cô gái Hooters” với chiếc quần short ngắn và áo tank tops bó sát gợi cảm.

Những “cô gái Hooters” với chiếc quần short ngắn và áo tank tops bó sát gợi cảm.

Trên mỗi chuyến bay, sẽ có hai cô gái từ nhà hàng Hooters góp mặt, còn lại là ba tiếp viên hàng không được Cục Hàng không chứng nhận. Đối với các cô bồi bàn Hooters, chuyện “nhảy việc” từ phục vụ nhà hàng sang phục vụ hành khách bay là một điều rất thú vị. “Thay đổi rất hay. Thay vì bưng đồ ăn và dọn bàn cả ngày thì trên máy bay, cơ bản là chúng tôi chỉ nói chuyện giải trí hay bày trò đố vui” - một cô bồi bàn chia sẻ.

Các tiếp viên hàng không cũng không có phàn nàn gì. Sara Nitz, một nữ tiếp viên của hãng Hooters Air, nói: “Tôi có một bộ đồng phục màu xanh navy và một chiếc khăn đeo cổ màu cam, trên đó có thêu con cú nhỏ. Rất chuyên nghiệp”. Kimberly Cerimele, một tiếp viên khác, tiết lộ thêm rằng: “Thông thường thì tiếp viên hàng không sẽ phải phụ trách việc phục vụ thức ăn trên máy bay. Nhưng chúng tôi chỉ cần làm các thủ tục đảm bảo an toàn cần thiết. Sau đó, hai cô gái của nhà hàng Hooters bước ra, tổ chức trò đố vui nho nhỏ hoặc hát một bài hát. Họ không được đào tạo gì cả, họ có mặt để góp vui cho hành khách thôi”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Một cựu phi công của Hooters Air còn hài hước nhận xét: "Có lẽ tôi là một trong số những phi công ít ỏi đã được lái máy bay thẳng lên thiên đường".

Một cô gái Hooters đang chuẩn bị cho trò giải đố.

Một cô gái Hooters đang chuẩn bị cho trò giải đố.

Theo lời Cerimele, một cô gái từng có thời gian làm việc cho hãng Hooters, cô chưa từng thấy bất kỳ hình thức quấy rối nào xảy ra trên các chuyến bay. “Tán tỉnh thì chắc chắn là có. Chuyến bay nào cũng có những người uống hơi nhiều một chút. Nhưng không có chuyện xấu gì xảy ra bao giờ” - Cerimele nói. “Mọi thứ vui lắm. Chúng tôi làm đúng công việc của mình, vậy thôi. Đó là kỷ niệm rất tuyệt”.

Một hãng bay đầu tư vào chất lượng

Trên thực tế, Hooters Air hút khách không chỉ vì giá rẻ hay sự có mặt của những cô gái với bộ đồng phục gợi cảm, mà hãng còn tạo ra nhiều khác biệt về chất lượng. Bắt đầu là hàng loạt chương trình quảng cáo tập trung vào những người đam mê golf, với thế mạnh hơn 100 giải golf được tổ chức mỗi năm ngay tại thành phố đặt trụ sở chính - Myrtle Beach.

Bên cạnh đó, dù bán giá vé rất cạnh tranh so với các đối thủ, nhưng tất cả ghế ngồi trên Hooters Air không những có chỗ để chân rộng rãi như hạng thương gia, mà còn bọc một lớp da màu đen sang trọng.

Và điểm khác biệt nhất chính là dịch vụ khi bay. Khác với các hãng bay giá rẻ thường cắt bỏ dịch vụ và bán thêm suất ăn, quà lưu niệm để gia tăng doanh thu, Hooters Air không rao bán bất kỳ thứ gì, thậm chí còn cung cấp suất ăn miễn phí cho những chuyến bay trên một giờ.

Sự xuất hiện

Sự xuất hiện "vui nhộn" của hai cô gái bồi bàn.

Những điểm mạnh trên nhanh chóng đem lại nhiều kết quả tích cực. "Khi hoạt động hết công suất, Hooters Air dễ dàng mang 3.000 - 5.000 khách đến khu vực Myrtle Beach mỗi tuần" - Brad Dean, Trưởng phòng Thương mại Myrtle chia sẻ, "Hooters Air không chỉ là một hãng bay mà còn là một chương trình vì cộng đồng lớn nhất mà tôi từng thấy. Ngài Brooks tin rằng Myrtle Beach có cơ hội phát triển thành một trung tâm du lịch và kinh tế lớn trên cả nước".

Ngoài ra, Hooters Air cũng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho những khu vực nhỏ lẻ mà hãng bay này hoạt động, như sân bay Gary Indiana và vùng Nam Chicago.

…Nhưng vẫn thất bại với khoản thua lỗ 40 triệu USD

Dù đóng góp tích cực về mặt kinh tế cho nhiều khu vực, nhưng cuối cùng Hooters Air vẫn phải ngừng hoạt động vào năm 2006, tức chỉ ba năm sau khi xuất hiện, với khoản lỗ lên tới 40 triệu USD. Thất bại này cũng chấm dứt hợp đồng lao động cho hơn 350 nhân viên, từ phi công, tiếp viên cho đến kỹ sư vận hành. Bảy chiếc Boeing đang hoạt động cũng được bán gấp để bù lỗ.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra, đầu tiên là thị trường hàng không vẫn còn bàng hoàng sau cuộc khủng bố 11/9, rất nhiều khách hàng chỉ muốn bay các hãng lớn vì yếu tố an toàn. Đới với chiến dịch quảng cáo “mát mẻ” của Hooters Air, nhiều người bắt đầu đặt ra câu hỏi: Đây là hãng hàng không, hay chỉ là một thương hiệu ăn theo toàn là “hàng” không?

Thêm vào đó là sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, giá vé của Hooters Air nhanh chóng bị các hãng lâu năm với nhiều điểm đến hơn như Southwest “sao chép”, khiến hãng bay non trẻ này nhanh chóng đánh mất vũ khí quan trọng.

Cuối cùng là giá xăng dầu, từ lúc Hooters Air bắt đầu hoạt động cho đến lúc phá sản, giá xăng dầu trên thế giới liên tục tăng, đẩy các hãng có tiềm lực kinh tế kém vào tình thế cực kỳ khó khăn.

Empty

"Ngành hàng không là một mớ hỗn độn" - Chủ tịch Brooks cho hay, "Đúng là Hooters có nhiều tiền, nhưng số tiền đó không đủ để giải quyết tình trạng này”.

Tuy vậy, thất bại từ Hooters Air cũng không cản nổi bước tiến của thương hiệu “mẹ” - Hooters. Hàng trăm cửa hàng tiếp tục hoạt động hiệu quả và đẩy giá trị của chuỗi nhà hàng 40 năm tuổi lên hàng trăm triệu USD. Thậm chí, trong đợt sóng đại dịch Covid-19, công ty Hooters vẫn vững vàng kinh doanh đến tận hôm nay, chứng minh hiệu quả bán hàng không bao giờ suy giảm của “sự quyến rũ”.

An tổng hợp - Ảnh: Internet
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES