Istanbul - Thành phố trên 7 quả đồi

11/05/2016

Tôi tới Istanbul vào một sáng sớm mùa thu. Sân bay Istanbul rộng lớn, hướng dẫn viên bản địa của Dorak (một trong những công ty du lịch nội địa lớn của Thổ Nhĩ Kỳ) đã đợi sẵn bên ngoài. Chỉ dành vài phút cho việc đổi tiền, chúng tôi rời sân bay, lên xe bus, đi ngang qua trụ sở hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ vào thành phố.

Đọc tiếp Kỳ 2: Cappadocia - Xứ sở thần thoại

Text: Lê Minh Phượng, Nguyễn Thảo. Ảnh: Lê Thế Thắng, Trần Duy Nam, và nhiều nguồn khác. 

Ngày trung tuần tháng 9, Istanbul tắm mình trong ánh nắng ấm áp, bầu trời cao và xanh biếc đến khó tin. Thành phố với những con dốc, mái vòm nhà thờ, các cư xá hiện đại xen lẫn khu phố cổ kính pha trộn nhiều phong cách kiến trúc… hiện dần lên sau mỗi khúc quanh. Istanbul được xây dựng trên bảy quả đồi, vì vậy thật thú vị khi ngắm nhìn thành phố từ nhiều góc độ khác nhau lúc xe bus lên, xuống giữa những con đường dốc.

 

 

Mặc dù Ankara là thủ đô nhưng với du khách Istanbul mới chính là trái tim Thổ Nhĩ Kỳ

 

Bophorus huyền thoại

Xuất phát từ TP.Hồ Chí Minh, sau 15 giờ bay, tôi ngạc nhiên khi thấy mình vẫn tràn đầy năng lượng. Có lẽ giờ bay hợp lý cộng với một chút raki (vodka Thổ) trong bữa tối tuyệt vời của hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp tôi có một giấc ngủ ngon. Vì vậy, ngay sau khi nhận phòng và cất hành lý tôi đã muốn rời khách sạn, lao ra phố để hòa mình với Istanbul huyền thoại.

 

 

Sẽ vô cùng tiếc nuối cho những ai đã đến đây mà bỏ lỡ cơ hội dạo chơi trên eo biển Bosphorus bằng du thuyền. Con đường dẫn ra cảng Sừng Vàng (Golden Horn) tuyệt đẹp, dù có đôi lúc kẹt xe. Một bên đường là vịnh biển xanh biếc, lộng gió, khi chiều tà các gia đình thường dẫn theo con nhỏ dạo chơi bên các bãi cỏ, công viên ven biển. Tôi nhìn thấy rất nhiều người buông câu và một người cha đang tắm biển cùng với hai cậu bé, chú chó nhỏ đứng trên bờ tham gia cuộc vui của họ bằng cách sủa lên inh ỏi. Phía đối diện với biển là một bức tường thành cổ kính chạy dài men theo suốt con đường. Thi thoảng xuất hiện một quán cà phê nép mình dưới chân bức tường thành. Thành phố, nhà cửa với kiến trúc độc đáo - đường nét, màu sắc pha trộn giữa Á và Âu, thời gian đã làm cho chúng trở lên hòa hợp một cách hoàn hảo - mọc san sát trên những con đồi phía sau bức tường thành. Vượt lên trên tất cả là hàng cột đá cao vút của các nhà thờ Hồi giáo.

Mất hơn 25 lira là bạn có khoảng 2 giờ đi dạo ngắm cảnh trên du thuyền dọc theo vịnh Bosphorus. Tại đây, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy Istanbul nằm vắt mình qua hai lục địa Á - Âu, ngăn cách bởi vịnh Bosphorus và kết nối bởi 3 cây cầu và các chuyến phà qua lại. Chỉ mất vài phút qua cầu là bạn đã có thể đặt chân lên cả hai lục địa.

 

 

Khu vực cảng Sừng Vàng (Golden Horn) có thể nói là khu sầm uất và hoa lệ bậc nhất của Istanbul, cũng là nơi thể hiện rõ nét giao thoa văn hóa. Do vị trí địa lý độc đáo, cảng Sừng Vàng là cảng biển thương mại quốc tế quan trọng và là tuyến đường biển duy nhất nối biển Đen và Địa Trung Hải. Tôi lên thuyền lúc 6 giờ chiều và bắt đầu rời bến từ cầu tầu Galata. Nắng đã nhạt, gió thổi mạnh, chỉ mặc có một chiếc sơ mi nên tôi đã rét run. May thay nhà thuyền đã mang tới một ly trà táo ấm nóng. Tôi tưởng như mình chưa từng thưởng thức bất cứ loại trà nào có vị ngọt và hương thơm quyến rũ đến vậy trước đây. 

 

 

Thật khó để diễn tả lại cảm giác khi du ngoạn trên dòng Bosphorus lúc chiều tà, cảnh vật hiện lên như trong một bộ phim du ký lãng mạn của Hollywood. Thuyền lướt nhanh trên mặt biển xanh dương. Mặt trời bắt đầu lặn, ném chùm sáng huy hoàng cuối cùng lên các dinh thự, lâu đài nguy nga và cổ kính bên bờ vịnh. Hải âu lượn từng đàn quanh pháo đài Europion, tiếng kêu chói tai và sải cánh vội vã của chúng như cố níu vầng dương đỏ ối đang chìm dần trên biển.  Kết thúc cuộc du ngoạn, tôi dùng bữa tối tại Sur Balik, một nhà hàng trên lưng đồi. Khu vực sân trời của nhà hàng với tầm nhìn toàn cảnh vịnh Bosphorus thật sự đáng để bạn chi khá tiền cho việc giữ chỗ và trải nghiệm. Nếu muốn tìm một nơi để ăn tối giá cả dễ chịu hơn, bạn có thể đến khu ẩm thực dưới chân cầu Galata. Đây cũng là một địa chỉ quen thuộc với du khách và là nơi tốt nhất để selfie với background là cảnh mặt trời lặn trên cảng Sừng Vàng.

 

“Không thể rời đi nếu chưa đến”

Istanbul từng có nhiều tên gọi khác nhau cũng như sở hữu nhiều danh hiệu đặc biệt để miêu tả như: vùng đô thị rộng lớn nhất châu Âu (trên 5.000 km2), thành phố đông dân nhất thế giới (14 triệu dân) hay thành phố liên lục địa. Bị thu hút bởi các công trình kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo và văn hóa nên với tôi Istanbul hấp dẫn đến từng ngõ nghách. Khó có thể đếm được số lượng đền thờ ở Istanbul và cũng thật khó để phân biệt chúng bởi ngôi đền nào cũng là một công trình mỹ lệ với hệ thống mái hình bát úp và hàng cột cao kiêu hãnh. Chỉ cần dạo qua vài con phố, tôi đã được ngắm nhìn vô số công trình kiến trúc mang dấu ấn của các giai đoạn và các nền văn hóa khác nhau. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi biết Istanbul là một đô thị cổ hơn 2 ngàn năm và từng là kinh đô của bốn đế quốc: La Mã, Byzantine, Latin và Ottoman .

 

 

Nhìn trên bản đồ du lịch, quần thể di sản kiến trúc rực rỡ nhất của Istanbul phần lớn tập trung tại khu vực mũi bán đảo, nơi một phía tiếp giáp với cảng Sừng Vàng, phía kia là khu vực Bosphorus hòa với biển Marmara. Tôi đã dành trọn một ngày để tham quan các địa điểm mà bản đồ du lịch Istanbul ghi chú là “không thể rời đi nếu chưa đến”.

Bắt đầu từ Quảng trường đua ngựa Hippodrome do hoàng đế La Mã Septime Sévèse xây dựng năm 203 với sức chứa 40.000 người. Ngày nay, trên quảng trường chỉ còn sót lại một số di tích như: cột tháp Ai Cập (Obélisque Égyotien) làm từ đá nguyên khối và trụ đồng hình rắn (Colonne Serpentine). Từ đây, chỉ mất vài phút đi bộ để đến thăm hai ngôi đền nổi tiếng, là công trình kiến trúc tôn giáo tuyệt mỹ của nhân loại.

 

Đền thờ Xanh (Blue Mosque)

Xây dựng từ giữa giai đoạn năm 1609 và 1616 dưới thời vua Ahmed I - Đế quốc Ottoman, nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed thường được biết đến với tên gọi Đền thờ Xanh bởi nội thất bên trong được trang trí và khảm, lát đá xanh rực rỡ. Nhà thờ hiện vẫn đang hoạt động và cho phép du khách vào thăm quan bằng lối đi riêng nếu mặc trang phục kín đáo, lịch sự. Phụ nữ được yêu cầu che tóc và cấp khăn trùm đầu tại khu vực kiểm soát. Du khách có thể chụp ảnh cả bên ngoài lẫn bên trong đền thờ. Tuy nhiên việc chụp ảnh có đôi chút bất tiện bởi giầy, dép được yêu cầu tháo bỏ và phải xách theo trong suốt quá trình tham quan. Bên trong không gian rộng lớn như một quảng trường của ngôi đền, âm vang tiếng rì rầm thán phục của hàng ngàn du khách. Ấn tượng nhất là hệ thống mái vòm khổng lồ nối tiếp, đan xen với nhau, các chi tiết hoa văn tinh xảo trên trần và cột được chiếu rọi hoàn toàn bằng ánh sáng tự nhiên từ hàng trăm cửa sổ trời. Dù không phải là một tín đồ nhưng khi ngắm luồng ánh sáng phản chiếu rực rỡ qua những tấm kính màu của ngôi đền, tôi thực sự đã cảm nhận được sự hiện hữu thiêng liêng của Thượng Đế.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Ảnh: Eddie Crutchley

Nằm đối diện với Đền thờ Xanh là thánh đường Hagia Sophia với bề dày lịch sử ngàn năm tuổi và được bao phủ bởi những truyền thuyết huyền bí. Trong tác phẩm văn học được phát hành với 28 triệu bản - Truy tìm Dracula (The Historian), nhà văn Elizabeth Kostova đã miêu tả Istanbul và đặc biệt là thánh đường Hagia Sophia thật sống động và đầy màu sắc thần thoại. Nơi đây, ngược dòng lịch sử, Cơ đốc giáo và Hồi giáo đã từng có những mối liên quan đặc biệt. Bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng trước khi trở thành đền thờ Hồi giáo vào năm 1453, Hagia Sophia đã từng là thánh địa thiêng liêng của Cơ đốc giáo trong suốt một nghìn năm.

Đã từ lâu trong danh sách các điểm đến mơ ước của mình, tôi luôn nghĩ đến việc một ngày nào đó được bước chân vào thánh đường Hagia Sophia. Và hôm nay, ngôi đền thiêng liêng hiện ra trước mắt tôi với những mảng tường đá loang màu hồng cam ấm áp và mái vòm trung tâm khổng lồ. Bên ngoài thánh đường là một quảng trường khá rộng có đài phun nước xinh đẹp, nhiều ghế dài cho khách bộ hành nghỉ chân. Sân trong mát mẻ với hàng cây đại thụ, vườn cỏ trưng bày các tác phẩm điêu khắc cổ đại được tìm thấy trong các cuộc khai quật.

 

 

Khó mà tả được cảm giác choáng ngợp khi bước chân vào bên trong thánh đường rộng lớn. Kiến trúc và nghệ thuật trang trí của nhà thờ toát lên sự hùng vĩ và tráng lệ. Toàn bộ cột, tường, sàn được tạo tác từ đá khối tự nhiên với màu sắc và hoa văn phong phú. Cách sắp xếp và ghép các viên đá lát tường để phối hợp hoa văn, màu sắc cũng thể hiện thẩm mỹ tinh tế.

Phải lên tầng gác thứ hai nhìn xuống mới có thể bao quát được khu chính điện vì không gian quá lớn. Cũng từ vị trí này, bạn sẽ nhìn ngắm rõ ràng hơn hai hàng cột tuyệt mỹ, mái vòm trung tâm khổng lồ với các họa tiết chạm khảm cầu kỳ hay các bức bích họa trên trần mô tả tích thánh. Các bức họa này và những gì biểu hiện cho tinh thần Cơ đốc giáo đã từng bị phá hủy và che lấp khi nhà thờ biến thành đền thờ Hồi giáo. Chúng chỉ tái xuất vào năm 1931, khi nước cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ tu sửa lại và chuyển đổi đền thờ thành viện bảo tàng. Hagia Sophia hiện còn lưu giữ và trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá

Thật bồi hồi khi đứng dưới hàng cột đá cẩm thạch mà hồi tưởng về sự hiện hữu của những đế chế, sự giao tranh, xung đột, người đến kẻ đi, người chiến thắng, kẻ suy tàn…

Quá khứ không ngủ yên … Có thể nghe tiếng nó thì thầm khi cơn gió thổi vào từ bờ vịnh qua những dinh thự cổ kính, những quảng trường, mái vòm và bức tường đá trầm mặc của các ngôi đền.

 

Kebab, cà phê, mua sắm và dạo phố

Ở Istanbul còn hàng trăm điều tỉ mỉ, thú vị khác mà tôi khao khát nếm trải. Có quá ít thời gian để tôi la cà dạo phố, thả bộ trong những con hẻm dốc thoai thoải, nhìn ngắm các dinh thự cũ kỹ,  tha hồ đoán, hoặc tra google để tìm xem nó được xây dựng theo phong cách nào. Khi chân đã mỏi, tôi sẽ dừng lại một quán cà phê xinh đẹp, dưới bóng cây ven đường hoặc cuối hẻm. Rất nhiều bạn trẻ đang tán gẫu vui vẻ ở đây và kem hay bánh ngọt thì quá tuyệt vời. Hoặc tôi sẽ bước vào một cửa hàng, ngắm nghía và bổ sung thêm một vài món đồ độc đáo cho bộ sưu tập mà mình tích cóp mang về từ các chuyến du lịch. Có vô số các mặt hàng hấp dẫn du khách ở đây nhưng tôi thường chi tiêu vô tội vạ cho các tấm bưu thiếp cổ, tem thư cũ, các bức họa chép lại - mô tả phong cảnh Istanbul trong quá khứ.

 

 

Hẳn là bạn sẽ thắc mắc, không có điều gì làm tôi thất vọng ở Istanbul sao? Có đấy, đó là kebab, món thịt nướng trứ danh của Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi thường mất thời gian đứng đờ ra trước cửa hàng kebab khi phải quyết định chọn món, bởi trong một cửa hàng truyền thống, ít nhất phải có đến vài chục loại kebab khác nhau. Và khi cầm món đã chọn trên tay tôi lại tự hỏi: Ồ, sao ta không thử loại kia nhỉ?

 

 

Travellive tư vấn:

Phương tiện:

- TURKISH AIRLINES – Hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp các chuyến bay hàng ngày khởi hành lúc 20h từ Tp. Hồ Chí Minh đi Istanbul, quá cảnh tại Bangkok, đến sân bay Istanbul lúc 6h00 ngày hôm sau

- Ngày 27/6 Turkish Airlines chính thức mở đường bay trực tiếp từ Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội đi Istanbul

+  Hà Nội – Istanbul  2 chuyến/ tuần vào Thứ Hai , Thứ Tư, khởi hành 16h50 , đến nơi 5h20 ngày hôm sau

+ Tp. Hồ Chí Minh 1 chuyến/ngày, khởi hành 20h25, đến nơi 5h20 ngày hôm sau

- Đặt vé trực tuyến qua website: www.turkishairlines.com hoặc đặt mua trực tiếp tại Phòng vé Turkish Airlines

Visa:

- Thổ Nhĩ Kỳ cấp visa online (eVisa) cho hộ chiếu còn hiệu lực visa các nước thuộc khối OECD.  Phí 50 USD

-  Visa thông thường phí 60 USD gửi hồ sơ trước 01 tháng và gửi bản đăng ký qua website www.evisa.gov.tr

Tiền tệ :  Lira

01 Lira bằng  = 0.35USD =  8.000 Việt Nam đồng

- Phương tiện đi lại tại Istanbul: tàu điện và tàu hỏa là những phương tiện phổ biến và thuận tiện nhất. Tuy nhiên, tàu sẽ khá đông vào giờ cao điểm, tan tầm. Bạn cũng có thể di chuyện trong khu trung tâm bằng taxi.

- Khách sạn:

Levni  Boutique Hotel (Ankara Caddesi No: 12 Sirkeci – İstanbul, +90 212 519 10 19)

Ottoman İmperial Boutique Hotel (Caferiye Sokak No 6/1 34122 Sultanahmet  Istanbul, +90 212 513 61 50)

Sura Hagia Sophia Boutique Hotel (Divanyolu Cad. Alemdar Mah. Ticarethane Sk. No:10 34122 Istanbul, +90 212 522 7400)

Wyndham Istanbul Old City 5 star    (Balabanaga Mahallesi, Fethibe, 34134 Laleli-Fatih, Istanbul, 34134  , +90 21 25149000)

- Nhà hàng:

Surplus Restaurant (Fatih, Ragıp Gümüşpala Caddesi, 54, Istanbul, Turkey 34200), Matbah Restorant (Caferiye Sokak No 6/1 34122  Sultanahmet, İstanbul, Türkiye), Deraliye Restaurant (Adress: Divanyolu Cad, Alemdar Mah, Ticarethane Sk, No:10 Sultanahmet / Istanbul), and Sur Arnavutköy (Bebek Arnavutköy Cad. No: 52 Bebek / İstanbul)

- Tour

Dorak Tour Turkey cung cấp tour 8 ngày 7 đêm cho du khách đến từ Việt Nam. Bạn sẽ được đón tại Istanbul, tham quan các địa danh nổi tiếng như thánh đường Hagia Sofia, cung điện Topkapi trước khi khám phá các thành phố khác bao gồm Canakkale, Kusadasi, Pamukkale, Konya, Cappadocia và  Ankara.

 

Shopping ở Istanbul

Istanbul là một điểm nằm trên con đường tơ lụa, vì vậy từ xưa thương mại đã phát triển thành nghệ thuật. Những người bán hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và Istanbul nói riêng đều là nam giới và rất chuyên nghiệp. Sau vài câu chuyện trò xã giao, người bán hàng thường mời khách dùng trà, họ ít khi nói ngay về giá cả mà sẽ giới thiệu trước về chất lượng món hàng.

 

 

Nếu không đủ bản lĩnh, có thể bạn sẽ tiêu sạch toàn bộ số tiền ngay tại cửa hàng đầu tiên

Chợ Grand Bazaar – theo tiếng Thổ là chợ cũ và lớn nhất thế giới, với hơn 4000 gian hàng, thu hút 250.000 - 400.000 lượt khách tham quan, mua sắm mỗi ngày. Chợ có tới 21 cổng trổ ra 60 đường phố. Grand Bazaar là một mê cung khổng lồ có sức hút ghê gớm với các tín đồ shopping. Đặc biệt là những ai yêu thích, sưu tầm đồ trang trí và thủ công, mỹ nghệ. Chợ bán tất cả các mặt hàng từ “thượng vàng, hạ cám” cho đến những món quý hiếm, từ gia vị, quả khô, kẹo bánh, gạch men trang trí, trang phục múa bụng cho tới thảm thủ công, trang sức tinh xảo... Món hàng nào cũng màu sắc và hấp dẫn, người bán hàng nào cũng thân thiện và chuyên nghiệp. Bạn chỉ ước cho quỹ thời gian cũng như tiền bạc của mình là vô hạn và mong sao mình không bị lạc đường vào cuối buổi mua sắm.

 

 

Đại lộ thời trang Taksim

Khác với Grand Bazaar, khu vực Taksim Square là một đại lộ tập trung chủ yếu các cửa hàng thời trang và phụ kiện. Vào chiều tối hay các ngày cuối tuần, đại lộ rộng lớn này luôn tấp nập người dạo chơi và mua sắm. Tất cả các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới đều có mặt tại đây, bên cạnh các nhãn hiệu thời trang cao cấp và xa xỉ còn có nhiều hàng may mặc Thổ Nhĩ Kỳ chất lượng tốt và giá cả phải chăng. Đây cũng là khu phố người Thổ đến dạo chơi, mua sắm đông đúc nhất vào ngày nghỉ và các dịp lễ, tết.

 

 

Các điểm shopping ở Istanbul:

Ngoài Grand Bazaar và Taksim Square, du khách nên đến thăm chợ Gia Vị (Spice Bazaar) hay còn gọi là chợ Ai Cập.

 

Mua gì ở Istanbul:

- Các mặt hàng lưu niệm, đồ thủ công truyền thống, các loại gia vị, quả khô và đặc biệt là đồ gốm, thảm, áo khoác dạ, áo da.

- Turkish Delight là các loại bánh kẹo truyền thống của Thổ thường được mua để làm quà.

Mẹo shopping:

- Đừng vội trả giá khi mua sắm, hãy xem kỹ chất lượng và tham khảo giá. Khi quyết định mua, hãy bắt đầu trả giá từ 30% so với giá người bán hàng đề nghị.

- Mua thảm và đồ gốm: Thảm và đồ gốm của Thổ là sản phẩm thủ công nổi tiếng trên toàn thế giới về chất lượng và hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Hai mặt hàng này bán rất nhiều tại Istanbul và các thành phố du lịch khác. Tuy nhiên giá cả tại mỗi cửa hàng có thể rất khác nhau phụ thuộc vào 3 yếu tố:  chất liệu, kích thước sản phẩm, sự tinh xảo và thời gian sản xuất, cuối cùng là khả năng trả giá của bạn.

Một tấm thảm thủ công dệt từ sợi tơ tằm có thể tốn tới cả năm làm việc của 2 phụ nữ. Thảm chất lượng tốt có giá tối thiểu từ vài trăm USD đến vài chục ngàn USD, kèm giấy bảo hành và phí vận chuyển. Đồ gốm cũng có giá cả và chế độ bán hàng tương tự.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES