Khinh khí cầu có thể trở thành trải nghiệm du lịch hấp dẫn nhất 2022?

28/03/2022

Năm nay, nhiều địa phương trên cả nước tất bật tổ chức lễ hội khinh khí cầu nhằm kích cầu du lịch trở lại. Bay trên khinh khí cầu cũng là trải nghiệm du lịch còn khá mới mẻ tại Việt Nam, hứa hẹn thu hút nhiều du khách tham gia vào kỳ nghỉ mùa hè sắp tới.

Bình thường mới, nhiều điểm đến tất bật tổ chức lễ hội khinh khí cầu quy mô lớn

Trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch hậu Covid-19, nhiều điểm đến trên cả nước đã và đang tập trung đa dạng trải nghiệm du lịch theo hướng độc đáo, đáng nhớ. Trong đó, ngày hội khinh khí cầu được coi như sự kiện mở màn cho mùa du lịch tại nhiều địa phương du lịch nổi tiếng.

Hồi cuối tháng 1/2022, TP. Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện thả 16 khinh khí cầu lơ lửng tại Công viên nóc hầm vượt sông Sài Gòn. Đến nay, nhiều địa phương du lịch nổi tiếng khác đồng loạt tổ chức lễ hội khinh khí cầu quy mô lớn như Du lịch Hà Nội chào 2022 (25/3), ngày hội khinh khí cầu bên sông Hoài - phố cổ Hội An (25/3), ngày hội khinh khí cầu Đà Nẵng (27/3).

Ngày hội khinh khí cầu tại Hội An (Quảng Nam) - Ảnh: Ngô Trần Hải An

Ngày hội khinh khí cầu tại Hội An (Quảng Nam) - Ảnh: Ngô Trần Hải An

Vào cuối tháng 3 sắp tới, Việt Nam đăng cai tổ chức lễ hội khinh khí cầu quốc tế tại Tuyên Quang, quy tụ 20 khinh khí cầu từ khắp các quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Tây Ban Nha và Hà Lan.

Riêng Phan Thiết là địa phương đầu tiên mà du khách có cơ hội trải nghiệm tour du lịch trên không bằng khinh khí cầu. Chuyến bay bằng khinh khí cầu kéo dài trong 60 phút, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh trung tâm thành phố và bãi biển, đồi cát Mũi Né từ trên cao.

Khinh khí cầu - Một xu hướng du lịch mạo hiểm mới năm 2022

Chiến lược du lịch ASEAN (ATSP) giai đoạn 2016-2025 nêu rõ du lịch mạo hiểm nên được chú trọng tại các quốc gia Đông Nam Á vốn có lợi thế thiên nhiên nhiệt đới, rừng-biển-đảo liền kề và hạ tầng tương đối phát triển. Mặc dù hai loại hình du lịch mạo hiểm là chèo SUP và trekking đã rất thịnh hành, song tính đến thời điểm hiện tại, trải nghiệm du lịch bằng khinh khí cầu đang trở nên phổ biến ở khu vực Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, du lịch bằng khinh khí cầu đã hoạt động trong những năm gần đây nhưng còn khá ít người tham gia. Tuy nhiên, trong năm nay nhiều điểm đến mới chính thức quảng bá và tổ chức lễ hội quy mô lớn gắn liền với loại hình du lịch mạo hiểm này.

Sở dĩ khinh khí cầu được giới chuyên gia gọi là hoạt động mạo hiểm bởi chúng chỉ có thể bay lên theo phương thẳng đứng, hoạt động phụ thuộc nhiều vào hướng gió. Đồng thời, những khu vực cất và hạ cánh buộc không có chướng ngại vật và điều kiện khí tượng phù hợp. Thêm nữa, khinh khí cầu chỉ được bay trong điều kiện gió cấp 3 trở xuống và trời không mưa. Trường hợp thời tiết xấu, buổi trình diễn hoặc tour khinh khí cầu sẽ bị hoãn lại.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Ngày cuối cùng của Lễ hội khinh khí cầu tại Hà Nội (27/3) đã phải hoãn lại vì thời tiết xấu - Ảnh: Kincoi

Ngày cuối cùng của Lễ hội khinh khí cầu tại Hà Nội (27/3) đã phải hoãn lại vì thời tiết xấu - Ảnh: Kincoi

Bay trên khinh khí cầu được xem là trải nghiệm mạo hiểm, thường gắn với thử thách cá nhân, liên quan đến nhận thức rủi ro và độ nguy hiểm có thể kiểm soát được. Những du khách yêu thích mạo hiểm được xem là tuýp người chấp nhận rủi ro và sẵn sàng trả tiền để có những trải nghiệm thú vị và đích thực. Họ thường tìm kiếm các điểm đến và hoạt động du lịch mới, ít người biết.

Ngoài mạo hiểm, các chuyến bay trên khinh khí cầu mang đến cho du khách một cảm giác yên tĩnh hơn nhiều hoạt động bay lượn khác. Tạp chí Wanderlust đã lý giải sức hấp dẫn của hoạt động bay trên khinh khí cầu rằng, du khách có thể “tách biệt đám đông và trải nghiệm cảm giác hồi hộp khi nhìn thế giới từ trên cao bằng treo mình trong khoảng không giữa bầu trời”. Ở nhiều nơi trên thế giới, ngoài trải nghiệm ngắm cảnh, du khách còn lựa chọn tổ chức tiệc sinh nhật hay cầu hôn, tiệc cưới trên khinh khí cầu.

Với một vài chuyên gia khác, họ cho rằng bay khinh khí cầu là một hoạt động của du lịch địa chất trên không (Aerial Geotourism). Đây là kết quả của sự kết hợp giữa khoa học Trái Đất, du lịch và hàng không với nhau. Loại hình du lịch này quảng bá đến du khách độ kỳ vĩ về quy mô và cảnh quan đặc trưng thiên nhiên điểm đến như sa mạc, thung lũng hay công viên địa chất.

Bài học từ thành công của Cappadocia và Đài Loan

Tại Cappadocia (Thổ Nhĩ Kỳ) có 27 công ty khinh khí cầu hoạt động với 280 khinh khí cầu trong năm 2021. Nhờ vào cảnh quan địa chất độc đáo với hàng ngàn cột đá chóp nhọn như ống khói trong truyện cổ tích và điều kiện khí tượng phù hợp, nơi đây đón và phục vụ khoảng 500 nghìn du khách với 250-270 ngày bay khinh khí cầu mỗi năm.

Từ thành công của Cappadocia, nhiều thành phố tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn lên Cơ quan hàng không dân dụng đăng ký và mở bán các chuyến bay khinh khí cầu phục vụ hoạt động du lịch, chủ yếu là khách quốc tế.

Bay khinh khí cầu trên

Bay khinh khí cầu trên "thung lũng nấm" Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Internet

Đài Đông (Đài Loan) được vinh danh vào top 12 điểm tổ chức Lễ hội Khinh khí cầu rực rỡ nhất thế giới.

Đài Đông (Đài Loan) được vinh danh vào top 12 điểm tổ chức Lễ hội Khinh khí cầu rực rỡ nhất thế giới - Ảnh: Internet

Ở châu Á, Đài Đông (Đài Loan) được vinh danh vào Top 12 điểm tổ chức lễ hội khinh khí cầu rực rỡ nhất thế giới. Hàng năm lễ hội khinh khí cầu được tổ chức ở Luye Township từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 8, thu hút hơn 1 triệu du khách tham dự. Đây là một vùng cao nguyên nằm ở độ cao trung bình khoảng 350 m, bao quanh là những dãy núi trùng điệp và thung lũng East Rift Valley. Sự kiện này góp phần quảng bá cho vẻ đẹp thiên nhiên và khả năng đem lại nguồn lợi kinh tế hấp dẫn khi sử dụng khinh khí cầu như một công cụ phát triển du lịch.

Tại Đông Nam Á, Malaysia đã tổ chức thành công nhiều kỳ lễ hội khinh khí cầu quốc tế tại thành phố Putrajaya - trung tâm hành chính mới của quốc gia này.

Tạm kết

Khinh khí cầu - trải nghiệm thể thao mạo hiểm mới, hứa hẹn mở ra cơ hội cho nhiều điểm đến trên cả nước đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, để lễ hội trình diễn hay tour khinh khí cầu có thể hoạt động quanh năm phải phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Không hẳn tỉnh, thành nào cũng có nắng đẹp quanh năm, chẳng hạn như mùa lạnh rét ở Bắc Bộ hoặc bão lũ ở duyên hải Trung Bộ kéo dài. Một vài điểm đến còn có tình trạng học hỏi nguyên đúc sản phẩm, dịch vụ trình diễn lễ hội và tour khinh khí cầu, thành ra du khách đi đến đâu cũng thấy sự trùng lắp, đơn điệu như nhau.

"Những đóa hoa đăng" trong đêm 26/3, Hội An - Ảnh: Ngô Trần Hải An

Ảnh: Ngô Trần Hải An

Ảnh: Ngô Trần Hải An

Điều cần lúc này là mỗi điểm đến cần xem xét những sản phẩm, cảnh quan du lịch đặc thù địa phương có thực sự phù hợp với trải nghiệm mạo hiểm là khinh khí cầu hay chưa. Nếu triển khai, khinh khí cầu được xem như một công cụ du lịch mới mẻ phụ trợ chuỗi sản phẩm, dịch vụ chung của địa phương, từ đó duy trì hình ảnh điểm đến luôn luôn thú vị trong lòng du khách. Hạn chế tối đa tình trạng vội vã làm theo kiểu "một lần rồi thôi" và du khách cũng không màng trở lại, kéo theo hiệu quả kinh tế, quảng bá truyền thông không bền. Bởi lẽ, sức hấp dẫn điểm đến dù trước hay sau thời điểm bùng phát dịch bệnh vẫn cần sự khác biệt và sáng tạo, khả năng tiếp thị đồng bộ đi cùng lòng hiếu khách, chân thành của người dân địa phương.

Minh Hiếu
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES