Komorebi – Giấy, nắng & chuyện cỏ cây

28/03/2017

Komorebi, trong tiếng Nhật, mang nghĩa an lành, là “những tia nắng trong veo len lỏi qua các tán cây”. Komorebi, đó cũng là cảm giác của tôi khi lần đầu tiên nhìn thấy những mảng giấy Washi dưới ánh mặt trời.

Lịch sử của giấy ở Đông phương xuất phát từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ 1, và được du nhập Nhật Bản khoảng thế kỷ thứ 7 (tầm năm 610, thời đại Asuka). Nhưng đến năm 800 (thời đại Nara) thì cả thế giới không ai sánh được với Nhật về kỹ thuật làm giấy. Thế rồi, nước Nhật bắt đầu bước vào thời đại công nghiệp, máy móc tiên tiến từ phương Tây dần thay thế các kỹ thuật truyền thống, bao gồm cả việc làm giấy Washi thủ công. Nếu như năm 1800, nước Nhật có hơn 100.000 hộ gia đình sản xuất Washi, thì đến năm 1983 chỉ còn hơn 400 hộ sót lại. 

 

 

Tôi đến thăm xưởng của Sato, một trong những nghệ nhân trẻ tốt nghiệp đại học Tokyo đã quyết định quay về Seiyo để giữ gìn nghệ thuật làm giấy Washi truyền thống. Sato nhẹ nhàng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những tảng giấy Washi khổng lồ treo khắp nơi. Để xeo được Washi vừa mỏng, vừa dai và bền vững theo thời gian đòi hỏi tay nghề, thời gian, đặc biệt phải làm việc ở nhiệt độ thật lạnh. Trò chuyện với Sato, tôi chợt nhớ đến một câu nói của nhà văn người Nhật Haruki Murakami trong cuốn tiểu thuyết Cây Liễu Mù, Người Đàn Bà Ngủ (Blind Willow, Sleeping Woman), rằng hãy làm điều gì đó xuất phát từ tình yêu, chứ đừng đến với nó như một cuộc hôn nhân tùy tiện. 

 

 

Muốn xem làm giấy Washi, tốt nhất bạn nên đến vào mùa đông, từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, bởi nhiệt độ cao của mùa hè sẽ làm mất đi chất kết dính tự nhiên của thực vật. Làm Washi cũng kỳ công như làm Sake, yêu cầu rất nhiều nước sạch. Nước càng chất lượng thì giấy càng đẹp, nếu nước dơ, giấy sẽ đổi màu theo thời gian. Hầu hết các xưởng Washi đều ở những nơi xa thành thị, gần nguồn nước tự nhiên kề bên núi. 

 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bắt đầu công đoạn làm Washi, người ta nhúng Suketa (một khuôn lưới có mắt khá nhỏ) vào dung dịch trộn từ nước, sợi cây, và nori (một loại chất làm đông tự nhiên). Khuôn được nhúng xuống, lấy lên, chao đều, sau đó lặp lại quá trình này liên tục để các sợi giấy đan chặt vào nhau, tạo nên lớp sợi mỏng trên mặt khuôn. Sau khi giấy Washi được hình thành thì tháo ra khỏi khuôn, phơi khô, ép lại và phơi lần nữa. Đôi khi người ta thêm vào sợi gai dầu, tơ chuối, lông đuôi ngựa, lá bạc, lá vàng… để tạo ra các loại Washi khác nhau. 

 

 

Chính bởi được làm từ các sợi thực vật bện vào nhau thay vì được làm từ bột gỗ như giấy kiểu Tây, tuổi thọ của giấy Washi có thể lên đến cả ngàn năm. Thời kì đầu, người ta thậm chí dùng Washi để may vá, làm áo giáp và kimono. Những bức tranh cổ Nihonga trên giấy Washi với tuổi thọ hơn 1.000 năm vẫn còn nguyên đó màu vàng nhạt tự nhiên ban đầu, chứ không hề ố đi theo thời gian. Washi còn xuất hiện trong nghệ thuật gấp giấy Origami, làm búp bê giấy và trong chạm khắc, in nổi… Nếu yêu thích hội họa phương Tây, bạn sẽ thấy Washi xuất hiện trong các tác phẩm của Rembrandt - họa sĩ và nhà điêu khắc người Hà Lan trong khoảng những năm từ 1647 - 1665.

 

 

Có nhiều loại giấy Washi, nhưng hầu hết đều được sử dụng nguyên liệu từ vỏ của một trong của ba loại cây Nhật Bản là Kozo, Mitsumata và Gampi. Giấy làm từ Gampi là loại đắt tiền nhất, do vẻ óng ánh và tinh xảo tự nhiên, khi xưa chỉ dành riêng cho giới tăng lữ và quý tộc. Washi làm từ Mitsumata tương đối mềm mại, tinh tế, do đó còn tượng trưng cho phái nữ, còn Kozo là nguyên liệu tượng trưng cho người bảo vệ do tính chất dày dặn và cứng cáp. Bên cạnh đó, giấy từ Mitsumata và Kozo còn được dùng để đổi màu ánh sáng do mang đặc tính sợi gỗ mờ độc đáo của phương Đông. 

 

 

Bây giờ người Nhật vẫn còn dùng giấy Washi cho các khung cửa kéo Shoji, vừa thông thoáng kết nối với thiên nhiên, lại vừa vững chãi và bền lâu. Những nghệ nhân trẻ như Sato còn áp dụng các kỹ thuật mới để biến giấy Washi trở thành nguyên vật liệu trang trí nội thất độc đáo, có hoa văn phong phú, thiết kế bắt mắt. 

Trải qua bao thăng trầm trong lịch sử, giấy Washi vẫn giữ cho mình hơi thở của cỏ cây, của nước, của đất trời, đã trở thành một phần không thể tách rời trong văn hóa truyền thống của Nhật Bản và luôn lung linh trong mắt của bao du khách nước ngoài. Nó giản dị và tốt đẹp như những câu thơ mà Lưu Quang Vũ từng viết:

“Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa

Tại sao cây táo lại nở hoa 

Sao rãnh nước trong veo đến thế?”

(Phố ta – Lưu Quang Vũ).

Bài: Phan Các Trúc | Ảnh: Các Trúc, Sato & các tác giả

RELATED ARTICLES