Đi du lịch đến 100 quốc gia có lẽ là ước mơ cả đời của nhiều người và Nguyễn Hoàng Bảo (1976, Vĩnh Long) đã làm được điều đó. Với hoài bão "Vẽ chân dung người Việt khắp 5 châu", giảng viên Hoàng Bảo vẫn nung nấu ý định tiếp tục khám phá thêm nhiều điều thú vị ở những đất nước còn lại trên thế giới. Travel blogger "Những bước chân" đã đi qua hành trình đầy ắp trải nghiệm phong phú trong suốt nhiều năm qua, để làm dày thêm kinh nghiệm du lịch của mình. Vậy Hoàng Bảo đã làm thế nào để thành công trong việc xin thị thực tại nhiều quốc gia như thế? Bí mật này sẽ được "bật mí" ngay sau đây.
NẮM RÕ CÁC DẠNG VISA DU LỊCH HIỆN NAY
Khi có ý định đi du lịch nước ngoài, việc đầu tiên cần quan tâm là các chính sách về visa. Do đó, bạn phải nắm rõ được các dạng thị thực hiện nay kèm theo các quy định cụ thể của riêng từng loại.
- Visa du lịch dạng giấy
Đây là dạng visa phổ biến nhất hiện nay. Đối với dạng này, bạn sẽ chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu và nộp trực tiếp tại Đại sứ quán (ĐSQ) hay Lãnh sự quán (LSQ). Khi hồ sơ được xét duyệt thành công, ĐSQ/LSQ sẽ dán thị thực lên cuốn hộ chiếu của bạn. Một số quốc gia như Anh, Mỹ vẫn yêu cầu bắt buộc phải xin thị thực theo hình thức này.
- Visa du lịch điện tử (e-visa)
Thay vì đứng xếp hàng chờ nộp hồ sơ trực tiếp tại ĐSL/LQS, bạn có thể được thực hiện xin visa điện tử ở bất kỳ đâu. Chỉ cần truy cập vào đường link nộp các loại giấy tờ theo yêu cầu, thị thực sẽ được cấp qua email cá nhân của bạn khi xét duyệt thành công. Để tiện trong quá trình du lịch, bạn nên in nội dung thị thực rồi mang theo bên mình. Hiện nay, bạn không cần phải đến trực tiếp ĐSQ/LSQ mà vẫn có thể xin visa điện tử để du lịch tại một số quốc gia như: Úc, Ấn Độ, Sri Lanka, Ethiopia, Kenya hay Jordan,...
- Visa On Arrival (VOA)
Bạn không cần phải đến ĐSQ/LSQ, cũng không cần xin visa điện tử. Khi nhập cảnh vào một số quốc gia như Boliva, Nepal, Uganda, Maldives, Đông Timor, Ấn Độ,... bạn sẽ được cấp e-visa và VOA tại các cửa khẩu/sân bay. Lưu ý rằng, bạn sẽ cần phải trả thêm một khoản phí để có thị thực. Ví dụ như, để nhập cảnh du lịch tại Nepal trong 15 ngày, bạn phải trả 20 USD. Chi phí này cho thị thực 30 ngày tại Ấn Độ là 60 USD.
- Tem-du-lịch visa (Tourist card)
Đây là dạng visa khá đặc biệt với hình thức đơn giản là một chiếc tem. Ví dụ như khi đến Cu Ba, bạn sẽ có thể mua tem du lịch này tại sân bay trước đó. Thông thường, khi du lịch tới Cu Ba, bạn sẽ phải bay từ TPHCM - Torronto, quá cảnh và mua tem du lịch tại đây, rồi tiếp tục bay tới Havana. Với Hoàng Bảo, anh quá cảnh tại Mexico, mua tem du lịch rồi sau đó mới bay qua Havana, Cu Ba.
- Visa-free (Miễn visa)
Hiện nay, có khá nhiều quốc gia miễn visa cho công dân Việt Nam. Một số quốc gia ở khu vực châu Á miễn visa cho người Việt Nam trong thời gian nhất định: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan. Hay tại khu vực châu Mỹ, Panama, Ecuador, Haiti, Dominica, Turks and Caicos không yêu cầu visa đối với khách du lịch Việt.
Ngoài ra, bạn nên thường xuyên cập nhật những thông tin liên quan đến việc xin thị thực nếu có ý định du lịch bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Xin visa không phải chuyện dễ dàng, thế nhưng bạn hoàn toàn có thể thành công nếu có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
CHUẨN BỊ GÌ ĐỂ XIN VISA THÀNH CÔNG?
Thông thường, bạn sẽ cần phải chuẩn bị 3 nhóm giấy tờ sau cho việc xin visa.
Đầu tiên là nhóm giấy tờ chứng minh nhân thân bao gồm: Hộ chiếu, giấy khai sinh, CMND/CCCD, giấy chứng nhận kết hôn. Trước kia, bạn cần phải chuẩn bị thêm hộ chiếu nhưng hiện nay loại giấy tờ này đã được tích hợp ở dạng điện tử có sẵn trong chip CCCD của người dân.
Tiếp đến, các loại giấy tờ chứng minh tài chính cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để nâng cao tỷ lệ thành công của việc xin thị thực. Ở nội dung này, có những lưu ý về các loại giấy tờ khác nhau đối với 3 nhóm đối tượng.
- Đối với cá nhân du lịch tự túc: Hợp đồng lao động, đơn xin nghỉ phép, chứng nhận mức lương, tài sản cá nhân có giá trị đứng tên bạn (ô tô, nhà đất, hợp đồng cho thuê nhà, sổ tiết kiệm). Lưu ý riêng với sổ tiết kiệm phải có thời hạn tối thiểu là 3 tháng (thời gian tiết kiệm càng lâu có thể chứng minh được nguồn tài chính vững vàng).
- Người làm việc tự do (Freelancer) thường sẽ khó khăn hơn khi xin visa với công việc không ổn định. Trước hết, ĐSQ/LSQ sẽ "quan ngại" về vấn đề quay trở lại Việt Nam khi bạn không có sự ràng buộc về công việc tại đất nước mình. Về vấn đề tài chính, bạn có thể chứng minh sự ổn định trong mức thu nhập của mình với hình thức trả lương bằng chuyển khoản. Kèm theo đó là các loại giấy tờ chứng minh tài sản tương tự như cá nhân du lịch tự túc.
- Đối với các chủ doanh nghiệp: giấy phép kinh doanh, chứng từ thuế của 3 tháng gần nhất, giấy chứng nhận tài sản công ty.
Cuối cùng, bạn cần phải thực sự chú trọng các loại giấy tờ chứng minh mục đích chuyến đi của mình bởi đây được coi là nội dung quan trọng nhất quyết định sự thành bại của việc xin visa.
Bạn cần chuẩn bị các loại giấy tờ chứng minh chuyến đi bao gồm: vé máy bay, xác nhận đặt phòng khách sạn, vé tham quan, vé tàu xe, bảo hiểm du lịch. Với những minh chứng cụ thể như vậy, bạn có thể khẳng định mình đang "nghiêm túc" với dự định, cũng như đã sẵn sàng cho hành trình du lịch sắp tới.
Ngoài ra, bạn nhất thiết phải có một bản lịch trình chi tiết cho chuyến đi. Lịch trình này bao gồm: thời gian khởi hành, địa điểm tham quan, địa điểm lưu trú, địa điểm ăn uống, phương tiện di chuyển. Lưu ý phải tuyệt đối trung thực, vì ĐSQ/LSQ hoàn toàn có thể "xác thực" nội dung bạn cung cấp chỉ bằng một cuộc điện thoại với các bên dịch vụ.
Bên cạnh đó, bạn có thể chứng minh sự "uy tín" về mục đích chính đáng của mình bằng lịch sử những chuyến đi trước đó tại các quốc gia khác. Số lượng và "chất lượng" của những hành trình này cũng có thể xem là cơ sở khá quan trọng khi cân nhắc về việc xin thị thực của bạn.
Lưu ý rằng, bạn sẽ có khả năng được yêu cầu cung cấp thêm 'thư động lực' (motivation letter) đối với một số quốc gia khắt khe. Trong bức thư này, bạn nên nêu rõ mục đích du lịch, nhấn mạnh ưu thế của bản thân và cam kết quay về nước sau chuyến đi. Bên cạnh việc chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn cũng cần lưu ý thêm một số nội dung để có thể xin visa thành công.
MẸO XIN VISA CÙNG MỘT SỐ LƯU Ý CẦN BIẾT
"Thật ra, khi bạn đáp ứng đầy đủ những thông tin yêu cầu, đặc biệt nắm chắc lịch trình, thể hiện khao khát du lịch chân chính của mình thì chẳng có visa nào khó cả", Travel Blogger Nguyễn Hoàng Bảo chia sẻ với độc giả Travellive.
Khi có sự chuẩn bị chỉn chu về mặt hình thức lẫn nội dung, bạn đã thành công ở bước đầu tiên để gây ấn tượng với ĐSQ/LSQ. Đặc biệt chú ý tới những chi tiết cực kỳ nhỏ trong bộ hồ sơ, chẳng hạn như hình ảnh bạn cung cấp phải được chụp trong vòng 6 tháng. Đối với hồ sơ đi Mỹ, ĐSQ/LSQ sẽ yêu cầu bạn cung cấp facebook cá nhân để điều tra. Do đó, họ có thể phát hiện bất thường, từ chối cấp visa cho bạn nếu bạn "sơ suất" với những chi tiết nhỏ nhặt như trên.
Hãy chuẩn bị nguồn tài chính dồi dào để cho thấy bạn có khả năng chi trả (vẫn có dư) cho những hoạt động du lịch của mình. Rõ ràng, không một quốc gia nào muốn chào đón những ai có nguồn tài chính eo hẹp đến du lịch. Chắc chắn họ sẽ nghi vấn ngay về mục đích của bạn, có thể từ chối yêu cầu visa này khi khả năng tài chính của bạn không đáp ứng được tối thiểu cho chuyến đi. Quan trọng nhất vẫn là hiểu rõ mục đích chuyến đi của mình, để có thể trình bày "mượt mà" khi phỏng vấn với ĐSQ/LSQ.
Bạn nên bắt đầu xây dựng "profile" du lịch của mình với những nơi nước miễn visa, sau đó chuyển sang những quốc gia dễ xin visa. Khi lịch sử những chuyến du lịch của bạn trở nên “đầy đặn” và “bắt mắt” hơn, các quốc gia cấp visa khắt khe sẽ bớt hoài nghi về mục đích du lịch chính đáng của bạn.
Ngoài ra, xin visa ở nước thứ ba sẽ dễ dàng hơn so với việc xin tại Việt Nam. Trong hành trình của Hoàng Bảo vào năm 2015, anh không xin visa đi Uzbekistan tại Việt Nam mà khi đến Iran mới bắt đầu xin thị thực. "Khi chỉ 'ngồi ở nhà' xin visa, chúng ta chỉ cho họ thấy được mong muốn của mình về việc đi du lịch. Nhưng khi bắt đầu hành trình, bạn sẽ chứng minh được khát khao và mục đích chính đáng của bản thân. Bạn có thể xây dựng một hành trình để tiện cho việc khám phá, vừa có thể xin visa 'cuốn chiếu' tại nước thứ ba. Sẽ không mất nhiều thời gian và công sức để được cấp visa nếu bạn sắp xếp được lịch trình du lịch phù hợp", Hoàng Bảo chia sẻ.
Travel Blogger Hoàng Bảo cho rằng việc tự xin visa là một trải nghiệm khá thú vị mà các bạn nên thử. Anh cũng gợi ý, nếu gặp khó khăn trong việc chuẩn bị các giấy tờ, đừng ngần ngại tham vấn sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm hoặc tìm đến những bên cung cấp các dịch vụ làm visa để thực hiện hóa giấc mơ du lịch của mình.
Tất nhiên, nếu không may bị rớt visa trong lần đầu thì bạn phải nỗ lực hơn nhiều với những lần tiếp theo. Vì vậy, chuẩn bị kỹ lưỡng là điều cần thiết, đồng thời đừng quên áp dụng một số "mẹo" xin visa từ những người có nhiều trải nghiệm để xin thị thực du lịch thành công.