Lễ Tết cầu kỳ và 3 ngày đầu tiên trong năm mới của người Mông Cổ

08/02/2019

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, người Mông Cổ sẽ đặt 3 mảnh băng ngoài cửa nhà để ngựa của thần Cát Tường Thiên Mẫu có thể uống khi đi qua.

Giống với Việt Nam, Tết của người Mông Cổ, gọi là Tsagaan Sar hay Trăng Trắng, được tính theo lịch âm. Trong văn hóa của người dân vùng thảo nguyên, đây là dịp quan trọng nhất trong năm và là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của mùa đông.

Những ngày trước Tết

Trước Tết nhiều tuần, các gia đình Mông Cổ bắt đầu sửa soạn. Thứ đầu tiên họ chuẩn bị thường là quần áo mới và ngựa.

Vì ăn Tết rất thịnh soạn, những người phụ nữ trong gia đình sẽ làm lượng lớn đồ ăn truyền thống và giữ lạnh. Đặc biệt, họ chuẩn bị hàng trăm chiếc bánh buuz, loại bánh nhân thịt cừu truyền thống không thể thiếu trong dịp năm mới của Mông Cổ.

Giống nhiều nước đón Tết theo lịch Âm, người Mông Cổ ăn Tết Tsagaan Sar rất to.

Giống nhiều nước đón Tết theo lịch Âm, người Mông Cổ ăn Tết Tsagaan Sar rất to.

Ngày trước Tsagaan, người Mông cổ gọi là Bituun, tức là "hối". Vào ngày hối, người dân sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại và hầm để đón năm mới sạch sẽ.

Bên cạnh đó, họ đặt 3 mảnh băng ngoài cửa để ngựa của thần Cát Tường Thiên Mẫu có thể uống khi đi qua. Người Mông Cổ tin rằng thần sẽ viếng thăm mỗi gia đình vào ngày này.

Lễ tất niên của họ rất cầu kỳ. Trong buổi lễ, họ thắp nến tượng trưng cho sự giác ngộ về luân hồi và chúng sinh. Buổi tối, các gia đình, thường là láng giềng, quây quần bên nhau để tiễn năm cũ. Trên bàn ăn, những món làm từ bơ, sữa và bánh buuz là những món không thể thiếu.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ngoài ăn uống, họ có thể cùng chơi bài. Người thắng sẽ gặp may mắn trong năm mới. Đặc biệt, họ sẽ giải quyết tất cả vấn đề và nợ nần vào ngày cuối cùng trong năm.

Tsagaan Sar là dịp quan trọng nhất trong năm đối với người Mông Cổ.

Tsagaan Sar là dịp quan trọng nhất trong năm đối với người Mông Cổ.

Người Mông Cổ và 3 ngày đầu tiên trong năm mới

Trong những ngày Tết, các gia đình sẽ thắp nến trên bàn thờ. Những ngọn nến tượng trưng cho sự giác ngộ của Phật giáo. Khi gặp gỡ, mọi người chào nhau bằng những câu hỏi han đặc trưng. Ngoài thăm hỏi bạn bè và gia đình, họ còn trao nhau các món quà.

Thông thường, người Mông cổ sẽ quây quần tại nơi ở của người cao tuổi nhất trong nhà. Khi chào hỏi những người lớn tuổi, họ sẽ thực hiện lời chúc zolgokh.

Tháp bánh buuz là thứ không thể thiếu trên bàn ăn trong dịp Tết của người Mông Cổ.

Tháp bánh buuz là thứ không thể thiếu trên bàn ăn trong dịp Tết của người Mông Cổ.

Theo đó, người Mông Cổ sẽ dùng khuỷu tay của mình ôm chặt những người cao tuổi nhằm thể hiện sự ủng hộ. Người cao tuổi sẽ nhận lời chúc từ mọi người ngoại trừ người phối ngẫu (vợ hoặc chồng).

Trong nghi lễ, các thành viên trong gia đình sẽ giữ những mảnh lụa dài, thường là màu lam, gọi là khadag. Sau nghi lễ, đại gia đình cùng nhau thưởng thức bữa ăn đầu năm với các món cổ truyền làm từ bơ, sữa và thịt cừu. Thứ không thể thiếu trên bàn ăn là "kim tự tháp" bánh buuz, tượng trưng cho Tu Di Sơn (núi Sumeru).

Về trang phục, nếu như ngày thường, người Mông Cổ, đặc biệt tại các thành phố lớn, thường mặc đồ Tây. Tuy nhiên, vào dịp Tết, họ chuộng mặc trang phục dân tộc.

Người Mông Cổ thường mặc trang phục truyền thống trong ngày lễ, Tết.

Người Mông Cổ thường mặc trang phục truyền thống trong ngày lễ, Tết.

Trang phục dân tộc ngày Tết của người Mông Cổ đa dạng và nhiều màu sắc. Tuy đã cách điệu hóa cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, phục trang vẫn khá phức tạp, bao gồm áo choàng deel, thắt lưng, ủng và các đồ trang trí. Kiểu đồ phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng hôn nhân của người mặc cũng như thị tộc của người đó.

Ví dụ, những cô gái trẻ thường quấn khăn đầu, cuộn tròn một chút về phía bên phải và để phần rìa buông xuống. Trong khi đó, những người phụ nữ đã lập gia đình cũng buộc như vậy nhưng không để lại rìa.

Ngoài ra, sự giàu có của mỗi gia đình thường được thể hiện qua đồ trang sức. Điển hình, những thiếu nữ Mông Cổ làm duyên khi tết nhiều bím tóc xung quanh trán mình bằng sợi ruy băng màu đỏ. Sợi dây luồn trong mỗi bím tóc được cài đá quý (ngọc lam), san hô hoặc kim loại (bạc).

Trước đây, một thời kỳ, chính phủ từng ngăn Tết Tsagaan Sar và cố gắng thay thế Tết này bằng một ngày nghỉ lễ khác gọi là "Ngày Mục dân Tập thể". Tuy nhiên, sau cách mạng dân chủ Mông Cổ năm 1990, người ta lại tiếp tục tổ chức Tết Tsagaan Sar.

Kim Ngân
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES