Trung Quốc, bước vào Xuân Vận - cuộc di cư lớn nhất thế giới - với ước tính gần 3 tỉ chuyến đi kéo dài trong khoảng 40 ngày nghỉ Tết Nguyên Đán, 99.9% trong số đó là những người con tha hương.
Những con người mệt mỏi với hành trang mang theo là cả một năm khó khăn vất vả, họ cùng nhau vượt qua hành trình cuối cùng trong năm để rồi sau đó sẽ bắt đầu một năm mới với một hành trình giống như vậy theo chiều ngược lại.
Tết luôn mang đến cho trẻ con sự háo hức, rồi theo thời gian, sự háo hức chuyển thành nỗi lo lắng, lo lắng cho một cái Tết sung túc. Rồi từ lo lắng, có những người ngại Tết, có những người sợ Tết, cũng có cả những người vô cảm với Tết.
Việt Nam, trong một nhóm lớn trên Facebook, mấy ngày trước có hai bức ảnh, một bức chụp cảnh cả gia đình gồm bố, mẹ, chị gái và em trai ngồi trên sàn nhà ăn mì tôm, bức còn lại cũng là những con người ấy, cũng ngồi trên sàn nhà ăn mì tôm, nhưng sau hơn mười năm, hai chị em đã lớn và tóc của người bố đã điểm bạc. Trong hàng nghìn comment phía dưới, có hàng trăm comment mang nội dung "Ước gì nhà mình cũng có một bức ảnh như vậy".
Ký ức của tôi về Tết là những ngày bố mẹ đi chợ từ bốn giờ sáng, trở về nhà lúc mười một giờ đêm, là những bát bún ngan nhiều nước nhiều bún mua ở đầu ngõ, để làm ấm lại mâm cơm đã lạnh lẽo từ chiều.
Ký ức của tôi về Tết là buổi sáng mùng 1, bố mẹ mặc cho anh em tôi những bộ quần áo tươm tất nhất rồi cả gia đình về nhà bà nội, nơi có một sân gạch lớn trước căn nhà năm gian, nơi bà tôi ngồi trên bộ bàn ghế nan gỗ ở gian giữa, trước bàn thờ phảng phất khói hương, nơi các bác các chú, các anh các chị tôi tụ tập, cùng ăn một bữa cơm đầu năm.
Ký ức của tôi về Tết là một ông anh luôn tới chúc Tết vào đúng bữa cơm đầu năm của đại gia đình, không phải lúc bắt đầu, cũng không phải lúc kết thúc, luôn luôn là giữa bữa, năm nào cũng như năm nào.
Ký ức của tôi về Tết là bức ảnh gia đình - một trong hai bức ảnh chụp cùng bố còn trong ký ức tôi, bức kia chụp khi tôi một tuổi. Khuôn mặt bố tôi trong ảnh mỉm cười, được phóng ra, lồng khung kính và đặt trang trọng trên bàn thờ đã mười bẩy năm nay.
Đoàn tụ, với nhiều người chỉ là một hành trình, nhưng với một số người, lại chỉ là ký ức.