'Lên non tìm động' dã quỳ vàng

11/11/2014

Tháng 11, nếu ở Tây Bắc đang là mùa hoa tam giác mạch thì Tây Nguyên là mùa hoa dã quỳ. Tôi tạm mượn tiêu đề một bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Phạm Thiên Thư để diễn tả vẻ quyến rũ của sắc vàng đang rực trên các triền đồi cao nguyên. Ngoài Đà Lạt đã quá nổi tiếng và quen thuộc, hãy cùng khám phá cung đường dã quỳ mới Bồng Lai - Tu Tra - Bảo Lộc...

 

Bài và ảnh: Hải An - Lê Phúc

 

Trong một chuyến đi tìm các cung đường mới dành cho giới du lịch bụi, tôi đã bị mê hoặc khi lạc trên những con đường dốc chênh vênh phủ kín một sắc màu đỏ rực của đất bazan màu mỡ… Trên cung đường gian nan này, khi lạc vào thế giới của một loài hoa dại không hương mang tên dã quỳ, giữa buổi sáng mênh mang, khi bao giọt sương lấp lánh phản chiếu tia nắng thành những viên kim cương lung linh dưới ánh mặt trời rực rỡ và những vạt hoa xinh xinh, tôi đã ngẩn ngơ giữa đất trời bao phủ sắc vàng của hoa và nắng.

 

 

Trong buổi tối, say men bên ché rượu cần cùng  điệu múa xoang tại bản Jil, lúc nhận những vòng hoa dã quỳ do các cô sơn nữ trao tặng, tôi chợt lặng im khi nghe huyền thoại: loài hoa có xuất xứ từ một chuyện tình bi thảm của chàng K’lang và nàng H’linh xinh đẹp. Ngày ấy, cả núi rừng đều nghiêng mình trước tài năng của chàng K’lang - một dũng sĩ đã trao gửi trái tim mình cho nàng H’linh – một cô gái xinh đẹp nhất vùng và được nàng đồng thuận. Thế nhưng, hạnh phúc của đôi tình nhân không được dài lâu vì họ phải chết do sự trả thù tàn độc bởi sự ghen tuông của La Rihn - con trai của tộc trưởng La Siêng cai quản một buôn làng gần đó.

 

 

Do quá si mê nhan sắc H’linh, La Rihn đã đến xin cưới nàng với rất nhiều cồng chiêng cùng bao sản vật quý để làm sính ước. Nhưng H’linh cho biết, nàng chỉ yêu và dệt tấm khăn kiệu chồng  và vật ước này dành cho chàng K’lang. Oán hận trào dâng, La Rihn đã bắt cóc K’lang khi chàng vào rừng săn thú… Mỏi mòn chờ đợi người yêu trong linh tính không lành, H’linh bỏ buôn sóc để tìm bạn tình với hành trình trải dài qua bao núi non, đồi suối… Cuối cùng, khi gặp được K’lang, H’linh đau nhói nhận ra chàng đã sắp chết bởi những mũi giáo tẩm độc đâm khắp người do La Rihn gây ra. Quyết bảo vệ người yêu đến phút cuối, H’linh đã chết cùng K’lang khi ôm chặt chàng trong tay và nàng cũng bị La Rihn xử tử vì quá hờn ghen phẫn uất.

 

 

Từ đó, nơi chôn đôi tình nhân này bỗng mọc lên một loài hoa dại. Chúng sinh sôi mạnh mẽ và chỉ tươi nở vào thời tiết cuối thu, thời điểm mà đôi tình nhân đã phải chết dưới sự ghen tỵ đầy phi lý… Và hoa dã quỳ là  dấu ấn cho một chuyện tình buồn đẫm lệ của người Tây Nguyên từ đó cho đến bây giờ.

 

Thoạt nhìn, dã quỳ có hình dáng rất giống hoa hướng dương. So với các loài hoa như đào, hồng nhung, hoa ly, địa lan…, dã quỳ không có có vẻ đẹp mỹ miều, vì đây chỉ là một loài hoa dại, tự mọc giữa thiên nhiên mà không cần sự chăm sóc của con người. Tùy theo phương ngữ của mỗi vùng, hoa dã quỳ còn được gọi là sơn quỳ, quỳ dại hoặc cúc quỳ, bởi hoa bắt nguồn từ một loài cúc ở Mexico. Điều lạ nhất về  hoa dã quỳ là chúng chỉ sống và sinh sôi tại những vùng núi cao, nơi luôn thấp thoáng những đỉnh núi xanh xanh hòa cùng mây trắng lãng đãng vờn quanh mỗi sớm. Nếu ai từng có lần trải nghiệm mùa đông Tây Nguyên, có lẽ giữa cái không gian lạnh buốt của núi rừng làm tay chân tê cóng thì khi bắt gặp khung cảnh núi đồi rợp sắc dã quỳ, dường như tim người lữ khách trở nên ấm áp hơn khi được sưởi bằng cả một rừng hoa sắc vàng quyến rũ đầy rực rỡ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

 

Vào mùa này, khi lên phố núi B’Lao (Bảo Lộc), Di Linh hoặc lang thang trên con đường quanh co đến thác Dambri cùng các vùng cao nguyên Dran, Tu Tra, Bồng Lai…, bạn sẽ bị hớp hồn bởi không gian đẹp ngỡ ngàng bởi một trời hoa dã quỳ vàng đua chen đón nắng. Vào buổi sáng sớm, dã quỳ vẫn còn như e ấp ngái ngủ và lãng đãng trong màn sương sớm bay bay. Khi nắng lên rạng rỡ khắp trời, những cánh hoa chợt bung nở toàn bộ, khỏe trọn vẻ đẹp của mình khiến núi đồi chợt bừng sáng lung linh. Còn khi hoàng hôn báo hiệu bằng những tia nắng vàng phai nhợt nhạt, sắc hoa bỗng chợt như mơ màng, nên thơ và dịu ngọt hơn trong lời thầm thì của núi rừng xanh thẳm.

 

Nếu bạn chưa từng một lần trải nghiệm ngắm động hoa vàng mộng mị, sẽ không bao giờ là thừa để tạo cho mình một hành trình trải dài thăm thú Tây Nguyên, từ Lâm Đồng qua Đăk Nông, Đăk Lăk cho đến Kon Tum… tiếp tục trải dài qua Sa Thầy, Măng Đen, Ngọc Hồi…, bạn sẽ mãn nhãn khi ngắm những đồi Dã quỳ nở vàng hết mọi cung đường, ngõ ngách. 

 

 

Trong cái gió sớm lạnh se se, không gian Tây Nguyên như run rẩy trước một trời đất mênh mang lộng lẫy và đẹp đến nao lòng khi dã quỳ đan nhau, chen chúc. Cứ thế tiếp nối, các dải sóng hoa kéo dài thành một tấm thảm xanh khổng lồ điểm muôn vạn sắc vàng chi chít, đuổi xô nhau trước những cơn gió thồi ràn rạt dọc quốc lộ 19 từ Bình Định lên Gia Lai. Hình ảnh mê hoặc đó đã tạo nên những đường viền cho khu du lịch bao quanh Biển Hồ, tạo lối đi thần tiên lên chân núi Hàm Rồng, và biến thành những đồi hoa vàng ươm lưu luyến bước chân ai đã lạc bước đến đây.

 

Thông tin thêm:

 

+ Cung đường dã quỳ Tây Nguyên:

 

- Lâm Đồng: Bảo Lộc - Thác Dambri - Bồng Lai - Tu Tra - Châu Sơn - Dran - Xuân Trường - Trại Mát - Đà Lạt. Ngoài ra, còn có thể chiêm ngưỡng dã quỳ dọc đường đi sân bay Liên Khương, dường đi Thác Voi ở Đà Lạt.

- Đăk Nông: Nhiều nhất là ở đoạn cách Đak Mil tầm 10km hướng về Sài Gòn, theo quốc lộ 14.

 

+ Hành trang: Mùa này Tây Nguyên mưa gió thất thường nên chuẩn bị sẵn áo mưa bộ, đồ giữ ấm; balô cần bọc kỹ càng để không bị ẩm ướt. Lưu ý máy ảnh dễ bị ẩm, ám hơi nước chóng hỏng. Nếu cắm trại đêm trong rừng, trên núi cần đem theo túi ngủ, lều chống thấm tốt, đèn pin.

 

+ Lưu trú: Ở Bảo Lộc có thể nghỉ tại các khách sạn: Hải Vân, Huỳnh Gia Bảo, Minh Quân; giá dao động từ 150.000 – 250.000 đ/phòng 2 người. Ở Đà Lạt: Rất nhiều khách sạn tập trung trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phan Đình Phùng. Giá dao động từ 200.000 – 250.000 đ/phòng/2 người.

 

+ Đi lại: 

 

- Từ TP.HCM có thể đi xe giường nằm cao cấp Phương Trang, Thành Bưởi, Mai Linh… Giá dao động từ 230.000 – 250.000 đ/người.

- Ở Bảo Lộc bạn nên đi bằng xe máy. Ở Đà Lạt có thể thuê xe máy ở hầu hết các khách sạn. Giá 80.000 đ/ngày/xe.

 

+ Ăn uống:

 

- Bảo Lộc: Bún bò Hải Hà, bún riêu khu 6 (gần quảng trường), bánh bèo cạnh nhà thờ Bảo Lộc, phở Kết, hủ tíu Nam Vang ở trung tâm chợ; café Sonat ở 77 Hai Bà Trưng; uống sữa đêm trước chùa Phước Huệ.

 

- Đà Lạt: Bánh canh Xuân An, nem nướng Bà Hùng (Phan Đình Phùng), mì hoành thánh (Phan Đình Phùng), bánh khọt (Tăng Bạt Hổ), cơm gà Phan Rang (Trần Nhật Duật), cơm tấm Thủy (Hải Thượng), nem nướng Út Huệ (Chi Lăng), cơm niêu Hương Trà (Nguyễn Thái Học), lẩu bò Thanh Tân (Nguyễn Thị Định)…

 

 

RELATED ARTICLES