Giữa bối cảnh điện ảnh Việt đang không ngừng tìm kiếm những câu chuyện sâu sắc, chạm đến những vấn đề cốt lõi của xã hội, dự án hợp tác Việt - Hàn mang tên "Mang mẹ đi bỏ" đã chính thức công bố poster, ngay lập tức gây ấn tượng mạnh mẽ và khơi gợi hàng loạt suy tư trong lòng công chúng. Hình ảnh xúc động trên poster, với Tuấn Trần cõng Hồng Đào trên lưng, cả hai cùng nở nụ cười nhưng ánh mắt lại hướng về một khoảng không vô định, đã trở thành điểm nhấn đầy ẩn ý. Nụ cười của người mẹ rạng rỡ, vô tư như một đứa trẻ, trong khi nét cười của người con lại nhẹ nhàng, trầm lắng, như ẩn chứa trong đó những suy tư và giằng xé nội tâm sâu sắc.
Bài liên quan
Thông điệp chính được khắc họa trên poster: “Sẽ thế nào khi yêu thương là gánh nặng?” – một câu hỏi trực diện và đầy thách thức. Kết hợp với hình ảnh cõng mẹ trên lưng đầy biểu tượng, bộ phim không chỉ gợi lên những vấn đề về trách nhiệm và sự hy sinh giữa các thế hệ trong mỗi gia đình hiện đại, mà còn chạm đến một vùng cảm xúc nhạy cảm, ít được khai thác trong điện ảnh Việt: Liệu tình thân có giới hạn không, nếu yêu thương trở thành một gánh nặng không thể kham nổi?

Tuấn Trần cõng Hồng Đào trên lưng, cả hai cùng nở nụ cười và hướng ánh mắt về khoảng không vô định
Đưa câu chuyện gia đình Việt ra toàn cầu
Chia sẻ về định hướng nội dung, đạo diễn Mo Hong-jin, người đứng sau dự án này, bày tỏ tham vọng lớn lao của mình: “Tôi muốn làm một câu chuyện về gia đình Việt Nam nhưng cả thế giới phải dõi theo.” Anh nhấn mạnh rằng bộ phim tập trung khắc họa tình mẫu tử, tình cảm gia đình và chiều sâu nhân văn – những giá trị phổ quát nhưng lại mang nét rất riêng khi đặt trong bối cảnh văn hóa Việt Nam.
Đạo diễn bày tỏ sự trân trọng đặc biệt đối với văn hóa Việt, nơi chữ hiếu và tình thân luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, anh mong muốn đặt ra câu hỏi cho khán giả: khi mọi thứ bị đẩy đến tận cùng, liệu tình yêu, lòng hiếu thảo và sự bảo vệ gia đình có thể mạnh mẽ đến đâu để các nhân vật đưa ra quyết định của riêng mình, đối mặt với những thử thách nghẹt thở của tình thân.

Tác phẩm này không chỉ là bản giao hưởng xúc cảm về tình mẫu tử, mà còn cho thấy sự thay đổi đáng kể trong làn sóng điện ảnh hợp tác quốc tế
Mo Hong-jin cũng nhấn mạnh rằng dù Việt Nam và Hàn Quốc khác nhau về địa lý, ngôn ngữ, nhưng lại đồng điệu về lòng nhân hậu và sự ấm áp giữa con người với nhau. Với anh, ranh giới quốc gia không phải là yếu tố quan trọng trong phim. Điều anh quan tâm nhất là làm nổi bật tình cảm chân thành giữa con người với con người, điều mà bất kỳ khán giả nào cũng có thể cảm nhận, dù đến từ đâu. Đây là một câu chuyện gia đình xuyên biên giới, gần gũi cùng khán giả nhiều quốc gia.
Nhân vật Hoan do Tuấn Trần thủ vai, không chỉ là một điển hình của những người con Việt hiếu thảo luôn chăm lo cho cha mẹ già. Anh còn là hình mẫu về một thế hệ đang chạy đua với cuộc sống, vật lộn với các bệnh lý tinh thần và sự bỏ quên của xã hội. Lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về một thanh niên vất vả trong việc chăm sóc người mẹ mắc bệnh Alzheimer, kịch bản của đạo diễn kiêm biên kịch Mo Hong-jin khéo léo dẫn dắt người xem từ cảm giác xót xa sang thấu cảm, từ đồng cảm sang suy ngẫm sâu sắc.

Chia sẻ về định hướng nội dung, đạo diễn cho biết bộ phim tập trung khắc họa tình mẫu tử, tình cảm gia đình và chiều sâu nhân văn - những giá trị phổ quát nhưng lại rất riêng khi đặt trong bối cảnh Việt Nam
Những câu thoại như "mang mẹ đi bỏ" không chỉ là tên phim, mà còn là một dạng thử thách tình thân đầy nghẹt thở, đặt người con trước câu hỏi nghiệt ngã về trách nhiệm và tình thương. Hồng Đào trong vai bà Hạnh hứa hẹn mang đến biểu cảm đa dạng, trong khi Tuấn Trần gây bất ngờ với loạt hình ảnh thể hiện cảm xúc nội tâm phức tạp, cho thấy sự trưởng thành trong diễn xuất.
Anh Phan Gia Nhật Linh, nhà sản xuất đại diện cho ê-kíp Việt Nam, cho biết đây là bộ phim đầu tiên mà giữa hai bên Việt Nam và Hàn Quốc chia đều vai trò với nhau cả về kinh phí đầu tư, sức sáng tạo và toàn bộ quá trình sản xuất. “Mặc dù đây là phim có kịch bản gốc của Hàn Quốc, do đạo diễn người Hàn cầm trịch, nhưng chúng tôi luôn muốn phim giữ được nét văn hóa, yếu tố Việt trong đó”, anh chia sẻ. “Tôi và đạo diễn đã nói chuyện rất nhiều về kịch bản, để chỉnh sửa các chi tiết dù rất nhỏ cho phù hợp với thói quen, đời sống của người Việt Nam.”

Đứng trước thử thách phải làm sao diễn tả được bi kịch của bệnh nhân Alzheimer trên màn ảnh rộng, nữ nghệ sĩ Hồng Đào đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nhân vật qua việc hỏi thăm những người xung quanh có người thân mắc bệnh Alzheimer
Bên cạnh những lát cắt cảm xúc sâu sắc về tình mẫu tử, ""Mang mẹ đi bỏ" còn thể hiện “chất Việt” rất riêng khi khéo léo lồng ghép các yếu tố hài hước, mang tính chữa lành thông qua nhóm bạn thân của nhân vật Hoan. Mỗi người một màu sắc, một tính cách, họ mang đến sự đối lập đầy thú vị với không khí trầm lắng của câu chuyện mẫu tử đầy cảm xúc. Diễn viên Lâm Vỹ Dạ, trong vai Châu, bạn của Hoan, hài hước chia sẻ: “Vai Châu như được đo ni đóng giày cho tôi, cùng với Quốc Khánh, Hải Triều, Vinh Râu, nhóm bạn của Hoan có chức năng chữa lành trong phim. Cảnh nào khóc nhiều quá thì đẩy tụi em ra chữa lành".

Mỗi ngày trong Hoan là sự giằng xé giữa tình thương và trách nhiệm, giữa lựa chọn để mẹ có một cuộc sống tốt đẹp hơn hay ích kỷ giữ mẹ bên mình trong chuỗi ngày cơ cực
Khác với nhiều phim Việt đang chuộng tiết tấu nhanh và thoại dễ hiểu, "Mang mẹ đi bỏ" mang đậm hơi thở điện ảnh Hàn Quốc ở giai đoạn hậu dòng phim “healing” – nơi câu chuyện được kể bằng không khí và cảm xúc hơn là hành động hay các tình tiết kịch tính. Sự xuất hiện của đạo diễn Mo Hong-jin tại Việt Nam trong buổi công bố phim, cùng thông tin về quá trình 3 năm ấp ủ và thực hiện, cho thấy tâm thế nghiêm túc, không phải kiểu hợp tác mang tính "trao đổi văn hóa" thường thấy.

Đặc biệt là sự góp mặt của tài tử Hàn Quốc Jung Il-woo - diễn viên từng góp mặt trong series “Gia đình là số 1” đình đám
Từng khung hình trong phim không có chủ ý làm đẹp một cách thông thường, mà gợi những ý đồ cảm xúc người xem ngay từ gốc rễ bên trong. Góc máy tĩnh, ánh sáng yếu, không gian hẹp – tất cả như cố tình "bóp nghẹt" người xem cùng cảm xúc của nhân vật, tạo nên sự dồn nén.
Dù vậy, vẫn có những tia sáng lạc quan đầy triển vọng, rạng ngời trong hành trình tiến về phía trước của các nhân vật. Đây là dạng ngôn ngữ hình ảnh không mới trong điện ảnh Hàn, nhưng vẫn còn là lựa chọn “khó nhằn” với phần lớn khán giả Việt, vốn quen với nhịp phim nhanh hơn. Đạo diễn không che giấu ý đồ khi không cần phim phải hấp dẫn ngay từ đầu, mà để cảm giác dồn nén dâng lên từ từ như vết rạn trong mối quan hệ gia đình: nhỏ, âm ỉ, và không ai chịu nói ra, nhưng cũng không quá bi lụy hay bi thương.

Cuối cùng, Hoan buộc phải đưa ra quyết định đau lòng: mang mẹ đi “bỏ” cho người anh trai ở Hàn Quốc, người mà Hoan chưa từng một lần gặp mặt
Nếu chỉ nhìn vào dàn diễn viên như Hồng Đào, Tuấn Trần, Lâm Vỹ Dạ, Hải Triều, Vinh Râu,... dễ tưởng "Mang Mẹ Đi Bỏ" là một bộ phim giải trí có yếu tố gia đình, đủ hài, đủ xúc động. Nhưng đây là bộ phim buộc các diễn viên phải thoát khỏi vùng an toàn và hình ảnh quen thuộc của mình, để hóa thân thành những con người không có gì quá đặc biệt, thậm chí là bình thường như những số phận phải vật lộn với cuộc sống ngoài kia.
Bộ phim chạm vào một vùng cảm xúc mà nhiều người Việt Nam vẫn né tránh: cảm giác “nợ nần” trong tình thân, nỗi sợ trở thành gánh nặng cho người khác và sự mệt mỏi không ai dám nói thành lời. Với thế hệ khán giả đang bước qua tuổi 30 – những người đang ở giữa hai đầu gánh trách nhiệm (con cái và cha mẹ già), bộ phim có khả năng tạo ra cộng hưởng lớn nếu được truyền thông đúng cách: không giật tít, không chạy theo xu hướng, mà để nó len lỏi bằng chính những câu chuyện chân thực, lay động cảm xúc ngoài rạp.
"Mang mẹ đi bỏ" hứa hẹn sẽ là một tác phẩm đáng chú ý, không chỉ là câu chuyện, mà còn bởi cách nó dám đặt ra những câu hỏi khó, buộc người xem phải đối diện với chính mình và những mối quan hệ thiêng liêng nhất.