Một chuyến đi lặn tại Redang, Malaysia

29/03/2023

Chuyến đi này không ngoại lệ. Dù có một danh sách dài các nước muốn đi trong hai năm tạm ngưng vì đại dịch, tôi vẫn chọn Malaysia cho an toàn với kế hoạch của mình.

Trước đây tôi thường lên kế hoạch cho mỗi chuyến đi từ rất sớm để thoải mái thời gian trong việc tìm bạn đồng hành cũng như có sự chuẩn bị chu đáo hơn từ chỗ ăn chỗ ngủ, đi lại thế nào, đặt land tour ra sao. Nhưng sau đại dịch Covid-19, xu thế du lịch bụi đã thay đổi: không có điều gì là chắc chắn, thế nên các chuyến đi thường được tôi quyết định trong ít phút, tìm hiểu 1-2 ngày rồi lên kế hoạch và đặt trước các dịch vụ trong một tuần. Chuyến đi này không ngoại lệ. Dù có một danh sách dài các nước muốn đi trong hai năm tạm ngưng vì đại dịch, tôi vẫn chọn Malaysia cho an toàn với kế hoạch của mình.

Vốn đã đi Malaysia nhiều lần, việc lên kế hoạch với tôi khá dễ dàng. Thay vì đi thành phố hoặc đi cao nguyên hay đi leo núi như các lần trước thì lần này tôi chọn đi lặn bình khí ở đảo Redang – một hòn đảo nhỏ nằm phía đông bắc Malaysia ít người biết tới. So với đảo Perhentian gần đó thì đảo Redang ít khách du lịch hơn, hệ sinh thái dưới biển đẹp hơn, cơ hội gặp cá nhám voi (whale shark) cao hơn. Sau khi tìm hiểu, ngoài các gói lặn 3-7 ngày thuộc các resort hạng sang, tôi không thể tìm thấy trung tâm lặn nào khác ngoài Aquarius Redang. Chỉ một trung tâm lặn duy nhất với một suất lặn duy nhất, chúng tôi vẫn lên đường khám phá Redang.

Những chiếc thuyền tại Redang.

Những chiếc thuyền tại Redang.

Dù Malaysia đã mở cửa du lịch được vài tháng nhưng sân bay KLIA2 vốn rất nhộn nhịp trước đây bị thay bằng hình ảnh buồn chán với quá nửa số quầy bị đóng cửa, bảng điện tử còn trống nhiều chuyến bay, quầy ăn yêu thích của tôi cũng không thấy đâu. Điều bất ngờ là KLIA2 chào đón chúng tôi bằng bảng điện Beautiful Terengganu, nơi tôi sắp đến.

Bay chuyến 8h35 từ TPHCM tới Kuala Lumpur nhưng phải chờ đến 15h35 mới bay tiếp từ Kuala Lumpur tới Terengganu, thành ra 5h chiều chúng tôi mới về tới khách sạn ở trung tâm. Tuy có ít thời gian nhưng chúng tôi vẫn kịp tranh thủ ghé thăm Thánh đường Hồi giáo Crystal (Masjid Kristal) – địa điểm nổi tiếng của thành phố Terengganu.

Thánh đường Hồi giáo Crystal (Masjid Kristal) – địa điểm nổi tiếng của thành phố Terengganu.

Thánh đường Hồi giáo Crystal (Masjid Kristal) – địa điểm nổi tiếng của thành phố Terengganu.

Sáng hôm sau, cứ ngỡ sẽ đi bộ hơn 1 km ra bến tàu Shahbandar gần khách sạn nên chúng tôi thong thả soạn đồ trả phòng để đi ăn sáng thì được biết bến tàu này đang tạm đóng, thế là vội bắt grab chạy tới bến tàu Merang cách khách sạn tận 39km! Cũng may dậy sớm nên tới bến tàu mua vé này nọ xong vẫn kịp ăn sáng chờ tàu. Mà mua vé tàu ở đây lạ lắm! Nhân viên bán vé không ngồi trong quầy bán mà ngồi chờ sẵn ở sảnh đợi tàu, tôi sợ bị lừa gạt nên đi vòng vòng hỏi kỹ thông tin mới đặt mua vé một chiều qua đảo Redang không quên lấy số điện thoại để có gì đặt vé chiều về nếu bên Redang không bán vé.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Điều lạ thứ hai là phí qua phà - jetty access charge. Không vô bến tàu sau đi tàu? Người ta không tính vô giá vé mà bán riêng. Và cuối cùng là vé Marine Park, nhân viên bán vé nói cứ lên đảo là phải mua vé dù không lên đảo có công viên này. Tóm lại tốn 85RM (450.000đ) để lên đảo Redang.

Trên đường đi thì tàu có dừng tại dải cát trắng đẹp đẽ

Trên đường đi thì tàu có dừng tại dải cát trắng đẹp đẽ

Lên được đảo thì cũng không có dịch vụ gì ngay bến tàu. Lúc này tôi liên hệ bên resort rồi chờ họ điều xe ra chở nhưng bị tính phí 20RM/người. Phải chờ khá lâu xe mới tới, xuất hiện là một chiếc bán tải cà tàng không thể tàn hơn. Sau 2 ngày mới biết ở làng chài trên đảo Redang toàn đi xe tàn tàn như vậy. Nếu lên đảo từ bến tàu riêng của từng resort thì bạn cũng chỉ có thể đi bộ lên resort chứ không có đường đi giữa các khu khác nhau (mỗi resort bao trọn một vịnh và có cầu tàu riêng), resort tôi chọn nằm giữa làng chài và lên đảo từ bến tàu công cộng nên không có dịch vụ.

Sau khi hỏi thủ tục check-in xong tôi liên hệ Aquarius Redang, định bụng sẽ qua trung tâm lặn xem thế nào rồi ký giấy miễn trừ trách nhiệm nhưng Zan – ông chủ trung tâm lặn - nói tôi cứ chờ ở resort ổng chạy xe qua. Rồi ổng xuất hiện với con xe máy cũng cà tàng như chiếc bán tải chở chúng tôi về đây. Hỏi trung tâm ở đâu, Zan nói ở ngay bến tàu, tưởng sao, tới lúc ra bến tàu bất ngờ luôn! Đây là bến tàu tự phát với cái chòi canh nhỏ xíu và mớ đồ lặn lỉnh kỉnh Zan chở tới để sẵn.

Rồi hỏi thay đồ ở đâu thì Zan nói “somewhere on island”, tôi hốt hoảng lần một. Tàu chạy được một lúc ra khỏi bến là Zan cho tàu tấp vô đảo nhỏ để chúng tôi lên mặc đồ lặn, Zan không quên dặn chúng tôi cẩn thận với lũ khỉ sẵn sàng giựt đồ bất cứ lúc nào và kết cục là trong lúc bấn loạn tôi mặc đồ ngược lên tàu mới phát hiện ra, tàu chạy thêm một đoạn lại tấp vô cho tôi thay đồ lần hai.

Empty
Redang có rất nhiều động vật biển xinh đẹp.

Redang có rất nhiều động vật biển xinh đẹp.

Khi tàu chạy đến điểm lặn đầu tiên Terumbu Kili, sóng ở đây khá lớn, phải chòng chành trên tàu một lúc mới đeo được các thiết bị lặn vô người, xuống nước rồi vẫn sóng sánh một lúc muốn tiền đình cho đến khi lặn xuống 5m mới ổn định thì lúc này gặp dòng chảy, phải nương theo để qua mấy ụ san hô. Zan chỉ mấy chú rùa đang bơi đằng xa nhưng khi lặn tới thì mấy ẻm cũng bơi đi mất. Cá ở đây không nhiều, lại toàn cá nhỏ. Đi lặn không lo ngắm cá với san hô mà cứ nhìn xa xa xem có thấy cá nhám voi hay không. Sang ca lặn thứ hai ở Pasir Akar cũng không có gì đặc biệt ngoài rùa nhỏ, sứa, cá mó, cá bò hòm, cá hề… Một phần vì chúng tôi đi lặn ngày rằm nước cũng không được trong, tầm nhìn kém.

Trong lúc ăn tối ở nhà hàng Aima Grill Fish, chúng tôi vô tình phát hiện có tour đi lặn ống thở thế là gọi điện đặt tour ngay, lại còn thương lượng được chuyến tàu đưa qua đảo Lang Tengah gần đó với giá hời. Ở đây người ta bán các tour lặn ống thở ghé qua 3 đến 7 đảo với các mức giá khác nhau mà phổ biến là tour 4 điểm phía đông Redang: đảo Ekor Tebu, đảo Kerrengga Besar, đảo Lima, bãi tắm Turtle; trên đường đi thì tàu có dừng tại dải cát trắng (sandbank) gần Long beach để chụp hình sống ảo. Nằm ngoài kế hoạch nhưng chúng tôi thu thập được nhiều hình đẹp hơn đi lặn bình khí, đặc biệt là được bơi rất gần mấy chú rùa với những tấm hình đẹp xuất sắc.

Empty
Trải nghiệm bơi và ngắm những loài động vật biển, thật tuyệt vời!

Trải nghiệm bơi và ngắm những loài động vật biển, thật tuyệt vời!

Chiều rảnh chưa biết làm gì thì Zan hỏi đi bộ khoảng 1 km lên điểm cao nhất của đảo Redang ngắm hoàng hôn không thế là đồng ý đi ngay. Zan dẫn 4 người bạn đi chung. Khi nói chuyện mới biết họ sống ở Kuala Lumpur nhưng tới Redang hơn 10 lần để đi lặn và từ khách, họ trở thành bạn của Zan. Tôi cũng mở hình cảnh đẹp ở Côn Đảo và rủ họ sang Việt Nam đi lặn.

Dù chỉ hai ngày ngắn ngủi và đi lặn không gặp cá nhám voi nhưng tôi cảm thấy trân quý tình bạn của Zan. Nếu có dịp, chắc chắn tôi sẽ quay lại Redang vào ngày biển đẹp hơn để có thể khám phá đáy đại dương xung quanh Redang nhiều hơn.

Hương Đỗ (Helix)
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES