Một góc trời A Lưới

25/09/2021

A Lưới hay được du khách ví như Đà Lạt của Huế. Nhưng dừng chân ở A Lưới, ngoài tán thông reo và cánh rừng nguyên sinh ẩn hiện nơi thác đổ, nơi ấy còn có những mái nhà cộng đồng mà người con Tà Ôi, Pa Cô và các anh em dân tộc khác đã gìn giữ bao đời. Bản sắc đó, liệu nơi nào khác có thể thay thế được?

A Lưới trập trùng chiều trở lại

Mưa nối mưa, nắng thay nắng từng giờ

Vẫy tay lau trắng lên sườn dốc

A Lin, A Sáp xuôi đất khách

Năm tháng trôi đi, năm tháng về

(Trở lại A Lưới, Nguyễn Khoa Điềm)

Ảnh: Trần Đình Đức Hiếu

Ảnh: Trần Đình Đức Hiếu

Nhắc đến A Lưới, người ta thường nghĩ ngay đến những năm tháng chiến tranh ác liệt khi nơi đây trở thành tấm khiên chắn mưa nắng cho đường Cách mạng, đến các câu chuyện anh hùng về bà Kan Lịch hay ông A Nun Những năm 2006-2014, có đoàn nhà văn Thừa Thiên-Huế đã đến xã Hồng Bắc và thôn A Hưa (xã Nhâm) để thực hiện một chuyên đề tạp chí về A Lưới - nơi có địa danh đồi A Bia đánh thức những quá vãng bi hùng. Giữa tháng 5 năm 1969, nơi này diễn ra trận đánh giữa Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Mỹ. Sau mười ngày giằng co, đỉnh A Bia bị bom pháo phạt nham nhở, trơ lại những thân cây khô cháy; lính Mỹ gọi nơi đây là Đồi Thịt Băm (Hamburger Hill). A Lưới quả thật là vùng đất của lịch sử.

Nhưng, tìm đường về với A Lưới, ta sẽ biết mảnh đất này còn mang trong mình nhiều điều hơn thế, nơi đây không chỉ là bức tường thành khắc những hồi ức về bom đạn, chiến tranh. Đó là những sử thi hào hùng xưa cũ như chuyện chàng Tơ Rứt chém diều hâu cứu nàng Kalang Batưng về làm vợ. Đó là những lễ hội, lễ nghi truyền thống về các Thánh Thần, về Giàng và tình yêu. Đó cũng là cuộc chiến sinh tồn của bao thế hệ người A Lưới để giữ núi, giữ rừng, giữ bản nghìn đời. Nếu ví A Lưới như nàng thơ của xứ Huế, vậy khi ngồi xuống lắng nghe, nàng sẽ kể cho ta những câu chuyện gì?

Nàng kể về rừng xanh núi thẳm, về thác sâu đèo cao, về dọc ngang sông chảy.

Những bước trùng điệp

Những bước núi rừng

A Co ngửa mặt mờ mây gió

Cô Ca Va lừng lững lưng voi

Dốc mèo gân guốc bàn tay nắm

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

An Hồ nghìn năm dầm mưa bay

(Nguyễn Khoa Điềm)

Khi đến Huế, người ta thường choáng ngợp trước những đền đài, thành quách, những di sản, bảo vật, mấy ai nhớ được về một nơi xa xôi. Đối với du khách, dường như A Lưới không có điều gì hấp dẫn để khám phá. Vậy nhưng, nếu tận mình đến đây, ai cũng sẽ thấy những suy nghĩ đó có lẽ là sai lầm. “Kinh đô vàng của một thủ đô” - có người nhận xét về A Lưới như vậy. Rời Huế, về miền Tây, ngược núi, A Lưới đón những đứa con trở về đất mẹ và những lữ khách ghé thăm bằng đường đèo quanh co ngược xuôi, trong đất trời Trường Sơn xanh thẳm.

Empty

Nằm ở cuối Quốc lộ 49, cách Huế khoảng 70 km, A Lưới có một vùng đồi mênh mang ngút mắt với những triền cà phê nối tiếp không ngừng. Ngẩng đầu nhìn trời, chỉ thấy mây như thác, cuồn cuộn lao xuống nhuộm trắng đỉnh núi. Ngày xưa, đến với A Lưới phải vượt núi băng rừng. Bây giờ, đường lên A Lưới đã khác nhiều. Đoạn đèo A Co (hay còn gọi là đèo Mạ Ơi) ngoằn ngoèo hiểm trở giờ đã được hạ thấp bạt núi và bắc thêm nhiều cây cầu cạn băng qua vực sâu. Trên con đường trải nhựa phẳng lỳ rộng rãi vượt dốc núi Bạch Mã hoặc dọc đường Hồ Chí Minh, phóng khắp tầm mắt là những cây Lôi khoai toàn thân lá đỏ thẫm, đứng cô độc kiêu hãnh giữa ngàn xanh. Vô số thảm hoa vàng rực rỡ bám bên mái núi, trông như một mảng màu điểm xuyết cho cái sắc hoang dã đặc trưng. Những đồi núi trùng điệp, những suối sông dọc ngang, những con đường vạm vỡ, tất cả nhìn như chao nghiêng lướt vòng eo thắt, như một khúc vũ phóng khoáng, mạnh mẽ phả vào hồn người. Thỉnh thoảng lại có tiếng chim lạc bầy kêu sau cụm rừng già, rồi tiếng kêu bé dần, lặng đi, để lại một âm vang rất nhỏ như nỗi day dứt trong thinh không.

Ảnh: Trần Đình Đức Hiếu

Ảnh: Trần Đình Đức Hiếu

Cũng như nhiều mảnh đất miền trong, ở A Lưới chỉ có hai mùa là mùa mưa và mùa khô. Bắt đầu từ tháng Bảy, những cơn mưa thường ập xuống nhanh đến nỗi người ta chưa kịp dừng xe, chưa kịp lấy áo mưa để mặc thì đã ướt sũng. Mưa của A Lưới không lất phất, chóng đến chóng đi như mưa Đà Lạt. Thời điểm cuối năm, bầu trời A Lưới luôn phủ xám những đám mây nặng hạt, mưa trút xuống xối xả và ầm ĩ, mạnh mẽ và tầm vóc như chính thiên nhiên nơi này.

A Lưới tựa lưng vào dải Trường Sơn hùng vĩ. Nơi đây là thượng nguồn của năm con sông lớn, “năm con sông xòe ra như năm ngón tay mở rộng mà cuồn cuộn chảy”. Trong đó có hai sông chảy sang Lào là A Sáp và A Lin. Còn ba con sông chảy sang phía Việt nam là Đa Krông, sông Bồ và sông Tả Trạch (nhánh tả của sông Hương). Không chỉ có sông, A Lưới còn nhiều suối, những con suối trong vắt nằm giữa màu xanh thăm thẳm của cây rừng, ngày đêm róc rách chảy qua triền đá, nghe như tiếng mạ ai hát ru con ngủ trên lưng.

Ảnh: Trần Đình Đức Hiếu

Ảnh: Trần Đình Đức Hiếu

Trong ánh ban mai, dừng chân bên suối Pâr Le (Hồng Hạ), nước trong xanh mát. Hàng ngàn cây dương xỉ thụ dạng mọc hàng dọc suối. Những bụi chuối rừng than nâu, lá đậm chen chúc bên dải nước trong. Lúc này, chỉ có tôi chơi vơi giữa đại ngàn. Có tiếng thở trong rừng già xao động. Có bóng người gùi mặt trời lên nương… (Bút ký A Lưới, Lê Vũ Trường Giang, 2016)

Chuyện về A Lưới trải dài như những dải núi rừng xanh thẳm, kéo mãi không biết đâu là điểm cuối. Nếu ta lại bồi hồi đòi nàng kể tiếp, nàng sẽ kể cho ta những câu chuyện gì?

Nàng kể về cội nguồn dân tộc, về huyền thoại những sử thi, về ngọn lửa văn hoá được ấp ôm trong một thời đại mới.

A Lưới có nhiều những mảng màu văn hóa độc đáo về tập tục, lối sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Những sắc thái văn hoá riêng biệt ấy dường như chưa được tôn vinh đúng mực, nhưng vẫn lặng lẽ bừng hương sắc trong một không gian nhuốm dòng huyền thoại của riêng mình.

Ở A Lưới có nhiều dân tộc cùng chung sống, như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hi và Bru-Vân Kiều, nhưng có một điều rất đặc biệt: dân tộc nào cũng hay lấy họ Hồ làm họ của mình. Ngược dòng thời gian, ta mới biết, gia phả của người dân nơi đây để trong gùi nên dễ mất mát, lưu lạc nhiều trong thời chiến, vì thế nhiều người chỉ nhớ được tên còn họ thì mất. Sau đó, người A Lưới lấy tên Bác Hồ làm họ, để nhớ về hạt muối quý giá Bác mang đến nơi đây trong những ngày còn loạn lạc, cho da người A Lưới đỡ xanh bủng, máu chảy của người A Lưới đỏ thắm hơn. Không chỉ gìn giữ bài học uống nước nhớ nguồn, văn hoá và tín ngưỡng nơi đây còn lưu giữ vô vàn câu chuyện lạ kỳ, hấp dẫn. Mở ra cánh cửa dẫn đến nếp sống của người dân A Lưới, ta bước vào một thế giới ngập tràn vũ điệu trong các lễ hội rộn ràng, sự biến ơn Mẹ Lúa và Mẹ các giống cây trồng, câu hát tình trong những đêm đi sim và các mẩu truyện truyền miệng được chắp vá từ những nhân vật chính của núi rừng A Lưới…

Và thế giới đầy mới lạ ấy còn vô vàn điều huyền diệu. Đó là những đêm bên bếp lửa trong ngôi nhà Rông, vị già làng với chất giọng trầm thiêng đứng lên kể lại sử thi Achât - sử thi anh hùng của người Tà Ôi. Đó là nỗi băn khoăn khi nghệ thuật diễn xướng và giá trị âm nhạc dân gian của người A Lưới đang dần bị bào mòn, quên lãng. Đó là câu chuyện cổ về nguồn gốc của người Pa Cô và vì sao đến nay họ xem chó là vật tổ của mình. Đó là hành trình làm sáng tỏ biểu tượng văn hóa tâm linh A poal đầy bí ẩn. Đó cũng là những món ăn rất riêng của người dân nơi đây mà “ẩn sâu trong mỗi nguyên liệu, mỗi món ăn là cả một câu chuyện văn hóa, một vấn đề tín ngưỡng”.

Một người dân A Lưới. Ảnh: Shi Jang

Một người dân A Lưới. Ảnh: Shi Jang

Người A Lưới không chỉ toả sáng trong những câu chuyện cổ, vẻ đẹp của họ còn nằm ở bàn tay lao động miệt mài ngày tháng. Người nơi này có cả một nghề truyền thống lâu đời, đó là nghề dệt Zèng. Nghề dệt Zèng được lưu truyền qua nhiều thế hệ, mà trong đó vai trò người phụ nữ - người mẹ - vô cùng quan trọng. Bởi trong văn hoá của họ, mỗi cô gái lớn lên đều phải biết dệt tấm Zèng, để sau này đến tuổi lấy chồng còn dệt tặng người trong gia đình nhà chồng. Người A Lưới dùng những sợi bông thiên nhiên, nhuộm với nhiều sắc màu lấy từ vỏ cây hay củ nâu để dệt Zèng làm trang phục. Quần áo làm từ kĩ thuật dệt Zèng không chỉ là sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày, mà còn có giá trị như một tác phẩm nghệ thuật mang trên mình những đặc trưng văn hóa riêng biệt. Họ thêu lên vải các loại hoa văn mô phỏng con suối, dốc cao, cây cỏ, chim rừng, vật dụng thường ngày, những ngôi sao trên trời… Trong đời sống văn hóa và tâm linh của người A Lưới, những biểu tượng này thể hiện cho sự khát khao giao hòa giữa đất trời và con người.

Đỉnh cao của nghệ thuật dệt Zèng, ngoài những sáng tạo hoa văn độc đáo, còn là kỹ thuật chèn cườm kết hợp với hệ thống sắc màu trên nền vải. Đưa các hạt cườm vào lớp vải là công đoạn phức tạp đòi hỏi người dệt phải có tay nghề cao. Năm 2016, nghề dệt Zèng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khi người A Lưới ngồi dệt Zèng, họ cất cao điệu hát dân ca. Tiếng se chỉ, tiếng con thoi quay hoà chung với lời ca ngân dài, tạo thành một âm vang A Lưới rất riêng, dễ khiến người ta say sưa chìm đắm.

6

Hội nhập với thời đại mới đang không ngừng phát triển, A Lưới ngày nay không chỉ ôm giữ những nét văn hoá đẹp tuyệt ấy cho riêng mình, mà đang từng bước phát triển ngành du lịch, đẩy mạnh thu hút du khách. Ở đây, hiện đã có nhiều dịch vụ lưu trú (từ khách sạn, nhà nghỉ đến homestay,...) cùng với hai Làng văn hóa du lịch cộng đồng. Khách ghé thăm A Lưới có thể trải nghiệm cuộc sống trong những ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, như nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu, nhà Rông của dân tộc Tà Ôi, nhà Dài của dân tộc Pa Cô; được hoà mình vào không khí các lễ hội rực ánh lửa, như Lễ A riêu Car, Lễ A riêu Ada (Lễ mừng lúa mới), Lễ A Riêu Piing (Lễ giỗ tổ tiên, quy tập mồ mả), Lễ hội cầu mùa (để tạ ơn trời đất và thần linh)…

Ảnh: Shi Jang

Ảnh: Shi Jang

Ảnh: Shi Jang

Ảnh: Shi Jang

Chỉ đôi ba dòng chữ không thể tả hết cái rộng lớn bạt ngàn, cái tình tứ nên thơ của A Lưới và đồng bào nơi đây. Nếu chưa một lần đến tận nơi, tất cả những gì ta thấy chỉ là một góc trời A Lưới. Một góc ấy có thể hé mở màu xanh của rừng núi, màu trắng của mây trời, sự rực rỡ của những lễ hội vang câu hát nặng nghĩa tình... Nhưng phải về Huế, ngược miền Tây, đến A Lưới, mới có thể thực sự đắm mình vào thiên nhiên hùng vĩ với thác cao bản rộng, vào lời ca và điệu nhạc, vào bản sắc văn hoá len lỏi lòng người.

Hãy hát rộng trên ngã ba sông này

Đón mừng mùa yêu nhau

Mùa đi sim ngây ngất

Hát cho thành vợ thành chồng

Hát cho thành nhà thành cửa

Hát cho quả bầu thần thoại

Đầu nguồn A Sáp A Lin

Vỡ ra đông đúc

Đồng bào mình.

(Trường ca A Lưới đồng bào mình, Phạm Nguyên Tường)

An
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES