Tháng 8/2020, dự án "Nhà vệ sinh Tokyo" nhận được nhiều sự quan tâm với sự xuất hiện của 2 nhà vệ sinh xuyên thấu. Kể từ đó, các nhà vệ sinh công cộng khác đã mọc lên khắp khu vực Shibuya (Tokyo). Chúng được kỳ vọng trở thành một điểm đến du lịch thay vì chỉ phục vụ nhu cầu "giải quyết" của người dân và du khách.
Nhà vệ sinh xuyên thấu
Nhà vệ sinh đặc biệt này được xây dựng trong Công viên Mini Yoyogi Fukamachi và Công viên Cộng đồng Haru-no-Ogawa, cặp phòng vệ sinh này có những bức tường kính màu để những người đến gần có thể dễ dàng kiểm tra xem đã có người sử dụng hay chưa. Chất lượng của những tấm kính còn phán ánh độ sạch/bẩn của nhà vệ sinh. Để đảm bảo sự riêng tư, các bức tường kính sẽ trở nên mờ đục sau khi có người bước vào và khóa cửa.
Nhà vệ sinh "Đường vào rừng"
Kuma Kengo nổi tiếng khi tạo ra phần mái vòm bằng gỗ ấn tượng tại Sân vận động Tokyo. Thiết kế nhà vệ sinh tại công viên Nabeshima Shoutou cũng in đậm chất riêng của Kengo với những khối gỗ xếp chồng lên nhau. Khu vực nhà vệ sinh này được gọi là "con đường rừng". Nó được làm từ gỗ tuyết tùng và được trẻ em yêu thích. Các thanh gỗ nhìn khá lộn xộn nhưng thực ra đã được Kengo tính toán kỹ. Bên trong nhà vệ sinh là những khối gỗ được tái chế để trang trí.
Nhà vệ sinh hình khối cầu
Nhà thiết kế Kazoo Sato đã tạo ra một nhà vệ sinh công cộng sử dụng khẩu lệnh để điều khiển các chức năng bao gồm mở/đóng cửa, vòi xả, và bật/tắt âm nhạc xung quanh. Theo kiến trúc sư này, thiết kế được tạo ra với mong muốn vượt qua nhận thức truyền thống về nhà vệ sinh công cộng là tối tăm, hôi thối và đáng sợ. Bên cạnh đó, kiến trúc hình cầu giúp gia tăng lưu chuyển của vùng khí bên trong, giúp hệ thống thông khí hoạt động hiệu quả.
Nhà vệ sinh tông trắng
Nhà thiết kế đồ họa Kashiwa Sato đã xây dựng một nhà vệ sinh công cộng được bọc trong những tấm chớp nhôm màu trắng ở lối ra phía tây ga Ebisu ở trung tâm Tokyo, Nhật Bản. Các cửa chớp được sắp đặt sao cho chỉ cách nhau khoảng 2 cm để tạo thành một bức tường. Bức tường bao quanh một hành lang đón ánh sáng chạy theo hình chữ U quanh khối hình chữ nhật với các lối vào ở mỗi đầu. Bên trong dãy nhà là năm buồng vệ sinh không phân chia theo giới tính.
Nhà vệ sinh hình nấm
Ito Toyo, người nhận giải thưởng Pritzker về kiến trúc, đã tạo ra nhà vệ sinh giống 3 cây nấm mọc lên từ khu rừng của đền Yoyogi Hachiman. Mỗi nhà vệ sinh đều được trang bị thiết bị hiện đại. Kiến trúc sư người Nhật đã phân chia kiến trúc của mình thành ba khối hình trụ có mái vòm nhô ra phía trên. Ông mong muốn thiết kế một kiến trúc yên tĩnh, thân thiện để khuyến khích mọi người sử dụng nhà vệ sinh công cộng.
Nhà vệ sinh hình tam giác
Nhà thiết kế Nhật Bản Nao Tamura đã xây dựng khối nhà vệ sinh công cộng màu đỏ trên một khu đất hình tam giác ở quận Shibuya, trung tâm thành phố Tokyo. Khối nhà vệ sinh hình tam giác được chia thành ba dành cho người khuyết tât, nhà vệ sinh nữ và nhà vệ sinh nam. Cả 3 đều thẳng hàng tạo thành 1 cạnh của hình tam giác. Cả ba chiếc toilet đều được bọc trong lớp vỏ kim loại có màu đỏ tươi. Tamura chọn màu này để làm cho du khách dễ phát hiện và sẽ tạo ra "cảm giác cấp bách".
Nhà vệ sinh tương lai
Kiến trúc sư Ando Takao xây dựng nhà vệ sinh hình tròn này tại Công viên Jingu-Dori. Được bao quanh bởi những cây anh đào trong một công viên nhỏ cách ga Shibuya khoảng năm phút đi bộ, Ando đã thiết kế sao cho hình dạng của nhà vệ sinh trở thành điểm nổi bật của công viên.
Khối nhà vệ sinh hình tròn, bao gồm một buồng vệ sinh nam và nữ được bao bọc trong một bức tường làm từ các miếng kim loại thẳng đứng. Bức tường này tạo ra sự riêng tư và độ nghiêng vừa đủ để không khí lưu thông. Toàn bộ cấu trúc được bao phủ bởi một mái nhà nghiêng nhô ra khỏi nhà vệ sinh để làm chỗ trú mưa khi cần thiết.