Mani Rimdu - Lễ hội cổ xưa của người Sherpa trên dãy Himalaya

16/11/2022

Mani Rimdu diễn ra trong vòng 19 ngày để vinh danh ngày khai sinh Phật giáo ở Tây Tạng. Lễ hội sẽ được diễn ra tại Tengboche, tu viện Phật giáo Mật tông cao nhất thế giới.

Lễ hội Mani Rimdu nổi tiếng được tổ chức vào tháng thứ 9 theo lịch Tây Tạng, ứng vào khoảng mùa thu cuối tháng 10 hoặc 11. Đây là sự kiện của người Sherpa nhằm vinh danh Guru Rinpoche Padmasambhava, một đại sư Ấn Độ đã truyền bá Phật giáo đến Tây Tạng. Mani Rimdu được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1907 ở tu viện Rongbuk (Shigatse, Tây Tạng). Đến năm 1940, lễ hội chuyển sang Solukhumbu (phía đông Nepal). Hiện tại, Mani Rimdu được tổ chức ở tu viện Tengboche nằm trên dãy Himalaya.

Nguồn gốc của Mani Rimdu

Cái tên Mani Rimdu được ghép bởi 2 từ trong tiếng Tây Tạng. "Mani" được lấy từ trong bài kinh Avalokiteshvara và "Rimdu" là những viên thuốc nhỏ màu đỏ, được ban phước và phát cho những người đến hành lễ. Trong suốt 19 ngày của lễ hội, các sư thầy trong chùa liên tục tụng niệm các bài kinh và thực hiện những nghi lễ đặc biệt.

Ngày đầu tiên, các sư thầy sẽ vẽ lên khuôn viên chùa những câu chú hoặc biểu tượng thiêng liêng bằng cát màu. Trước đó, các thầy phải leo lên khu vực cao nhất của dãy Himalaya để lấy được số cát trên, sau đó mất 4 ngày để trang trí hết khuôn viên. Trong 10 ngày tiếp theo, người tham gia lễ hội sẽ dùng số cát này để làm lễ và hành thiền.

Các sư thầy đang chuẩn bị hành lễ.

Các sư thầy đang chuẩn bị hành lễ.

Bắt ấn cầu nguyện trong buổi lễ.

Bắt ấn cầu nguyện trong buổi lễ.

Lễ Mani Rimdu bắt đầu trong khuôn viên tu viện.

Lễ Mani Rimdu bắt đầu trong khuôn viên tu viện.

Vào ngày thứ 16, Mani Rimdu diễn ra một sự kiện đặc biệt. Những sư thầy trong tu viện cởi bỏ chiếc áo cà sa thường thấy và khoác lên mình bộ đồ đầy màu sắc. Cùng chiếc mặt nạ đáng sợ, họ biểu diễn nhiều điệu nhảy gọi là "Cham" trong sân sau của tu viện. Tổng cộng có 16 điệu nhảy được diễn ra xuyên suốt buổi lễ. Chúng kể những câu chuyện về nguồn gốc của Phật giáo Tây Tạng do đạo sư Guru Rinpoche truyền bá. Các điệu múa này còn truyền đạt giáo lý Phật giáo một cách hình tượng hóa. Bên cạnh đó, điệu nhảy khuyến khích Phật tử vượt qua vô minh, tham sân si, đấu tranh với ác quỷ bên trong thông qua hành thiền và trí huệ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Sau khi kết thúc lễ ban ngày, người Sherpa hàng đêm tụ tập tại Tengboche cùng ăn uống và hát cho nhau nghe những bài dân ca cổ. Vào ngày cuối cùng, một tế đàn lửa được dựng lên nhằm thanh tẩy mọi năng lượn xấu. Sau đó, các sư thầy sẽ cùng xóa bỏ những nét vẽ trên sân trong lúc cầu nguyện hồi hướng và lòng trắc ẩn thu được có thể xoa dịu nỗi đau khổ của chúng sinh.

Những điệu nhảy ở Mani Rimdu

Mỗi điệu nhảy ở ngày thứ 16 đều liên quan đến 1 lễ Puja được thực hiện trong những ngày đầu của lễ hội Mani Rimdu. Rol-cham là buổi diễn mở màn với các nhà sư đội mũ vàng và chơi các nhạc cụ đặc trưng. Điệu nhảy đầu tiên là Serkyem cùng những vũ công đội mũ đen. Điệu nhảy này cầu mong sức khỏe, trí huệ, thân thể đều trở nên khỏe mạnh. Mũ đen tượng trưng cho các sư thầy Kim cương thừa.

Tiếp theo, Khing-cham được trình diễn bởi 4 Dorje Trollo, những hiện thân đầy phẫn nộ của Guru Rinpoche. Nhóm vũ công bao gồm 2 nam và 2 nữ đeo mặt nạ quỷ và quần áo màu mè, trên tay cầm những chiếc trống truyền thống. Nga-cham là điệu nhảy tái hiện điển tích Guru Rinpoche xây dựng và cầu nguyện tại Sayme, tu viện đầu tiên ở Tây Tạng. 6 vũ công mặc đồ vàng, trên đầu đeo lông công dài sẽ cùng nhau thực hiện điệu nhảy. Những quan chức địa phương ở Nepal thường đảm nhận vai trò này.

Những vũ công đeo mặt nạ đáng sợ.

Những vũ công đeo mặt nạ đáng sợ.

Mặt nạ đen tượng trưng cho ác quỷ.

Mặt nạ đen tượng trưng cho ác quỷ.

Những điệu nhảy tượng trưng cho con đường tu đạo.

Những điệu nhảy tượng trưng cho con đường tu đạo.

Rutang-cham là một điệu nhảy phức tạp với hai bộ xương và hai vũ công mũ đen. Những bộ xương mang theo một khối bột tượng trưng cho cái ác và những vũ công sẽ phá hủy chúng trong lúc nhảy, tượng trưng cho cái thiện chiến thắng cái ác. Sau đó, buổi diễn tiếp tục với điệu nhảy của vũ trụ được chia thành 2 phần. Phần đầu là lúc những vũ công thay nhau nhập vai các thần Tây Tạng như: Mahakala (thần bảo hộ), Tseringma (nữ thần núi Everest), Mahadeva (thần khởi thủy), Zurra-rakye (thần bảo hộ thung lũng), Khadro (5 nữ thần của trí huệ). Ở phần 2, một vũ công đóng vai Thog den, người thầy nổi tiếng ở Tây Tạng xuất hiện truyền đạo và diễn hề. Sau đó, điệu nhảy Lhagma do 2 vũ công 1 nam 1 nữ trình diễn nhằm mục đích phân phát Rimdu.

Tengboche là nơi đầu tiên tổ chức lễ hội này ở Nepal.

Tengboche là nơi đầu tiên tổ chức lễ hội này ở Nepal.

Phần cuối của buổi trình diễn, 4 vũ công đeo mặt nạ mang kiếm trình diễn T-Cham. Sau đó, 2 người đội mũ đen cầm theo các torma (bánh bơ nhỏ) rồi ném ra xa. Đây là điệu nhảy Zor-cham để trừ tà. Then-cham với sự tham gia của phần lớn vũ công mũ đen, điệu nhảy nhằm mục đích cầu phúc, đuổi tà ma. Cuối cùng, điệu nhảy Log-cham là phần kết của buổi diễn với sự tham gia của tất cả vũ công còn lại.

Khoảng tháng 10-11 năm nay, du khách ghé thăm tu viện Mật tông Tengboche trên đỉnh Everest có thể tham dự lễ hội Mani Rimdu cùng người dân bản địa. Tu viện này tọa lạc tại miền Đông Nepal, nằm gần đường trekking lên Everest. Đây là tu viện Phật giáo Mật tông được nhiều du khách ghé thăm cầu nguyện trước khi bắt đầu chinh phục Everest Base Camp.

Anh Thi
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES