Ngoạn biển Maldives, thỏa thú thả câu đêm

15/04/2014

Những ánh sao nhấp nháy hòa quyện cùng với ánh sáng trắng của những chiếc đèn câu mực đêm tạo thành dãy ngân hà huyễn hoặc cuối chân trời. Nhấp nhô trên sóng biển, thoáng ẩn thoáng hiện những ánh đèn đêm của các resort và đôi khi chúng tạo nên hình ảnh như những đốm pháo hoa bất chợt vụt sáng lên không trung từ mặt biển. Chuyến đi câu cá đêm của tôi ở Maldives vô cùng rôm rả trong không gian quyến rũ như thế.

Bài và ảnh: Nguyễn Chí Linh

Từ cuối tháng 3, những cơn gió địa phương bắt đầu đổi hướng thổi, chuyển từ đông sang tây. Đây là thời kỳ nóng nhất trong năm, nhưng người Maldivian thích gọi nó là mùa thu dù khoảng thời gian đó rất ngắn (kéo dài đến tháng 4, tháng 5). Mưa hầu như không còn nữa, bầu trời trở nên xanh biêng biếc. Đây là mùa dành cho các tay săn ảnh chuyên nghiệp kéo đến Maldives chụp ảnh từ trực trăng để quảng bá trên các tạp chí du lịch.

Đi trên đá san hô, phương thức massage cổ truyền của người Maldivian

Tôi ghé qua thủ đô Malé - thành phố cổ và là một trong những thủ đô nhỏ bé nhất thế giới - để tham quan một vài điểm. Dọc theo con đường biển nằm cuối đại lộ Boduthakurufaanu Magu, không khí luôn náo nhiệt vào mỗi buổi chiều bởi kẻ bán người mua khi những con tàu đánh cá cập bến sau một ngày rong ruổi trên biển khơi. Nụ cười hiền lành của những con người trong làn da nâu sậm bởi làn gió biển luôn duyên đến lạ lùng.

Trước khi trở thành thiên đường nghỉ dưỡng nổi tiếng trên thế giới, Maldives là quốc đảo với 26 đảo san hô bao vòng quanh một lãnh thổ gồm 1.192 hòn đảo nhỏ bên trong. Trong số này, chỉ có khoảng 200 hòn đảo có cộng đồng địa phương sinh sống. Chính phủ phải mất 40 năm cải tạo, Maldives mới có hình dạng như ngày nay với 80 resort được hình thành trên 200 hòn đảo. Quanh co uốn khúc theo cung đường biển ở Malé, còn rất nhiều bãi đá san hô sót lại như vết tích quá khứ của quốc gia nằm về phía Tây Nam Ấn Độ Dương.

Mỗi khi chiều buông, người Maldivian lại thích bước nhẹ nhàng trên những hòn đá chông chênh ở các bãi đá san hô. Thoạt đầu, khi nhìn những bước chân của người bản địa, trong tôi thoáng qua dòng suy nghĩ : đôi bàn chân phải họ chịu “đau đớn” lắm bởi những khối đá san hô luôn có gân và thỉnh thoảng chúng lại có gai nhọn. Tại sao họ lại làm điều đó với thái độ “cảm thấy dễ chịu” luôn thể hiện trên khuôn mặt?

Anh Arzan, một người địa phương, phá cười lớn khi tôi đặt câu hỏi đó. Anh giải thích: “Đó là phương thức massage cổ truyền của người Maldivian. Việc bước trên những khối đá san hô sẽ kích hoạt một số huyệt đạo nằm trong lòng đôi bàn chân mà các huyệt đạo này nối liền với các huyệt mạch trên đôi cánh tay. Hãy thử nghiệm một lần khi đặt chân đến Maldives và cố gắng thực hiện nó mỗi ngày, bạn sẽ thấy sức khỏe tốt dần hơn, đặc biệt đôi chân”.

Cụm từ “day ấn huyệt đạo” cũng không còn xa lạ trong y học bởi những người Trung Quốc, Ấn Độ; ngay cả người da đỏ của châu Mỹ và người Ai Cập cổ đã sử dụng phương pháp y học cổ truyền này từ thời xa xưa. Những bức tranh được vẽ vào những năm 2.400 TCN tìm thấy trong các hầm mộ của những Pharaoh ở thành phố Luxor – Ai Cập cũng đã minh chứng cho điều đó. Bức tranh diễn tả một người thầy thuốc đang day bấm huyệt đạo để trị bệnh cho nhà vua. Theo các nghiên cứu của khoa học, việc day ấn huyệt đạo giúp máu lưu thông tốt hơn, cải thiện một số điều kiện chức năng tự nhiên của cơ thể. Điều quan trọng hơn của việc day ấn huyệt đạo giúp cho hưng phấn bộ não giúp con người “giải phóng” những muộn phiền trong cuộc sống.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

“Thiên nhiên đã ban tặng cho Maldives một khối tài sản tự nhiên khổng lồ là đá san hô, tại sao bạn không trải nghiệm điều đó khi đến đây?”. Câu hỏi khiêu khích cũng là câu chào mời của anh Arzan khiến tôi phấn chấn bước xuống những bãi đá san hô để thử nghiệm phương pháp massage chân cổ truyền của người Maldivian miễn phí.

Cảm giác khá đau chân khiến tôi chùng bước khi đi trên bãi đá gồ ghề vân nhọn. Arzan bật cười: “Tôi đã hiểu sai phương pháp massage chân của người Maldivian!”. Đi trên đá san hô không có nghĩa là đang massage mà hãy tìm những tảng đá có vân gồ ghề và thực hiện động tác massage mới đúng phương pháp. Theo hướng dẫn của Arzan, các huyệt đạo chính thứ nhất nằm trên lòng bàn chân bắt đầu từ đỉnh ngón chân cái chạy xéo về bên trái dưới ụ các ngón chân còn lại (đối với chân trái, ngược lại với chân phải), huyệt đạo chính thứ 2 nằm giữa phần gót của bàn chân và phần huyệt đạo cuối cùng nằm rải rác trên 1/3 bàn chân tính từ đầu ngón chân (từ mép bên chân này trải dài qua mép chân bên kia). “Hãy kích hoạt chúng bằng những vết gân của đá san hô để tìm cảm giác thoải mái”, Arzan khuyến khích tôi.

Đúng như anh nói, tôi bắt đầu có cảm giác “khác lạ” mà không diễn tả được khi day ấn các huyệt đạo dưới đôi chân của mình. Arzan tiếp tục giải thích: “Ở Maldives, người địa phương còn sử dụng đá san hô để xây dựng nên các thánh đường Hồi giáo. Ý nghĩa massage chân bằng san hô giúp con người giải phóng sự muộn phiền trong cuộc sống đã ăn sâu vào tiềm thức của người bản địa. Vì vậy, một số người địa phương trước khi bước vào chính điện thường cạ đôi chân mình vào các cột đá san hô nhằm dâng trọn tâm hồn trong trắng cho thánh Allah”.

Phía xa xa chân trời, ông mặt trời đã đỏ lựng và to như quả bóng sắp xì hơi. Hoàng hôn đã buông xuống và tôi đang có chút “nghiện ngập” nhẹ khi thử nghiệm massage miễn phí đôi chân của mình trong làn gió biển mát rười rượi.

“Ở Maldives, người địa phương còn sử dụng đá san hô để xây dựng nên các thánh đường Hồi giáo. Ý nghĩa massage chân bằng san hô giúp con người giải phóng sự muộn phiền trong cuộc sống đã ăn sâu vào tiềm thức của người bản địa”. (Arzan, một người dân địa phương)

Đi câu cá đêm trên biển

Resort Kurumba, nơi tôi đang ở, không tổ chức tour đi câu cá đêm trên biển. Nhưng nhờ sự tận tình của tiếp tân, tôi cũng có vé đi câu cá đêm (resort Olhuveli tổ chức với giá 20 USD/người).

Hôm đó, tôi được đón vào lúc 6 giờ chiều trên một chiếc tàu (trông giống canô hơn) với 8 khách quốc tế. Những câu chào nhau làm không khí trên tàu trở nên ấm cúng. Tôi lại bị cảm giác say sóng khi tàu xuất phát một đoạn bởi những con sóng lớn dập dồn đánh vào mạn tàu. Đoàn tiếp viên phát cho mỗi người một chiếc vòng để đeo vào tay, bên dưới chiếc vòng đó là một viên thuốc chống say sẽ được hấp thu dần qua làn da để vào cơ thể. Cũng là một trải nghiệm mới lạ.

Những con sóng lớn vô tình tạo cho tôi một cảm giác nửa thực nửa hư về cảnh sắc khi lênh đênh trên biển. Nhìn lại sau lưng đuôi tàu khi ánh mặt trời vẫn còn, những resort xung quanh trông giống như những con sò trắng toát nằm lơ đễnh giữa biển xanh.

Anh Naxyh, trưởng đoàn, liến thoắng kể những câu chuyện về lịch sử quần đảo cũng như nghề truyền thống. Anh muốn mọi người đêm nay sẽ có một trải nghiệm đúng nghĩa về “cách để kiếm sống” của người Maldivian trong thời cổ đại đó là đi câu cá trên những chiếc thuyền truyền thống (gọi là Dhoni). Cách kể chuyện dí dỏm và hài hước của anh khiến tôi đẩy lùi những cơn say sóng đi xa.

Khi màn đêm buông xuống, nhấp nhô trên sóng biển, thoáng ẩn thoáng hiện những ánh đèn đêm của các resort và đôi khi chúng tạo nên hình ảnh như những đốm sáng pháo hoa bất chợt vụt sáng lên không trung từ mặt biển.

Tôi được đưa xuống chiếc Dhoni đã cột chặt dây neo vào thân thuyền lớn. Trên thuyền, tiếp viên đã chuẩn bị sẵn cho tôi một cần câu hiện đại cùng một số mồi câu. Chiếc đèn bão được đốt bằng dầu đặt trên chiếc Dhoni le lói giữa màn đêm tối đen khiến trùng khơi thêm huyền bí. Tôi có chút sợ hãi khi bước xuống đây bởi sợ sóng to của biển cả lật úp thuyền. Anh Naxyh cười và chỉ vào ánh phao màu xanh minơ tôi đang khoác trên người: đó là tín hiệu có thể tìm tôi!

Những cơn gió mùa thu mát rượi từ biển thổi lên mang đến cảm giác thật dễ chịu. Tôi quăng dây và ngồi chờ đợi cá đớp mồi. Những ánh sao đêm nhấp nháy trên bầu trời hòa quyện cùng với ánh sáng trắng của những chiếc đèn câu mực đêm tạo thành dãy ngân hà huyễn hoặc cuối chân trời. Những chú cá như muốn “đánh đố lập lờ” với tôi, chẳng chịu cắn câu mà cứ quẩy đuôi quanh tàu tạo thành tiếng động tí tách nghe vui tai.

Mọi người hồ hởi khoe chiến tích của mình sau khi trở lại tàu. Tôi chỉ câu được 2 con: một cá thu nhỏ và một cá trích hoa. Với tôi chiến tích không quan trọng, mà tôi đã cảm nhận được cách thức kiếm sống của người Maldivian trong quá khứ. Dù chiến tích thu của đoàn được chẳng là bao, nhưng bữa tiệc hải sản theo dạng BBQ thơm phức được dọn sẵn chào đón mọi người và tiếng khui champagne bùm bùm trong tiếng reo hò khiến không khí trên tàu rộn rã và nhộn nhịp. Mọi người hòa giọng hát vang dù những giọng hát cao vút đó luôn mất hút vào tiếng rào rạt sóng giữa trùng dương bao la.

Trước chuyến đi, tôi luôn đặt câu hỏi cho chính mình, tại sao Maldives luôn được gọi bằng cái tên mỹ miều “thiên đường” nghỉ dưỡng? Và những ngày ở Maldives, tôi đã có câu trả lời dù hầu bao của tôi cho chuyến đi đã vơi khá nhiều. Rời quần đảo, tôi vẫn còn hối tiếc bởi tôi đã từng có những ngày làm “Thượng đế thứ thiệt” nơi đây.

Với tôi chiến tích không quan trọng, mà tôi đã cảm nhận được cách thức kiếm sống của người Maldivian trong quá khứ.

Thông tin thêm:

+ Trong khu vực Đông Nam Á, khai thác đường bay từ TP.HCM hoặc Hà Nội đến thủ đô Malé của Maldives chỉ có Singapore Airlines (quá cảnh Singapore) và Malaysia Airlines (quá cảnh Kuala Lumpur). Singapore Airlines có hai chuyến mỗi ngày đến Malé từ Singapore, nhưng từ TP.HCM đến Singapore thì phải ở lại sân bay một đêm và đến Malé vào hôm sau. Du khách có dịp ngắm toàn cảnh Maldives từ trên cao. Trong khi đó, Malaysia Airlines có ba chuyến từ TP.HCM đi Kuala Lumpur, sau đó nối chuyến tại Kuala Lumpur đến Malé ngay trong đêm, do đó du khách không ngắm được toàn cảnh Maldives, nhưng bù lại là giá vé rẻ hơn.

+ Maldives miễn visa hầu hết cho công dân trên thế giới. Khi nhập cảnh chỉ cần trình vé máy bay ngày về và giấy booking khách sạn.

+ Người Maldives sử dụng ngôn ngữ Dhevehi – hỗn hợp giữa 3 ngôn ngữ Hindi (Ấn Độ), Arabic (Ả Rập) và Sinhala (Sri Lanka).

+ Đồng bản địa của Maldives là Rufiyaa (1 USD = 15.38 MVR). Du khách không cần phải đổi tiền nhiều, bởi USD và Euro được sử dụng một cách rộng rãi qua các loại thẻ.

+ Du khách không được phép mang thịt heo và những sản phẩm từ thịt heo khi nhập cảnh và không được phép mang các con sò hay san hô khi xuất cảnh.

+ Trong các resort bán nhiều tour tự chọn với giá từ 20 – 100USD/tour.

RELATED ARTICLES