Những ngày tháng Bảy ở Sa Pa

24/07/2022

Tháng Bảy ở Sa Pa nắng và nóng. Không giống như trong trí tưởng tượng ngờ nghệch của tôi, Sa Pa không nằm ẩn hiện trong sương mù hay được bao bởi bầu không khí mát lạnh sảng khoái. Lúc nào ra đường, tôi cũng thủ sẵn một tờ giấy ăn, chờ những giọt mồ hôi đua nhau chảy xuống là thấm ngay.

Tất nhiên là trước đây tôi chưa đến Sa Pa lần nào, lần này tôi đi cũng mù mờ và ngơ ngác như đi thám hiểm một vùng đất chưa ai đặt chân đến. Tôi không xem trước thời tiết, ngẫm nghĩ những hàng quán sẽ đi hay lên lịch trình cụ thể. Mặc dù tôi có thời gian để làm tất cả những việc đó. Lý do có lẽ là vì tôi ỷ lại anh bạn đi cùng sẽ lo liệu xong xuôi. Và nữa là tôi cũng không muốn tìm tòi cho kĩ một nơi ở mới mà mấy ngày nữa mình sẽ đến. Chính vì vậy nên đối với tôi, những ngày ở Sa Pa không hẳn là một cuộc du lịch - chuyến đi này tôi không được nghỉ ngơi.

Empty

Từ trung tâm Hà Nội đi xe khách tới thị xã Sa Pa mất khoảng 7 giờ đồng hồ. Chúng tôi lên đường vào cuối tuần, đi từ 10 rưỡi tối, đến 5 rưỡi sáng hôm sau đã có mặt ở điểm đón trả xe. Xe dừng ngay trước một quán phở cốn sủi. Chúng tôi gọi xe về homestay cất gọn đồ đạc rồi quay lại quán để ăn sáng.

Chưa bao giờ tôi vào một quán phở nào đông như thế. Mấy dãy bàn chật ních người, từng tốp năm tốp mười không ngừng kéo nhau vào. Sáng ấy đông tới nỗi khách phải xếp hàng lấy phiếu, đợi phở làm xong thì tự bưng về bàn ăn.

Cốn sủi vốn là món ăn của người Hoa, nhưng do họ hay tấp nập buôn bán gần biên giới, nên món ăn này dần dần phổ biến ở Lào Cai và nổi tiếng ở nơi đây. Một bát cốn sủi đầy đặn, những miếng phở bùi bùi lặn giữa đám lạc giòn ngậy, thịt thái chỉ và mấy sợi khoai rán giòn khiến tôi thấy rất lạ miệng. Như cốn sủi, những món ăn khác mà tôi được nếm thử ở Sa Pa - bên lề đường hay trong nhà hàng - đều không quá mức đặc sắc, nhưng đủ khiến tôi vui thích và tận hưởng trong một lúc ấy. Cũng dịp này, tôi ăn thử món bánh hạt dẻ mà đi dăm ba bước lại thấy một cửa hàng bày bán. Dù tự thấy rằng mình thích món ấy lắm nhưng tôi không mua chiếc nào về Hà Nội, với suy nghĩ để đó làm lý do sau này quay lại Sa Pa.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Những người dân tộc ở trung tâm thị xã Sa Pa.

Những người dân tộc ở trung tâm thị xã Sa Pa.

Trung tâm thị xã Sa Pa, như ấn tượng của tôi về hàng cốn sủi, đầy những người là người. Khách du lịch như chúng tôi - những người xuất hiện nhiều nhất trên đường - trông ai cũng có một vẻ hào hứng và tươi vui. Thú thật, tôi không thấy hào hứng và tươi vui cho lắm. Vì lúc nào ra đường, tôi cũng phải thủ sẵn một tờ giấy ăn, chờ những giọt mồ hôi đua nhau chảy xuống là thấm ngay. Nhưng tôi thích ngắm những chị gái dân tộc, cổ chân quấn một lớp vải nhung, vừa đi thành từng nhóm nhỏ vừa nói chuyện bằng một thứ tiếng tôi không hiểu. Tôi cũng tò mò nhìn rất nhiều cô, cậu bé con; trên lưng địu một đứa trẻ còn bé tí xíu; hai tay cầm những chuỗi vòng bạc leng keng, những xấp trang sức thủ công làm từ vải đầy màu sắc; loanh quanh tìm cho bằng được một người du khách để đeo bám chào hàng.

Trên Sapa, chúng tôi gặp những đứa trẻ

Trên Sapa, chúng tôi gặp những đứa trẻ

Chính chúng tôi cũng đã được trải nghiệm sự mời chào tận lực ấy, một phong cách bán hàng mà anh bạn đi cùng kiên quyết phản đối và chị bạn còn lại thì thấy là rất phiền. Đó là vào buổi sáng chúng tôi xuống bản Tả Van. Xe ô tô đỗ lại bên một khúc quanh còn chúng tôi đi bộ vào sâu trong bản. Từ đâu, có ba đứa trẻ chạy ra, rất tự nhiên đi theo ba người lớn, hỏi những câu (có lẽ là) được dạy để làm thân với du khách. Đứa bé lớn kể cho tôi vài câu chuyện tủn mủn khi chúng tôi tìm đường xuống suối: về căn chòi người ta đang xây để ở trông lúa, về hai bác hàng xóm Tâm và An sống tít đầu bản (em đã thốt lên ngay là giống tên tôi sau khi tôi tự giới thiệu tên mình). Và để gửi một lời cảm ơn đã đồng hành, tôi mua giúp em một món quà trang trí bằng vải có gắn chuông, với giá 20.000 đồng. Như một hệ quả rất tự nhiên, hai đứa trẻ còn lại sau đó đã buồn bã bám theo ba người lớn trên đường quay về, mong mỏi một ông hay bà người lớn ngây ngô nữa sẽ mủi lòng mà mua thêm.

Thú thực, tôi không thấy phiền với điều ấy. Tôi chỉ xót các em phải dãi nắng lâu quá, và cũng thấy có lỗi vì đã kéo hai người bạn đi cùng vào cảnh ngộ này. Tất nhiên là nếu tới Sa Pa, bạn đừng nên đồng ý mua của các em cái gì, vì những đồng tiền ấy sẽ thành động lực để các em phải tiếp tục công việc ấy mãi mãi không biết bao giờ thì ngừng. Và cũng vì để tránh bị “bao vây” bởi lũ trẻ với cái giọng buồn bã, hay ríu rít, giục giã bạn chọn lấy một thứ trong xấp vòng thủ công.

Những thửa ruộng bậc thang ở bản Tả Van.

Những thửa ruộng bậc thang ở bản Tả Van.

Cáp treo lên đỉnh Fansipan.

Cáp treo lên đỉnh Fansipan.

Ngoài bản Tả Van, chúng tôi cũng đã lên tới đỉnh Fansipan, check-in ở nơi cao nhất trong ba nước Đông Dương giữa biển người chen chúc; và tới đèo Ô Quy Hồ “săn mây” (lần này tôi không tham gia mà nằm nghỉ ở phòng vì đã "cạn" pin năng lượng).

Như đã nói trước đó, mấy ngày ở Sa Pa tôi không được nghỉ ngơi. Cái nắng nóng và những bất tiện biến chuyến này thành một lần trải nghiệm, chứ không phải tận hưởng. Nhưng bản thân tôi hài lòng và mãn nguyện với sự trải nghiệm ấy. Vì chúng cứ khiến tôi nhớ. Thỉnh thoảng những lúc chán chường, tôi lại vẩn vơ nghĩ về những con dốc rất khó đi, những chiếc má hồng khoẻ khoắn của các em bé dân tộc, những giọng lôi kéo mua hàng, hay những bậc thang nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn.

Mấy tháng nữa, hay mấy năm nữa, rồi sẽ có một lúc tôi khao khát được quay lại Sa Pa. Quay lại Sa Pa để ăn bánh hạt dẻ. Hay để lên đỉnh Ô Quy Hồ, một mình, nhìn mây cuộn xuống núi như thác chảy. Hoặc để xem mấy đứa trẻ có còn bám dính lấy khách du lịch, nài nỉ họ mua cho một chiếc vòng sặc sỡ màu với một sự kiên trì rất phiền nhiễu. Nhưng chắc chắn tôi sẽ không quay lại Sa Pa vào một ngày tháng Bảy. Tôi muốn trải nghiệm thêm cái gì đó, với một tâm thế dễ chịu và thảnh thơi hơn.

Empty
An - Ảnh: Thành Nam Anh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES