Nón cói Panama - xa xỉ phẩm tiền tỷ có gì độc đáo?

29/04/2023

"Thời điểm đó, ít ai có thể hiểu được giá trị của một chiếc nón cói với mức giá trên chục triệu đồng. Ban đầu khá khó khăn để định hình quan điểm của người tiêu dùng, nhưng không còn cách nào khác ngoài việc nâng cao nhận thức của họ về chất lượng và giá trị của sản phẩm", Trần Hải Đông chia sẻ với phóng viên Travellive.

Trần Hải Đông được biết đến nhiều hơn qua biệt danh Big Pilot Daddy gắn liền với những video "làm nên thương hiệu" về chiếc nón có giá trị lên tới 3,5 tỷ đồng. Không ít người đặt dấu chấm hỏi về mức độ chịu chơi của người đàn ông này khi "đội cả chiếc ô tô hạng sang" lên đầu. Từng là một phi công có nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực hàng không, nhưng người đàn ông 36 tuổi quê gốc Hải Phòng này lại có bước ngoặt lớn khi chuyển sang kinh doanh thời trang tại thời điểm không ngờ tới.

Trần Hải Đông (1987) hiện là người sở hữu chiếc nón cói Panama đắt nhất thế giới.

Trần Hải Đông (1987) hiện là người sở hữu chiếc nón cói Panama đắt nhất thế giới.

"BƯỚC NHẢY" THỜI TRANG

Tình yêu Âu phục "nảy nở" những năm 2008 khi Hải Đông bắt đầu du học tại Pháp. Công việc phi công sau đó đòi hỏi anh phải thường xuyên phải ăn bận phong cách lịch sự với quần tây áo sơ mi. Có lẽ vì vậy, mà từ đó đến nay, hầu như tại bất cứ nơi đâu, anh đều xuất hiện với những bộ cánh chỉn chu, toát lên vẻ lịch lãm trưởng thành. Yêu thích thời trang là thế nhưng hình như suốt 10 năm đó, tay chơi Âu phục chưa có duyên gắn bó với lĩnh vực này. Mãi cho đến năm 2019, khi dịch bệnh hoành hành, công việc trong ngành hàng không bị đình trệ, anh mới bắt đầu nghiêm túc chuyển hướng sang thời trang.

Ngoài nón cói, anh cũng đang may đo Âu phục cho nam giới.

Ngoài nón cói, anh cũng đang may đo Âu phục cho nam giới.

Hải Đông còn được biết đến là tay chơi xì gà có tiếng tại Việt Nam. Không biết từ bao giờ, dân chơi xì gà lại gắn liền với hình ảnh chiếc nón cói. Nón cói trở thành một "đặc điểm nhận biết" trong giới chơi xì gà. Thời còn du học ở Pháp, Đông khao khát tìm cho bằng được một cái nón cói 'xịn' đúng nghĩa, nhưng có quyết tâm đến mấy cũng lần chẳng ra. "Những chiếc nón cói với giá chỉ khoảng 20 - 30 euros được bày bán khắp nơi. Tôi cố gắng tìm một chiếc nón cói có chất lượng tốt nhưng bất lực", Hải Đông kể lại.

Đến khoảng năm 2020, nhờ việc kết giao với chủ một hãng cigar nổi tiếng thế giới, Hải Đông mới biết đến dòng mũ cói “thượng lưu" mà anh ưng ý nhất. Anh tham gia vào một câu lạc bộ cigar vì biết được rằng những người có thói quen hút cigar thường hay đội nón cói. Hãng cigar lúc đó có in hình quảng cáo dòng mũ cói 'Father and Sun' trên hộp thuốc. Để ý thì thấy đây không phải một chiếc nón cói hạng thường, mà là một sản phẩm với thiết kế tinh xảo trong từng mũi đan. Hỏi ra mới biết, nón Montecristi không được bày bán công khai, chỉ dành riêng cho những đơn đặt hàng từ hoàng gia Anh hay giới quý tộc. Từ đây, Đông mới được người bạn của mình giới thiệu nhà sản xuất tại Ecuador. "Duyên nợ" với nón cói Panama bắt đầu từ đó.

Ban đầu, Đông chỉ mua nón cói Panama để thỏa mãn niềm đam mê từ lâu. Anh sắm hai chiếc, một chiếc để mình đội, chiếc còn lại để dành, nhưng bạn anh thích quá nên "rước" về luôn. Rồi sau đó Hải Đông "tậu" hẳn 10 chiếc chỉ để sưu tầm, nhưng hễ nón cứ về là hội bạn xung quanh lại “thăm hỏi” liền. Tích lũy được nguồn vốn kha khá sau khi kinh doanh hàng không cho giới thượng lưu, Hải Đông quyết định “chơi lớn” với 300 chiếc, đầu tư cho sự nghiệp kinh doanh nón cói.

Dù không tốt nghiệp ngành thời trang, nhưng tình yêu giúp anh tìm tòi, khám phá được nhiều giá trị trong lĩnh vực này.

Dù không tốt nghiệp ngành thời trang, nhưng tình yêu giúp anh tìm tòi, khám phá được nhiều giá trị trong lĩnh vực này.

Trước khi đi đến ý định táo bạo này, anh cũng đi khảo sát 100 người đàn ông và 100 người phụ nữ với cùng một câu hỏi: “Liệu bạn có sẵn sàng chi trả hơn 10 triệu cho một chiếc mũ cói không?” Chỉ 20% những người đàn ông cho rằng họ có hứng thú. Tuy nhiên, tới 99% phụ nữ khẳng định họ sẽ không bỏ một mức tiền lớn như vậy chỉ để mua một chiếc nón. Dù vậy, Đông vẫn quyết tâm kinh doanh mặt hàng này, dù thời điểm đó ít ai hiểu được giá trị của một chiếc nón cói với mức giá trên chục triệu đồng. "Tất nhiên, định hình quan điểm của người tiêu dùng trong thời gian đầu khá khó khăn, nhưng không còn cách nào khác mà phải educate (giáo dục) họ về chất lượng và giá trị của sản phẩm", Hải Đông cho biết.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Câu hỏi khiến anh luôn trăn trở: "Tại sao giới nhà giàu lại có thể chi cả hàng trăm triệu đồng cho một set đồ hiệu, hay bỏ hàng chục triệu cho một đôi giày mà lại mang một chiếc nón 150 ngàn được mua trên shopee? Tôi nghĩ rằng, nếu đã chịu chơi như vậy, thì họ cũng cần đầu tư cho chiếc nón của mình để nó trở nên tương xứng với giá trị trang phục họ đang mặc".

Kinh doanh mặt hàng xa xỉ phẩm cho giới thượng lưu không phải chuyện dễ. Ngoài giá trị, sự độc đáo, khách hàng còn quan tâm đến câu chuyện đằng sau một sản phẩm. Nón cói Panama, một chiếc nón khoác vẻ ngoài giản đơn với trọng lượng chỉ mấy trăm gram nhưng lại có mức giá "nặng không tưởng" khiến nhiều người không khỏi thắc mắc lý do tại sao món đồ này lại có thể có giá trị bằng cả chiếc xe hơi hạng sang.

NÓN CÓI PANAMA ĐẶC BIỆT CỠ NÀO MÀ GIÁ THÀNH LÊN TỚI CẢ "CHIẾC XE HƠI" SANG TRỌNG?

Với vài trăm ngàn đồng, bạn có thể mua được một chiếc nón cói thông thường được sản hàng loạt, bày bán khắp nơi trên thị trường. Một chiếc nón cói "công nghiệp" có giá thành rẻ, mẫu mã trông khá bắt mắt, không tốn nhiều công sức để sản xuất. Ngược lại, nón cói Panama được dày công trau chuốt đến từng mối đan lại không dễ gì sở hữu được. Đằng sau một chiếc nón lên tới tiền tỷ có câu chuyện gì đặc biệt?

Mặc dù có tên gọi gắn liền với Panama, nhưng loại nón này là sản phẩm truyền thống nổi tiếng của Ecuador. Nón Panama mang màu sắc tươi sáng, nhẹ, thoáng khí, thường được phối cùng những bộ trang phục mùa hè, đặc biệt là quần áo làm từ lanh hay lụa. Loại nón này trở nên phổ biến vào đầu thế kỷ 20 như một phụ kiện đi biển và du lịch nhiệt đới nhờ sự tiện dụng và thoáng mát.

Hiện nay, người ta có thể sử dụng loại nón này như một phụ kiện cho nhiều phong cách ăn mặc khác nhau.

Hiện nay, người ta có thể sử dụng loại nón này như một phụ kiện cho nhiều phong cách ăn mặc khác nhau.

Một điều làm nên giá trị của chiếc nón cói Panama là quá trình chế tác hoàn toàn thủ công. Theo đó, các sợi thân cây Paja Toquilla được tách ra bằng sừng hươu, cuộn tròn cho vào nồi và đảo trên lửa với các loại thảo mộc và một lượng lưu huỳnh nhỏ để loại bỏ chất diệp lục, sau đó đem phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên. Quá trình này giúp các sợi cói đều màu, chống thấm mốc và khiến sản phẩm trở nên bền đẹp, chắc chắn hơn.

Các sợi cói càng mịn, đều màu, mật độ đan càng dày thì chất lượng mũ càng cao.

Các sợi cói càng mịn, đều màu, mật độ đan càng dày thì chất lượng mũ càng cao.

Kỹ thuật đan xương cá với yêu cầu người thợ phải thực hiện động tác úp mặt xuống đất trong suốt thời gian hơn 10 tiếng/ngày để làm việc. Theo lý giải của những người thợ tại Ecuador, mặc dù tư thế này trông có vẻ kỳ quặc, nhưng nó sẽ đảm bảo tính chính xác của từng mối đan, giúp chiếc nón trở nên cân xứng. Nón cói Panama được đan từ tâm, bắt đầu ở đỉnh mũ, kết thúc bằng với những dấu mối đan quanh vành nón.

Nghệ thuật đan mũ toquilla truyền thống của Ecuador được liệt vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể theo UNESCO.

Nghệ thuật đan mũ toquilla truyền thống của Ecuador được liệt vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể theo UNESCO.

Thực tế hoạt động này diễn ra khá "căng thẳng", không chỉ vì cường độ làm việc bởi chỉ cần xiết quá mạnh thì sợi cói sẽ đứt ngay, tất cả mọi công sức trước đó đều đổ sông đổ bể. Ngược lại, nếu xiết nhẹ, nghệ nhân sẽ không thể tạo nên được một "tác phẩm" có mối đan trên 50 (50 WPI). Mức độ WPI (Weaves Per Inch – Mật độ đan trên 1 inch) có thể đánh giá độ khó thực hiện, thời gian thực hiện, tay nghề của thợ đan mũ và giá trị của nó.

Để có thể thấy được sự tinh xảo trong từng mối đan, khách hàng có thể sử dụng đèn pin chiếu từ bên trong mũ để thấy được sự tài tình khéo léo của người nghệ nhân dệt.

Để có thể thấy được sự tinh xảo trong từng mối đan, khách hàng có thể sử dụng đèn pin chiếu từ bên trong mũ để thấy được sự tài tình khéo léo của người nghệ nhân dệt.

Riêng chiếc nón mà Trần Hải Đông sở hữu đã "gây sốt" bởi giá thành ngang ngửa một chiếc ô tô hạng sang là loại weaves 59 (59 mối đan/inch vuông). Chiếc nón này được bậc thầy thợ dệt Simón Espinal, người duy nhất tại làng nghề Pile, nằm gần thị trấn Montecristi có thể thực hiện. Nghệ nhân phải làm việc khoảng 10 tiếng/ngày ròng rã 14 tháng. Nếu phải hoàn thành đơn đặt hàng sớm hơn, họ sẽ phải làm việc 14-18 tiếng/ngày để hoàn thành chiếc nón. Ngoài ra, họ còn phải sử dụng kính lúp để xử lý mối đan chính xác, vừa dàn đều, mịn vừa tạo dáng cho chiếc mũ và dấu mối đan quanh vành nón.

Quy trình làm hoàn toàn thủ công với kỹ thuật đan đòi hỏi tay nghề cao, người nghệ nhân dệt phải cực kỳ cẩn trọng trong từng mũi đan và làm việc cật lực ròng rã nhiều tháng trời để hoàn thành khiến giá thành của chiếc nón cói Panama trở nên cao ngất ngưởng. Không ít người đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sở hữu cho mình một chiếc nón Panama - một sản phẩm thủ công tinh xảo, biểu tượng của làng nón cao cấp.

Bi Lê
RELATED ARTICLES