Nghiên cứu được thực hiện trên 13.000 người bệnh ở phía nam London, Anh, kể từ khi họ bắt đầu sử dụng các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Kết quả phát hiện mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và mức độ nghiêm trọng của bệnh tâm thần rõ rệt nhất với NO2 - chất ô nhiễm phần lớn phát ra từ các phương tiện chạy diesel.
Trong khu vực nghiên cứu, nồng độ NO2 trung bình hàng quý dao động từ 18-96 μg/m³. Nhóm nghiên cứu phát hiện, những người tiếp xúc với nồng độ ô nhiễm lớn hơn 15μg/m³, sau một năm sẽ có nguy cơ nhập viện cao hơn 18% và nguy cơ cần điều trị ngoại trú cao hơn 32%.
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá lại dữ liệu của bệnh nhân 7 năm và thấy sự liên quan của ô nhiễm không khí vẫn còn rất rõ ràng. Những phát hiện này không thể giải thích bởi các yếu tố như tuổi tác, giới tính, dân tộc, điều kiện sống thiếu thốn hoặc mật độ dân số, mặc dù những yếu tố không xác định vẫn có thể đóng vai trò quan trọng.
Mặc dù nghiên cứu này không tập trung vào chứng minh mối liên hệ nhân quả giữa ô nhiễm không khí và mức độ nghiêm trọng của bệnh tâm thần, nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng mối liên hệ này là "hợp lý về mặt sinh học", vì các chất gây ô nhiễm không khí có đặc tính gây viêm mạnh, trong khi viêm được cho là một yếu tố gây các chứng rối loạn tâm thần.
Một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra, ô nhiễm không khí gia tăng có tác động đáng kể đến sự gia tăng chứng trầm cảm và lo âu. Ngoài ra, không khí bẩn còn có liên quan đến số vụ tự tử tăng; việc lớn lên ở những nơi bị ô nhiễm làm tăng nguy cơ rối loạn tâm thần. Vài nghiên cứu khác thì phát hiện, ô nhiễm không khí gây ra sụt giảm mạnh về trí tuệ và liên quan đến chứng mất trí nhớ. Một đánh giá toàn cầu vào năm 2019 kết luận rằng ô nhiễm không khí có thể gây hại cho tất cả cơ quan trong cơ thể con người.
Theo nhóm nghiên cứu, có thể áp dụng những phát hiện này cho hầu hết các thành phố ở những nước phát triển, và việc cắt giảm ô nhiễm không khí có thể mang lại lợi ích cho hàng triệu người.