Theo báo cáo mới nhất của Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago (EPIC), miền Bắc Ấn Độ đang phải sống trong một môi trường với "mức độ ô nhiễm không khí tồi tệ hơn gấp 10 lần so với mức ô nhiễm ở bất cứ nơi nào trên thế giới". Trong 10 năm qua, ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã lan rộng đến các bang miền Tây và miền Trung Ấn Độ như Maharashtra và Madhya Pradesh, nơi mà tuổi thọ trung bình của người bình thường đã bị giảm xuống từ nửa năm đến 3 năm so với những năm 2000.
Dữ liệu mới từ báo cáo Chỉ số Chất lượng Không khí của EPIC cho biết, người dân ở thủ đô Delhi có thể nâng cao tuổi thọ đến 10 năm nếu như chỉ số ô nhiễm không khí tại đây giảm xuống đạt ngưỡng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị.
Các thành phố của Ấn Độ thường xuất hiện trên bảng xếp hạng ô nhiễm toàn cầu, đồng thời có hơn 1 triệu người chết mỗi năm do ảnh hưởng của việc chất lượng không khí luôn giữ ở mức xấu.
Báo cáo còn cho biết thêm rằng Ấn Độ và các nước láng giềng như Bangladesh, Nepal và Pakistan liên tục nằm trong danh sách 5 quốc gia ô nhiễm nhất thế giới, trong khi dân số của 4 nước này chiếm đến gần 1/4 dân số toàn cầu.
EPIC cũng ghi nhận một số chính sách mới nhằm cải thiện chất lượng sống của Chính phủ Ấn Độ, trong đó bao gồm Chương trình Không khí Sạch Quốc gia 2019 (National Clean Air Programme).
"Những thay đổi này sẽ tác động lớn đến mức tuổi thọ của người Ấn Độ, nó có thể làm tăng mức tuổi thọ quốc gia lên gần hai năm và ba năm rưỡi đối với riêng cư dân của Delhi" - EPIC nhận định.
Cũng theo EPIC, Trung Quốc chính là một ví dụ về việc đưa ra các chính sách hiệu quả, có thể tạo ra "mức độ giảm ô nhiễm đáng kể trong thời gian ngắn". Kể từ năm 2013, mức độ ô nhiễm trong không khí của quốc gia này đã giảm đi 29%.