Tháng 10 vừa qua, Kami Rita vừa có chuyến dẫn đoàn khách Việt Nam chinh phục thành công Everest Base Camp. Được biết đây là lần đầu tiên ông làm việc với các khách hàng người Việt. Sau chuyến đi, Kami Rita cũng có những chia sẻ với tạp chí Travellive về cảm nhận của mình cũng như kế hoạch trong tương lai và những liên quan đến chuyện nghề của mình.
Chào Kami Rita! Ông cảm thấy thế nào khi lần đầu tiên dẫn dắt một đoàn khách Việt Nam?
Tôi có nhiều kinh nghiệm làm việc với các đội quốc tế nên không gặp khó khăn gì trong việc giao tiếp. Ngoài ra, nếu có một số điều tôi không thể nói thông qua ngôn ngữ thì tôi sẽ sử dụng ngôn ngữ hình thể để giúp họ hiểu quan điểm của tôi. Nhìn chung, chuyến đi đã thành công và rất may mọi người đều có thể hoàn thành chuyến đi với tình trạng sức khỏe tốt. Điều tốt là ngay cả khi chúng tôi bị mắc kẹt trong 4 đêm tại Mathali do thời tiết xấu, mọi người đều rất lạc quan và không dễ dàng mất hy vọng.
Ấn tượng của ông về khách Việt Nam là gì?
Tôi xuất thân từ cộng đồng Phật giáo, tôi luôn tin rằng nếu chúng ta đối xử tốt với tất cả họ thì điều tốt đẹp sẽ đến với chúng ta. Tôi được biết Phật giáo cũng là một trong những tôn giáo chính của người Việt Nam nên có thể vì lẽ đó mà chúng tôi rất dễ kết nối với nhau. Hơn nữa, với tư cách là một trưởng đoàn, họ rất tôn trọng quyết định của tôi.
Đã nhiều lần dẫn dắt các nhà leo núi chuyên nghiệp, sự khác biệt (ngoài thể lực) giữa các nhà leo núi chuyên nghiệp và các nhà leo núi nghiệp dư là gì?
Đôi khi những người leo núi nghiệp dư không tuân theo lịch trình thời gian vì họ không biết về khoảng cách họ phải đi và nó ảnh hưởng đến lịch trình của cả nhóm. Chúng tôi phải nhắc nhở nhiều lần như việc họ cần phải ăn và nước uống đúng giờ, mặc quần áo ấm vì họ không thể thay cho đến khi cả đoàn đến nhà nghỉ hoặc khách sạn, nhắc nhở cả việc họ cần phải ngủ đúng giờ vì thiếu ngủ cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến thể lực, chưa kể việc ngủ dậy muộn sẽ không đủ thời gian ăn sáng.
Áp lực của ông với tư cách là người hướng dẫn cho những nhà leo núi có kinh nghiệm chinh phục đỉnh Everest?
Nếu tôi nói rằng tôi không có áp lực thì đó là một lời nói dối. Khi dẫn đầu nhóm người, tôi cũng muốn mọi người trong nhóm có một chuyến leo núi thành công nhưng vẫn có một số điều ảnh hưởng đến lịch trình mà chúng tôi không thể kiểm soát được.
Khi thời tiết xấu, chuyến bay có nguy cơ bị hủy thì với tư cách là trưởng đoàn, tôi phải gấp rút chuẩn bị các phương án dự phòng một cách dứt khoát. Sau khi hạ cánh, chúng tôi cũng cần người khuân vác để giúp khách hàng với hành lý của họ. Cũng có một số khách hàng tâm lý yếu nên tôi phải giữ vững tinh thần cho họ, vì nếu họ suy nhược tinh thần thì có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến cả đoàn.
Ông đã thuyết phục gia đình mình tiếp tục chinh phục Everest như thế nào?
Vợ tôi lo lắng rất nhiều mỗi khi tôi đi thám hiểm hay leo núi nhưng các thành viên trong gia đình đều hiểu rằng đây là công việc của tôi và tôn trọng điều đó.
Có thể dễ dàng nhận thấy sai lầm của những nhà leo núi vào chuyến đi năm 1996. Lý do gì khiến ông không tham gia hướng dẫn chuyến đi lần đó?
Tôi cũng đã tham gia chuyến thám hiểm vào năm 1996 nhưng không cùng đoàn với những người gặp nạn. Khi đó, tôi làm việc với tư cách là một người Sherpa hỗ trợ những công tác cấp thiết cho đoàn leo núi.
Nhóm của chúng tôi đã bỏ ngang chuyến thám hiểm từ Trại 4 vì một số lý do. Tôi còn nhớ trưởng nhóm và một số hướng dẫn viên của nhóm chúng tôi tại thời điểm đó đã hỗ trợ cứu hộ trong khi tôi và các hướng dẫn viên Sherpa khác làm công tác vận chuyển.
Cuộc chinh phục nào khiến ông ấn tượng nhất?
Cá nhân tôi nghĩ rằng tất cả các chuyến chinh phục của tôi đều giống nhau nhưng nếu tôi phải nói một vài khoảnh khắc thì tôi sẽ nói rằng chuyến đi năm 2014 và 2015. Điều đáng buồn là 16 hướng dẫn viên Sherpa đã mất mạng trong vụ tai nạn băng tuyết ở Khumbu năm 2014 và trong năm 2015 đã có một trận động đất lớn cướp đi sinh mạng của rất nhiều người.
Hãy chia sẻ vài thông tin về chuyến chinh phục Everest tiếp theo của ông?
Tôi không thể nói điều gì đó về kế hoạch tương lai ngay tại đây và bây giờ. Nhưng tôi có thể sẽ đi thám hiểm mùa xuân vào năm sau.
Mục tiêu leo núi tiếp theo của ông là gì?
Tôi rất muốn thực hiện chuyến chinh phục Thất Đỉnh (7 đỉnh núi cao nhất ở tại các châu lục) nếu tôi tìm được nhà tài trợ và những người hỗ trợ phù hợp. Trong bảy đỉnh thì tôi cũng đã chinh phục vài đỉnh trong đó rồi.
Động lực nào khiến ông tiếp tục làm công việc hướng dẫn viên cho các đoàn chinh phục đỉnh Everest?
Điều thúc đẩy tôi là tôi có thể giúp thực hiện ước mơ của mọi người về việc leo lên Everest và những ngọn núi khác nữa. Ở vị trí là người dẫn đường, chúng tôi hiểu các khách hàng của mình đã làm việc vất vả như thế nào chỉ để dành dụm tiền cho chuyến chinh phục. Và khi chúng tôi nhìn thấy nụ cười, cảm xúc của mọi người, khi ước mơ của họ thành hiện thực thì xem như ước mơ của tôi cũng thành hiện thực.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của ông khi leo núi là gì?
Mọi cuộc thám hiểm không được đảm bảo an toàn 100% vì có rất nhiều yếu tố bên ngoài. Đó là tất cả những thảm họa tự nhiên như tuyết lở, thời tiết xấu, hoặc động đất mà tất cả chúng ta đều sợ khi leo lên tất cả các ngọn núi.
Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Kami Rita sinh năm 1970 là người Sherpa thuộc vùng Himalaya, Nepal. Năm 1994 ông lần đầu chinh phục thành công đỉnh Everest với tư cách là một người hỗ trợ đoàn leo núi. Thành tích của ông liên tục trải đều qua các năm và cho đến năm 2022, ông thành công chinh phục đỉnh Everest lần thứ 26. Kami Rita cho biết, ông sẽ tiếp tục leo núi cho đến khi nào sức khoẻ không còn cho phép và số lần chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới của ông sẽ không dừng lại ở con số 26.