Không cần xét nghiệm nếu đã tiêm 1 mũi vaccine
Theo đó, việc tổ chức vận tải hành khách dựa trên mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4): dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử). Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua thì không được dừng, đỗ.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ cao (cấp 3): các phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất (chuyến/lượt hoặc số chỗ trên phương tiện).
Tại địa phương/vùng có nguy cơ thấp (cấp 1) và trung bình (cấp 2): các phương tiện giao thông được hoạt động bình thường.
Hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hàng không, đường sắt, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo) phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh. Không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Với hàng không: tần suất khai thác thực hiện theo 4 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng hướng dẫn): tần suất trên từng đường bay với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng đó, có giãn cách ghế trên máy bay.
Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1): tần suất trên từng đường bay với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng đó, không giãn cách ghế trên máy bay.
Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2): tần suất trên từng đường bay với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng đó, không giãn cách ghế trên máy bay.
Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới): được khai thác trở lại bình thường.
Với đường bộ: tài xế, nhân viên phục vụ phải xét nghiệm Covid-19 khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan. Những người này phải xét nghiệm Covid-19 hàng tuần hoặc tiêm đủ liều vaccine tùy khu vực có nguy cơ khác nhau...
Với xe khách nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên: sở giao thông vận tải tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định theo mức độ nguy cơ ở từng nơi.
Với xe khách liên tỉnh: sở giao thông vận tải 2 đầu tuyến tham mưu UBND tỉnh cho phép hoạt động trở lại; căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại địa phương, 2 sở giao thông vận tải thống nhất áp dụng thực hiện tần suất khai thác theo mức độ nguy cơ từng nơi.
Với đường sắt: lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu thực hiện quy định phòng dịch tùy theo mức độ dịch của từng địa phương như với tài xế xe khách, taxi…
Căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có ga đường sắt (nơi đi, nơi đến), Cục Đường sắt Việt Nam quyết định áp dụng thực hiện số đoàn tàu hoạt động, ga dừng đón, trả khách trên hành trình đảm bảo nguyên tắc theo tần suất khai thác tương ứng với mức độ nguy cơ từng địa phương, vùng.
Với hàng hải (tuyến chở khách từ bờ ra đảo): thuyền viên, người phục vụ trên tàu xét nghiệm Covid-19 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan; tại địa phương, vùng có nguy cơ trung bình và cao phải xét nghiệm 7 ngày/lần.
Về tần suất khai thác, số chỗ trên tàu, căn cứ ý kiến thống nhất của sở giao thông vận tải dựa trên tình hình dịch ở địa phương, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ quyết định áp dụng số chuyến hoạt động hoặc số chỗ trên tàu theo mức độ nguy cơ của từng địa phương/vùng.
Với đường thủy nội địa: thuyền viên, người phục vụ trên tàu thực hiện phòng, chống dịch như tuyến chở khách từ bờ ra đảo. Căn cứ vào tình hình dịch tại địa phương, sở giao thông vận tải 2 đầu bến thủy nội địa quyết định áp dụng thống nhất số chuyến hoạt động và tỉ lệ giãn cách ghế tương ứng với mức độ nguy cơ của từng địa phương.