Rồng – từ huyền sử bay vào thời đại

10/02/2012

Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Mỗi thời đại trong lịch sử có hình dung diện mạo của rồng theo mỗi cách khác nhau, nhưng tựu trung đều lấy đó là biểu tượng của quyền lực và vẻ đẹp, dẫu là vẻ đẹp bạo liệt hay uyển chuyển.

Rồng là con vật huyền thoại phổ biến từ Âu sang Á và là con vật mang nhiều bộ mặt nhất trong số các con vật. Tại châu Âu, rồng trông như loài khủng long đã tuyệt chủng với ba đầu thổi ra lửa, nếu đầu nào bị chặt sẽ tự mọc lại, có đuôi dài, có cánh dơi. Rồng thường được giao cho việc canh giữ kho báu, người đẹp và tượng trưng cho sức mạnh bạo lực. Với châu Á, rồng lại có hình dáng gần với con rắn hơn nhưng đầu rồng lại biến đổi qua nhiều thời kỳ, gồm nhiều hình ảnh của các con vật khác nhau “ghép” lại.

Rồng thời huyền sử

Với người Việt, rồng là con vật khá gần gũi, từ vua chúa đến dân thường. Tuy nhiên, rồng ở ta có từ khi nào vẫn là một câu hỏi mà các nhà khoa học còn phải nghiên cứu. Có người cho rằng hình tượng rồng sớm nhất chính là hình khắc các đôi giao long trên tấm che ngực bằng đồng của chiến binh. Nhưng phải đến thế kỷ thứ 6 thì rồng mới xuất hiện lần đầu tiên trong thư tịch với truyền thuyết còn ghi lại trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (còn gọi là Toàn Thư): Năm 549, Triệu Việt Vương, tức Triệu Quang Phục nhờ có thánh Chử Đồng Tử cưỡi rồng vàng từ trên trời xuống hạ giới trao cho móng rồng để gài lên mũ đâu mâu mà đánh thắng giặc. Hơn 20 năm sau đó, cũng vì con gái Vua là Cảo Nương tin chồng là con Vua phương Bắc, cho xem móng rồng rồi bị đổi mà dẫn đến mất nước. Lại một môtip văn hóa dân gian tương tự như Mỵ Châu bị Trọng Thủy lừa mà mất lẫy nỏ thần mà An Dương Vương bị mất nước. Cũng trong một mảng truyền thuyết Lạc Long Quân mà người Việt nào cũng nhớ mình chung nguồn gốc “con Rồng, cháu Tiên”.

Rồng Lý

Trong lịch sử các vương triều Việt Nam, triều Lý là triều đại sử dụng hình ảnh con rồng nhiều nhất. Ngay từ khi định tân đô, Lý Công Uẩn cũng nhìn thấy thế đất “rồng cuộn, hổ ngồi” để chọn Đại La làm kinh đô Thăng Long (với nghĩa “rồng bay”). Thống kê trong Toàn thư mới thấy có đến vài chục lần rồng vàng hiện lên đây đó, kể cả ở điện Càn Nguyên trong Hoàng thành. Hình ảnh rồng được gắn liền với Vua Lý, những thuyền rồng, áo Vua thêu hình rồng cuộn (Long cổn), thềm rồng (Long trì)... Thậm chí, khi Vua Lý Nhân Tông mới ra đời (tháng Giêng năm Bính Ngọ, 1066) cũng được chép lại: “Vua trán dô, mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ”.

Trong vài năm gần đây, khảo cổ học đã tìm ra hàng trăm hiện vật là tượng tròn, phù điêu, vật kiến trúc lưu lại hình ảnh rồng trong cuộc khai quật khu vực Hoàng thành xưa, giúp người đời sau hiểu được các đặc trưng của rồng thời Lý: thân hình rắn uốn thành từng khúc, nhỏ dần về phía đuôi. Vì thế, nhiều người gọi là “rồng giun”. Đầu rồng không có sừng và tai, nhưng có chiếc vòi thay cho mũi làm sống cho chiếc mào lửa, có răng nanh kiểu ngà voi, mang nở, mắt tròn. Ngoài sưu tập Hoàng thành, có thể gặp hình ảnh rồng Lý ở chùa Phật Tích trên nhang án, chùa Giạm hay trên cột đá, trên bệ bia của chùa Long Đọi, Chương Sơn.

Cuộc khai quật khu vực Hoàng thành xưa giúp người đời sau hiểu được các đặc trưng của rồng thời Lý: thân hình rắn uốn thành từng khúc, nhỏ dần về phía đuôi. Vì thế, nhiều người gọi là “rồng giun”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Rồng Trần

Vào thời Trần, nhiều chiến công chống ngoại xâm hiển hách đòi hỏi sự đoàn kết Vua tôi một lòng, nên hình ảnh rồng cũng dân dã hơn. Toàn thư còn chép: Năm Hưng Long thứ bảy, 1299, Thượng Hoàng (nguyên là Vua đời trước nhường ngôi cho con) nói: gốc Vua là người vùng biển, thường xăm hình rồng vào đùi. Vì thế Quốc Phụ cũng xăm hình rồng và cho phép quân sĩ xăm hình rồng ở bụng, lưng và hai bắp đùi, gọi là Thái Long (Rồng Hoa). Hình ảnh rồng còn vượt qua ranh giới triều đình để xuất hiện trên cả kiến trúc chùa làng và đồ thờ tự. Rồng còn xuất hiện trong sắc phong. Trong dân gian bắt đầu lưu truyền câu truyện về “mả táng Hàm Rồng”.  Vào thời Trần Thuận Tông, rồng còn được vẽ hình vào tiền giấy trên hai mệnh giá là tờ 10 đồng và tờ 1 quan. Nhìn cơ bản thì rồng thời Trần cũng có dáng dấp như rồng Lý nhưng nét tạo hình khỏe khoắn hơn. Cuối thời Trần thì rồng có thêm sừng hai chạc, tai và mũi sư tử. Có thể thấy dạng tạo hình này qua hình ảnh rồng Trần mới tìm được qua cuộc khai quật thành nhà Hồ gần đây hay đôi rồng trên tháp Phổ Minh đang chầu vào vành mặt trời ở giữa và rồng trên kiến trúc gỗ ở chùa Bối Khê, khu mộ Vua Trần ở An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh.

Rồng Lê

Trong khi đó, rồng thời Lê là linh vật gắn chặt chẽ với vương quyền. Toàn thư ghi lại người anh hùng dân tộc là Lê Lợi khi sinh ra đã “mắt sáng, miệng rộng, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng”. Khi Vua băng hà, lúc xây lăng ở Lam Kinh, hình ảnh rồng cũng được khắc họa trang trọng trên bia đá. Các đời Vua Lê cũng có kiệu 9 rồng hay 7 rồng gọi là “Cửu Long dư, Thất Long dư”. Vào thời này, thuật Phong Thủy cũng ảnh hưởng đến cách ngắm sông nhìn núi của Vua Lê Thánh Tông, khi sử cũ chép lại vào năm 1476, Vua đi thuyền ra cửa biển Lạch Trường và làm một bài tự về thế núi hình rồng. Cái hang dưới chân núi tương truyền là miệng một con rồng. Bên ngoài miệng rồng lại có tảng đá, tương truyền là mũi rồng. Ở dưới mũi rồng có một tảng đá tròn rất đẹp, tương truyền là hạt châu dưới hàm rồng. Đá lớn nhô ra lõm vào, người ta tin  là bộ râu rồng.

Để “thiêng hóa” hình tượng rồng, đời Lê phải ra chiếu cấm sử dụng các đồ vật có sơn vẽ rồng phượng. Khi Vua Lê Hiến Tông sinh ra cũng phải được thần thánh hóa bằng truyền thuyết Hoàng Thái Hậu chiêm bao thấy rồng vàng từ trên trời sa xuống, một lúc sau thì sinh ra Vua cũng mang dáng vẻ thiên tử, mũi cao, mặt rồng. Trong di sản tạo hình để lại, hình ảnh rồng thời Lê đã khác các thời trước, dáng vẻ dữ dằn hơn với mắt “quỷ”, sừng nai, miệng chó sói, tai thú, chân cá sấu với năm móng chim ưng.

Thời Lê Mạc, rồng được trang trí trên một loại hiện vật độc đáo là các chân đèn bằng gốm men cũng là một cách “xã hội hóa” và “thương mại hóa” hình tượng rồng. Sản phẩm không những tuyệt đẹp mà còn bán được cho nhiều nước trên thế giới. Rồng thời này có đặc trưng là có thân uốn cong hình yên ngựa rất dễ phân biệt. 

Rồng thời Lê là linh vật gắn chặt chẽ với vương quyền. Để “thiêng hóa” hình tượng rồng, đời Lê còn ra chiếu cấm sử dụng các đồ vật có sơn vẽ rồng phượng.

Thời Lê Trung Hưng, cuối thế kỷ 17, rồng được khắc họa mạnh mẽ trong kiến trúc, bia đá, đồ thờ. Ngoài hình tượng rồng còn xuất hiện các loài vật hóa rồng như ngựa hóa rồng (còn gọi là Long Mã) hay cá hóa rồng. Thậm chí, cả cây trúc cũng hóa rồng. Rồng còn đi sâu vào kiến trúc đình làng dân dã và đã bị “giải thiêng” phần nào khi trên các mảng chạm rồng lại có cảnh trai gái đang tình tự, tiên cưỡi rồng, các con vật như thạch sùng, rắn leo trèo trên râu rồng. Tại đình Thổ Hà – Bắc Giang, hình ảnh rồng đang “phủ” thú như một minh chứng rằng đến giai đoạn này rồng đã đi sâu vào dòng văn hóa dân gian mà bớt đi tính vương quyền.

Rồng Nguyễn

Nhưng đến thời Nguyễn, rồng được nâng cao biểu tượng vương quyền ở mức độ cao nhất khi hình ảnh rồng được leo lên những vị trí trang trọng nhất như trang trí trên mũ Vua, trên các ấn vàng, ấn ngọc của vương triều và nhiều đồ ngự dụng khác. Chúng ta có thể thấy nguyên bản của rồng thời Nguyễn khi đến thăm cố đô Huế, các lăng tẩm Vua Nguyễn. Đặc trưng của rồng thời Nguyễn là thường mập mạp hơn, khúc đuôi xoắn lại và lông đuôi xoắn theo, vây lưng rất lớn. Rồng thời Nguyễn thường được kết hợp trang trí trong cảnh “tứ linh” (bốn linh vật là Long, Ly, Quy, Phượng) hoặc hình tượng rồng được hóa thân từ các cây quý như mai, tùng, cúc, trúc.

Đến thời Nguyễn, rồng được nâng cao biểu tượng vương quyền ở mức độ cao nhất khi hình ảnh rồng leo lên những vị trí trang trọng nhất như trang trí trên mũ Vua, trên các ấn vàng, ấn ngọc của vương triều và nhiều đồ ngự dụng khác.

Người Việt làm quen với rồng từ ít ra đã 14 thế kỷ (nếu căn cứ vào thư tịch). Còn nếu coi Giao Long đã là một loại rồng Việt cổ xưa thì con số này là hơn 2000 năm. Dường như đời nào rồng cũng gắn với vương quyền. Hình tượng rồng vì thế cũng là nét trội trong nghệ thuật tạo hình thời trung đại. Nhưng còn một mảng khác, rồng được thể hiện theo mạch nguồn dân dã hơn, len vào điêu khắc đình, chùa, đền, miếu của làng xóm. Chính những mảng này được miêu tả sinh động hơn và cũng đi sâu vào tâm thức người Việt hơn. Và trong bất kỳ thời điểm nào, rồng vẫn là một phần trong đời sống văn hóa của người Việt.

Bài và ảnh: PGS. TS Trịnh Sinh

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES