Rực rỡ show diễn thực cảnh lớn nhất tại Việt Nam: Dòng Sông Kể Chuyện

08/08/2023

Sông Sài Gòn ôm trọn thành phố suốt chiều dài lịch sử, mang theo dòng chảy sự đa dạng về văn hóa, hình thành tính cách hào sảng, khát khao vươn ra biển lớn của người dân TP.HCM. "Dòng Sông Kể Chuyện" với 5 chương biểu diễn công phu đầy ấn tượng đã tái hiện sinh hoạt văn hóa, kinh tế, nếp sống trên bến dưới thuyền của cư dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM trong hơn 300 năm qua.

“Bạn có nghe câu chuyện dòng sông

Ngàn năm qua muôn đời sóng kể

Chưa bao giờ Sài Gòn đẹp thế

Miền giao thương sông nước nghĩa tình”

Theo sông mà đến, nương sông mà ở, nhờ sông mà phát triển. Từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, khát vọng về một thành phố đậm chất “từ bước chân lưu dân đến đô thị thông minh” vẫn không ngừng lưu chuyển trong huyết quản của người dân vùng đất này.

Dòng sông mang theo dòng chảy sự đa dạng về văn hóa để hợp lưu và tiếp biến thành bản sắc văn hóa Nam Bộ.

Dòng sông mang theo dòng chảy sự đa dạng về văn hóa để hợp lưu và tiếp biến thành bản sắc văn hóa Nam Bộ.

Tối 6/8, tại Cảng Sài Gòn (đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP.HCM) đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề "Dòng sông kể chuyện". Chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023 do UBND TP.HCM tổ chức.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: "Có thể nói, sông và kênh rạch không chỉ góp phần kiến tạo dáng hình, diện mạo của Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM mà còn mang theo dòng chảy sự đa dạng về văn hóa để hợp lưu và tiếp biến thành bản sắc văn hóa Nam Bộ, hình thành tính cách hào sảng, khát khao vươn ra biển lớn của người dân TP.HCM. Đến hôm nay, với những cơ hội mới, dòng chảy lịch sử sẽ tiếp tục ghi dấu bước chuyển mình trong chiến lược phát triển thành phố bên sông.

Với ý nghĩa đó, chương trình nghệ thuật 'Dòng Sông Kể Chuyện' ngay tại cảng Sài Gòn, bên dòng sông Sài Gòn, như một bản tổng phổ về thiên nhiên, con người của vùng đất được dòng sông dáng cung đàn ôm trọn vào lòng; như một lời tri ân các bậc tiền hiền đã khai hoang mở cõi, lớp lớp cư dân đã đến ngụ cư, lao động, đấu tranh để kiến tạo, trao truyền những di sản của dòng sông cho các thế hệ mai sau”.

"DÒNG SÔNG KỂ CHUYỆN" GÌ?

5 chương biểu diễn của chương trình (gồm khẩn hoang - xây thành - trên bến dưới thuyền - thương cảng phồn vinh - rực rỡ thành phố bên sông) tái hiện sinh hoạt văn hóa và kinh tế, nếp sống trên bến dưới thuyền của cư dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM, trong hơn 300 năm qua.

CHƯƠNG 1: KHẨN HOANG

Từ vùng đất hoang sơ vắng vẻ

Đến đây xứ sở lạ lùng

Con chim kêu phải sợ

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Con cá vùng phải kinh

Empty
Show diễn như một lời tri ân các bậc tiền hiền đã khai hoang mở cõi.

Show diễn như một lời tri ân các bậc tiền hiền đã khai hoang mở cõi.

Nơi vùng đất mới chằng chịt những sông ngòi, kênh rạch và cù lao - mạch nguồn của một dòng chảy lớn hợp lưu bao trầm tích lịch sử được hình thành. Từ đây, sự sống bắt đầu xuất hiện với thiên nhiên, con người cùng muôn loài chim thú, trong một vùng rừng rậm hoang vu trải dài ngàn năm. Lưu dân thuận quản đã vượt mọi gian nan, thử thách để chinh phục thiên nhiên, thuần hóa đất đai, khai hoang mở đất, trồng trọt định cư trên quê hương mới – đất lành, và tạo nên những vựa lúa phì nhiêu nơi dải đất Nam Bộ trù phú.

CHƯƠNG 2: XÂY THÀNH

Empty
Thành Gia Định (Thành Quy) có kiến trúc hình bát quái -  phức tạp, bất khả xâm phạm.

Thành Gia Định (Thành Quy) có kiến trúc hình bát quái - phức tạp, bất khả xâm phạm.

Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Du cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Gia Định, thiết lập nền hành chính tại nơi đây. Tư tưởng mạnh mẽ mở mang bờ cõi cương vực của các đời chúa Nguyễn đã tạo ra những bước ngoặt lớn, khai sinh ra vùng đất Gia Định, tập hợp cộng đồng dân cư đến từ nhiều vùng đất khác nhau, chiêu mộ lưu dân đến ở khắp nơi và tạo tiền đề cho sự phát triển hưng thịnh của lịch sử Đàng Trong.

Năm 1790, Gia Định trở thành thủ phủ của phần đất Đàng Trong, chúa Nguyễn Ánh đã huy động hơn 3 vạn dân phu, chủ yếu sử dụng đá ong để xây thành gia định, còn gọi là Thành Quy. Sự kiên cố, phức tạp, bất khả xâm phạm của thành Gia Định được thể hiện qua kiến trúc hình bát quái với kết cấu “thành trong thành, hào trong hào” và được xem là tòa thành lớn nhất của chúa Nguyễn tại vùng đất Gia Định.

CHƯƠNG 3: TRÊN BẾN DƯỚI THUYỀN

“Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”

Câu ca dao nổi tiếng gắn với dấu ấn sông rạch, đã đi vào tâm thức của người dân Nam Bộ bao đời, và trở thành những câu hò chèo ghe trên ngã ba sông nhà Bè. Những câu hò như những nhịp động tác chèo ghe, giao đãi tình cảm của các chàng trai cô gái tri ngộ trên sông nước:

“Sông Nhà Bè có cây mắm nước

Vàm Bao Ngược sóng bủa ào ào

Gặp anh đây sao em không hỏi không chào

Hay là em có… chốn nào phụ anh?”

Empty
Trung cảnh của show diễn là dòng sông Sài Gòn.

Trung cảnh của show diễn là dòng sông Sài Gòn.

CHƯƠNG 4: THƯƠNG CẢNG PHỒN VINH

Chính thức thành lập từ giữa năm 1863, cảng Sài Gòn được xây dựng và trang bị một cách quy mô, trở thành một quân cảng bậc nhất về mặt vị trí chiến lược, đứng thứ 12 trong số các quân cảng của Pháp về mặt trọng tải và là cảng thương mại lớn nhất Đông Dương vào thời Pháp thuộc.

Empty
Cảng Sài Gòn là cửa ngõ du lịch - giao thương nổi bật lúc bấy giờ.

Cảng Sài Gòn là cửa ngõ du lịch - giao thương nổi bật lúc bấy giờ.

Hệ thống giao thông đường thủy cũng được phát triển mạnh khi các con kênh nối Sài Gòn – Chợ Lớn – Miền Tây và các kênh vành đai được xây dựng, nạo vét và mở rộng để tạo thành cung đường lúa gạo, tăng năng lực vận chuyển hàng hóa từ các vùng miền lên Sài Gòn, ra biển lớn. Lúa gạo, nông sản, hải sản, tơ lụa, hàng thủ công dồi dào của Nam Kỳ và cả nước qua cảng Sài Gòn xuất khẩu đi khắp thế giới.

Sài Gòn trở thành cửa ngõ du lịch về cả đường biển và hàng không, để du khách nước ngoài đi thăm khu vực Nam Đông Dương và là thương cảng hàng đầu của vùng Viễn Đông lúc bấy giờ.

CHƯƠNG 5: RỰC RỠ THÀNH PHỐ BÊN SÔNG

Sài Gòn hiện lên thật rực rỡ, sống động trong màn đêm, trong ánh đèn lung linh của những tòa nhà cao tầng hiên ngang đứng giữa thành phố tấp nập, hình ảnh "rất Sài Gòn" bởi xe cộ đông đúc, nhộn nhịp vui tươi nơi nhiều người qua lại.

z4585111101093_d93536372bfca4b8b30ea7447d7bbb8b
Empty
Các tiết mục sôi động về TPHCM.

Các tiết mục sôi động về TPHCM.

VỠ ÒA CẢM XÚC VỚI "DÒNG SÔNG KỂ CHUYỆN"

"Dòng Sông Kể Chuyện" được biểu diễn với các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, âm nhạc, vũ kịch, ánh sáng, điện ảnh đậm sắc màu văn hóa - nghệ thuật, giải trí kết hợp cùng các công nghệ trình diễn hiện đại, được diễn ra trên một dòng sông thật, một thương cảng thật, những con thuyền thật, con người thật, bối cảnh thật và những câu chuyện thật cùng cảm xúc chân thật nhất được nâng tầm thành nghệ thuật.

"Dòng Sông Kể Chuyện" lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM.

Từng xem qua nhiều chương trình thực cảnh trong và ngoài nước nhưng "Dòng Sông Kể Chuyện" đã để lại cho Lê Phát Đạt (Travel Blogger Le Pa Da) những ấn tượng đặc biệt: "Dòng Sông Kể Chuyện không chỉ dừng lại ở một show thực cảnh bình thường mà còn là một câu chuyện lịch sử tái hiện lại khung cảnh đi qua những giai đoạn xuyên suốt hơn 300 năm. Mình thực sự đã phải 'wow' lên rất nhiều lần vì quy mô hoành tráng của show diễn. Phải công nhận chẳng thua kém gì so với show diễn các nước trong khu vực".

Chương trình thực cảnh có sự tham gia biểu diễn của hơn 700 diễn viên cùng cư dân sinh sống tại TP.HCM, bà con các làng nghề tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, 30 tàu nhà hàng, du thuyền, thuyền buồm, cano, thuyền gỗ, buýt đường sông, tàu cao tốc… đang kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố cũng tham gia diễu hành.

Empty
Chương trình có sự đầu tư chỉn chu, để lại ấn tượng đặc biệt với khán giả.

Chương trình có sự đầu tư chỉn chu, để lại ấn tượng đặc biệt với khán giả.

Show diễn diễn sử dụng công nghệ 3D, mapping lên toàn bộ phần sàn của bối cảnh trên bờ; hệ thống nhạc nước lập trình theo âm nhạc; màn trình diễn flyboard đặc sắc, kết hợp cùng phần trình diễn drone show và pháo hoa trên trời cùng ánh sáng từ hàng chục tàu thuyền lớn trên sông.

Toàn bộ sân khấu chương trình thực cảnh diễn ra trên sông được xếp thành những lớp lang với tiền cảnh là sân khấu trên bờ, trung cảnh là không gian tàu thuyền lưu thông và hậu cảnh là sân khấu trên sông. Tất cả tái hiện không gian văn hóa của từng thời kỳ, đem lại cảm xúc ấn tượng khó phai, chạm đến trái tim của khán giả.

z4585037804185_28106a175eeea2c62922d3234e665343

"Suốt hơn 10 năm sinh sống và làm việc tại TP.HCM, mình luôn cảm thấy biết ơn và may mắn. Show diễn lần này thể hiện rõ nét sự chuyển mình và hội nhập của mảnh đất mình đã gắn bó, càng khiến mình tự hào và yêu vùng đất này hơn. Hy vọng chúng ta sẽ được đón nhận thêm nhiều Lễ hội Sông Nước ở những năm tiếp theo hoành tráng hơn nữa", Lê Phát Đạt chia sẻ.

Bi Lê - Nguồn: Ảnh: Newday Media
RELATED ARTICLES