San Francisco – Thành phố dốc sương mù

10/08/2016

Có một San Francisco rất khác. Chưa phải là cây cầu Cổng Vàng (Golden Gate) xuất hiện thường xuyên trên phim ảnh, những dãy xe chạy bằng cáp (Cable car) nổi tiếng với lịch sử hơn 125 năm, hay nhà tù khét tiếng trên đảo Alcatraz. San Francisco trong tôi khi vừa đặt chân đến là một San Francisco thật “dốc”.

Thành phố của những ngọn đồi

Ít ai biết thành phố nổi tiếng của Mỹ này tọa lạc trên 43 ngọn đồi, mặc dù chỉ 7 trong số đó là tự nhiên. Với độ dốc 41%, Bradford là con đường dốc nhất trong thành phố. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi giày thể thao là một trong những mặt hàng được ưa chuộng và bán rất chạy tại đây. Các bạn tôi đùa rằng, đường phố San Fran giống như phòng tập gym ngoài trời. Chỉ cần xỏ giày vào và đi, thể nào cũng khỏe.

 

 

Tôi chưa bao giờ thích bị kìm chân lại vì tắc đường, nhưng trải nghiệm kẹt xe ở San Fran vô cùng đáng nhớ. Bởi quang cảnh xung quanh quá đẹp, tôi như có thêm thời gian để chậm rãi ngắm nhìn những sinh hoạt bình dị hai bên đường mà đôi khi vì quá vội vàng, ta thường bỏ quên mất. Điều thú vị nhất là khi bị mắc lại giữa lưng chừng con dốc, góc nghiêng khoảng 30 độ, tôi thấp thỏm vị sợ xe bị…tụt lùi. Những con đường dài hun hút, vút thẳng lên tận trời cao. Từng chiếc xe nối đuôi nhau trông như những chú kiến càng hành quân về tổ. 

 

 

Món quà của thiên nhiên

Nếu trung tâm thành phố là những tòa nhà chọc trời với các trung tâm tài chính và ngân hàng chính yếu của vùng Tây duyên hải Hoa Kỳ, những dãy nhà màu sắc mang phong cách cổ điển Victoria, những con phố Hippi phóng khoáng, thì chỉ chừng 30 phút đi xe ra khỏi trung tâm, tôi như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác.

 

 

Hiện ra trước mắt tôi là biển trời xanh thẳm của vùng vịnh cùng tên thành phố. Tôi chưa vội hòa mình vào dòng du khách tấp nập ở Fisherman’s Wharf, nơi hải sản là thứ chắc chắn không thể bỏ qua. Tôi cũng chưa vội đặt mua vé vào bảo tàng hàng hải cùng những hạm đội lịch sử neo đậu tại cảng Hyde Street. Bầu trời cao vút trong xanh, đượm nắng vẫy gọi tôi bước theo hướng ngược lại, bỏ những dòng người tấp nập phía sau lưng. Vùng vịnh lặng yên đến kinh ngạc, đẹp như tranh vẽ.

 

 

Là vịnh lớn của bang California, một trong những vùng vịnh quan trọng và nổi tiếng trên thế giới, Vịnh San Francisco là điểm neo đậu của nhiều tàu buồm, du thuyền, chiến hạm khổng lồ. Rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ cung cấp dịch vụ tham quan vùng vịnh bằng du thuyền với lịch trình hấp dẫn. Bạn có thể chọn đón hoàng hôn hoặc ngắm bình minh trên vịnh, được nhấm nháp rượu vang, thưởng thức món ăn do các đầu bếp chuyên nghiệp trổ tài, đắm mình trong nền nhạc giao hưởng êm dịu.

 

 

Sau khi dạo một vòng quanh vịnh, tôi lại lên xe buýt tiếp tục cuộc hành trình của mình. Tôi thích sử dụng phương tiện công cộng nơi đây vô cùng. Không những rẻ (vé $2,25 dùng không giới hạn số lần trong nửa ngày), hiện đại và nhanh chóng, tôi còn có thể tiếp xúc với tất cả mọi người từ mọi tầng lớp khác nhau. Trở thành gương mặt thân quen sau một thời gian dài ở thành phố bên vùng vịnh này, có một điều tôi không thể không để ý khi sử dụng xe buýt, đó là người Mỹ gốc Phi cứ mua vé xong là lầm lũi đi thẳng về phía cuối. Một hình ảnh còn sót lại của nạn phân biệt chủng tộc từ hồi năm 1955, thời của mục sư Martin Luther King. 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

 

Tôi đặt chân đến Sutro Baths, được biết đến như hồ bơi nước mặn trong nhà lớn nhất thế giới, nay chỉ còn lại tàn tích sau khi cả công trình bị thiêu rụi trong hỏa hoạn vào mùa hè năm 1966. Tầm nhìn ra Thái Bình Dương từ đây bao quát và đẹp đến choáng ngợp. Sutro Baths chưa bao giờ vắng người, nhưng cũng chẳng bao giờ quá tấp nập. Sutro Baths vô cùng trong trẻo khi nắng tràn về, làm nổi bật lên từng chấm người nhỏ xíu trên nền đất đá gồ ghề mà hùng vĩ. Nắng tắt, màn đêm dày đặc bao phủ. Điều duy nhất cần làm là đặt lưng xuống tấm chiếu đất thiên nhiên rồi ngước mặt lên bầu trời sao lấp lánh. 

 

Thành phố đa sắc màu

Sự đa dạng về sắc tộc, văn hóa, truyền thống là giá trị cốt lõi của San Francisco bởi nhiều cộng đồng dân cư trên thế giới gọi nơi đây là nhà. Theo thống kê năm 2010, 50% dân số thành phố đến từ các nước thuộc 4 châu lục còn lại. Có lẽ vậy mà lễ hội được tổ chức thường xuyên nhằm nêu lên niềm tự hào và bản sắc dân tộc, để kết nối cộng đồng, và tăng cường giao lưu văn hóa.

 

 

San Francisco được biết đến với lễ hội tình dục Folsom nổi tiếng thế giới (tháng 9), chưa kể những lễ hội khác diễn ra quanh năm, thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới.

 

 

Cũng bởi San Francisco là thành phố đa chủng tộc nên ẩm thực nơi đây vô cùng phong phú. Lễ hội ẩm thực lớn nhất được tổ chức vào tháng 8 hằng năm, tại cầu cảng Pier 70. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy những phân xưởng đã nhuộm màu cũ kĩ của thời gian nay được trưng dụng thành điểm đến độc đáo. Pier 70 từng là xưởng đóng tàu và sửa chữa tàu kể từ khi San Francisco rộ lên cơn sốt vàng. Pier 70 được sửa chữa đơn giản để đảm bảo tính an toàn, mang phong cách cũ kĩ và phá cách. Không gian trong phân xưởng khá rộng, đủ sức chứa khoảng 100 quầy thức ăn lớn nhỏ đại diện cho các nền ẩm thực trên thế giới như Ý, Pháp, Mexico, Nhật Bản, Ấn Độ... Mùi thơm thoang thoảng của lẩu kim chi xứ Hàn, miếng cắn giòn rụm của bánh Taco nức danh nước Mễ…, từng đám đông thấp thỏm chờ đợi đến phiên mình. 

 

Trải nghiệm “hứng gió”

Cầu Cổng Vàng là cửa ngõ dẫn vào thành phố, xây dựng trên vị trí từng rất nổi tiếng với cơn sốt vàng California. Cây cầu này xuất hiện với tần số dày đặc trên phim ảnh, và chắc chắn cũng là cây cầu được chụp hình nhiều nhất. 

 

 

Tôi gọi vui trải nghiệm trên cầu Cổng Vàng của mình là trải nghiệm “hứng gió”. Một trong những đặc trưng thời tiết ở San Fran là trời gió và sương mù nhiều, đặc biệt khi hè đến. Thêm độ cao 67m của cầu tính từ mặt nước biển, tản bộ qua cầu với tôi chưa phải là lí tưởng. Một người bản xứ đã mách nhỏ: “Đạp xe đi bạn, lúc nào cũng có thể dừng lại được.” Cầu có làn dành riêng cho người đi bộ và xe đạp nên rất an toàn. Nếu đi bộ, xe buýt sẽ thả khách dưới chân cầu, khách đi qua và đi bộ về ngược lại với chặng đường dài 1.970m. Còn xe đạp cho phép tôi linh động hơn, đi được xa hơn.  

 

 

Để thực sự yêu và khám phá mọi ngóc ngách thành phố xinh đẹp này, vài ngày chắc chắn là không đủ. Tôi lưu lại thật lâu để có trải nghiệm sống như người bản địa. Tôi thấy mình hòa vào dòng người tấp nập ở downtown, một tay đeo cặp, một tay cầm ly cà phê, bước chân vội vàng như đang chạy. Tôi thấy mình lang thang ở quận Castro, đỏ mặt tía tai những lần đầu tiên thấy đoàn người khỏa thân diễu hành quanh thành phố. Tôi thấy lòng mình chùng lại, xót xa cho những người vô gia cư nằm vất vưởng bên đường. Và nếu một mai ai đó lập ra danh sách các fan hâm mộ của San Francisco, tôi nghĩ mình sẽ là người hâm mộ trung thành và nhiệt tình nhất.

 

Thông tin thêm:

+Thời điểm: 

Nhiệt độ quanh năm ở San Francisco dao động từ 6 đến 23 độ C. Mùa hè, từ tháng 6 đến tháng 9, được xem là thời điểm lí tưởng bởi đây là mùa khô, tiết trời thoáng mát. Một ngày hè điển hình thường bắt đầu với lớp sương mù, đến trưa trời quang đãng và nắng ấm, trời về chiều có gió khoảng 4 hoặc 5 giờ. Khu vực trung tâm ít gió nhờ có nhà cao tầng bao bọc, nhưng khi di chuyển ra khu vực vùng vịnh, không khí se lạnh hơn. Du khách nên mặc trang phục có nhiều lớp và luôn mang theo một chiếc áo khoác bên mình phòng khi thời tiết bất chợt thay đổi.

+ Hành trình:

Hiện nay chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam sang San Francisco, nên du khách sẽ dừng chân một số chặng. Từ Hà Nội hoặc TP.HCM, có thể chọn bay các hãng Eva Airways, China Air (quá cảnh tại Đài Bắc); Korean Air, Asiana Air (dừng tại Seoul); Japan Air (dừng tại Tokyo). 

+ Đi lại trong San Francisco:

-BART: Hệ thống giao thông ở thành phố sương mù này vô cùng đơn giản, thuận tiện. Từ San Francisco International Airport, bạn có thể sử dụng hệ thống tàu điện nhanh BART đi thẳng đến trung tâm thành phố. Hãy dừng chân tại trạm Powell (Powell station) vì từ đây là điểm trung tâm, giúp dễ dàng thăm thú vòng quanh khu vực. Giá vé: USD 8,95 

-Xe cáp (Cable car) hoạt động trên 3 tuyến đường. Giá vé: USD 7/lượt. Powell-Hyde line: từ trung tâm đến vùng vịnh, đây là tuyến đường đẹp nhất vì xe lên xuống nhiều ngọn đồi, cảm giác như đang đi tàu lượn trên không trung. Powell-Mason line: từ trung tâm đến vùng vịnh, rất gần với Fisherman’s Wharf và Pier 39.

-Gợi ý: Nên đi xe cáp vào lúc sáng sớm (khoảng 7 giờ), khi trời còn sương mù, se lạnh, nắng dần ửng lên, và không quá đông người. Từ 8h sáng trở đi, sẽ luôn có hàng dài khoảng trăm người chờ đi xe cáp. Bạn nên ngồi ở khu vực bên ngoài để cảm nhận toàn cảnh thành phố.

-Tàu điện (MUNI): là hệ thống tàu chạy trên trục đường chính dọc khắp San Francisco, vô cùng thuận tiện để đi từ quận này sang quận khác. Giá vé: USD 2,25/ lượt.

-Bus (MUNI): chạy vòng quanh thành phố. Đừng ngại nếu sợ lạc đường. Hãy hỏi tài xế nơi bạn muốn đến, họ sẽ thả bạn xuống ngay điểm dừng hoặc trạm gần nhất. Giá vé: USD 2,25/lượt.

+ Ẩm thực:

Ẩm thực ở San Francisco vô cùng phong phú. Khu Chinatown có ẩm thực Trung Hoa, khu Little Italy có các món Âu đa dạng. Fisherman’s Wharf cùng các nhà hàng ven vịnh nổi tiếng với hải sản tươi ngon. Ngoài ra, các nhà hàng chuyên về ẩm thực của từng quốc gia (món Hàn, Nhật, Ấn…) nằm rải rác khắp nơi trong thành phố.

Gợi ý: sử dụng ứng dụng YELP – trang thông tin về địa điểm ăn uống, dịch vụ, mua sắm với những bình chọn và nhận xét khách quan từ chính người tiêu dùng.

+ Trải nghiệm đặc biệt:

Đừng bỏ lỡ hoàng hôn ở San Fran: Lên đỉnh Twin Peak, từ độ cao 282m, bạn sẽ cảm thấy mãn nhãn khi chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố ở góc rộng 360 độ.

 

Bài và ảnh: Anh Thy

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES