Savills Kỷ Niệm 20 Năm Hoạt Động Thành Công Tại Việt Nam

25/05/2015

Là công ty cung cấp dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới, năm 2015, Savills kỷ niệm 20 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam. Để đánh dấu cột mốc quan trọng này, Savills Việt Nam công bố một nghiên cứu về sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam trong toàn cảnh kinh tế xã hội suốt hai thập kỷ vừa qua.

Thành lập vào năm 1995, tiền thân là Chesterton Petty Việt Nam, công ty trở thành đại diện thương mại độc quyền cho hai dự án Diamond Plaza và Indochine Park (Tp. HCM) vào năm 2002 - dấu ấn quan trọng đầu tiên của công ty trong suốt quá trình vận hành lâu dài của mình. Năm 2007, Tập đoàn Savills, nhà cung cấp dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới, đã quyết định đầu tư, mua lại Chesteron Petty Vietnam và đổi tên công ty thành Savills Việt Nam. Kể từ đó tới nay, Savills đã không ngừng phát triển tại Việt Nam, cung cấp đầy đủ các dịch vụ bất động sản bao gồm: Nghiên cứu và Tư vấn, Căn hộ để bán, Cho thuê thương mại, Quản lý tài sản, và Đầu tư. Savills hiện nay có hơn 1000 nhân sự tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, và Tp. HCM.

Năm 2015 đánh dấu sự kiện quan trọng lớn đối với Savills Việt Nam khi công ty kỷ niệm 20 năm hoạt động và phát triển trên thị trường. Trong sự kiện đặc biệt này, Savills hân hạnh được công bố một nghiên cứu phân tích thị trường, bao gồm những sự kiện tiêu biểu của nền kinh tế xã hội cũng như quá trình phát triển bất động sản trong suốt những năm vừa qua. Nghiên cứu này cung cấp cái nhìn tổng thể về Tổng sản phẩm nội địa (GDP), nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), lượng kiều hối, lãi suất và cả những thay đổi về du lịch và dân số, trước khi đưa ra những điểm nổi bật về thị trường bất động sản, trong từng mảng thị trường.

GDP: Trong hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế ấn tượng, liên tục đứng đầu trong biểu đồ tăng trưởng. Tăng trưởng GDP tương đối ổn định trong những năm 1990, bắt đầu tăng vào đầu những năm 2000 và đạt mức cao nhất vào năm 2008. Việt Nam đã đi lên từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, trở thành nước có thu nhập trung bình và có triển vọng; trong tương lai không xa dự đoán sẽ vượt qua hầu hết các nước châu Á khác.

FDI: Trong giai đoạn trước, sự cạnh tranh để tìm kiếm nguồn vốn trong khu vực tương đối hạn chế, cho đến đầu những năm 2000, Việt Nam trở thành tâm điểm của đầu tư nước ngoài, và đạt đỉnh điểm vào năm 2008, với lượng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký lên tới gần 70 tỷ đô la Mỹ. Từ đó tới nay, chất lượng nguồn vốn FDI đang có chiều hướng được cải thiện đáng kể, với sự gia tăng về tỷ lệ hấp thụ của nguồn vốn này.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Kiều hối: Thực trạng hiện nay cho thấy, Việt Nam là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, đó cũng là yếu tố đóng góp chủ yếu vào GDP. Đầu tư bất động sản trực tiếp cũng có lợi khi nhận được khoảng 17% đến 20% tổng lượng kiều hối. Bởi khi có nhiều người Việt sinh sống ở hải ngoại quay trở về thì việc tiếp cận với kiều hối sẽ dễ dàng hơn. Gần đây, Chính phủ đã nhận ra lợi ích này thông qua việc sửa đổi Luật Nhà ở, với việc cho phép Việt Kiều được hoàn toàn sở hữu bất động sản trong nước.

Du lịch: Việt Nam sở hữu những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, gần đây, một số công trình sân bay trọng điểm được xây dựng mới và nâng cấp, tạo tiền đề  cho ngành du lịch trong 20 năm phát triển mạnh mẽ. Từ năm 1995 đến năm 2014 tổng số du khách tăng đáng kể từ hơn 1.3 triệu đến xấp xỉ 7.9 triệu lượt du khách, tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường nhà ở, đặc biệt là mảng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Luật Nhà ở mới được sửa đổi hy vọng sẽ tạo điều kiện sở hữu bất động sản cho người nước ngoài, đồng thời, Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và các nguồn vốn từ nước ngoài. Các sản phẩm nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn quốc tế, được thiết kế hướng tới người mua là người nước ngoài đã sẵn sàng tung ra thị trường.

Kinh tế & Dân số: Trong 20 năm qua, đã có những thay đổi lớn trong nền kinh tế và dân số của Việt Nam. Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển dịch dân số từ nông thôn đến thành thị, và nền kinh tế chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp. Quy mô hộ gia đình giảm, thúc đẩy sự tăng trưởng của các phân khúc nhà ở. Việt Nam có nguồn dân số trẻ và lực lượng lao động tri thức. Theo nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), Việt Nam có sự gia tăng tầng lớp trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á, dự kiến tăng lên 33 triệu người cho tới năm 2020, gần gấp ba lần con số 12 triệu người năm 2012. Trong hai thập kỷ vừa qua, tương ứng với khoảng thời gian Savills có mặt và hoạt động tại thị trường, cơ cấu kinh tế và nhân khẩu học của Việt Nam đã thay đổi đáng kể trong những lĩnh vực then chốt, tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến thị trường bất động sản.

Nhận định về vấn đề này, ông Neil Macgregor, Tổng Giám đốc điều hành, Savills Việt Nam, cho biết: “Rất nhiều thành tựu đã đạt được trong gần 20 năm qua. Những yếu tố kể trên kết hợp với tiềm năng lớn mạnh của khu vực Đông Nam Á, cùng những triển vọng đến từ các thị trường mới nổi, tất cả đã khiến Việt Nam trở thành một điểm đến đầy thu hút đối với các doanh nghiệp. Savills rất tự hào khi được phục vụ các khách hàng trong suốt hai thập kỷ qua, và chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được nhiều hơn nữa những dấu ấn quan trọng tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết sẽ luôn nỗ lực để tiến xa hơn, đóng góp vào sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam.”



Bên cạnh nghiên cứu này, Savills Việt Nam sẽ tổ chức một chuỗi các sự kiện và hoạt động trong suốt năm 2015 để cùng nhìn lại chặng đường 20 năm. Đồng thời, đây sẽ là cơ hội để công ty tri ân các đối tác chiến lược, các khách hàng thân thiết, và toàn thể nhân viên của Savills trên khắp cả nước. 

RELATED ARTICLES