Giảm thiểu dấu chân carbon và du lịch có trách nhiệm

06/09/2023

"Giảm thiểu carbon footprint có nhiều ý nghĩa: giảm lượng khí thải carbon vào môi trường tự nhiên, giúp cá nhân, tổ chức tiết kiệm chi phí và giảm ô nhiễm môi trường, giúp duy trì sự tái tạo của các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, đảm bảo sự cân bằng sinh thái cho cả hiện tại và tương lai", Tiến sĩ Đặng Thị Phương Anh, Giảng viên Khoa Du lịch học, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội chia sẻ với Travellive.

CARBON FOOTPRINT LÀ GÌ?

Carbon footprint (dấu chân carbon) là tổng lượng khí thải nhà kính phát sinh trong quá trình sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp hoặc dịch vụ của cá nhân, một tổ chức… và cũng là vòng đời cuối cùng của một sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

Định nghĩa về carbon footprint trong du lịch, Tiến sĩ Đặng Thị Phương Anh, Giảng viên Khoa Du lịch học, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho biết, đây là tổng lượng khí thải carbon thải ra môi trường từ hoạt động du lịch, ở quy mô tổng xuất phát từ hoạt động du lịch toàn cầu. Ở mức độ nhỏ hơn bắt nguồn từ hoạt động du lịch của một quốc gia, nhỏ hơn nữa là hoạt động du lịch của một doanh nghiệp, một khách sạn và nhỏ nhất từ hoạt động du lịch của một khách du lịch.

TS. Đặng Thị Phương Anh cũng đồng thời là Chuyên gia dự án “Du lịch Thuỵ Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam”.

TS. Đặng Thị Phương Anh cũng đồng thời là Chuyên gia dự án “Du lịch Thuỵ Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra carbon footprint. "Nếu căn cứ trên các hoạt động phát sinh mà người tham gia vào chu trình du lịch đó thực hiện, có thể kể đến: hoạt động đi lại (bằng các phương tiện giao thông: tàu, thuyền, máy bay, ô tô, xe đạp…), hoạt động ăn uống, hoạt động lưu trú, việc sử dụng các dịch vụ khác như vui chơi giải trí… Với mỗi loại hình hoạt động mà người đó tham gia, sẽ phát thải ra một lượng carbon khác nhau, do đó carbon footprint của mỗi khách du lịch, mỗi doanh nghiệp du lịch… cũng khác nhau", cô phân tích.

Lượng carbon footprint mà mỗi cá nhân thải ra môi trường đến từ nhiều hoạt động thông thường.

Lượng carbon footprint mà mỗi cá nhân thải ra môi trường đến từ nhiều hoạt động thông thường.

Do đó, giảm thiểu lượng carbon footprint có rất nhiều ý nghĩa. "Trước hết, cần giảm lượng khí thải carbon vào môi trường tự nhiên, sau đó giúp cá nhân, tổ chức tiết kiệm chi phí và giảm ô nhiễm môi trường, duy trì sự tái tạo của các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn. Đảm bảo sự cân bằng sinh thái cho cả hiện tại và tương lai", cô nhấn mạnh.

NHỮNG GIẢI PHÁP Ở GÓC ĐỘ VĨ MÔ

TS. Phương Anh nhận định, ở góc độ quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cần có chính sách và cơ chế quản lý bám sát vào các mục tiêu phát triển bền vững, lấy các nguyên tắc phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ môi trường, giảm thiểu carbon footprint làm trụ cột. Du lịch không tồn tại một mình mà nằm trong chuỗi cung ứng và tạo ra chuỗi giá trị tổng thể. Du lịch bền vững cần tầm nhìn và đặt trong bức tranh phát triển toàn cảnh và điều này cần sự tham gia của cả các bộ, ban ngành có liên quan.

Cần lấy các nguyên tắc phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ môi trường, giảm thiểu carbon footprint làm trụ cột phát triển.

Cần lấy các nguyên tắc phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ môi trường, giảm thiểu carbon footprint làm trụ cột phát triển.

"Nói riêng đến vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, hiện nay, theo quan sát của chúng tôi cho thấy rất nhiều các địa phương vẫn báo cáo thành tích về sự phát triển du lịch hàng năm thông qua các con số thể hiện sự gia tăng lượng khách và doanh thu mà chưa hề quan tâm đến các thông số như sự gia tăng của carbon footprint từ du lịch. Và tất nhiên, rất nhiều các tác động xã hội và môi trường khác mà du lịch gây ra. Những thay đổi trong cơ chế quản lý, bắt nguồn từ thay đổi nhận thức, cách tiếp cận của cán bộ quản lý nhà nước là vô cùng cần thiết để hướng tới sự phát triển bền vững tại các điểm đến", cô chia sẻ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bên cạnh đó, ở góc độ quản lý điểm đến cần có quy hoạch tổng thể tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững. "Mỗi điểm đến có đặc điểm địa lý, sinh cảnh trong bối cảnh văn hoá xã hội riêng cho nên cũng cần có bộ nguyên tắc ứng xử với môi trường và xã hội mang đặc thù của từng điểm đến. Cơ chế quản lý điểm đến cũng cần có sự giám sát và đánh giá thường xuyên để những cụm từ như “phát triển bền vững”, “du lịch có trách nhiệm”, “giảm thiểu dấu chân carbon”… không phải chỉ là hô khẩu hiệu, xu hướng hay trào lưu trong một thời gian ngắn", cô cho biết.

Ở góc độ quản lý điểm đến cần có quy hoạch tổng thể tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững.

Ở góc độ quản lý điểm đến cần có quy hoạch tổng thể tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững.

TS. Phương Anh cho biết thêm: "Để phát triển du lịch bền vững nói chung và giảm thiểu dấu chân carbon nói riêng cần rất nhiều việc phải làm và rất nhiều bên liên quan tham gia vào giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh đến hai nhân tố chính là 'quản lý nhà nước' và 'quản lý điểm đến', bởi nếu sự vận hành của hai nhân tố này thống nhất, đồng bộ thì sự quyết định sự tham gia tích cực của các bên liên quan khác như doanh nghiệp du lịch, khách du lịch, người dân địa phương.

Cần phải nói thêm rằng bất cứ sự vận động nào cũng cần vai trò rất quan trọng của giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. Để tăng cường vai trò của quản lý nhà nước và quản lý điểm đến như trên đã nói rất cần sự đồng hành của giáo dục trong gia tăng hiểu biết, nhận thức; của đào tạo trong rèn luyện kỹ năng và hành vi; của khoa học công nghệ trong tư vấn quy hoạch và thiết lập hệ thống vận hành".

CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIẢM THIỂU CARBON FOOTPRINT?

Từ góc độ chuyên gia, TS. Phương Anh cho rằng, khách du lịch trước hết cần tự nâng cao nhận thức của bản thân về tác hại của khí thải carbon và các nguồn phát thải carbon. Khi hiểu về tác động tiêu cực đó, bản thân cần nghiêm túc thực hành theo các lối sống có tác dụng giảm thiểu lượng carbon phát thải.

Khách du lịch cần hiểu biết và nghiêm túc thực hiện hành động có khả năng giảm thiểu carbon footprint.

Khách du lịch cần hiểu biết và nghiêm túc thực hiện hành động có khả năng giảm thiểu carbon footprint.

Về di chuyển, chúng ta nên lựa chọn các phương tiện giao thông công cộng, phương tiện thô sơ như xe đạp, xích lô hoặc đi bộ để giảm phát thải carbon, tránh sử dụng xe cá nhân tối đa có thể.

Về lưu trú, lựa chọn các cơ sở lưu trú cộng đồng, gần gũi với thiên nhiên, sử dụng ít các loại vật liệu nhân tạo, có xu hướng quản lý và vận hành đảm bảo yếu tố phát triển bền vững. Tăng cường ý thức cá nhân trong việc sử dụng và tiêu dùng tại nơi lưu trú, luôn thực hiện tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm sử dụng trong quá trình lưu trú…

Về ăn uống, lựa chọn các loại thực phẩm tự nhiên theo nguyên tắc: địa phương, theo mùa và ăn các thực phẩm từ thực vật hơn là động vật. Thực phẩm sản xuất tại địa phương sẽ giảm bớt việc phát thải carbon trong quá trình vận chuyển trong khi sản phẩm nhập khẩu hoặc nhập từ địa phương khác (xe cộ vận chuyển cần xăng dầu là tài nguyên hữu hạn, quá trình vận hành phát thải khí carbon trực tiếp qua ống xả, phát thải carbon cho người lái ăn uống trên đường….), thực phẩm theo mùa có số lượng nhiều và ít phải sử dụng các loại hóa chất chăm bón cây và cắt giảm việc sử dụng các loại công nghệ chăm sóc cây (điện, nhà kính…) trái mùa.

Travel Blogger Bữu Vi Vu, cựu sinh viên ngành du lịch ĐHKHXH&NV TPHCM chia sẻ: "Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã nhìn thấy rõ hệ quả của việc biến đổi khí hậu nên carbon footprint không còn mơ hồ. Có nghĩa chúng ta buộc phải hành động và thay đổi một chút thói quen từ những điều nhỏ nhặt nhất".

Travel Blogger Bữu Vi Vu.

Travel Blogger Bữu Vi Vu.

Từ góc độ một người đi du lịch, Bữu đưa số giải pháp đơn giản như: bắt đầu sử dụng phương tiện công cộng thay phương tiện cá nhân. Trong những điều kiện thích hợp sẽ ưu tiên đi bộ hoặc xe đạp vừa hít thở không khí trong lành, vừa giảm khí thải. Hạn chế sử dụng túi nilong, thay bằng túi tote hoặc túi giấy. Ở nơi lưu trú, tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, nếu không cần thiết thì yêu cầu dọn phòng 2 ngày/lần. Ngoài ra, anh ưu tiên các sản phẩm, dịch vụ sử dụng năng lượng sạch, chú trọng bảo vệ môi trường.

"Sự phát triển và nhu cầu tiện nghi của chúng ta là điều chính đáng, tuy nhiên có thể chọn lọc, lựa chọn, thay thế để sức khoẻ môi trường bền vững - sức khoẻ chúng ta vẫn tốt theo thời gian", Bữu cho hay.

Bi Lê - Nguồn: Ảnh: NVCC
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES