Số ca nhiễm tại Tây Ban Nha đã vượt Trung Quốc; thế giới vẫn gồng mình chống dịch

31/03/2020

Ý ghi nhận ngày thứ năm liên tiếp có số ca nhiễm mới sụt giảm, trong khi Tây Ban Nha đã trở thành nước có số ca nhiễm cao thứ ba thế giới. Tại Việt Nam, đa số các ca bệnh Covid-19 đều có sức khỏe ổn định, dự kiến có thêm 2 ca xuất viện trong hôm nay.

Thủ tướng đồng ý công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc

Chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19 chiều 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý đề xuất công bố dịch toàn quốc. Theo Thủ tướng, đây là thời điểm có tính chất quyết định cục diện cuộc chiến chống Covid-19, do vậy chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng phải tập trung cao độ cho việc này.

Ảnh: VGP

Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ chưa tính đến phong tỏa Hà Nội hay TP.HCM như nhiều nước đã làm ở các thành phố lớn, nhưng mọi người dân phải ở trong nhà, không ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết, để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Hà Nội lập 10 trạm xét nghiệm nhanh Covid-19

Thành phố lập 10 trạm xét nghiệm dã chiến và đưa vào sử dụng bộ test nhanh của Hàn Quốc từ sáng 31/3, thông tin được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố ngày 30/3.

Hà Nội đã mời nhóm chuyên gia Hàn Quốc thiết kế 10 trạm xét nghiệm dã chiến theo tiêu chuẩn của WHO. Mỗi trạm diện tích 3x3 m, có điện, wifi để làm việc 24/24.

Trước mắt Hà Nội thuê 10 trạm này với giá từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng để phục vụ việc lấy mẫu xét nghiệm cho người dân các phường xung quanh bệnh viện Bạch Mai. Sau đó, thành phố sẽ xét nghiệm mở rộng tại các bệnh viện trên địa bàn và những nơi đông người. 10 tổ công tác gồm quân đội, công an, cán bộ y tế cũng được thành lập để phục vụ việc này.

Thực hiện đo thân nhiệt tại bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Tuổi trẻ

Thực hiện đo thân nhiệt tại bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Tuổi trẻ

giảm tối đa đi lại liên tỉnh

Theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 30/3 việc đi lại của người dân - nhất là giữa Hà Nội, TP.HCM với các địa phương - được hạn chế tối đa để phòng chống dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về việc tạm dừng mọi hoạt động xe buýt công cộng trên địa bàn thành phố từ ngày 1 đến 15/4.

THÊM 47 BỆNH NHÂN COVID-19 CÓ KẾT QUẢ ÂM TÍNH

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến sáng 31/3, trong số 149 bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại 22 cơ sở y tế, đã có 47 bệnh nhân có kết quả âm tính, trong số này có 31 bệnh nhân đã âm tính 2 lần trở lên.

Cũng trong hôm nay, dự kiến có 2 trường hợp gồm bệnh nhân số 49 đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế và bệnh nhân số 54 tại Bệnh viện Cần Giờ (TP.HCM) được công bố khỏi bệnh và chuyển cơ sở khác theo dõi sức khoẻ.

Thủ tướng Israel bị cách ly

Thủ tướng Benjamin Netanyahu và một số cố vấn quan trọng của ông đã tự cách ly sau khi một phụ tá của ông dương tính với Covid-19. Theo The Guardian, đây chỉ là biện pháp phòng ngừa và các quan chức Israel cho biết rất ít khả năng nhà lãnh đạo 70 tuổi của nước này bị mắc bệnh.

Trước đó, ông được xét nghiệm ngày 15/3 và cho kết quả âm tính

Trước đó, ông được xét nghiệm ngày 15/3 và cho kết quả âm tính

Israel hiện có 4.300 ca bệnh và 15 ca tử vong.

số ca nhiễm trong quân đội mỹ tăng đột biến

Theo thông báo, số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong lực lượng quân đội Mỹ đã tăng đột biến vào những ngày cuối tuần, từ mức 652 người nhiễm vào hôm 27/3. Trong tổng số ca nhiễm bệnh, có 569 ca là quân nhân tại ngũ, 220 ca là nhân viên dân sự, 190 ca là người phụ thuộc và 64 là lao động hợp đồng.

Mỹ hiện đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với hơn 164.000 ca được ghi nhận. Thành phố New York của Mỹ đang gấp rút xây dựng một bệnh viện dã chiến ngay tại Công viên Trung tâm nhằm đáp ứng số lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Theo thị trưởng New York, bệnh viện sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 31/3 cùng với lực lượng bác sĩ, nhân viên và thiết bị y tế được tăng cường.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Bệnh viện dã chiến tại Central Park, New York

Bệnh viện dã chiến tại Central Park, New York

nhiều bang của mỹ ra lệnh người dân ở nhà

Ngày 30/3, chính quyền khu vực DMV, gồm các bang Maryland, Virginia và thủ đô Washington, cùng bang Arizona đã ban hành lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà ngoại trừ trường hợp thiết yếu nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, một số bang như California hay Michigan cũng ban hành lệnh trên nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Thống đốc New York ra lời kêu gọi khẩn cấp

“Hãy đến giúp chúng tôi ở New York ngay bây giờ” - Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 30/3 đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp các tình nguyện viên y tế, giữa bối cảnh số ca tử vong vì virus corona tiếp tục ở mức “kinh hoàng”.

Bang New York ghi nhận thêm trên 250 người tử vong trong một ngày

Bang New York ghi nhận thêm trên 250 người tử vong trong một ngày

Ông Cuomo và các quan chức y tế cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở thành phố New York là sự báo hiệu cho những gì các cộng đồng khác trên khắp nước Mỹ có thể sẽ sớm đối mặt, theo AP.

Ông cho biết bang sẽ cần thêm 1 triệu nhân viên y tế.

Mỹ viện trợ các nước chống dịch, gồm có Việt Nam

Trong thông báo ngày 27/3 của Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này sẽ chi 274 triệu USD để hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp cho các nước chống dịch. Cụ thể, 210 triệu USD sẽ được hỗ trợ thông qua nguồn quỹ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và 64 triệu USD được Bộ Ngoại giao Mỹ chi cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR).

Trong đó, Việt Nam sẽ nhận gần 3 triệu USD để chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, kích hoạt hệ thống giám sát phát hiện trường hợp khả nghi và dựa trên sự kiện, hỗ trợ chuyên gia trong việc ứng phó và chuẩn bị, truyền thông về rủi ro, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm…

Tại Đông Nam Á, nhiều nước cũng nhận được sự hỗ trợ như Campuchia (2 triệu USD), Indonesia (2,3 triệu USD), Lào (2 triệu USD), Philippines (4 triệu USD) và Thái Lan (1,2 triệu USD). Các nước châu Phi sẽ nhận từ 470.000 USD đến 7 triệu USD để đối phó với dịch.

Mexico tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế

Ngày 30/3, trước diễn biến số ca mắc bệnh và tử vong do dịch Covid-19 ngày một tăng cao, Chính phủ Liên bang Mexico đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia.

Bộ Y tế Mexico cho biết việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế có mục đích làm cho người dân hiểu rõ về dịch bệnh cũng như tầm quan trọng của việc ở nhà và tránh ra đường khi không cần thiết, nhằm giảm tốc độ truyền nhiễm của dịch bệnh và tránh việc hệ thống y tế bị quá tải.

Bộ Y tế Mexico thông báo, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng lên 1.094 người, trong đó có 28 ca tử vong và 2.752 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh

Bộ Y tế Mexico thông báo, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng lên 1.094 người, trong đó có 28 ca tử vong và 2.752 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh

Theo Thứ trưởng Y tế Hugo López-Gatell, hàng loạt các biện pháp được áp dụng ngay nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, gồm đình chỉ ngay lập tức các hoạt động không thiết yếu trong khu vực công và tư nhân cho đến ngày 30/4, không tổ chức các cuộc họp hoặc hội nghị của hơn 50 người và tuân thủ nghiêm các biện pháp dãn cách xã hội.

Ý tiếp tục phong tỏa toàn quốc tới Lễ Phục sinh

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 30/3, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza thông báo Chính phủ sẽ sớm gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc "đến hết lễ Phục sinh năm nay". Ông Speranza không nêu thời gian cụ thể nhưng lễ Phục sinh rơi vào ngày 12/4 tới.

GettyImages-1207670530-Italy-coronavirus

Số ca nhiễm mới tại Ý tiếp tục giảm trong ngày 30/3, đánh dấu ngày sụt giảm thứ 5 liên tiếp. Tổng số ca nhiễm tại Ý hiện tại đã trên 101.000 người, sau khi có thêm 4.050 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua. Số ca tử vong mới là 812 người, nâng tổng số người chết lên 11.591.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định dịch bệnh đang dần đi vào ổn định ở Ý, song cảnh báo 2 tuần tới sẽ là thời gian quyết định thành bại của các biện pháp chống dịch cứng rắn ở nước này.

người đứng đầu chiến dịch chống COVID-19 của tây ban nha nhiễm bệnh

Ông Fernando Simon, người đứng đầu chiến dịch chống Covid-19 của Tây Ban Nha, đã dương tính với căn bệnh này. Ông Simon là người thường xuyên tiếp xúc với Thủ tướng Pedro Sanchez thời gian qua.

Bà Maria Jose Sierra, người thay thế ông Simon, ngày 30/3 cho biết xu hướng dịch tại nước này tiếp tục đà giảm. Trong vòng 24 giờ qua, Tây Ban Nha có thêm 812 người chết, nâng tổng số tử vong lên 7.340. Số ca mắc cũng tăng 8% lên 85.195 người, chính thức vượt qua mốc 82.198 ca mà Trung Quốc công bố.

Chính phủ Tây Ban Nha ngày 30/3 đã cấm tổ chức tang lễ rình rang trong mùa dịch, kể cả các buổi đọc kinh cầu nguyện tại nhà và tối đa chỉ có 3 người được phép tham gia lễ hạ huyệt hoặc hỏa táng.

Séc triển khai thử nghiệm biện pháp cách ly thông minh

Để kiềm chế hiệu quả hơn sự lây lan của dịch bệnh, ngày 30/3, Chính phủ Séc bắt đầu triển khai thử nghiệm kế hoạch “cách ly thông minh” ở vùng Moravia, miền Nam Cộng hòa Séc trước khi quyết định áp dụng trên phạm vi cả nước.

Việc triển khai kế hoạch này được thực hiện với sự trợ giúp của ngân hàng và nhà vận hành mạng điện thoại di động, nhằm xác định danh sách những người đã tiếp xúc với trường hợp có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trong 5 ngày trước đó. Những người trong danh sách này sẽ phải xét nghiệm và cách ly cho đến khi có kết luận về việc có nhiễm bệnh hay không.

CH Séc đến nay ghi nhận 3.001 ca nhiễm Covid-19

CH Séc đến nay ghi nhận 3.001 ca nhiễm Covid-19

Cũng trong ngày 30/3, Chính phủ Séc đã quyết định kéo dài các quy định về hạn chế tự do đi lại và kinh doanh tới ngày 11/4. Bên cạnh đó, tất cả công dân Séc trở về nước từ nước ngoài đều phải thực hiện nghĩa vụ cách ly.

FDA phê chuẩn sử dụng giới hạn thuốc sốt rét trong điều trị COVID-19

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã phê chuẩn sử dụng giới hạn 2 loại thuốc trị sốt rét là chloroquine và hydroxychloroquine trong điều trị khẩn cấp các bệnh nhân Covid-19, theo AFP.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng hai loại thuốc trị sốt rét trên là "món quà của Chúa" mặc dù các nhà khoa học đã cảnh báo những rủi ro trong việc sử dụng các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng bằng thử nghiệm lâm sàng.

Ông Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, cũng kêu gọi công chúng tiếp tục thận trọng cho đến khi các thử nghiệm lâm sàng lớn hơn xác nhận kết quả của các nghiên cứu nhỏ hơn về hiệu quả của các loại thuốc trên.

Lan Oanh - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES