Tây ăn Tết ta

26/12/2012

Hãy cùng chúng tôi theo chân hướng dẫn viên Nguyễn Đình Tuấn và một đoàn du khách Mỹ trong hành trình xuyên Việt ngập tràn sắc màu của Tết.

Bài: Hạnh Kim

Trên nhiều diễn đàn du lịch quốc tế, du khách được khuyên rằng không nên đến Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán. Vào thời điểm này, các cửa hàng đóng cửa, đường phố vắng lặng, các dịch vụ ăn uống ngủ nghỉ đắt đỏ và phương tiện vận chuyển khan hiếm. Tuy nhiên nếu là một người yêu văn hoá thì Tết chính là lúc mà bạn có thể hiểu về Việt Nam sâu hơn bao giờ hết.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Thả cá chép, tiễn Táo Quân

11h trưa ngày 23 tháng Chạp, đầu ngõ nhà bà Tân (thôn Trung, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) rộn ràng tiếng nói cười. Thằng cu Thành chạy vào thưa lớn: “Bà ơi! Các ông bà Tây đến rồi”. Một đoàn khách 12 người nước ngoài tay xách nách mang nào đồ vàng mã, nào hoa quả, nào cá chép đang khom người bước qua cổng gỗ. Bà Tân đã ngoài 70, khuôn mặt hiền lành phúc hậu, đon đả mời khách vào nhà.

Gia đình nhà bà Tân là điểm đến đầu tiên trong hành trình 13 ngày của đoàn. Trước khi đến đây, cả đoàn có ghé qua chợ Bưởi để mua vàng mã và một con cá chép tươi sống còn đang bơi. Tuấn giải thích: Hôm nay là ngày “Tiễn Táo Quân” nên gia đình nào cũng muốn làm một mâm cơm tươm tất và “hoá” một con cá chép to làm phương tiện đi lại cho các Táo lên trời, mong các Táo Quân sẽ tâu những điều tốt đẹp về gia đình mình.

Bà Tân hướng dẫn khách cách đốt vàng mã, xong dẫn mọi người qua bờ sông gần nhà để thả cá chép, sau đó mọi người trở về nhà để dùng cơm trưa. Mỗi hành động của bà đều được Tuấn giảng giải ý nghĩa.

Gói bánh chưng, đón Giao thừa

Ngày 28 tháng Chạp, sau gần 1 tuần, anh Tuấn mời các vị khách về thăm gia đình mình và hướng dẫn cho họ cách gói bánh Chưng. “Tết sẽ chẳng còn hương vị nếu thiếu bánh Chưng. Dù ít, dù nhiều, nhà giàu hay nhà nghèo cũng đều phải có” - Tuấn chia sẻ với các vị khách.

Những hạt gạo nếp tròn mọng được đãi trắng phau đặt trong một chiếc rổ lớn. Đỗ xanh đồ kỹ được vo viên thành từng nắm tròn nhỏ. Thịt ba chỉ thái từng miếng to bằng nửa bàn tay, ướp gia vị cay mùi hạt tiêu. Mười hai vị khách ngồi khoanh chân trên chiếu, lóng ngóng gập chiếc khuôn vuông bằng lá dong theo sự hướng dẫn của Tuấn. Một bát gạo nếp, một nắm đậu xanh, nhân thịt ba chỉ ở giữa rồi lại tiếp tục phủ một nắm đậu xanh rồi kết thúc bằng một bát gạo nếp. “Giống như 3 lớp của trái đất vậy” - Tuấn nói. Xong xuôi anh cùng mọi người xếp bánh vào nồi, đổ nước ngập xâm xấp và bắc lên bếp. “12 tiếng sau mới có thể vớt bánh, sau đó rửa bánh qua nước lạnh, rồi mất khoảng 12 tiếng nữa để nén bánh lại cho đanh”, Tuấn nói tiếp.

Đêm ngày 30 tháng Chạp, không khí Tết hừng hực khắp các nẻo phố Hà Nội dường như chỉ đợi một hiệu lệnh là cùng đồng loạt bung nở. Trời càng về đêm, dòng người đổ về khu vực xung quanh Hồ Gươm càng đông.

Chúc mừng năm mới! Tiếng hò reo rộn ràng tuôn trào theo những chùm pháo hoa đầy mầu sắc. Trong lòng các vị khách lại dâng lên cảm xúc mừng năm mới như khi tiếng đồng hồ đếm ngược của quảng trường Thời Đại ngân vang.

Tuấn cùng các vị khách uống rượu vang và ăn bánh chưng, chiếc bánh mà cách đây 2 hôm họ đã tự tay làm. Phố phường Hà Nội dần dần chìm vào tĩnh lặng.

Tết đa sắc mầu

Trong suốt chuyến đi 13 ngày, các vị khách có cơ hội cảm nhận rõ nét cuộc sống đa sắc màu của người dân Việt Nam. Nếu màu hồng phai của hoa đào rừng là ấn tượng về Tết ở Sapa thì màu đỏ của phong bao lì xì lại đem đến ấn tượng đặc trưng về Tết ở Sài Gòn. Ngày thứ 12 của tour rơi vào mùng 3 Tết, cả đoàn có mặt tại Chợ Lớn (Sài Gòn), khu phố người Hoa lớn nhất tại Việt Nam. Câu đối đỏ, dây duy băng đỏ trăng khắp các con đường nơi đây. Còn tại Hội An, Tết lại rực rỡ sắc màu của những chiếc đèn lồng. Miệt vườn Vĩnh Long vào mùng 4 Tết lại xanh trĩu trái cây. Tết từ Bắc vào Nam không nơi nào giống nơi nào, mỗi nơi đều để lại cho những vị khách một dư vị riêng và khiến họ cảm thấy may mắn khi quyết định đến Việt Nam vào thời điểm này.

Lịch trình tour:

-Ngày 1                            : Đến Hà Nội
-Ngày 2 (23 tháng Chạp) : Đón lễ Táo Quân tại Hà Nội
-Ngày 3                            : Hà Nội City Tour
-Ngày 4, 5, 6                    : Tết tại Sapa
-Ngày 7 (28 tháng Chạp) : Gói bánh Chưng tại Hà Nội
-Ngày 8                             : Hạ Long
-Ngày 9 (30 Tết)               : Đón giao thừa tại Hà Nội
-Ngày 10, 11 (mùng 1, 2 Tết): Hội An
-Ngày 12 (mùng 3 Tết)     : Sài Gòn
-Ngày 13 (mùng 4 Tết)     : Vĩnh Long
-Ngày 14                           : Tạm biệt Sài Gòn

Hướng dẫn viên Nguyễn Đình Tuấn
Công ty du lịch Viet Value Travel
8B/52 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội
Web: www.vietvaluetravel.com

 

RELATED ARTICLES