Thái Lan giới thiệu loại sầu riêng không mùi

20/07/2022

Giống sầu riêng không mùi có phần cơm ngọt và mềm. Loại trái cây này được trồng phổ biến ở vùng đông bắc Thái Lan.

Theo SCMP, giống sầu riêng Pak Chong-Khao Yai, một giống thuộc dòng sầu riêng Mon Thong phổ biến được trồng ở tỉnh Nakhon Ratchasima phía đông bắc Thái Lan, đã được cơ quan chức năng nước này cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Tại hội chợ sầu riêng tại quận Pak Chong, do Tổng cục Du lịch Thái Lan đồng tổ chức, giống sầu riêng này đã được bày bán rộng rãi. Sầu riêng Pak Chong-Khao Yai được miêu tả là ngọt và khô ráo, các múi không bị nát, và quan trọng nhất là không có mùi khó ngửi (đối với nhiều người). Tại hội chợ này, nhiều người nổi tiếng đã tới để ăn thử sầu riêng “không nặng mùi”.

Giống sầu riêng Pak Chong-Khao Yai đã được cơ quan về sở hữu trí tuệ của Thái Lan cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm ngoái. Đây là nhãn áp dụng cho các sản phẩm tương ứng với một vị trí địa lý cụ thể và có các đặc điểm hoặc phẩm chất liên quan đến địa điểm cụ thể đó, ví dụ như whisky Scotland.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Một quầy bán sầu riêng tại Bangkok, Thái Lan.

Một quầy bán sầu riêng tại Bangkok, Thái Lan.

Thái Lan là nước xuất khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới, thu về khoảng 187 tỉ baht (5 tỉ USD) vào năm ngoái trong bối cảnh nhu cầu ở Trung Quốc tăng vọt. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng gấp 4 lần, lên đến 2,3 tỉ USD vào năm 2020, so với năm 2017. Sầu riêng đã vượt qua cherry để trở thành loại trái cây nhập khẩu đứng số 1 về giá trị tại Trung Quốc năm 2019.

Mặc dù sầu riêng được ưa thích ở nhiều nước Đông Nam Á và Trung Quốc, nhưng ở các nước khác thì sầu riêng là loại quả gây nhiều tranh cãi, vẫn là do cái mùi của nó. Năm 2018, một chuyến bay của Sriwijaya Air (Indonesia) đã phải hoãn bay 60 phút sau khi hành khách kêu ca về một mùi “không thể chịu nổi”, hóa ra đó là do mấy túi sầu riêng. Phải đến khi sầu riêng được bỏ hết ra khỏi máy bay thì máy bay mới có thể cất cánh.

Năm 2019, sinh viên và nhân viên ở ĐH Canberra (Úc) đã phải sơ tán vì có “mùi khí độc”, hóa ra là do có sầu riêng được để gần cửa thông khí của thư viện. Đội cứu hộ đã được gọi đến và phải đựng quả sầu riêng này vào một cái túi kín khí để đem bỏ đi. Ở nhiều thành phố, người ta còn cấm mang sầu riêng vào phòng khách sạn hoặc lên các phương tiện giao thông công cộng.

Anh Thi - Nguồn: SCMP
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES