Không khí rộn ràng của lễ hội đã ngập tràn trên mọi nẻo đường thành phố, từ những con phố nhỏ yên bình đến những trung tâm thương mại sầm uất. Tiếng cười nói râm ran, tiếng nhạc xuân rộn rã hòa quyện vào nhau, tạo nên một bản giao hưởng tươi vui chào đón năm mới. Mùi hương đặc trưng của bánh chưng, bánh tét quyện lẫn với mùi hoa mai, hoa đào thoang thoảng trong gió, gợi nhớ đến những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ. Tết Nguyên Đán không chỉ là dịp để sum họp gia đình mà còn là cơ hội để mọi người cùng nhau sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn và gửi gắm những lời chúc tốt đẹp nhất đến nhau.
Sắc xuân bung nở trên những tà áo cổ truyền
Việc "mặc đẹp đón Tết" đã trở thành một phần không thể thiếu trong phong tục truyền thống của người Việt. Sau một quãng thời gian làm việc chăm chỉ, chúng ta chắc hẳn sẽ luôn mong muốn được xuất hiện trước bạn bè và người thân với vẻ ngoài tươm tất, cùng trao cho nhau những lời chúc đầu năm. Như vậy, gắn liền với truyền thống, tà áo dài là một trang phục vô cùng phù hợp cho dịp năm mới, bất kể bạn quyết định gắn bó với chiếc áo truyền thống hay những thiết kế cách tân.
“Trong lịch sử hình thành, phát triển qua những thời điểm quan trọng nhất, áo dài có những cuộc cải biên thành công và không thành công, nhưng giá trị cao nhất của áo dài là luôn luôn đi được cùng với sự biến đổi của thời đại” - (NTK Minh Hạnh). Đất nước càng hiện đại, áo dài lại càng hiện đại theo. Chúng ta có vô vàn sự lựa chọn đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, độ ôm, độ rộng để thử nghiệm và ứng dụng mỗi dịp Tết đến xuân về.
Trong những năm gần đây, người trẻ Việt Nam dần quay lại, dành tình yêu cho những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Áo dài đã trở thành một “tín vật” thân thương, được giới trẻ “diện” trong dịp lễ Tết đặc biệt. Thậm chí, đối với nhiều người, cứ đến Tết là phải có áo dài.
Việc lựa chọn áo dài, Việt phục trong dịp Tết không chỉ thể hiện sự trân trọng đối với những giá trị văn hóa dân tộc mà còn là cách để các bạn trẻ khẳng định bản sắc văn hóa Việt. Vì vậy, mà đối với nhiều cô gái, chàng trai 9x, 10x ngày nay, Tết là phải có áo dài, cổ phục Việt, có đồ trang trí như câu đối đỏ, dây bánh chưng, nhành đào thắm thì mới “đúng chuẩn” là Tết. Tết cứ như vậy, trở thành một mùa mà “nhà nhà, người người” khoe sắc, đón Xuân với những tà áo truyền thống của dân tộc.
Cách tân nhưng không mất bản sắc
Ngày nay áo dài còn là trang phục truyền thống trong những dịp nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng hay trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Đặc biệt, trong những năm qua, áo dài được phụ nữ mặc ngày càng phổ biến ở trường học, công sở, doanh nghiệp; trong các sự kiện quan trọng của đất nước, trên các diễn đàn quốc tế.
Từ “áo dài” của Việt Nam đã được đưa vào từ điển Oxford, được các nghệ sĩ trong và ngoài nước sáng tác thành những tác phẩm nghệ thuật có sức lan tỏa, chứa đựng thông điệp về hòa bình, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Trong những năm gần đây, bằng sự nỗ lực, tinh thần tự hào dân tộc, nhiều nhà thiết kế đã đem đến cho chiếc áo dài những vẻ đẹp mới lạ.
Tuy chưa có văn bản chính thức nào quy định áo dài là quốc phục, nhưng từ xưa đến nay, trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế thì tà áo dài được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa - văn hoá của dân tộc Việt.
Người Việt Nam có tính linh hoạt, nhanh nhẹn bởi điều kiện sinh hoạt khó khăn cùng với vị trí địa lý đắc địa thường xuyên bị các nước khác dòm ngó - GS. TSKH Trần Ngọc Thêm cũng đã đưa ra kết luận trong cuốn “Cơ sở văn hoá Việt Nam". Và theo đó, áo dài cũng linh hoạt bởi trong tâm thức người Việt cũng linh hoạt để ứng dụng các yếu tố mới vào áo dài.
Áo dài truyền thống cũng từng bị lên án nhưng sau nhiều biến đổi thì đã trở thành truyền thống. Đến nay, áo dài nữ được cách tân thành nhiều kiểu dáng đa dạng, về phần áo dài cho nam vẫn chưa có nhiều thay đổi. Cuối cùng, để được gọi là áo dài thì người sáng tạo cần giữ được những đặc điểm tiên quyết như tỉ lệ, cấu trúc,... để phân biệt áo đó với những kiểu áo khác. Nhưng suy cho cùng, tất cả vẫn phải bắt nguồn từ truyền thống, là từ gốc rễ con người, và văn hoá được tạo ra bởi số đông.
Áo dài gắn bó với đời sống của người Việt Nam, là biểu tượng văn hóa truyền thống, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Chính vì vậy, mỗi khi mặc áo dài chính là lúc mỗi phụ nữ Việt Nam đang gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Vẻ đẹp của áo dài vì thế tô điểm thêm vẻ đẹp duyên dáng riêng có của người phụ nữ Việt Nam; đồng thời cũng là một “sứ giả văn hóa” giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Do đó, việc sử dụng cũng như cách tân trang phục này trong suốt chiều dài lịch sử luôn tồn tại những chuẩn mực.