Thế giới của những chú hề: Lưu trữ bản sắc riêng trên vỏ trứng

26/12/2017

Mỗi lĩnh vực sáng tạo đều cần sự chăm chỉ, đào sâu nghiên cứu, nghiêm túc lao động để thành công. Thế giới của những người diễn vai chú hề cũng vậy. Hãy cùng khám phá một phần của thế giới bí ẩn đầy màu sắc đó.

Có một quy tắc bất thành văn đó là các chú hề không nên sao chép mẫu hóa trang của nhau. Mỗi khuôn mặt hề đều là duy nhất. Và để bảo vệ quyền tác giả các mẫu thiết kế khuôn mặt đặc trưng của một chú hề, Clowns International – tổ chức uy tín và lâu đời nhất về những chú hề đã duy trì, lưu giữ sổ đăng kí những gương mặt hề. Thay vì chụp ảnh hay phác họa lớp hóa trang của chú hề thì những chi tiết lại được vẽ lên vỏ trứng và trang trí bằng vòng cổ lông, tóc giả và một chiếc mũ nhỏ được làm từ chất liệu thực.

Bộ sưu tập khuôn mặt chú hề vẽ trên trứng ở Clowns Gallery Musuem- Phòng trưng bày Bảo tàng Hề, London.

Truyền thống này bắt đầu từ năm 1946, Stan Bult – một thành viên của International Circus Clowns Club (Câu lạc bộ hề rạp xiếc Quốc tế) vẽ khuôn mặt chú hề xiếc lên vỏ trứng gà như một sở thích. Bult giữ bộ sưu tập của mình ở nhà và thỉnh thoảng cho các buổi diễn mượn. Ông đã sáng tạo ra khoảng 200 mẫu trong suốt cuộc đời. Thật không may, hầu hết trong số đó bị hủy hoại do sơ xuất nhỏ trong một cuộc triển lãm năm 1960.

Stan Bult vẽ trên những chiếc vỏ trứng.

Vào những năm 1980, người ta bắt đầu vẽ mặt hề lên vỏ trứng trở lại, và cũng chỉ trong thời gian này, nó đã trở thành một loại hình đăng kí không chính thức, nơi Clowns International giữ lại các mẫu hóa trang để tránh bị sao chép. Chỉ những người phát triển được bản sắc riêng mới được vẽ khuôn mặt hóa trang của họ lên vỏ trứng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Phần lớn bộ sưu tập những vỏ trứng vẽ mặt hề được lưu giữ tại Wookey Hole, Somerset, Anh, khoảng 200 mẫu, bao gồm cả 40 mẫu vẽ ban đầu của Stan Bult. Số còn lại được trưng bày ở Nhà thờ Holy Trinity, Dalson và một số nơi khác trên thế giới.

Khoảng năm 1979, lấy cảm hứng từ cách đăng kí này, một cặp đôi đã tạo ra bộ sưu tập riêng của người Mỹ. Hiện bộ sưu tập này chứa hơn 700 mẫu vẽ tay và được lưu trữ không công khai như ở Anh.

Mattie Faint – người quản lý bộ sưu tập tại nhà thờ Holy Trinity, Anh, và cũng là thành viên Clowns International, cảm thấy cách đăng kí này như một cách trân trọng những người biểu diễn hề và trao cho họ sự uy tín khi hoạt động nghệ thuật một cách nghiêm túc, hơn là một quy phạm để thực thi quyền tác giả. Bởi hiếm khi các chú hề sao chép mẫu, họ luôn muốn mẫu của mình thật đặc biệt. Những người có hành vi sao chép sẽ bị cả cộng đồng tẩy chay.

“Việc đăng kí thực tế hoàn chỉnh bao gồm tên nghệ sĩ, tên chú hề, ngày tháng năm sinh và số seri của thành viên đó. Những quả trứng chỉ đơn giản là phần đại diện cho sự đăng kí” – Chris Stone, một thành viên của Clowns International nói.

Một số mẫu hóa trang mặt hề vẽ trên trứng được lưu trữ ở Anh

(Theo AmusingPlanet)

RELATED ARTICLES