Tào Tuấn Linh chia sẻ rằng, "The Mute" là nỗ lực để phơi bày khoảnh khắc khi sự câm lặng có sức mạnh vượt trội, bao trùm lên tất cả, thậm chí còn thấm đượm hơn bất kỳ ngôn từ nào. Bằng một phong cách hội họa theo trường phái biểu hiện, Tào Tuấn Linh đưa người xem vào một không gian tĩnh mịch, trống vắng, nhưng ẩn chứa tiếng vọng mạnh mẽ của những nỗi đau, giằng xé và cảm xúc.
Cuộc đấu tranh hiện sinh trong không gian câm lặng
"The Mute" dẫn dắt người xem qua một hành trình khám phá chiều sâu của tĩnh mịch, nơi con người đối mặt với những xô bồ điên dại của cuộc sống. Trong từng bức tranh, các hình hài méo mó, các gam màu đối lập như biểu tượng cho những cuộc đấu tranh nội tâm không ngừng nghỉ. Tào Tuấn Linh không ngần ngại mô tả quá trình sáng tác của mình là một cuộc hành hương tinh thần, là khi anh "phá vỡ" và "tái cấu trúc" thực tại. Với anh, nghệ thuật biểu hiện không chỉ là phương tiện để mô tả mà là cách để anh hòa mình vào mỗi khoảnh khắc, nắm bắt những cảm xúc thoáng qua nhưng có sức ám ảnh khôn nguôi.
Sơn mài - ngôn ngữ của cảm xúc
Ngôn ngữ của sơn mài, với những đặc tính ngẫu hứng, đòi hỏi sự nhẫn nại và bền bỉ, trở thành một thử thách mà Tào Tuấn Linh đã chọn để biểu đạt những gì anh trăn trở. Sơn mài - loại chất liệu truyền thống khó chi phối, đồng thời lại vô cùng linh hoạt trong việc thể hiện sự biểu cảm phức tạp, tương đồng với tinh thần của hoạ sĩ. Từ lâu được biết đến như một trong những chất liệu truyền thống của Việt Nam, sơn mài ở "The Mute" đã vượt ra khỏi khuôn thước cũ kỹ, tự mình thể hiện những biến hóa đậm chất nghệ sĩ.
"Quá trình làm sơn mài đòi hỏi rất nhiều thời gian, gần như là một sự cam kết không thể chối bỏ giữa người nghệ sĩ và tác phẩm. Sự khó kiểm soát của sơn mài chính là điều khiến tôi bị cuốn hút, nó giống như thể ta đang đối thoại với chính mình qua từng lớp màu, từng nét cọ. Tôi muốn tìm kiếm tiếng nói của mình, thông qua sự tĩnh lặng của chất liệu này", Tào Tuấn Linh chia sẻ.
Trong triển lãm "The Mute", khán giả dễ dàng nhận thấy sự nhẫn nại và khát khao tự do biểu đạt của Tào Tuấn Linh qua từng nét vẽ. Mỗi bức tranh là một sự khám phá, một lần phá bỏ giới hạn của bản thân, để từ đó khai phá những giới hạn mới trong ngôn ngữ nghệ thuật. Những sắc màu trầm lắng đối lập với những hình khối méo mó trong tranh của Tào Tuấn Linh không chỉ đơn giản là những đường nét vô nghĩa mà chính là hình ảnh của cuộc sống hiện sinh, một sự thấu hiểu về những giằng xé, xung đột nội tại.
Tào Tuấn Linh cho biết, "The Mute" là nơi anh muốn truyền tải sự khắc khoải của con người trong cuộc sống hiện đại, nơi những mâu thuẫn giữa bản ngã và xã hội không ngừng hiện diện.
Sự tĩnh lặng - không gian cho mọi âm thanh khởi sinh
Hoàng Lan (21 tuổi, sinh viên trường Đại Học Mỹ Thuật TP.HCM) chia sẻ: "Khi tất cả những thanh âm, dù ngọt ngào hay ồn ào đều đã tắt lịm, đó là lúc sự câm lặng tuyệt đối lên ngôi. Bên trong khoảng câm đó, những tiếng gào thét mới thực sự bắt đầu. "The Mute" không chỉ là một cuộc hành trình nội tại của nghệ sĩ mà còn là lời mời gọi cho người xem cùng hòa mình vào tĩnh mịch, để lắng nghe tiếng nói của chính họ trong sự im lặng".
Đúng như tinh thần ấy, mỗi bức tranh tại "The Mute" như một không gian mở để người xem tự do diễn giải và thả mình vào sự tĩnh lặng. Những lớp sơn mài nhiều màu sắc, những đường nét dứt khoát nhưng đầy tính gợi hình đã tạo nên một trường cảm xúc đa chiều, mời gọi người xem lắng nghe, cảm nhận và kết nối sâu sắc với cảm xúc bên trong mình.
Triển lãm "The Mute" mở cửa đón khách tham quan từ 09:00 - 20:00, thứ Hai - Chủ nhật, 26/10 - 24/11/2024 tại Annam Gallery (371/4 Hai Bà Trưng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM).