Trần Thế Vĩnh yêu thích việc vẽ từ lúc còn rất bé, khoảng 3-4 tuổi đã biết cầm bút, phấn sáp nguệch ngoạc khắp nơi. Trần Thế Vĩnh dành nhiều công phu cho chân dung tự họa, theo nhiều kiểu khác nhau, nếu tính luôn kiểu ký họa - phác họa, đến nay chắc khoảng vài trăm bức. “Bắt đầu từ đâu?” lần này cũng là một chân dung “tự họa” như vậy.
Không chỉ “tự họa”, tại “Bắt đầu từ đâu?”, Trần Thế Vĩnh bày ra 11/12 con giáp, chỉ thiếu con rồng. Theo tín lý Đông phương về 12 con giáp, rồng tuy không có thật nhưng vẫn luôn hiện diện và giữ vị thế cao trong đời sống. Trần Thế Vĩnh có thời gian dài học hành, gắn bó với Huế, nơi những biểu tượng của kinh kỳ vừa là hấp lực, vừa là đè nén lên một chủ thể đang muốn bung phá để sáng tạo. Có thể cố ý, hoặc vô thức, nhưng sự vắng bóng của rồng - một biểu tượng tâm linh và quyền lực - trong “Bắt đầu từ đâu?” là một chọn lựa, dù khó khăn nhưng khá quyết liệt.
Nhà báo Lý Đợi nhận xét về anh: “Dường như Trần Thế Vĩnh chỉ muốn vẽ những thứ cận nhân tình, đời thực, nên chính bản thân cũng bị bóc trần, mâu thuẫn ở nhiều khía cạnh. Đó có thể là một quyến rũ chết người, một bản năng nhục dục, một thuần dưỡng ích kỷ, một kỹ năng vô thức, một cái chết ơ hờ, một mơ mộng viển vông… Nhưng tất cả đều gắn kết với đời sống trần tục này, nên những biểu tượng thanh cao và quyền thế như rồng lại vắng bóng. Trong cõi ta bà nhiều vô cảm và thực dụng như hiện nay, nơi nhiều người chẳng còn thời giờ để tự vấn xem mình là ai, từ đâu đến, đến đây làm gì, thì liệu một biểu tượng như rồng có còn cần và có còn đất sống”.
“Bắt đầu từ đâu?” vừa là câu hỏi của người đi tìm đường, nhưng cũng vừa là câu trả lời cho lý do “Vì sao tôi vẽ?”. Tác giả không quan tâm đến các cặp nhị nguyên như xấu-đẹp, hay-dở, cao-thấp, hơn-thua, mới-cũ..., mà chỉ tìm “sự duy nhất”. Sự tìm kiếm này có thể thành công, hoặc không, nhưng đó là con đường duy nhất.
Trần Thế Vĩnh chia sẻ: “Tôi vẽ chân dung chính mình như một khát khao đi tìm bản ngã, khát khao muốn thấy những gì đằng sau thân xác tạm bợ của mình. Trong các chân dung ấy thường có bóng dáng của những con vật. Hình tượng con vật xuất hiện theo tính đa chiều, mỗi con vật là một biểu tượng cho ý niệm của tôi khi quan sát cuộc sống. Đôi lúc đó là sự hoán đổi cho nhau trong sự hiện hữu nhị nguyên của quy luật cuộc sống”.
Qua năm tháng, sự trải nghiệm cũng lớn dần lên, quan niệm về đời và nghệ thuật cũng theo đó thay đổi. Bút pháp của Trần Thế Vĩnh cũng thế, có khi nhẹ nhàng, hiền hòa, cũng có khi mạnh mẽ, dứt khoát. Đây có thể là những biến động trong tâm trạng, mà cuộc hành trình còn tiếp tục để tìm kiếm một sự ổn định chân thực và dài lâu.
À gallery
46 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM
Từ ngày 19.09 – 01.10.2016