Triển lãm mỹ thuật G8

17/02/2017

Lần đầu tiên nhóm G8 gồm 4 hoạ sỹ Hà Nội và 4 họa sỹ từ TPHCM trưng bày tranh trong một triển lãm chung. Xuất thân khác nhau, hiện làm nhiều công việc khác nhau thuộc lãnh vực mỹ thuật và văn hoá, sử dụng những chất liệu và bút pháp khác nhau, họ tạo nên những tác phẩm thuộc nhiều trường phái, nhưng điểm chung kết nối những thành viên trong nhóm chính là tư duy mỹ thuật và tình yêu với con người và thiên nhiên.

 

Triển lãm khai mạc: 16:30, thứ sáu 24/02/2017 và kéo dài đến hết ngày 02/03/2017 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

 

Nhóm G8 gồm các họa sỹ: Nguyễn Thị Lan Hương, Trần Quang Hải, Bùi Mai Hiên, Trần Thanh Thục, Lâm Thanh, Trần Thuỳ Linh, Thái Vĩnh Thành và Đỗ Đình Cường.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

 

Bốn hoạ sĩ nữ trong nhóm là những người bạn, những đồng nghiệp thân thiết đã nhiều lần cùng nhau tham gia các trại sáng tác, những chuyến đi thực tế và đã bày tranh chung tại nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Sự tương đồng trong tư duy mỹ thuật của họ thể hiện rõ trong các tác phẩm của triển lãm lần này. Những góc rừng Tây Bắc đẹp nao lòng, những cánh hoa dại nhảy múa, cảnh sắc đại ngàn hùng vĩ và cả những suy tư về không gian sống, nội tâm người vẽ…, tất cả đã đi vào tranh của họ một cách thật tự nhiên với mọi cung bậc thăng trầm của cảm xúc, với sự đa dạng của ngôn ngữ ấn tượng (Trần Thanh Thục, Bùi Mai Hiên), trừu tượng và bán trừu tượng (Nguyễn Thị Lan Hương), bán siêu thực (Trần Thùy Linh). Không chỉ là ngợi ca thiên nhiên, những bức tranh ấy mang tới cho người xem những khát khao, những mơ ước, những trăn trở thầm kín… qua từng nét cọ, nét bay, collage của chất liệu tổng hợp, những vệt chảy của màu acrylics, những mảng sáng tối của chất liệu vải hay sự trong suốt đến không ngờ của sơn dầu. Sôi động bên bình yên, dịu dàng bên dữ dội, u hoài hay hiện đại, nữ tính và cá tính…đôi khi hiển hiện song hành trong những tác phẩm có cùng một đề tài hay cùng một chủ thể được chọn để biểu đạt cảm xúc. Điểm chung nhất của họ là sự “tung tẩy” trong bút pháp và trong không khí “phiêu du” mà họ tạo ra trong những tác phẩm có đề tài giản dị tưởng như đã quen thuộc, mà vẫn không kém phần lôi cuốn.

 

Bốn hoạ sĩ nam lại là bốn cá tính khác biệt, không hẹn mà cùng bày tranh theo đề tài Nữ giới. Mỗi người theo một cách rất riêng của mình, họ cùng nhau tạo nên một thế giới ”Người Nữ”, như hư, như thực, một cách rất đàn ông. Nếu như bút pháp mềm mại và đặc thù của chất liệu lụa giúp HS Lâm Thanh tạo nên những thiếu nữ như bước ra từ quá khứ, nuột nà ngọc ngà như tiên đồng ngọc nữ bên những bông sen tinh khiết, nude mà không chút gợi dục, thì những người đàn bà của HS Trần Quang Hải lại mang một vẻ đẹp đầy ma mị, đầy khiêu khích, đậm cá tính trong một không gian siêu thực, sâu thăm thẳm nhờ những lớp sơn ta. Tranh của Đỗ Đình Cường với chất liệu tổng hợp và Thái Vĩnh Thành với acrylics là một cái gì đó rất đặc trưng của giới nữ Việt thời hiện đại. Những cô gái của Thành nude mà vẫn kín, vừa hiện đại vừa truyền thống, gần gũi, nhờ cách xử lý bề mặt và tạo hình đặc trưng của hoạ sĩ. Những người Nữ của các hoạ sĩ đàn ông ấy là những thế giới khác biệt đầy phong phú nhưng đều ăm ắp nội tâm. Không khí trong những tác phẩm không chỉ đến từ vẻ đẹp lồ lộ từ những đường cong, mà còn đến từ không gian được tạo dựng bởi những bút pháp tinh tế và phong cách hội hoạ rất riêng của mỗi người.

 

Vào cửa tự do

 

RELATED ARTICLES