Trong lòng sa mạc Mông Cổ

20/08/2014

Đi trong sa mạc Gobi giữa những cơn gió đêm thổi lên một cách lạnh lùng, xuyên qua những chiếc lều Yurt truyền thống lạnh đến thấu xương, tôi và người bạn đồng hành Karen sống trong điều kiện không nước, không điện và thiếu thốn mọi thứ. Nhưng trải nghiệm đáng giá mà chúng tôi nhận được sau chuyến đi ấy là cách sống trên sa mạc theo kiểu du mục rất đặc trưng của người Mông Cổ từ ngàn xưa.

Bài và ảnh: Nguyễn Chí Linh

Tôi và anh bạn Karen, một giáo viên người Anh, quyết định mua tour từ thủ đô Ulaanbaatar để đi vào sa mạc Gobi bằng xe Jeep để sống đời du mục của người Mông Cổ khi xưa. Đi cùng chúng tôi là cô Gana - hướng dẫn và bác tài Burmaa. Gana mất khoảng 1 tiếng cho việc mua sắm thức ăn từ siêu thị chuẩn bị cho chuyến đi.

Kỳ thú những “Grand Caynon” trong sa mạc cổ

Gana luôn liên thoắng hỏi chúng tôi có biết về Thành Cát Tư Hãn không. Với cô và những người Mông Cổ, ông là người hùng vĩ đại và là vị cha già của dân tộc. Tất cả các loại tiền giấy đều in hình của ông như là một sự thành kính. Gana cho biết, chính sa mạc Gobi đã chắt chiu nuôi dưỡng để vó ngựa kiêu hùng của Thành Cát Tư Hãn lướt qua những vùng đất khác nhau trên con đường chinh phục Á – Âu.

Sa mạc Gobi là một trong 5 sa mạc lớn nhất trên thế giới và là sa mạc lớn nhất châu Á. Trải từ Bắc xuống Namkhoảng 800km và từ Tây Nam sang Đông Bắc khoảng 1.600km, Gobi là một trong những sa mạc lạnh nhất trên thế giới. Vào mùa đông, sa mạc thường được phủ lớp sương mù dày đặc huyền ảo và các đỉnh núi thường được phủ đầy tuyết trắng. Nhiệt độ đôi khi xuống thấp khoảng -30 độ. Vào mùa hè, khí hậu ấm áp hơn. Điều đặc biệt làm cho Gobi luôn khác biệt với các sa mạc còn lại là nhiệt độ có thể thay đổi một cách nhanh chóng trong một ngày tạo nên nhiều mùa khác nhau, theo lời cô Gana.

Bầu trời không một chút gợn mây như tấm lụa xanh khổng lồ vắt ngang, mặt trời tỏa sáng mang đến những tia nắng ấm áp làm giảm bớt cái lạnh từ những cơn gió sa mạc thổi lên. Chúng tôi ghé qua thành phố Erdenedalai sau một ngày rong ruổi từ thủ đô Ulaanbaatar. Erdenedalai là thành phố nằm về phía nam của Mông Cổ và là cửa ngõ để đi vào sa mạc Gobi. Đó là vùng đất pha lẫn giữa những đồng cỏ mênh mông và sa mạc hoang vu. Gana đưa chúng tôi đi xem những phiến đá được trồi lên từ sa mạc và được cắt theo nhiều dạng hình thù khác nhau, đặc biệt những phiến đá với hình dáng những quả trứng.

Tôi ngắm nhìn những phiến đá trồi và thầm ví những tảng sa thạch đó là những đứa con được sinh ra từ nhà nghèo bởi chúng không được đẹp và nổi tiếng như Cappadocia của Thổ Nhĩ Kỳ hay Grand Canyon của xứ cờ hoa nước Mỹ. Nhưng không, nó vẫn đẹp và đẹp theo kiểu chân chất, thật thà của người Mông Cổ. Nó vẫn reo ca tháng ngày với những đồng cỏ ngọt ngào quanh nó và trên những đồng cỏ ấy vẫn còn âm vang tiếng vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn vĩ đại trên những nẻo đường chinh phạt.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Người ta nói rằng, đá là một vật vô tri vô giác, không có linh hồn. Nhưng không, ở sa mạc Gobi, chúng phút chốc bỗng hóa linh hồn theo vết khắc giao thoa giữa bóng tối và ánh sáng.

Sự hoạt động của núi lửa không chỉ mang đến cho con người một lượng lớn đất bazan đầy màu mỡ để canh tác và trồng trọt, mà còn để lạicảnh quanthiên nhiên kỳ thú. Người ta thường dùng từ “hoodoo” để gọi những tảng đá có hình thù khác nhau được tạo thành bởi sự hoạt động của núi lửanằm trong các sa mạc hay những vùng nóng và khô.

Các “hoodoo” thường là những khối đá cao và biến thiên từ khoảng cao bằng đầu người cho đến cao khoảng một tòa nhà 10 tầng. Trên các “hoodoo”, thường có những đường xoắn mỏng nằm trên đỉnh. Đỉnh của các “hoodoo” thường được cấu tạo bởi lớp đá trầm tích cứng và ít bị xói mòn bởi các yếu tố khác nên các “hoodoo” luôn đứng vững một cách chắc chắn theo thời gian.

Các nghiên cứu về địa chất cũng đã chỉ ra rằng, các “hoodoo” thông thường được cấu tạo bởi một lớp đá dày được tạo thành bởi núi lửa (lớp đá này do bụi của núi lửa phun ra kết dính với nhau tạo thành); bên ngoài lớp đá này được bao bọc bởi một lớp mỏng đất bazan hay những lớp bụi đá khác do núi lửa phun ra. Chính lớp đất đỏ bazan hay lớp bụi đá bao bọc bên ngoài giúp cho “hoodoo” ít bị xói mòn bởi thời gian và bởi các yếu tố khác như mưa, gió, ánh sáng, nhiệt độ,… Do được hình thành bởi hoạt động của núi lửa nên trong “hoodoo” chứa rất nhiều khoáng chất. Chính các khoáng chất này làm cho “hoodoo” có rất nhiều màu sắc khác nhau theo ánh sáng mặt trời và màu sắc này tùy thuộc rất nhiều vào độ cao của các “hoodoo”.

Những hôm sau, Gana đưa chúng tôi đi sâu vào sa mạc ở vùng Tsagaansuvarga, Bagagazariinchuluu hay Bayanzag mà nơi đó các “hoodoo” được hình thành. Cả tôi và Karen vô cùng thích thú khi được ngắm nhìn và lang thang vòng quanh những “hoodoo” ở các hình dạng khác nhau: những búp măng non, những cây nấm, những ống khói của các lâu đài trong truyện cổ tích hay những hình người đang ngồi… Chúng có những màu sắc khác nhau trong ánh hoàng hôn hay khi bình minh lại đến. Sự say mê của tôi đến nỗi quên mất những cơn gió lạnh lúc hoàng hôn hay bình minh chợt ập đến trên các vách đá cheo leo.

Rồi trên những ngọn núi cao đó, một vài giếng nước nho nhỏ được tạo thành bên trong lòng đá. Gana gọi đó là nước Thánh và múc cho chúng tôi thử qua. Theo quan niệm của những người địa phương, việc uống hay rửa đôi mắt bằng nước Thánh giúp con người sống trường thọ và tinh thần minh mẫn hơn.

Trải nghiệm cuộc sống trong hoang vu sa mạc

Bác tài xế Burmaa cứ phăng phăng điều khiển tay lái một cách mượt mà cho xe lao đi giữa sa mạc rộng lớn. Điều làm cho tôi và Karen luôn thắc mắc là tại sao bác có thể định vị được đường đi một cách dễ dàng dù chẳng có một dấu hiệu giao thông nào giữa những đồng cỏ hay những đồi cát hoang vu. Bác Burmaa cho biết, với những người sống lâu trong sa mạc, họ định vị đường đi theo hướng mặt trời và các vì sao trên trời. Riêng bác Burmaa định hướng đường đi bằng cách nhìn theo hình dáng của những ngọn núi và các ngôi đền thờ tâm linh của người Mông Cổ được chất bằng đá trên núi cao. Chỉ cần nhìn thấy và đi theo những ngôi đền đá, bác sẽ biết gần đó sẽ là một ngôi làng hay thị trấn.

Chúng tôi nghỉ đêm trong những túp lều truyền thống của người Mông Cổ được gọi là Yurt. Những chiếc lều màu trắng bên ngoài trông rất đơn giản nhưng được thiết kế đầy màu sắc và khá đẹp bên trong. Hầu hết mọi sinh hoạt, ăn uống… đều diễn ra ở lều chính của chủ nhà, những lều khác chỉ dành cho du khách qua đêm. Bên trong Yurt được chia ra thành 2 phần, tay trái là chiếc giường ngủ cùng với một chiếc bàn nhỏ dành cho ông chủ gia đình, phía bên tay phải là chiếc giường ngủ cùng với chiếc bếp dành cho bà chủ. Nối khoảng trống giữa 2 khu nam nữ là chiếc bàn thờ dành cho tổ tiên và tôn giáo tâm linh. Phía trước bàn thờ là một chiếc bàn nho nhỏ dành cho sinh hoạt chung nhưkhi ăn cơm hay uống trà. Chiếc lò với ống khói to nằm ngay cửa ra vào để nấu ăn hàng ngày, đồng thời đóng vai trò là lò sưởi vào mùa đông.

Cứ mỗi buổi chiều, nếu không đọc sách, tôi và Karen tham gia cùng với chủ nhà, cắt xén lông lạc đà và lông cừu. Bác Bataar, chủ nhà ở ở vùng Tsagaansuvarga chia sẻ: nước và điện là 2 yếu tố quan trọng và gần như là cả nguồn sống cho lối sinh hoạt tự cung tự cấp trong sa mạc. Nghề cổ truyền của những người địa phương là chăn nuôi gia súc trên những đồng cỏ bạt ngàn. Khi tìm được nguồn nước ngầm, cuốc sống du canh du cư trở thành định cư.

Những mớ lông lạc đà được bện lại, nhét vào các tấm nỉ để tạo thành các mái vòm hay những vách xung quanh của Yurt. Lông cừu được dệt thành những áo len ấm áp hơn vào mùa đông và phân của gia súc được lượm lặt phơi khô làm chất đốt khi nấu nướng và cũng là chất sưởi khi thời tiết thay đổi. Ngựa và lạc đà là phương tiện vận chuyển nước từ mạch nước ngầm về Yurt để tồn trữ. Những nhà khá giả hơn thì mua bình ắc quy về để xem tivi hay thắp sáng đèn để uống trà chuyện trò vào mỗi buổi tối. Những chiếc điện thoại được treo vắt vẻo trên mái vòm của Yurt để có thể nhận sóng.

Tôi cũng học qua được cách rửa chén siêu tiết kiệm nước của người Mông Cổ bằng cách sử dụng thật nhiều khăn lau sau một lần rửa qua nước sạch. Karen là người có nhiều kinh nghiệm đi vào sa mạc hơn tôi bằng cách mang theo khá nhiều đồ dùng hữu ích trong điều kiện không có nước: khăn giấy ướt để lau mặt vào mỗi sáng hay nước dùng để súc miệng được chế biến thành dạng keo lỏng hay đèn cầy để đọc sách vào ban đêm. Sống trong điều kiện thiếu thốn nhiều thứ, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình hạnh phúc bởi quan trọng hơn tôi đã có được những trải nghiệm về cuộc sống du canh du cư của người Mông Cổ.

Những ngày vui rồi cũng trôi qua. Sống trong điều kiện thiếu thốn nhiều thứ, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình hạnh phúc bởi quan trọng hơn tôi đã có được những trải nghiệm về cuộc sống du canh du cư của người Mông Cổ.Và tôi nghĩ rằng, chính lối sống đó đã giúp những vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn có thể xoay sở tình thế trên đường chinh phục Á – Âu thuở xưa.

Thông tin thêm:

+ Khai thác đường bay từ TP.HCM hay Hà Nội đến Ulaanbatar có 2 hãng hàng không : Air China và Korean Air. Korean Air là sự chọn lựa tốt bởi thời gian quá cảnh chỉ 12 tiếng so với Air China 22 tiếng.

+ Thời tiết ở Ulaanbatar rất khắc nghiệt và thay đổi đột ngột, một ngày có thể có nhiều mùa, vì vậy cần kiểm tra tình trạng của các chuyến bay trước khi khởi hành.

+ Hầu hết du khách đều phải mua tour để đi vào sa mạc Gobi. Giá tour tùy thuộc vào số lượng người tham gia. Giá biến động từ 50USD – 80USD/người/ngày.

+ Đơn vị tiền tệ của Mông Cổ là Tughrik (MNT). Có thể đổi tiền tại các ngân hàng địa phương với tỷ giá 1 USD = 1.825MNT

+ Thủ đô Ulaanbatar không quá lớn và các điểm tham quan nằm khá gần nhau, du khách có thể đi bộ để tham quan : Chùa Ganda, quảng trường Sukhbaatar, Bảo tàng nghệ thuật Zanabazar, bảo tàng quốc tế, cung điện mùa hè Bogd Kahn…

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES