Về bến tre lênh đênh miền sông nước

10/08/2012

Dương Thủy
So với các tỉnh miền Tây Nam bộ, Bến Tre là vùng đất có nhiều giai thoại cùng đặc sản rất riêng của xứ này là dừa. Vào một ngày cuối tuần, vẫy tay chào “thị thành ta rời bỏ”, chúng tôi về Bến Tre lang thang sông nước, du ngoạn quê hương cụ Đồ Chiểu.

Từ TP.HCM, hơn 1 giờ xe chạy, các địa danh Long An, Tiền Giang lần lượt trôi qua để rồi hiện ra chiếc cầu Rạch Miễu bắc từ bờ Tiền Giang, Bến Tre đã ở ngay trước mặt. Chào đón tôi là hình ảnh liền liền của các cửa hàng trưng bày những đặc sản xứ này như bánh dừa, kẹo dừa, chuối ép, chuối xào dừa, bánh phồng Sơn Đốc, tôm đất cùng đủ loại quà tặng khác từ dừa.

Vì sao xứ sở có tên là Tre nhưng lại trồng toàn dừa? Quảng - chàng hướng dẫn viên có thâm niên hơn 20 năm trong nghề - kể một giai thoại: Từ lâu, vùng đất này được thành hình chủ yếu do 3 cù lao lớn là cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa, các cù lao nhờ hứng phù sa màu mỡ của sông Mekong mà tạo nên vùng đất này. Xứ này do nằm sát biển nên phù sa bị gió thổi đùn lên thành những giồng đất cao, nhấp nhô trông như những ngọn sóng đất. Do nằm kẹp giữa sông và biển nên đất giồng còn nhuộm thêm vị mặn của khoáng chất và pha vị “bùi” của hạt bùn ngầu đục phù sa, vì thế thổ nhưỡng ở đây vô cùng phì nhiêu màu mỡ, canh tác cây trái gì cũng ngon ăn. Nghe truyền miệng rằng trên đường lưu lạc từ Quảng Đông trốn chạy triều đình Mãn Thanh để đến phương Nam, một vị tướng nhà Minh tên là Dương Ngạn Địch khi đi ngang Bình Định ở miền Trung biết cây dừa có nguồn lợi dinh dưỡng cao và là nguồn nước ngon ngọt quý hiếm, ông đã chất dừa trái đầy các tàu làm nguồn nước kiêm thức ăn dự trữ. Được chúa Hiền chấp thuận cho định cư trong vùng đất của các thổ dân Thủy Chân Lạp tại Kompong Ruusei, tiếng Khmer cổ nghĩa là Sóc Tre, sau này người Việt gọi trại thành Bến Tre. Ông đã trồng dừa  trên vùng đất này. Dần dần, cây dừa đã lan mạnh và trở thành một loài cây đặc trưng của xứ Sóc Tre!

Đến làng Phú Chánh, chúng tôi thả bộ thăm một lò gạch có độ tuổi ước chừng hơn thế kỷ nằm lặng lẽ bên bờ sông xanh mát. Theo lời người dân địa phương, công việc làm gạch vốn dĩ dành cho nam nhưng ở đây, lao động nữ lại chiếm hơn 70%. Suốt ngày, các chị phải làm việc vất vả trong môi trường nắng mưa cùng khói bụi với đồng lương ít ỏi. Vị ngọt từ trái dừa trên tay tôi chợt trở nên chan chát khi nghe câu chuyện cảm động về những phụ nữ xứ dừa.

Chúng tôi tiếp tục lên một chiếc thuyền gỗ nhỏ. Lần lượt, chiếc thuyền lênh đênh đưa chúng tôi vào những kênh rạch mát xanh ngan ngát bóng dừa nước dày đặc như những cánh tay chào đón khách phương xa, gió lồng lộng thổi trên mặt sông làm tất cả đều thơ thới. Xuyên dài đầu vàm sông đi sâu vào bên trong, cảnh vật thanh bình hiện ra đẹp như tranh với màu xanh của dừa nước chen vài cây bần rũ bóng, tất cả uốn mình trong làn gió như làm dáng khoe mình với đất trời. Cảnh vật yên ả cùng hòa quyện vào nhau tạo thành một không gian trong lành mát dịu.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Chiếc thuyền lênh đênh đưa chúng tôi vào những kênh rạch mát xanh ngan ngát bóng dừa nước dày đặc như những cánh tay chào đón khách phương xa, gió lồng lộng thổi trên mặt sông. Đi sâu vào bên trong, cảnh vật thanh bình hiện ra đẹp như tranh với màu xanh của dừa nước chen vài cây bần rũ bóng, tất cả uốn mình trong làn gió như làm dáng khoe mình với đất trời.

Chỉ tôi xem những dụng cụ mà người dân Bến Tre chuyên dùng để bắt cá, Quảng cho biết người dân địa phương nhìn hình dáng các dụng cụ và gọi một tên khác nhau như: đóng đáy, làm rập, đặt dớn, 12 cửa ngục, đăng lưới, ghe chày… Vào đợt những con nước rong (khoảng ngày 15 hoặc 30 âm lịch), khi thủy triều xuống, dọc những kinh rạch này sẽ bắt gặp người dân len lỏi trong những hàng dừa nước ven sông,rạch để bắt cá bống dừa trú ẩn. Chẳng biết con cá bống có ăn dừa hay không nhưng tôi bảo đảm với bạn, món cá bống dừa kho tiêu của Bến Tre thì ngon nhức răng, ăn một lần là nhớ hoài.

Thuyền ngừng để ghé vào tham quan một cơ sở làm dừa. Sau màn làm quen với gia đình chủ nhà, chúng tôi đều tròn mắt khi xem các công nhân lột dừa, đập dừa lấy nước, cạy cơm dừa nhanh thoăn thoắt không ngơi nghỉ. Thật đáng nể khi được biết mỗi công nhân mỗi ngày lột tới 1.800 trái. Hì hục học lột dừa, tất cả đều chào thua vì không ai có thể tách xơ ra khỏi trái nổi. Đúng là trăm hay không bằng quen tay!

Rong ruổi tiếp cuộc hành trình, thuyền đưa chúng tôi đến chợ Nhơn Thạnh. Tạm biệt anh lái thuyền với nụ cười chân chất, chúng tôi thả bộ tham quan làng nghề dệt chiếu khá nổi tiếng ở Bến Tre. Tường - anh trưởng đoàn - mời tất cả lên chiếc xe lôi máy mang dáng dấp khá lạ mắt. Cả đoàn xe bon bon đưa chúng tôi băng qua những đường làng râm mát, bóng dáng vườn cây ăn trái, ruộng lúa, khu vườn, liếp rau màu lần lượt vùn vụt qua mặt. Hơn nửa giờ vi vu, chúng tôi ngừng lại tiếp tục cuộc hành trình sông nước, nhưng lần này lại bắt đầu trên một chiếc thuyền gỗ oai phong có tên gọi Le Jarai.

Ngắm chiếc thuyền gỗ với đẳng cấp 4 sao, Tường đăm chiêu kể lại cách đây 16 năm, khi khảo sát hạ lưu sông Mekong, các nhà đầu tư du lịch đã nhận ra vùng hạ lưu mênh mông sông nước với nét văn minh miệt vườn sẽ là điểm nhấn độc đáo cho du khách các châu lục đến khám phá miền quê Tây Nam bộ. Vì thế, một đôi tàu gỗ có dáng dấp như chiếc ghe bầu đầy đủ tiện nghi và an toàn đã được sinh ra trên đất Bến Tre. “Đôi uyên ương” này với ước vọng sẽ là những chú vịt bầu khổng lồ bơi chầm chậm chở du khách lênh đênh trên dòng sông hùng vĩ nhưng cuối cùng, chúng phải chia tay nhau vì một phải về Cần Thơ và một phải phiêu bạt lên Châu Đốc. Và nay, tàu Le Jarai sau gần 16 năm phiêu bạt lại trở về chốn cũ.

Le Jarai như chú vịt bầu khổng lồ bơi chầm chậm chở du khách lênh đênh trên dòng sông Hậu hùng vĩ

Chầm chậm, tàu bềnh bồng trôi lênh đênh trên sông, gió mát lồng lộng thổi, những hàng cây bần xanh xanh mát mắt cứ dần đi qua mặt chúng tôi. Lúc này, bữa ăn tươi ngon cũng vừa được các nhân viên bày lên bàn. Bữa cơm thật ngon với các món ăn dân dã miệt vườn như gỏi bưởi, gỏi cuốn, canh chua cá kho cùng ly nước cam ngọt lịm.

Hơn 2 giờ lênh đênh, thuyền êm trôi qua đoạn sông dài rồi dần cập bến. Phút giây vui chơi trên sông nước Mekong cũng bước vào hồi kết. Tạm biệt những cô phục vụ Le Jarai với nụ cười duyên. Một thoáng ngẩn ngơ chợt lắng đọng trong tâm trí khi rời xa hình ảnh những mái tóc - hàng dừa xanh thẳm chải vào con sông nặng trĩu phù xa.

-----------------------------------------------

 

 

Thông tin thêm:

+ Hiện tại du lịch sông nước Bến Tre với “Le Jarai tour” được công ty du lịch Buffalo thiết kế độc quyền. Tour có giá khoảng 2.600.000VNĐ/ người

+ Du lịch Bến Tre, bạn có thể mua các sản vật từ dừa như kẹo dừa, mứt dừa và bánh dừa rất ngon và lạ

+ Nếu muốn du lịch bụi, bạn có thể tự đi bằng xe gắn máy và ô tô riêng. Giá nhà trọ khoảng 300.000 VND/phòng hai người.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES