Về miền Tây, thưởng thức 5 đặc sản "ngon hết sảy"

09/10/2023

Đặc sản miền Tây không chỉ là những món ăn dân dã với nguyên liệu thiên nhiên thuần túy mà còn là những thức quà được chế biến theo công thức đặc trưng.

Miền Tây đâu chỉ có cảnh quan tuyệt sắc, nơi đây còn sở hữu thiên đường ẩm thực phong phú và mới lạ. Với thế mạnh về đất đai và nguồn nước, Tây Nam Bộ sở hữu riêng cho mình nhiều loại thực phẩm đa dạng từ lúa gạo, cá tôm, rau xanh và trái cây, người dân nơi đây luôn sáng tạo ra nhiều món đặc sản không nơi nào có.

Canh chua cá linh nấu bông điên điển

Mùa nước nổi miền Tây không chỉ tạo nên khung cảnh sông nước mênh mông hữu tình mà còn mang đến nguồn sản vật dồi dào cho người nông dân. Một trong những đặc sản miền Tây được nhiều người yêu thích nhất đó là canh chua cá linh bông điên điển, món ăn dân dã mà gây thương nhớ cho nhiều du khách gần xa. Ai đến miền Tây mà chưa nghe qua câu ca dao:

Canh chua điên điển cá linh

Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon

Một điều khiến món ăn đặc sản miền Tây - canh chua cá linh nấu bông điên điển hấp dẫn khách du lịch bởi cá linh và bông điên điển đều là những nguyên liệu chỉ có vào mùa nước nổi, tức là khoảng tháng 8 âm lịch hằng năm. Cá linh mềm béo kết hợp với bông điên điển ngon ngọt, bùi bùi. Gắp một đũa cá với rau rồi chấm cùng nước mắm mặn mặn cay cay, xới miếng cơm trắng thì còn gì bằng.

Canh chua cá linh nấu bông điên điển - món ăn mang hơi thở của người miền Tây sông nước.

Canh chua cá linh nấu bông điên điển - món ăn mang hơi thở của người miền Tây sông nước.

Lẩu mắm

Lẩu mắm là món ăn đặc sản vô cùng dân giã nhưng lại tạo được ấn tượng mạnh cho du khách mỗi lần thưởng thức khi có dịp ghé thăm miền Tây. Nguyên liệu chính được làm từ mắm sặc hay mắm cá linh ở xứ Châu Đốc - An Giang, nước lẩu được nấu từ mắm với nước dừa hoặc nước hầm xương heo. Lẩu mắm thường được ăn kèm với bún tươi cùng các loại rau đậm chất miền Tây như: bông súng, điên điển, rau nhút…

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Quả không ngoa khi nói lẩu mắm Châu Đốc là một trong những đặc sản trứ danh của An Giang. Có lẽ, vùng sông nước mênh mông này đã sản sinh ra nhiều loại cá tôm, đa dạng các loại rau xanh tươi ngon và người dân thì khéo léo, sáng tạo. Chính vì thế mà món lẩu mắm cũng trở nên thơm ngon, độc đáo, gây ấn tượng trong lòng thực khách nhiều hơn.

Lẩu mắm - món ăn nổi tiếng mà du khách nào ghé thăm miền Tây cũng muốn thưởng thức.

Lẩu mắm - món ăn nổi tiếng mà du khách nào ghé thăm miền Tây cũng muốn thưởng thức.

Hủ tiếu Sa Đéc

Nghề làm bột gạo ở Sa Đéc có truyền thống trên 100 năm. Người dân nơi đây chuyên sản xuất bánh phở, bún, hủ tiếu xuất khẩu nước ngoài.

Sự đặc biệt của hủ tiếu Sa Đéc nằm ở những sợi bún trắng mịn, mềm mại, không bở, và không có vị chua. Cho dù bạn là người bình dân hay đến những nhà hàng lớn, hủ tiếu ở Sa Đéc luôn mang một hương vị đặc trưng khó lòng tìm thấy ở nơi khác, nhờ vào nguồn nguyên liệu phong phú cùng kinh nghiệm chế biến qua nhiều thế hệ. Hủ tiếu khô là món được ưa chuộng tại địa phương.

Hủ tiếu khô Sa Đéc là món ăn được ưa chuộng của người dân địa phương.

Hủ tiếu khô Sa Đéc là món ăn được ưa chuộng của người dân địa phương.

Theo những tiệm ẩm thực lâu đời, người Việt từng sinh sống ở Campuchia đã mang về Sa Đéc một phong cách ẩm thực độc đáo, biến hủ tiếu khô thành món ngon với nước sốt đặc biệt, vừa chua vừa ngọt, nhưng vẫn giữ được hương vị bản xứ đặc trưng.

Bún cá Châu Đốc

Bún cá Châu Đốc từ lâu đã trở thành biểu tượng ẩm thực của An Giang. Không du khách nào đặt chân đến An Giang mà không một lần thưởng thức hương vị độc đáo của món ăn này - nước dùng ngọt ngào, thơm mùi ngải bún, cùng những miếng cá vàng ươm, làm bừng tỉnh mọi giác quan.

Bát bún cá này có nước dùng màu vàng tươi của nghệ, ngọt ngào từ nước ninh cá và xương heo. Cá phải luôn tươi ngon, được ướp gia vị đúng lượng và thêm nghệ để không có mùi tanh. Nước lèo phải thật ngọt ngào, chỉ khi đó, bát bún cá đặc sản miền Tây này mới thực sự ngon miệng.

Tô bún cá hội tụ đủ những đặc sản miền Tây.

Tô bún cá hội tụ đủ những đặc sản miền Tây.

Nhưng điều quan trọng nhất nhì trong nồi nước dùng chính là củ ngải bún. Củ này có hình dáng và màu sắc khá tương đồng với củ nghệ tươi. Tuy nhiên, củ ngải bún mang một mùi thơm nhẹ, không quá mạnh như các loại gia vị khác. Sau khi rửa sạch, củ ngải bún được nghiền nhuyễn kèm với nghệ tươi, rồi được vắt lấy nước cốt. Sự góp mặt của ngải bún không chỉ tạo nên hương vị thơm ngon của nước dùng mà còn giúp loại bỏ mùi tanh đặc trưng của cá.

Bánh tét Trà Cuôn

Người miền Bắc và miền Trung đón năm mới với bánh chưng truyền thống, thì người miền Tây lại có nồi bánh tét đượm nồng.

Bánh tét ở miền Tây có nhiều loại khác nhau, bao gồm bánh tét truyền thống, bánh tét lá cẩm và trong số đó có bánh tét Trà Cuôn. Sự đặc biệt của mỗi loại bánh nằm ở việc lựa chọn nguyên liệu, cách gói bánh và quy trình luộc. Để tạo nên những chiếc bánh tét ngon, người thợ sử dụng nếp sáp, thịt ba rọi ướp thơm và đậu xanh.

Khi cắt một chiếc bánh tét Trà Cuôn, bạn sẽ bị cuốn hút ngay bởi lớp vỏ nếp màu xanh đậm, bao bọc bên ngoài lớp nhân đậu xanh vàng ươm. Bên trong hòa quyện của vị dẻo mềm từ nếp, vị bùi của đậu xanh, và béo ngậy của thịt mỡ, trứng muối cùng tôm khô. Khi đặt miếng bánh vào miệng và cắn nhẹ, hương vị tuyệt vời này sẽ khiến bạn nhớ mãi không thôi.

Bánh tét Trà Cuôn nhiều hương vị mặn ngọt cùng đa dạng màu sắc khác nhau.

Bánh tét Trà Cuôn nhiều hương vị mặn ngọt cùng đa dạng màu sắc khác nhau.

Hà Mai Trinh - Nguồn: Tổng hợp
RELATED ARTICLES