Vì sao càng lớn ta lại càng khó chấp nhận những điều mới mẻ?

21/06/2021

Dù một người cởi mở đến đâu, cũng đều có những ranh giới niềm tin riêng của họ. Tâm lý con người luôn kháng cự những điều mới, vượt xa môi trường quen thuộc của họ.

Bởi tâm trí luôn muốn bảo vệ chúng ta khỏi những điều xa lạ, khi chúng ta cố gắng thử những điều mới, sự chống cự trong tâm lý càng trở nên mạnh mẽ. Sức đề kháng tâm trí nói rằng: “Cái này là mới, tôi không tin tưởng nó".

Đó là lý do vì sao càng lớn, người ta càng có xu hướng bảo thủ hơn và khó chấp nhận những thứ mới. Cũng như cách tư duy, những thói quen thuần thục, người ta không muốn thay đổi hay tiếp nhận những kiến thức mới.

Empty

Vì sao sự cởi mở cần thiết trong thời đại này?

Đại dịch Covid-19 vừa qua đã nhấn mạnh rằng không có gì là ổn định; nó thay đổi lối sống, cách giao tiếp và rất nhiều những hành vi của con người. Nhiều việc làm dần biến mất và một số công việc phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là thương mại điện tử (e-commerce). Ngoài ra, những nghề nghiệp mà thế hệ trước của chúng ta không hề biết đến như: Influencer, chuyên viên SEO, Facebook Ads, Youtuber, Life Coach, kinh doanh Online, xe ôm công nghệ, báo/tạp chí mạng... tăng lên đáng kể.

Khoa học - Công nghệ phát triển không ngừng, máy móc dần thay thế con người làm nông/công nghiệp sản xuất. Vừa qua, đài MBN - Hàn Quốc đã gây bất ngờ khi phát sóng chương trình đầu tiên do AI (trí tuệ nhân tạo) làm MC dẫn thời sự; thậm chí các trường đại học Việt Nam đã có chuyên ngành Trí tuệ Nhân tạo. Nhưng không vì điều đó mà con người sẽ “thất nghiệp", máy móc có trí tuệ (intelligence) cao cấp hơn con người, nhưng nó vẫn không có (ít nhất ở thời điểm hiện tại) một thứ mà con người rất thành thạo, đó là nhận thức (consciousness).

MC trí tuệ nhân tạo dẫn chương trình thời sự của đài MBN

MC trí tuệ nhân tạo dẫn chương trình thời sự của đài MBN

Cởi mở từ những điều nhỏ nhất

Dù có những thứ đã ăn sâu vào tiềm thức nhưng không phải bất khả thi để thay đổi. Trong cuốn sách Sức mạnh của thói quen - tác giả Charles Duhigg nói rằng: "Nhà vô địch không làm những điều phi thường. Họ làm những việc bình thường, nhưng như một bản năng, đủ nhanh để đối thủ không kịp phản ứng lại. Đó là do họ tuân theo những thói quen mà họ đã học được".

Thói quen của ta là thứ ta trở thành. Cho nên, hãy bắt đầu thay đổi bản thân bằng những thói quen nhỏ nhặt, bạn sẽ thấy kết quả kỳ diệu như thế nào.

Bí quyết thành công của

Bí quyết thành công của "kình ngư nước Mỹ" - Micheal Phelps là thói quen luyện tập

tính thích nghi: Khả năng bẩm sinh của con người

Vì não bộ luôn có sự kháng cự những điều mới mẻ, thói quen cũng vì thế mà khó thay đổi.

Theo một bài viết của ScienceDaily, khi lặp đi lặp lại một việc nào đó, não bộ sẽ hình thành Myelin - chất bao bọc các dây thần kinh và có khả năng gia tăng sức mạnh, tốc độ và độ chính xác của việc đó. Càng lặp lại hoạt động, hành vi hay công việc, các vòng Myelin xung quanh nơron thần kinh đảm nhiệm các vai trò khác nhau càng được hình thành nhiều hơn. Khi bạn liên tục thực hành giao tiếp tiếng Anh, các dây thần kinh sẽ được bao bọc bởi rất nhiều Myelin giúp bạn trở nên lưu loát và không còn mất thời gian tìm ngữ pháp hay chia động từ.

Tâm lý kháng cự những điều mới cũng một phần là do Myelin, vì việc tạo ra Myelin chỉ xảy ra một chiều; nên những thói quen, cách suy nghĩ, hành vi mà chúng ta đã xem như “nhà” sẽ khó thể nào phá vỡ. Để thay đổi thói quen, ta không thể nào phá huỷ nó, ta chỉ có thể chuyển hoá nó. Cách duy nhất là hình thành những lớp Myelin mới xung quanh các nơron thần kinh mới bằng cách lặp đi lặp lại một hành vi mới. Như nghiện thuốc lá, người nghiện khó bỏ thuốc hoàn toàn trong những ngày đầu, họ chuyển hoá bằng thói quen nhai kẹo gum hoặc thậm chí một loại kích thích khác như vape hay cà phê… Hay việc phát âm tiếng Anh sai trong khoảng thời gian dài, người học phải ý thức lỗi sai và bắt đầu thực hành thói quen mới trong một tần suất nhất định.

Empty

“Những người tài giỏi trong mọi lĩnh vực, từ ca sĩ, cầu thủ, vận động viên, học giả, cho đến các thợ lành nghề đều có lượng Myelin trung bình cao hơn ở các bán cầu não và những nhóm cơ phù hợp so với người bình thường không làm trong lĩnh vực ấy” (Mật mã tài năng nổi tiếng, Daniel Coyle).

Ta có thể thấy, tạo ra Myelin bằng sự kiên trì, thuần thục một thói quen tích cực giúp ta đạt thành công trong cuộc sống. Vì giai đoạn hình thành Myelin sẽ có dấu hiệu chững lại ở độ tuổi 50, cho nên nếu chúng ta vẫn duy trì một thói quen nhàm chán, độc hại hay sản sinh Myelin cho một việc không có giá trị; ta sẽ lãng phí tuổi trẻ trong vô nghĩa.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Không phải vì tôi thông minh, mà vì tôi gắn bó với những vấn đề nan giải lâu hơn.

Albert Einstein

Một nghiên cứu đã phát hiện ra tiểu thuỳ đỉnh trái của bộ não Einstein tuy có số lượng nơron trung bình như người bình thường; nhưng bù lại lượng tế bào thần kinh đệm sản xuất Myelin cực kỳ cao. Có lẽ mỗi người đều có khả năng thiên bẩm riêng, nhưng những kỹ năng mà ta thiếu có thể trở nên thành thạo và tài giỏi đều dựa vào ý chí, nghị lực và sự kiên trì của chính chúng ta.

4 giai đoạn để học bất kỳ điều gì

Việc bắt đầu một thói quen mới cũng có thể áp dụng vào mô hình học tập đã được thiết lập và phát triển từ thập niên 70 (bởi Martin M. Broadwell - Management Trainer và Gordon Training International). Dưới đây là 4 giai đoạn để học bất kỳ điều gì, theo Mindtools.

Sự bất lực vô thức (unconscious incompetence)

Giai đoạn này là khi ta không có khả năng hoặc bộ kiến thức về một sự việc. Thậm chí, chúng ta cũng không nhận thức được những kiến thức và kỹ năng đó có thể sẽ đem lại lợi ích cho chúng ta về sau.

Ví dụ: Một đứa trẻ không nhận ra sự tiện ích của việc chạy xe 2 bánh, hoặc các nhà bán lẻ không nhận ra tiềm năng của thương mai điện tử trước khi Covid-19 ập đến.

Chúng ta luôn không biết những điều chúng ta không biết. Nhưng con người lại hay có xu hướng từ chối hiểu những điều mới mẻ. Mọi cá nhân cần nhận ra sự kém cỏi của bản thân và phải tìm được lý do, giá trị của kỹ năng mới thì mới có thể bước vào giai đoạn tiếp theo. Độ dài thời gian một người ở trong giai đoạn 1 tỉ lệ nghịch với độ cởi mở, tò mò và kích thích học của họ.

Ý thức sự bất lực (conscious incompetence)

Giai đoạn của đau đớn và sự tự ái. Ở giai đoạn thứ 2, chúng ta nhận ra lý do để học một kỹ năng mới cũng như giá trị của nó cho khuyết điểm bản thân. Người ta chỉ thật sự muốn học khi thấy được lợi ích của việc học chúng. Nhưng ở khoảng thời gian này; sự kém cỏi, những sai lầm sẽ được biểu thị lên rõ nhất khiến ta cảm thấy bản thân không đủ giỏi và dễ bỏ cuộc.

Ví dụ: Tập lái xe 2 bánh, chúng ta từng vấp ngã rất nhiều lần. Hoặc những thực tập sinh cũng phải mắc sai lầm để học được văn hoá công ty.

Thực tế, những lỗi lầm là thiết yếu, vì có nó chúng ta mới biết thứ cần học, để điều chỉnh và thay đổi bản thân. Cuộc sống này cũng như đi trên một chiếc xe đạp, để tiến về trước thì ta phải chuyển động không ngừng

Năng lực ý thức (conscious competence)

Giai đoạn khi ta đã hiểu và thực hiện được một kỹ năng hay một vấn đề; nhưng vẫn cần sự tập trung nhất định mới có khả năng trình diễn tốt. Phương Tây thường có câu “practice makes perfect" (tạm dịch: thực hành tạo nên sự hoàn hảo), ta cần phải thực hành rất nhiều ở giai đoạn này để kiến thức trở nên nhuần nhuyễn và đi sâu vào tâm trí. Thực hành nhiều giúp tạo ra những lớp Myelin cho nơron thần kinh.

Ví dụ khi mới giao tiếp tiếng Anh, nhiều người thường ấp úng vì não cần tải lượng kiến thức lớn như: cách chia thì, ngữ pháp, từ vựng, phát âm, ngữ điệu, phản xạ với người khác... Khi đã giao tiếp đủ nhiều, ta sẽ nói chuyện một cách lưu loát và phản xạ nhanh hơn mà không suy nghĩ.

Ở giai đoạn 3, con người mất năng lượng khá nhiều vì phải luôn có sự tham gia của ý thức để thực hiện kỹ năng mới; chẳng hạn luôn phải nhận thức những lỗi sai.

Năng lực vô thức (unconscious competence)

Để đạt được giai đoạn 4, một cá nhân phải thực hành kỹ năng rất nhiều mà ở tâm lý học gọi là đi sâu vào tiềm thức. Khi các nơron thần kinh đã được bao bọc lớp Myelin đủ nhiều và giúp bộ não nhạy bén trong việc tiếp thu và phát huy những kỹ năng khác nhau từ những kỹ năng đã thành thục, nó trở thành bản năng thứ hai (second nature), ta sẽ làm nó dễ dàng và có thể làm một kỹ năng khác tại cùng thời điểm.

Ví dụ vừa đi xe 2 bánh vừa nghe điện thoại.

Chúng ta biết rõ và thân thuộc với nó đến mức ta còn không nhận thức được rằng ta đang làm nó. Điều này dẫn đến một mâu thuẫn giữa 2 trạng thái vô thức (giai đoạn 1 và 4). Người ở giai đoạn 4 xem hoạt động như một thói quen tự nhiên và không nhận thức rõ cách để thực hiện nó; còn người ở giai đoạn 1 vẫn chưa nhận thức làm thế nào để hoạt động. So sánh giữa những phụ huynh khi hỏi về cách sử dụng điện thoại với thế hệ công nghệ - người sử dụng nó thuần thục đến nỗi vừa đi vừa bấm điện thoại trong vô thức. Vì có những trạng thái vô thức như nhau, nên thường xảy ra những xung đột. Cho nên chìa khoá là hãy cởi mở; chúng ta không có những trải nghiệm như họ và họ cũng không thể biết hết những điều chúng ta đã trải qua.

Empty

“Bát nhã”

Trong Phật Giáo có một khái niệm là: Bát Nhã.

Bát-nhã là danh từ phiên âm có nghĩa: Trí huệ, Huệ, Nhận thức. Có nghĩa là trí tuệ nhưng không phải do suy luận hay kiến thức logic đem lại, mà là thứ trí tuệ của sự hiểu biết một cách toàn triệt, không mâu thuẫn. Nói cách khác, mỗi người trong chúng ta đều có nhận thức - trí tuệ. Kiến thức chỉ là những vật phẩm mà ta sẽ thu nhặt trên đường đời. Trí huệ là sự hiểu chuyện, sự cởi mở, sự thông thái, minh mẫn, nhận thức cao. Cho nên hãy ý thức rằng đại dương kiến thức ngoài kia là vô tận, hãy mở lòng rồi ta sẽ nhận thấy nhiều điều sâu rộng.

Võ Khánh Duy - Nguồn: ScienceDaily, Mindtools
RELATED ARTICLES