Việt Nam không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã

01/06/2016

Ngày 1/6, tại Hà Nội, Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức họp báo nhân kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới 5/6 với chủ đề: “Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã”.

Buổi họp báo có sự hiện diện của đại diện từ Bộ Công An, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tổng cục Hải quan Việt Nam cùng với Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và đại diện của Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC). Các cán bộ cấp cao từ ba cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam và đại diện đến từ các cộng đồng quốc tế đều hưởng ứng lời kêu gọi Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã và cùng nhau thảo luận về việc hệ thống tư pháp hình sự của Việt Nam đã và đang làm như thế nào để đấu tranh với loại tội phạm này.

 

 

Toàn cảnh sự kiện

Ngày mùng 5/6 hàng năm được lựa chọn là Ngày Môi trường thế giới, và ngày này giúp các quốc gia trên thế giới nâng cao nhận thức về những thách thức môi trường cụ thể. Ngày Môi trường thế giới năm nay tập trung vào cuộc chiến chống lại buôn bán động thực vật hoang dã trái phép. UNODC tổ chức họp báo nhằm nhấn mạnh những tác động lớn hơn của tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã, mà cụ thể là tác động mang tính phá hủy của loại tội phạm này đối với luật pháp và sự ổn định xã hội, đồng thời hỗ trợ những nỗ lực thực thi pháp luật của Việt Nam hiện nay trong việc giải quyết vấn nạn này. Buổi họp báo được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình phòng chống tội phạm vi phạm luật bảo vệ rừng và loài hoang dã toàn cầu của UNODC.

 

 

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định “Buôn bán loài hoang dã trái phép đang đưa các nhóm loài tới bờ tuyệt chủng, đồng thời đặt ra những nguy cơ về môi trường, kinh tế, phát triển và an ninh”. Bà cũng cho biết thêm “Đây là vấn đề cực kỳ nguy cấp không chỉ đối với Việt Nam, mà còn mang tính toàn cầu, và Liên  Hợp Quốc tại Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã”.

Săn bắt, vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ động thực vật hoang dã trái phép đang là một vấn nạn cấp bách và ngày càng ảnh hưởng đến hàng loạt các loài động vật có vú, bò sát, chim, côn trùng, động vật lưỡng cư, và nhiều loài trong số này nằm trong nhóm bị đe dọa trên toàn cầu. Tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã là một ngành thương mại với lợi nhuận tỷ đô ở cấp toàn cầu và hoạt động của tội phạm có tổ chức đang khiến nhiều loài rơi vào tuyệt chủng, đồng thời phá hủy tài nguyên thiên nhiên một cách tàn khốc chưa từng có trong lịch sử.

Việt Nam đang từng bước thực hiện cam kết trong việc đấu tranh chống lại tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã, trong đó có việc tăng cường bắt giữ các sản phẩm có nguồn gốc hoang dã trái phép. Từ năm 2010 đến năm 2015, cơ quan hải quan đã thu giữ khoảng 55.200kg tê tê, 18.000kg ngà voi, và hơn 235kg sừng tê giác từ các lô hàng phi pháp; trong số đó có vụ bắt giữ lớn nhất từ trước đến nay tại cảng Tiên Sa ở Đà Nằng vào năm ngoái với hơn 3 tấn ngà voi, 120kg sừng tê và 4 tấn vẩy tê tê được cất giấu trên 3 lô hàng.

Quốc hội Khóa 13 năm 2015 đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi với các nội dung được củng cố và tăng mức hình phạt đối với tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã; và vào tháng 11 năm 2016, Việt Nam sẽ đứng ra tổ chức Hội nghị Quốc tế về Buôn bán động thực vật hoang dã - Đây là một sự kiện cực kỳ quan trọng nhằm chứng minh những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc hành động mạnh mẽ hơn nữa chống lại tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã.

Tuy nhiên, UNODC cũng lưu ý rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm dù Việt Nam cho đến nay đã thực hiện hàng loạt những nỗ lực nhằm cải thiện luật pháp, tăng cường thực thi pháp luật, và giảm nhu cầu tiêu thụ động thực vật hoang dã. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có một vài vụ tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã được truy tố thành công tại các tòa án Việt Nam bởi thực tế còn tồn tại rất nhiều các thách thức ví dụ như công tác chuẩn bị và đưa ra chứng  cứ chưa đầy đủ, các lỗ hồng luật pháp, và hệ thống luật còn yếu kém. 

 

 

Ông Chris Batt, Quản lý Văn phòng UNODC tại Việt Nam, Cố vấn khu vực về phòng chống Rửa tiền và Tại trợ khủng bố UNODC 

Ông Chris Batt – Cố vấn khu vực về phòng chống Rửa tiền, Quản lý Văn phòng UNODC tại Việt Nam khẳng định “Tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã là loại tội phạm xuyên quốc gia nghiêm trọng và loại tội phạm này cần một ứng phó cấp bách hơn nữa về mặt thực thi pháp luật”. Ông cũng nhấn mạnh thêm “Những nỗ lực tiếp theo của Việt Nam được hưởng lợi từ các cuộc điều tra liên ngành, việc sử dụng hệ thống chống rửa tiền và hệ thống tình báo tài chính để lập bản đồ và vô hiệu quá các mạng lưới buôn bán, nâng cao năng lực của các cán bộ thực thi pháp luật để xử lý buôn bán trái phép tại biên giới và các cửa khẩu vào Việt Nam, và tận dụng tối đa các mức phạt tăng lên nhằm ngăn chặn tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã.”

 

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó trưởng phòng tham mưu, Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục hải quan) phát biểu

“Để tăng cường hiệu quả hoạt động phòng, chống tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ động thực vật hoang dã quý hiếm trong thời gian tới, lực lượng Công An sẽ triển khai thực hiện quyết liệt có hiệu quả các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 liên quan đến tội phạm buôn bán động, thực vật hoang dã. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Hải Quan, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển… và các lực lượng Cảnh sát các nước và các tổ chức quốc tế hoạt động bảo vệ động thực vật hoang dã; tăng cường trao đổi thông tin, và kinh nghiệm trong công tác đấu tranh với loại hình tội phạm này.” Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công An cho biết.

Cuối cùng, Ông Chris Batt kêu gọi tất cả mọi người cùng chung tay ngăn chặn làn sóng ngày một gia tăng của vấn nạn buôn bán động thực vật hoang dã. “Mỗi chúng ta, ai cũng có một vai trò trong cuộc chiến này, từ cán bộ làm luật, cảnh sát, nhân viên hải quan, kiểm sát viên và thẩm phán, doanh nhân tới từng công dân. Chúng ta phải nâng cao nhận thức rằng tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã là một loại tội phạm có ảnh hưởng tới mọi cá nhân và không một ai trong chúng ta dung thứ cho loại tội phạm này. Đã đến lúc coi tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã là nghiêm trọng trước khi quá muộn.”

 

RELATED ARTICLES