10 cuốn sách đưa bạn vào những chuyến phiêu lưu kì thú

06/10/2021

Cứ phải ở mãi trong nhà, không thể đi đâu xa hay biên giới nhiều nước vẫn đóng cửa? Hãy mở một cuốn sách và dấn thân vào cuộc phiêu lưu khắp đất trời ở mọi miền thế giới, từ chuyện làm bạn với đức Đạt Lai Lạt Ma ở vùng đất Tây Tạng linh thiêng, đến chuyến vượt biển Thái Bình trên chiếc bè tre Việt Nam.

Du lịch không phải lúc nào cũng có nghĩa là dịch chuyển (về mặt địa lý). Những cuốn sách có thể chứng minh rằng, bạn không cần vé máy bay hay một chiếc xe bốn bánh để vùi mình vào chuyến phiêu lưu. Hãy đọc một cuốn sách, khám phá thế giới, và tiếp tục những chuyến hành trình của tâm trí.

Dưới đây là 10 cuốn sách với chủ đề "Vòng quanh thế giới", do Biên tập viên của các tạp chí du lịch quốc tế gợi ý, sẽ mở ra những cuộc phiêu lưu mà bất kì ai cũng có thể tham gia - ngay cả khi bạn đang cuộn tròn trên giường ngủ.

Một cuốn sách về những cuộc di cư (A Book of Migrations) - Rebecca Solnit, 1997

Đây là câu chuyện về một chuyến đi bộ dài ngày của tác giả ở miền Tây Ireland, và câu chuyện ấy cuối cùng đã dẫn đến những suy ngẫm về sự dịch chuyển với các phong trào văn hoá, tâm lý, cá nhân riêng biệt. A Book of Migrations (Một cuốn sách về những cuộc di cư) đã dựng lên một mô hình thu nhỏ về những đợt xâm lược, xâm chiếm thuộc địa, di cư, đời sống du mục và văn hoá du lịch của con người. Chuyến hành trình ấy bước trên chặng đường xuyên suốt lịch sử, văn hoá và vẻ đẹp phong cảnh đất nước Ireland.

Bìa cuốn sách A Book of Migrations

Bìa cuốn sách A Book of Migrations

Bảy năm ở Tây Tạng (Seven Years in Tibet) - Heinrich Harrer, 1953

Cuốn sách thực ra là một bản tự truyện về trải nghiệm của chính Heinrich Harrer từ năm 1944 đến 1951 ở Tây Tạng, khi ông vẫn còn là một vận động viên leo núi người Áo giữa lúc Thế chiến thứ 2 bùng nổ. Ông trốn thoát khỏi một trại tù binh chiến tranh của Anh ở Ấn Độ và rồi xây dựng một tình bạn gắn bó lạ thường với đức Đạt Lai Lạt Ma. Heinrich viết trong cuốn sách, “Dù sống ở bất cứ nơi nào, tôi đều cảm thấy nhớ ngôi nhà Tây Tạng. Tôi thường nghĩ rằng mình vẫn có thể nghe thấy tiếng kêu của ngỗng hoang và sếu, cùng tiếng đập cánh của chúng khi bay qua Lhasa dưới ánh trăng trong vắt, lạnh lẽo. Mong muốn chân thành của tôi là câu chuyện này có thể mang lại những hiểu biết về một dân tộc có ý chí sống kiên cường mà đã giành được rất ít sự đồng cảm từ một thế giới lãnh đạm".

Phim Bảy năm ở Tây Tạng, phát sóng năm 1997

Phim Bảy năm ở Tây Tạng, phát sóng năm 1997

Ở Patagonia (In Patagonia) - Bruce Chatwin, 1977

Khi còn nhỏ, Chatwin tìm thấy một mảnh da dày trong ngăn tủ của bà mình. Người lớn nói rằng đó là miếng da của một con khủng long ở Patagonia. Chính điều ấy đã truyền cảm hứng cho nhà văn, nhà báo trẻ, và nhiều năm sau đó, anh lên đường du lịch đến vùng cực nam của Nam Mỹ. Chuyến hành trình đã mở ra vô số những câu chuyện về tên cướp khét tiếng Butch Cassidy, và về những người nhập cư xứ Wales tại vùng đất này.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Bìa cuốn sách In Patagonia, bản năm 1988

Bìa cuốn sách In Patagonia, bản năm 1988

Vào trong hoang dã (Into the Wild) - Jon Krakauer, 1996

Mở đầu bằng cái chết của nhân vật chính trong một chiếc xe buýt bỏ hoang nơi núi rừng hẻo lánh, tác phẩm viết dựa trên câu chuyện có thật về Christ J. McCandless (hay Alexander Supertramp như anh tự gọi mình). Hơn hai mươi tuổi đời, gia đình khá giả, học vấn cao và một tương lại rộng mở phía trước, anh tặng toàn bộ số tiền tiết kiệm 25.000 USD cho quỹ từ thiện, bỏ lại xe hơi và gần như tất cả mọi tài sản của mình, đốt cháy tiền mặt trong ví rồi đơn độc cuốc bộ vào miền đất hoang dã phía bắc ngọn núi McKinley. Trong tấm postcard gửi người bạn Wayne Westerberg của mình, McCandless viết, “Nếu chuyến phiêu lưu này nguy hiểm đến tính mạng và anh không bao giờ nghe được tin tức gì từ em nữa, em muốn anh biết rằng anh là một người tuyệt vời. Giờ em đi vào miền hoang dã đây. Alex”.

Christ McCandless và chiếc xe buýt bỏ hoang

Christ McCandless và chiếc xe buýt bỏ hoang

Brazil phiêu lưu ký (Brazilian Adventure) - Peter Fleming, 1933

Nhiều người biết đến Ian Fleming - cha đẻ của huyền thoại James Bond 007 - nhưng ít ai biết đến một người có ảnh hưởng quyết định đến sự ra đời của James Bond. Đó là nhà văn, nhà du khảo, đại úy tình báo Peter Fleming, anh trai của Ian Fleming. Năm 1932, Peter bắt đầu những chuyến du khảo viết sách khi ông đọc được một mẩu quảng cáo trên tờ The Times, chiêu mộ người cho chuyến du khảo về những dòng sông ma quái ở miền Trung Brazil. Sau một năm tham gia hành trình, ông viết cuốn sách nhan đề Brazilian Adventure, kể về cuộc săn lùng nguy hiểm trong khu rừng rậm Brazil dài gần 5.000 km để tìm hiểu về số phận của một nhà thám hiểm người Anh đã mất tích.

Một bài báo trên tờ The Times về Peter Fleming và cuốn sách Brazilian Adventure - Ảnh: @geogrimo

Một bài báo trên tờ The Times về Peter Fleming và cuốn sách Brazilian Adventure - Ảnh: @geogrimo

Hai vạn dặm dưới đáy biển - Jules Verne, 1870

Đây là một cái tên đã quá đỗi quen thuộc, đến nỗi khi nghe nhắc đến nó ở bất cứ bài viết "đề cử" nào, người ta cũng có thể nghĩ rằng thật thừa thãi. Nhưng cuốn sách này tự nó xứng với những lời khen ngợi ấy. Hai vạn dặm dưới đáy biển là một cuốn tiểu thuyết giả tưởng, nhưng nó sống động và mang đậm dấu ấn hiện thực, là cánh cửa dẫn đến một chuyến phiêu lưu ly kỳ dành cho bất cứ thế hệ độc giả nào. Bước vào thế giới đại dương sâu thẳm trong Hai vạn dặm dưới đáy biển, là tham gia vào những chuyến đi săn lạ lùng, bước lên hành trình thoát khỏi vây cá mập, chạy trốn những người thổ dân, khai thác kim cương, khám phá những vùng đất mới và cuối cùng là mắc kẹt trong núi băng ở Bắc Cực…

Cuốn Hai vạn dăm dưới đáy biển của Nhà xuất bản Văn học

Cuốn Hai vạn dăm dưới đáy biển của Nhà xuất bản Văn học

Ở Ethiopia với một con la (In Ethiopia With a Mule) - Dervla Murphy, 1968

Lạc giữa một đầm lầy, dùng chung bữa tối với những người dân vùng cao lạ kỳ hay chiến đấu với bọn cướp - đó đều là những trải nghiệm của nhà văn du lịch nổi tiếng Dervla Murphy trong chuyến đi dài 1.600 km xuyên quốc gia Ethiopia. Ông đi một mình, chỉ mang theo một chiếc ba lô nặng 13 cân rưỡi và một con la có tên là Jock.

Bìa cuốn sách In Ethiopia With a Mule, bản năm 2003

Bìa cuốn sách In Ethiopia With a Mule, bản năm 2003

Tây Du ký - Ngô Thừa Ân, thập niên 1590

Không có bằng chứng trực tiếp còn tồn tại cho biết tên tác giả của Tây Du ký, nhưng tác phẩm này vẫn thường được cho là của tác giả Ngô Thừa Ân. Đây là cái tên không ai không biết, và đa phần mọi người gắn bó với bộ phim Tây Du ký, chứ không phải với cuốn sách có tên trong bốn tác phẩm vĩ đại nhất của văn học cổ điển Trung Hoa. Cuốn tiểu thuyết này không chỉ là một câu chuyện về chuyến hành trình đi đến Ấn Độ lấy kinh của bốn thầy trò Đường Tam Tạng, mà còn chứa đựng vô vàn những ý nghĩa và triết lý mà đến nay người đời vẫn còn chưa thể hiểu hết.

Phim Tây Du Ký, phát sóng năm 1986

Phim Tây Du Ký, phát sóng năm 1986

Đất rừng phương Nam - Đoàn Giỏi, 1957

Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ, Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm. Bé An - nhân vật chính của cả câu chuyện - như một người dẫn đường rẽ lối cho người đọc đến với vùng đất phương Nam, từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang - Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau. Ở đó, con người sống trong cả một đất trời thiên nhiên hùng vĩ, với cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài...

Bìa cuốn Đất rừng phương Nam, Nhà xuất bản Văn học

Bìa cuốn Đất rừng phương Nam, Nhà xuất bản Văn học

Bè tre Việt Nam du ký: 5500 dặm vượt Thái Bình Dương - Tim Severin, 2014

Ngày nay, nếu ai đó nói với bạn rằng, cách đây hàng nghìn năm, cư dân Trung Hoa và Đông Nam Á đã vượt Thái Bình Dương trên những chiếc bè được làm bằng tre với không một tấc sắt, liệu bạn có tin không? Năm 1991, để chứng minh giả thiết gây tranh cãi này của nhà Đông phương học Joseph Needham, nhà thám hiểm, nhà sử học và nhà văn Tim Severin quyết định tái hiện hải trình năm xưa. Bè tre Việt Nam du ký là cuốn hồi ký về chính Tim Severin cùng thủy thủ đoàn, trên hành trình vượt Thái Bình Dương bằng một chiếc bè tre. Chuyến đi ấy không chỉ là một câu chuyện lạ thường, mà còn đưa ra một viễn cảnh độc nhất, rằng điều gì sẽ xảy ra khi các lý thuyết lịch sử được đưa ra thử nghiệm tới nơi tới chốn.

Cuốn Bè tre Việt Nam du ký: 5500 dặm vượt Thái Bình Dương

Cuốn Bè tre Việt Nam du ký: 5500 dặm vượt Thái Bình Dương

An - Ảnh: Internet
RELATED ARTICLES